Header Ads

  • Breaking News

    Vì sao Đảng CS chọn Võ Văn Thưởng tân chủ tịch nước?

    Theo như thông lệ, bí mật về ứng viên được Đảng Cộng sản Việt Nam chọn làm tân Chủ tịch nước, nhưng bộ máy Đảng và Nhà nước tại Hà Nội đã nêu danh ông Võ Văn Thưởng - ủy viên Bộ Chính trị, khiến ông Võ Văn Thưởng trở thành tân chủ tịch nước sau khi tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước sau kỳ họp bất thường lần thứ 4 Quốc hội khóa XV sáng 2/3 tại tòa nhà Quốc hội.


    Ông Võ Văn Thưởng tại lễ tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước Việt Nam sau khi được hơn 98% số phiếu bầu của Quốc hội trong một phiên họp bất thường ở Hà Nội hôm 2/3.
    Ông Võ Văn Thưởng hôm 2/3 tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước Việt Nam để thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc, người bất ngờ từ chức khi chưa hết nhiệm kỳ hồi tháng 1 trong những biến động chính trường chưa từng có tiền lệ giữa chiến dịch truy quét tham nhũng ngày càng sâu rộng.

    Trong một phiên họp bất thường, Quốc hội Việt Nam, thường được xem là “nghị gật”, bầu chọn với hầu hết số phiếu khi 487/488 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành để chọn vị thường trực Ban bí thư Đảng làm tân chủ tịch nước, một vai trò chủ yếu mang tính lễ nghi nhưng nằm trong nhóm bốn lãnh đạo có quyền lực chính trị hàng đầu ở Việt Nam.



    Chức chủ tịch nước đã bị khuyết và được bà Võ Thị Xuân Ánh tạm giữ sau khi ông Phúc bị buộc phải từ chức hồi giữa tháng 1 vì “chịu trách nhiệm” liên quan đến vụ bê bối Việt Á, một đại án trong chiến dịch “đốt lò” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

    Trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội với tư cách là tân chủ tịch nước, ông Thưởng cho biết ông sẽ “kiên quyết” tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng.

    “Tôi, chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xin tuyên thệ tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó,” ông Thưởng nói tại lễ tuyên thệ hôm 2/3 do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì được truyền thông nhà nước đăng tải.

    Ông Thưởng được coi là thân cận với ông Trọng, nhân vật quyền lực nhất của Việt Nam và là người dẫn dắt cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng kể từ khi giành được nhiệm kỳ thứ hai làm tổng bí thư vào năm 2016.

    Ông Trọng, người từng kiêm nhiệm chức chủ tịch nước khi ông Trần Đại Quang qua đời năm 2018, được xem là đang muốn tìm người kế nhiệm mình trên cương vị tổng bí thư Đảng mà hiện ông đang đảm nhiệm trong nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp chưa từng có tiền lệ. Vị tổng bí thư 78 tuổi này được cho là có thể từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2026.

    Tổng bí thư thường được chọn từ một trong những nhà lãnh đạo trong nhóm “tứ trụ” của Việt Nam, trong đó còn gồm chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội và thủ tướng chính phủ.

    'Chuyển giao quyền lực êm thấm'

    Việc ông Thưởng được chọn làm chủ tịch nước sẽ giúp việc chuyển giao quyền lực của ông Trọng trở nên êm thấm sau khi việc này đã không diễn ra theo ý muốn của người đứng đầu Đảng hồi Đại hội 13, theo nhận định của Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak.

    “Ở Đại hội 13 năm 2021, các dàn xếp ở giới lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam đã không diễn ra đúng như kế hoạch, cụ thể là Đảng đã không thống nhất được việc lựa chọn một ứng cử viên thay thế Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở lại thêm nhiệm kỳ thứ 3 là trái với Điều lệ Đảng,” TS Hiệp cho biết.

    Nhà nghiên cứu của ISEAS, có trụ sở ở Singapore, cho rằng sự dàn xếp sau Đại hội 13, trong đó ông Trọng ở lại thêm một nhiệm kỳ trong khi ông Phúc, từ thủ tướng chuyển sang làm chủ tịch nước dù đã quá tuổi, và ông Phạm Minh Chính, từ vị trí trưởng ban Tổ chức Trung ương lên thẳng chức thủ tướng, còn ông Vương Đình Huệ, một ứng cử viên thủ tướng lại giữ chức chủ tịch Quốc hội là “không bình thường”. TS Hiệp gọi đây là một công việc “dang dở, chưa hoàn tất.”

    Theo TS Hiệp, ông Thưởng là người “gần gũi” với cả ông Trọng và ông Huệ nên việc chọn ông Thưởng làm chủ tịch nước sẽ tạo điều kiện cho việc chuyển giao quyền lực của ông Trọng được “thuận buồm xuôi gió” bởi ông Trọng đã nhắm ông Huệ là người kế nhiệm mình trên ghế tổng bí thư và “Đảng muốn một vị chủ tịch nước có quan hệ tốt với ứng cử viên tổng bí thư tương lai.” Nếu một vị chủ tịch nước, theo TS Hiệp, được chọn từ một phe nhóm đối lập hoặc có sự cạnh tranh quyền lực với ông Huệ sẽ có thể làm phức tạp hóa quá trình chuyển giao đó.

    “Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam không có thể thực hiện được một kế hoạch chuyển giao quyền lực êm thấm và không tiếp tục đạt được đồng thuận về việc chọn người kế vị chức tổng bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng thì điều này có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng lãnh đạo và một cuộc khủng hoảng như vậy có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự ổn định của Đảng Cộng sản Việt Nam và có thể đe dọa an ninh của chế độ,” TS Hiệp nói.

    Những biến động trong chính trường Việt Nam gần đây trong bối cảnh chống tham nhũng đã khiến các nhà ngoại giao và doanh nhân lo ngại vì nó đã làm tê liệt nhiều giao dịch thông thường ở Việt Nam do các quan chức lo sợ bị vướng vào vụ trấn áp.

    “Tình hình bất định trong chính trị Việt Nam, đặc biệt là ở thượng tầng lãnh đạo, đã gây bất an cũng như sự thiếu lòng tin ở các nhà đầu tư cũng như các đối tác quốc tế ở Việt Nam,” TS Hiệp nói. “Việc bất định như vậy cũng tạo ra tâm lý ‘ngồi chờ và xem’ ở trong bộ máy công chức thực thi chính sách… làm trì trệ sự phát triển của Việt Nam.”



    Việt Nam là quốc gia nhận đầu tư nước ngoài lớn và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp xem ổn định chính trị là ưu tiên hàng đầu để ra quyết định đầu tư.

    Theo TS Hiệp, việc ông Thưởng được chọn làm chủ tịch nước tăng cán cân quyền lực về phía Đảng và giúp ông Trọng đẩy nhanh việc chuyển giao quyền lực trước khi vị tổng bí thư này hết nhiệm kỳ.

    Những biến động chính trị trong bối cảnh chống tham nhũng của Việt Nam được nhiều nhà quan sát trong và ngoài nước xem là đấu đá và tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng dưới cái tên trấn áp tham nhũng. Nhưng theo TS Hiệp, việc kiện toàn các vị trí lãnh đạo cao nhất của Việt Nam được thực hiện nhanh hơn thì nó “sẽ dẫn tới việc giảm bất ổn chính trị và ảnh hưởng tích cực tới việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội cũng như công tác đối ngoại.”

    Ông Thưởng, khi phát biểu nhậm chức hôm 2/3, khẳng định sẽ làm hết mình để giúp Việt Nam “phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển, công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao” và “đến năm 2045 trở thành nước phát triển thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa."

    Ngay sau khi ông Thưởng tuyên thệ nhậm chức, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi điện chúc mừng và khẳng định sẵn sàng cùng tân chủ tịch Việt Nam “thúc đẩy quan hệ song phương bền vững, lành mạnh và ổn định.”

    Không có nhận xét nào