Header Ads

  • Breaking News

    Vì sao Việt Nam bỏ phiếu trắng nghị quyết Liên Hiệp Quốc về Ukraina?

    Theo như nghị quyết Liên Hiệp Quốc về Ukraina đã được thông qua với 141 phiếu thuận trên tổng số 191 thành viên Liên Hiệp Quốc, chỉ có 7 phiếu chống và 32 phiếu trắng, trong đó có phiếu của Việt Nam vừa qua, trong phiên họp tại New York, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết yêu cầu Nga “triệt thoái ngay lập tức” mọi lực lượng ra khỏi Ukraina.

    Bảng điện tử hiển thị kết quả cuộc bỏ phiếu thông qua nghị quyết về Ukraina trong cuộc họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, tại trụ sở LHQ ở New York, ngày 23/02/2023. Tên "Việt Nam" được ghi chú "X - Abstention" (phiếu trắng). REUTERS - MIKE SEGAR
    Sự kiện Việt Nam bỏ phiếu trắng tại Liên Hiệp Quốc trên những văn kiện lên án Nga xâm lược Ukraina không phải là mới, và lần nào cũng gặp nhiều phản ứng chỉ trích. Trong bài phân tích trên trang mạng chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 28/02/2023, nhà nghiên cứu Vũ Khang, hiện là nghiên cứu sinh tại Đại Học Boston (Hoa Kỳ), đã ghi nhận những quan điểm phê phán Việt Nam, nhưng cho rằng hành động của Hà Nội là một “động thái hợp lý”, phản ánh chính sách đối ngoại mà Việt Nam đang theo đuổi.

    Quan điểm chỉ trích “phiếu trắng” của Việt Nam

    Bài phân tích trước hết ghi nhận rằng kể từ khi Nga xua quân xâm lược Ukraina vào tháng Hai năm 2022, Việt Nam thường xuyên bỏ phiếu trắng khi phải biểu quyết những vấn đề liên quan đến Nga và Ukraina.

    Ngoại trừ lần duy nhất mà Việt Nam bỏ phiếu chống đề nghị khai trừ Nga khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ngày 07/04/2022, Việt Nam đã bốn lần bỏ phiếu trắng tại Liên Hiệp Quốc.



    Lần đầu tiên là ngày 01/03/2022, với nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lên án Nga xâm lược Ukraina, kế đến các nghị quyết yêu cầu bảo vệ thường dân ngày 24/03 và kêu gọi chống Nga sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraina ngày 12/10 cùng năm.

    Lần này, theo The Diplomat, mặc dù đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Đặng Hoàng Giang đã kêu gọi tất cả các bên chấm dứt xung đột và nối lại đàm phán hướng tới một giải pháp hòa bình, việc Việt Nam bỏ phiếu trắng đã làm dấy lên một số chỉ trích, cho rằng việc Hà Nội từ chối lên án cuộc xâm lược của Nga có thể tác hại đến tiến trình hợp tác ngày càng tăng với phương Tây và nhất là làm suy yếu sự ủng hộ thế giới dành cho Việt Nam nếu bị Trung Quốc xâm lược trong tương lai.

    Bên cạnh đó, theo The Diplomat, một số nhà quan sát cũng phê phán hành động bị cho là “sai trái” với đạo đức của Việt Nam, vì không lên án “tội phạm chiến tranh” Vladimir Putin chẳng khác gì đứng về phía nhân vật này.

    Đường lối ngoại giao nhất quán: Không chọn phe

    Về lý do Việt Nam bỏ phiếu trắng trên vấn đề cuộc chiến Nga-Ukraina, tác giả bài phân tích trên tờ The Diplomat cho rằng Hà Nội chỉ áp dụng đường lối ngoại giao đã từng vạch ra và chỉ thay đổi lập trường khi có lợi ích rõ rệt.

    Theo The Diplomat, mặc dù đã nhiều lần lên án việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, nhưng trong bối cảnh hiện nay của cuộc chiến tranh Ukraina, khi phương Tây đối đầu Nga, Việt Nam ít được lợi khi đứng hẳn về bên nào, thậm chí còn có nguy cơ làm tổn hại đáng kể đến quan hệ đang tốt giữa Hà Nội với cả Matxcơva lẫn Washington.

    Nói cách khác, tích cực hành động trên vấn đề Ukraina có nguy cơ gây hại cho Việt Nam hơn là không làm gì. Có lẽ Hà Nội đã cho rằng quyết định ủng hộ một bên của mình sẽ không làm thay đổi cán cân quyền lực ở châu Âu và sẽ không bảo vệ Việt Nam trong trường hợp xảy ra xung đột.. Do đó, dễ hiểu là Việt Nam đã quyết định không chọn bên để không làm phức tạp thêm tình hình.

    Hơn nữa, cũng theo The Diplomat, Hà Nội có lý do để cho rằng cuộc bỏ phiếu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chỉ phản ánh thế đối đầu của các cường quốc, chứ không phải là bảo vệ một số quy tắc đạo đức phổ quát. Vào cuối những năm 1970, chẳng hạn, nguyên ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch đã bảo vệ quyết định không lên án cuộc tấn công của Khmer Đỏ vào Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi không đánh giá cao Liên Hiệp Quốc như quý vị… Bởi vì trong suốt 40 năm qua, chúng tôi đã bị bốn trong số năm thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An xâm lược”.

    Tất nhiên, quyết định tấn công lật đổ chế độ Khmer Đỏ của Việt Nam vào đầu năm 1979 không chỉ xuất phát từ thái độ ghê tởm tội ác diệt chủng, mà còn từ mong muốn có một chính phủ Cam Bốt thân Hà Nội.

    Việt Nam cũng rất cay đắng trước lập trường của phương Tây ủng hộ Khmer Đỏ, bất chấp các tuyên bố ủng hộ một số giá trị phổ quát như nhân quyền, cũng như trước việc Liên Hiệp Quốc không hoàn toàn lên án cuộc xâm lược Việt Nam của Trung Quốc vào năm 1979, và Hà Nội đã phải dựa vào sự hỗ trợ ngoại giao của Liên Xô tại Liên Hiệp Quốc để tránh bị lên án vì xâm lược Cam Bốt, một động thái mà họ coi là chính nghĩa.

    Chính sách chính thức của Việt Nam là tránh bị mắc kẹt trong cuộc đấu tranh giữa các cường quốc, và việc chọn bên trong cuộc bỏ phiếu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc sẽ vi phạm chính sách đối ngoại trung lập của Hà Nội trong lúc lợi ích thu được chẳng là bao.

    Không sợ bị phương Tây bỏ bê nếu bị Trung Quốc tấn công

    Theo The Diplomat, Việt Nam có thể cũng đã cân nhắc lợi hại khi bỏ phiếu trắng về nghị quyết Ukraina tại Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là nguy cơ không được phương Tây hỗ trợ nếu bị Trung Quốc tấn công trong tương lai, và có lẽ đã cho rằng mối lo ngại đó đã bị phóng đại.

    Tác giả bài phân tích giải thích: Ưu tiên ngoại giao của Việt Nam hiên nay là duy trì quan hệ thân thiện với Trung Quốc, và chỉ khi nào nỗ lực đó thất bại thì Việt Nam mới tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài để chống lại Bắc Kinh. Điều quan trọng là Việt Nam tin rằng trong trường hợp phương Tây quyết tâm kiềm chế Trung Quốc, thì dù có làm gì chăng nữa thì Việt Nam vẫn sẽ nhận được phương Tây hỗ trợ.

    Trong tổng thể, ý nghĩa chính trị của việc Việt Nam ủng hộ Ukraina nhỏ hơn nhiều so với sự hỗ trợ của Việt Nam đối với chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ. Nếu sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, thì có rất ít lý do khiến họ để tâm đến việc Việt Nam bỏ phiếu trắng ở Liên Hiệp Quốc trên vấn đề Ukraina, trừ phi Hà Nội chọn phe rõ ràng.

    Không có “đúng” hay “sai”, chỉ có lợi ích quốc gia

    Riêng về chỉ trích cho rằng Việt Nam đã sai lầm khi giữ thái độ trung lập, tác giả bài phân tích trên tờ The Diplomat cho rằng khái niệm “đạo đức” không có nhiều giá trị trong chính trị quốc tế, và các nhà phân tích nên nhìn thế giới theo đúng bản chất của nó, chứ không phải theo cách mình muốn.

    Trong chiều hướng vừa kể, theo The Diplomat, không nên nhìn động thái bỏ phiếu trắng của Việt Nam dưới góc độ của một giá trị đạo đức phổ quát nào đó, coi đó là “đúng” hay “sai”, mà phải thấy đó là kết quả tự nhiên của bối cảnh lịch sử và địa chính trị của đất nước, một động thái hợp lý trong một hoàn cảnh mà Hà Nội không có lựa chọn nào tốt hơn.

    Về mặt phương pháp, điều cần thiết là tránh đánh giá việc bỏ phiếu trắng của Việt Nam là “đúng” hay “sai” mà phải cố gắng tìm hiểu lý do tại sao Việt Nam quyết định không chọn bên nào.

    Không có nhận xét nào