Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ bảy 08 tháng 4 năm 2023

    Đoàn nghị sĩ Mỹ sắp thăm Việt Nam, nêu vấn đề nhân quyền, Trung Quốc



    Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ Jeff Merkley.

    Một phái đoàn lưỡng viện do Thượng nghị sĩ Jeff Merkley dẫn đầu sẽ thăm Việt Nam vào cuối tuần này và tuần sau, với mục đích thúc đẩy quan hệ song phương và quan hệ đa phương với các quốc gia thành viên ASEAN, trong đó sẽ nêu vấn đề nhân quyền và sự gây hấn của Trung Quốc.

    Một thông cáo của các thượng nghị sĩ và các dân biểu hôm 5/4 cho biết phái đoàn lưỡng viện đến Việt Nam và Indonesia vào tuần tới. Ngoài Thượng nghị sĩ Merkley, còn có Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen, và các dân biểu Pramila Jayapal, Lloyd Doggett, và Ilhan Omar.

    Mục tiêu của chuyến đi nhằm hỗ trợ các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á “bảo vệ và tăng cường chủ quyền và an ninh của họ trước sự gia tăng gây hấn của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, thông cáo cho biết. Các nhà lập pháp sẽ tham dự hơn 35 cuộc họp với các quan chức chính phủ và các nhà lãnh đạo trong ASEAN, cùng với đại diện của các tổ chức xã hội dân sự và giám đốc điều hành doanh nghiệp.

    “Việt Nam và Indonesia là những đối tác quan trọng của Hoa Kỳ, và chỉ khi cùng nhau, chúng ta mới có thể giải quyết những thách thức nhiều mặt của thế kỷ này”, ông Merkley nói trong thông cáo báo chí. “Chuyến đi của chúng tôi sẽ là cơ hội để tăng cường không chỉ mối quan hệ với chính phủ hai nước đó mà còn giữa người dân các nước chúng ta”.

    Thượng nghị sĩ Van Hollen cho biết trong thông cáo: “Tăng cường quan hệ đối tác của chúng ta trên khắp thế giới sẽ giúp chúng ta xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người Mỹ cũng như cộng đồng toàn cầu. Điều này đặc biệt đúng ở Đông Nam Á khi chúng ta nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa các quốc gia và giải quyết khủng hoảng khí hậu, bảo vệ nhân quyền và củng cố an ninh chung của chúng ta. Chuyến đi này sẽ là cơ hội để giải quyết những lĩnh vực này và hơn thế nữa”.

    Tại Việt Nam, phái đoàn sẽ tìm hiểu về những vấn đề còn phải giải quyết sau chiến tranh, bao gồm các dự án tìm cách xử lý chất da cam/dioxin, rà phá bom mìn và tìm kiếm các tù nhân chiến tranh và quân nhân mất tích trong chiến tranh Việt Nam.

    Ngoài ra, dự kiến trong chuyến đi này, đoàn sẽ đến thăm một địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để hiểu rõ hơn về tác động của biến đổi khí hậu đối với các cộng đồng và hệ sinh thái địa phương.

    Trước chuyến thăm, Thượng nghị sĩ Merkley – ủy viên Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện, và Thượng nghị sĩ Van Hollen – Chủ tịch Tiểu ban Quan hệ đối ngoại Đông Á của Thượng viện, đã đưa ra một nghị quyết tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với vai trò trung tâm của ASEAN, Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt trong kiến trúc thể chế của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

    Ông Merkley cùng với Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Dan Sullivan cũng đã đưa ra một nghị quyết lưỡng đảng nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường, nhân đạo và kinh tế mà sông Mekong đang phải đối mặt, cũng như công nhận tầm quan trọng thiết yếu của Quan hệ đối tác Mekong-Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ sự thịnh vượng ở khu vực.

    Blogger Nguyễn Lân Thắng không đồng ý bị xét xử kín, đề nghị công khai phiên tòa

    RFA
    08/4/2023


    Ông Nguyễn Lân Thắng trong một video trả lời phỏng vấn RFA năm 2015

    Ảnh chụp màn hình video

    Blogger Nguyễn Lân Thắng lo ngại việc Tòa án nhân dân Hà Nội đưa vụ án của ông ra xét xử kín trong phiên tòa sơ thẩm sắp tới sẽ không thể bảo đảm quyền được bào chữa trước tòa.

    Ngày 12/4 tới đây ông Thắng sẽ phải ra tòa với cáo buộc tội danh "tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước" theo Điều 117 Bộ luật sự do các hoạt động phản biện ôn hòa trên mạng xã hội.

    Luật sư Lê Đình Việt, người bào chữa cho ông Thắng hôm 7/4 có buổi làm việc với thân chủ tại Trại tạm giam số 1 Công an thành phố Hà Nội.

    Luật sư dẫn lại lời ông Thắng cho biết, mặc dù đã có đơn gửi TAND TP Hà Nội từ ngày 15/3 để đề nghị được tiếp cận hồ sơ vụ án, cho phép cơ sở giam giữ cung cấp giấy bút để chuẩn bị cho việc bào chữa và “đối chất” với người giám định của Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội trước hoặc tại phiên tòa nhưng đến nay các yêu cầu này đều chưa được giải quyết.

    Ông cho rằng, những yêu cầu của bản thân hoàn toàn là chính đáng, phù hợp với pháp luật, nếu những yêu cầu này không được TAND TP Hà Nội đáp ứng kịp thời sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền được bào chữa của ông.

    Cũng theo luật sư Việt, thân chủ của ông không đồng ý việc TAND TP Hà Nội đưa ông ra “xét xử kín”, cho rằng sự việc liên quan đến ông không có gì liên quan đến bí mật nhà nước nên không cần thiết phải xét xử kín.

    Tại Điều 25 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định, tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định.

    Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.

    “Bằng việc xét xử kín, tôi e rằng phiên tòa sẽ không được diễn ra bình thường, các hoạt động, thậm chí cả quyền lợi của tôi, trong đó có quyền bào chữa sẽ không được bảo đảm theo đúng pháp luật.

    Chính vì vậy, hôm qua tôi đã có đơn thông qua Ban giám thị Trại tạm giam gửi đến Tòa án thành phố Hà Nội đề nghị để vụ án được xét xử công khai.

    Nếu vụ án được xét xử công khai tôi sẽ có cơ hội được bày tỏ quan điểm, tranh luận về những gì Viện kiểm sát sử dụng làm căn cứ buộc tội tôi. Khi đó, tôi mới có cơ hội thực sự để chứng minh mình không phạm tội như Cáo trạng của Viện kiểm sát đã quy kết” - ông Thắng được luật sư trích nguyên văn trong bài viết đăng trên Facebook cá nhân.

    Ông Nguyễn Lân Thắng, 48 tuổi, có nhiều vài bài viết về tự do, dân chủ và nhân quyền trên trang blog của RFA từ cuối năm 2013.

    Ông Thắng tham gia phong trào biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam từ năm 2011 và là một nhà nhiếp ảnh có nhiều đóng góp các hình ảnh và video về biểu tình vì chủ quyền biển đảo và đấu tranh chống bất công ở Việt Nam.

    Facebook Nguyen Lan Thang (Nguyễn Lân Ké) được cho là của ông hiện nay có gần 160.000 người theo dõi, mặc dù ông đang bị tạm giam tài khoản này vẫn hoạt động bình thường với nhiều bài đăng, chia sẻ.

    Việt Nam yêu cầu gỡ bỏ thông tin ‘sai sự thật’ trong phim tài liệu về MH370

    07/4/2023



    Trẻ em viết các thông điệp về hy vọng đối với những hành khách đã mất tích, cùng chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines, ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur hôm 14/6/2014. Netflix đang trình chiếu bộ phim tài liệu về sự mất tích bí ẩn này.

    Việt Nam vừa yêu cầu một hãng phim nước ngoài phải chỉnh sửa nội dung một bộ phim tài liệu vì phản ánh sai lệch nỗ lực tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam sau khi xảy ra vụ mất tích chuyến bay MH370 cách đây 9 năm.

    Chuyến bay MH370 của hãng Malaysia Airlines chở 239 hành khách bị mất liên lạc trên vùng nam Biển Đông chưa đầy một tiếng sau khi cất cánh từ Kuala Lumpur của Malaysia đi Bắc Kinh của Trung Quốc vào ngày 8/3/2014. Sau nhiều năm tìm kiếm, các nhà chức trách vẫn chưa thể xác định nguyên nhân vụ mất tích của chuyến bay này. Đây được xem là vụ mất tích đầy bí ẩn nhất trong ngành hàng không thế giới.

    “Ngay sau khi xảy ra vụ việc máy bay MH370 của hãng Hàng không Malaysia Airlines mất tích, các cơ quan chức năng Việt Nam đã khẩn trương, chủ động lên các phương án ứng phó, tích cực chia sẻ thông tin, phối hợp với Malaysia và các quốc gia mong muốn triển khai tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên quy mô lớn”, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói với phóng viên hôm 6/4 khi đưa ra quan điểm của bộ trước thông tin trong bộ phim “MH370: Chiếc máy bay biến mất” cho rằng Việt Nam không hợp tác trong việc hỗ trợ tìm kiếm chiếc máy bay này.

    Bộ phim tài liệu, gồm 3 tập, được chiếu trên dịch vụ phim trực tuyến lớn nhất thế giới Netflix từ ngày 8/3. Bộ phim có tên tiếng Anh “MH370: The Plane That Disappeared” tìm cách chắp nối những bằng chứng và thông tin xuất hiện trong những năm tháng sau vụ mất tích, mà phần giới thiệu của Netflix gọi là “một trong những bí ẩn lớn nhất thời hiện đại”.

    Tại buổi họp báo hôm 6/4, bà Hằng nói rằng bộ phim tài liệu này “đưa ra những nhận định khi không có kết luận chính thức của các cơ quan chức năng là sai sự thật, không có cơ sở, không phản ánh đúng những nỗ lực của các cơ quan chức năng Việt Nam, khiến dư luận Việt Nam bất bình”.

    Trong bộ phim, theo như The Guardian mô tả nội dung, khi MH370 tiếp cận ranh giới không phận Malaysia, đài kiểm soát không lưu của nước này đã phát tín hiệu vô tuyến để chuyển chuyến bay sang Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh của Việt Nam. Cơ trưởng của chuyến bay, Zaharie Ahmad Shah, theo như bộ phim mô tả, đã không hề liên lạc lại với kiểm soát viên ở Việt Nam và MH370 đã biến mất khỏi radar chỉ vài giây sau khi bay vào không phận Việt Nam.

    Bà Hằng nói rằng Việt Nam đã “hỗ trợ phóng viên nước ngoài tham gia đưa tin” và rằng “những nỗ lực của Việt Nam vào thời điểm đó đã được cộng đồng quốc tế, dư luận báo chí trong và ngoài nước ghi nhận”.

    Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã “yêu cầu công ty sản xuất và nhà làm phim phản ánh chính xác những đóng góp của Việt Nam trong công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn máy bay MH370 của Malaysia, “gỡ bỏ và sửa đổi” những nội dung được cho là “không phù hợp”.

    VOA đã liên lạc với Netflix, đề nghị họ bình luận về phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam đối với bộ phim.

    Hồi tháng 2 năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam (Bộ TTTT) cảnh báo Netflix, dịch vụ phát trực tuyến đang kinh doanh ở Việt Nam từ năm 2016, có thể bị chặn nếu không có pháp nhân tại Việt Nam. Theo dữ liệu của Bộ TTTT, doanh thu của Netflix tại Việt Nam ước đạt 30 triệu USD vào năm 2020. Công ty khổng lồ về livestream trực tuyến của Mỹ có kế hoạch mở văn phòng tại quốc gia Đông Nam Á vào cuối năm nay.

    Trước đây, Việt Nam đã yêu cầu Netflix chặn quyền truy cập trong nước đối với những nội dung bị đánh giá là “xúc phạm nhận dân Việt Nam” như bộ phim “Uncharted” (Thợ săn cổ vật) trong đó có hình ảnh “đường lưỡi bò” và bộ phim Hàn Quốc “Little Women” (Ba chị em) trong đó có các cảnh về Chiến tranh Việt Nam mà Việt Nam cấm chiếu vì bị cho là “xuyên tạc lịch sử”.

    Việt Nam bị cơ quan giám sát cho thuê máy bay ra cảnh báo sau vụ tranh chấp thu hồi máy bay

    06/4/2023



    Máy bay của các hãng hàng không Việt Nam tại phi trường Tân Sân Nhất.

    Một cơ quan ngành hàng không đã đưa ra cảnh báo về việc Việt Nam tuân thủ các tiêu chuẩn trong lĩnh vực cho thuê máy bay quốc tế sau vụ tranh chấp về việc thu hồi bốn máy bay phản lực, đặt ra câu hỏi về chi phí tài chính cho việc giao hàng trong tương lai.

    Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, Việt Nam là một trong những thị trường du lịch hàng không phát triển nhanh nhất thế giới, với hàng trăm máy bay phản lực được đặt hàng và vận tải hàng không chiếm 5% GDP.

    Nhóm Công tác Hàng không, một tổ chức có trụ sở tại Vương quốc Anh chuyên giám sát luật tài chính thay mặt cho các nhà sản xuất máy bay và bên cho thuê, cho biết họ đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi sau khi một tòa án Hà Nội ngăn chặn nỗ lực tịch thu máy bay do vi phạm thanh toán tiền thuê.

    Mặc dù không nêu tên hãng hàng không liên quan, nhưng một phiên bản cập nhật của cảnh báo đã được đăng trên trang web của hãng với liên kết đến tệp hồ sơ có tên “Cập nhật số 1 về VietJet”.

    VietJet, một trong những hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á, không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters. Các hãng hàng không khác của Việt Nam cũng từ chối bình luận hoặc không phản hồi cho hãng thông tấn Anh.

    VietJet vận hành các máy bay phản lực của Airbus và đã đặt hàng tổng cộng 186 máy bay phản lực từ tập đoàn của châu Âu, bao gồm 114 mẫu A320neo vẫn chưa được giao. Hãng hàng không này cũng đã đặt hàng 200 chiếc Boeing 737 MAX, nhưng chưa chiếc nào được giao.

    Theo một hiệp ước được gọi là Công ước Cape Town (CTC) mà Việt Nam là thành viên, các hãng hàng không có thể đảm bảo được hưởng ưu đãi về lãi suất tài chính hay giảm giá trực tiếp khi quốc gia họ tham gia vào công ước này, giúp bên cho thuê dễ dàng thu hồi máy bay hơn trong trường hợp chậm thanh toán.

    Công ước cho phép máy bay bị hủy đăng ký hoặc xóa khỏi sổ đăng ký máy bay của nước sở tại trong trường hợp có yêu cầu hợp pháp từ bên cho thuê và được đưa vào đăng ký quốc tế, cho phép chủ sở hữu đem máy bay đi.

    AWG cho biết bên cho thuê giấu tên đã yêu cầu bước này từ tháng 11 đến tháng 1, được hỗ trợ bởi lệnh của tòa án ở Anh, nơi tòa án có thẩm quyền đối với hợp đồng cho thuê.

    Cơ quan quản lý của Việt Nam đã đồng ý hủy đăng ký các máy bay phản lực, nhưng vào tháng 2, một tòa án Hà Nội đã hủy bỏ động thái đó sau một vụ kiện từ một trong những cổ đông của hãng hàng không.

    Bản tin của AWG cho biết yêu cầu của bên cho thuê và phán quyết tiêu cực của tòa án Hà Nội “là những diễn biến quan trọng liên quan đến việc tuân thủ CTC tại Việt Nam”.

    Cơ quan quản lý hàng không Việt Nam và Bộ Ngoại giao không trả lời các yêu cầu bình luận của Reuters.

    Airbus từ chối bình luận và Reuters chưa thể tiếp cận được với Boeing để yêu cầu bình luận về vụ này.

    Trung Quốc gây sức ép với Nga, có thể tạo xung đột cao 'chưa từng có' trên Biển Đông

    Bùi Thư

    BBC News Tiếng Việt

    08/4/2023


    Trung Quốc gây sức ép lên Nga về quan hệ với Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, theo lời một số chuyên gia.

    Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu từ Hà Nội nêu ví dụ với BBC hôm 7/4, cho đến năm 2017, đã có ít nhất ba lần Trung Quốc hỏi Nga về các dự án khai thác dầu và khí mà Nga làm với Việt Nam.

    Theo đó, sự leo thang căng thẳng năm 2019 ở gần bãi Tư Chính vừa là gây sức ép lên Nga lẫn Việt Nam.

    Ông Hợp nhấn mạnh, trong vòng khoảng một tháng trở lại đây, theo nguồn AMTI (Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á - một tổ chức thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược CSIS bên Mỹ) và các nguồn khác, trong đó có các nguồn từ chính phủ Việt Nam, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã nhiều lần tiến gần, có lúc rất gần các điểm khai thác khí đốt do Zarubezhneft điều hành.

    "Đây là một bước leo thang mới, tạo rủi ro xung đột cao chưa từng có của Trung Quốc" vì chưa bao giờ, tàu hải cảnh Trung Quốc đến gần khu vực khai thác khí đốt do Zarubezhneft điều hành ở gần bãi Tư Chính như thế, ông Hợp đánh giá.

    Nga chống lại sức ép của Trung Quốc?

    Hôm 6/4, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, theo thông tin từ các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam, tàu Hải dương địa chất 4 của Trung Quốc đã rời khỏi vùng biển của Việt Nam.

    Cùng thời điểm này, Phó thủ tướng Nga Chernyshenko đến Việt Nam ba ngày từ 5 đến 7/4, để đồng chủ trì Khóa họp lần thứ 24 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật.

    Trong đó có các dự án hợp tác khai thác dầu khi cùng với Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở biển Đông.

    Trang Thông tin chính phủ nêu, trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Nga D. Chernyshenko khẳng định Chính phủ Liên bang Nga coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của mình tại khu vực.

    Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp cho rằng, có một khả năng thực tế là Nga và Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng các dự án khai thác dầu khí theo kế hoạch có từ trước, và kế hoạch mới.

    "Chỉ cần quan sát các vụ tàu hải cảnh Trung Quốc vào gần khu khai thác, đã thấy rõ phía Việt Nam đã kiên quyết ngăn chặn và đẩy các tàu đó ra xa, với các thao tác chuyên nghiệp, phù hợp với luật pháp quốc tế."


    Nga xâm lược Ukraine đã gây ảnh hưởng đến kế hoạch hiện đại hóa quân sự và mua vũ khí trong tương lai, khiến nước này phải đa dạng nguồn cung và tránh lệ thuộc vào Nga-vốn chiếm 80% đơn đặt hàng quân sự của Việt Nam.

    Giáo sư Carl Thayer nhận định, trong năm qua, Việt Nam đã tạm dừng mua sắm vũ khí trong khi đánh giá lại môi trường địa chiến lược của mình vì Nga không có khả năng đáp ứng các cam kết trong hợp đồng quốc phòng do nhúng sâu vào cuộc chiến ở Ukraine. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng e ngại nguy cơ bị phương Tây hay Mỹ áp lệnh trừng phạt thứ cấp khi mua số lượng lớn vũ khí từ Nga.

    Ông Hợp nêu ý kiến, quan hệ hai nước Việt- Nga không giảm mức độ hữu nghị và hợp tác dù Việt Nam tìm các nguồn cung cấp vũ khí khác vì Việt Nam có chiến lược trung hạn về công nghệ, công nghiệp quốc phòng, để sau năm 2030, Việt Nam có thể tự sản xuất phần lớn các loại vũ khí, thiết bị quân sự cho quân đội Việt Nam.

    Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, tại Đại hội đồng LHQ, Việt Nam đã bốn lần bỏ phiếu trắng và một lần bỏ phiếu chống các nghị quyết lên án Nga, bất chấp sự kêu gọi, vận động của các nước châu Âu.

    Giáo sư Carl Thayer thì nói với BBC rằng, trước cuộc chiến ở Ukraine, Nga đã chống lại sức ép của Trung Quốc để giới hạn các hoạt động khai thác dầu của Rosneft trong vùng gần Bãi Tư Chính.

    "Tuy nhiên, áp lực từ Trung Quốc đã khiến Rosneft rút lui. Những quyền lợi của Rosneft đã được Zarubezhneft tiếp nhận. Hiện nay, còn phải chờ xem các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực này có dẫn đến việc Nga ngừng hoạt động hay không.

    "Zarubezhneft, hoạt động tại lô Tuna ở vùng biển của Indonesia, muốn xây dựng một đường ống dẫn dầu đến Việt Nam. Khi mà Việt Nam và Indonesia hiện đã đạt được thỏa thuận về ranh giới biển của họ, Trung Quốc có khả năng sẽ hành động để khẳng định quyền chủ quyền của mình," theo ông Carl Thayer.

    Và nếu Trung Quốc mạnh tay, ông Thayer dự đoán Việt Nam có khả năng sẽ làm theo tiền lệ đã đặt ra trong năm 2017 và 2018 bằng cách ra lệnh cho các công ty và nhà thầu nước ngoài ngừng các hoạt động của họ.

    TS Hợp thì khẳng định, về vấn đề chủ quyền biển đảo, Việt Nam chưa từng nhượng bộ Trung Quốc. Ông lấy ví dụ việc Việt Nam nêu đích danh tàu Hải dương địa chất 4 của Trung Quốc cũng như điều tàu kiểm ngư để giám sát, rượt đuổi và chặn đầu tàu Trung Quốc.

    Trước đó, năm 2018, Việt nam gửi thư đến Liên Hiệp Quốc phản đối Trung Quốc. Năm 2014, bằng mọi cách, Việt Nam làm cho Trung Quốc phải rút giàn khoan HD981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của mình.

    Ông Hợp dự đoán, trong trường hợp dự án đường ống dẫn dầu đến Việt Nam chính thức được công bố và khởi động, Trung Quốc sẽ phản ứng bằng cách đẩy mạnh chiến thuật vùng xám nhằm ngăn cản dự án của Nga, Indonesia, Việt Nam.

    "Khi đó có rủi ro xung đột sẽ cao hơn nữa và nếu không quản trị tốt, trong trường hợp xấu nhất, có thể xảy ra đụng độ bằng vũ khí sát thương."

    Chiến thuật vùng xám của Trung Quốc

    "Chiến thuật vùng xám" là một kiểu chiến tranh phi quân sự được Trung Quốc sử dụng để mở rộng lãnh thổ và tăng cường ảnh hưởng đối với các khu vực biển tranh chấp và các lãnh thổ của các quốc gia láng giềng của Trung Quốc, ông Hợp diễn giải với BBC.

    Theo chiến lược này, Trung Quốc sử dụng các phương tiện phi quân sự như tàu cá, tàu buôn, tàu khảo sát, các tàu cứu trợ, du lịch, trang trại bè... để thâm nhập vào các vùng biển tranh chấp.

    Ngoài ra, Trung Quốc cũng tạo ra các đơn vị tổ chức bí mật để thu thập thông tin và làm tăng sức ép đối với các quốc gia trong khu vực.

    Đặc biệt, Trung Quốc cũng triển khai Chiến thuật vùng xám trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam được TS Hợp tóm tắt như sau:

    Thăm dò dầu khí: Trung Quốc đã tham gia vào các hoạt động thăm dò dầu khí trong EEZ của Việt Nam, mà Việt Nam tuyên bố là lãnh thổ có chủ quyền của mình. Tàu Trung Quốc đã nhiều lần đi vào vùng biển Việt Nam để tiến hành các hoạt động thăm dò, dẫn đến tình trạng bế tắc căng thẳng giữa hai nước

    Can thiệp vào các dự án năng lượng của Việt Nam: Trung Quốc đã bị cáo buộc can thiệp vào các dự án năng lượng của Việt Nam ở Biển Đông, bao gồm cả việc hủy bỏ một dự án khoan dầu lớn vào năm 2017. Các tàu Trung Quốc cũng đã được báo cáo là có liên quan đến việc quấy rối và đe dọa các tàu Việt Nam tham gia thăm dò năng lượng trong khu vực.

    Dân quân biển: Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đã hoạt động ở Biển Đông, bao gồm cả EEZ của Việt Nam. Các tàu dân quân này thường hoạt động với số lượng lớn và có thể được sử dụng để đe dọa tàu của các nước khác hoặc phong tỏa các vùng lãnh thổ tranh chấp

    Tàu thực thi pháp luật: Trung Quốc đã gửi tàu bảo vệ bờ biển và các tàu bán quân sự khác để thực thi các yêu sách của mình trong EEZ của Việt Nam. Các tàu này đã tham gia vào một số vụ quấy rối và đe dọa các tàu Việt Nam hoạt động trong vùng biển của họ

    Xây dựng đảo nhân tạo: Trung Quốc đã xây dựng một số đảo nhân tạo ở Biển Đông, bao gồm cả trong EEZ của Việt Nam. Những hòn đảo này đóng vai trò là căn cứ quân sự và dân sự, cho phép Trung Quốc thể hiện sức mạnh và kiểm soát của mình trên một khu vực rộng lớn hơn

    Công sự quân sự: Ngoài việc xây dựng đảo nhân tạo, Trung Quốc cũng đã củng cố các vị trí quân sự của mình ở Biển Đông, bao gồm cả trong EEZ của Việt Nam. Điều này liên quan đến việc triển khai các hệ thống tên lửa, radar và các thiết bị quân sự khác, điều này đã làm dấy lên lo ngại giữa các nước láng giềng về khả năng xung đột và gây bất ổn.

    Áp lực ngoại giao: Trung Quốc đã sử dụng đòn bẩy kinh tế và ngoại giao của mình để cô lập và làm suy yếu các yêu sách của Việt Nam ở Biển Đông. Trung Quốc đã xây dựng liên minh với các nước khác trong khu vực và sử dụng ảnh hưởng kinh tế của mình để thuyết phục họ ủng hộ lập trường của Trung Quốc

    Ngoài ra, Trung Quốc cũng tăng cường hoạt động không gian mạng như đánh cắp thông tin nhạy cảm từ mạng chính phủ và quân đội của các quốc gia khác, hoặc sử dụng các cuộc tấn công mạng để làm gián đoạn hoạt động của cơ sở hạ tầng quan trọng của các quốc gia khác.

    "Nhìn chung, chiến thuật vùng xám của Trung Quốc trong EEZ của Việt Nam được thiết kế để khẳng định sự thống trị của mình trong vùng biển tranh chấp mà không cần dùng đến lực lượng quân sự truyền thống," ông Hợp kết luận.

    https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-65219767

    Kém cỏi để sổng cá gộc, ông Tô loay hoay tìm cách chữa trong bế tắc

    Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

    07/4/2023


    Ô Tô Lâm gặp Tư lệnh Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản Tsuyuki Yasuhiro bàn về hợp tác bắt tội phạm

    Ông Tô Lâm nổi tiếng vì vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin Cộng hòa Liên bang Đức. Đây là vết nhơ ngoại giao của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến đất nước người ta lén lút như quân trộm cướp. Hình ảnh chẳng đẹp đẽ gì cho lắm. Bởi chủ trương từ người đứng đầu mà ra.

    Có người đánh giá ông Tô Lâm hữu ích cho ông Tổng, nhưng cũng có người đánh giá ông Tô Lâm là một thuộc hạ vô dụng. Người này có ý kiến rằng, ông Tô Lâm điều tra mà cứ để thông tin rò rỉ ra ngoài, để cho tội phạm trốn chạy không một vết tích. Người này cũng cho biết, ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt không phải là ông Tô Lâm hay, mà là bởi ông Trịnh Xuân Thanh phạm sai lầm. Đã sang đến Đức rồi còn to tiếng, làm cho Tô Lâm định vị được nơi ở và đã ra tay. Ông Tô Lâm may mắn một lần, chứ không thể may mắn hết lần này đến lần khác.

    Trong vai trò Bộ trưởng Bộ Công an, ông Tô Lâm đã để sổng quá nhiều cá gộc, mà không sao tóm lại được. Những người mà đã trốn thoát khỏi tay Tô Lâm có thể kể ra như: Vũ Đình Duy, cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần và Xơ sợi Dầu khí – PVtex, thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; bà Hồ Thị Kim Thoa, Cựu Thứ trưởng Bộ Công thương, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang; ông Bùi Quang Huy, cựu Tổng Giám đốc Nhật Cường Mobile; và bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty AIC.

    Riêng trường hợp bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, đã có thông tin và có đủ thời gian để bà thu xếp cho bản thân và 6 thuộc hạ có liên quan trốn ra nước ngoài cả tháng, trước khi có lệnh khởi tố. Với một lượng tội phạm lớn như vậy trốn ra nước ngoài, ông Tô Lâm đã không làm gì được những người này. Người ta nói, phòng cháy hơn chữa cháy, việc ông Tô Lâm để đến khi sự việc nghiêm trọng diễn ra, tội phạm trốn thoát, mới lo đi tìm là cách làm án yếu kém của Bộ Công an dưới thời ông quản lý.

    Nếu giữ được bí mật tới phút chót, thì không có chuyện ông Tô Lâm phải đi ra nước ngoài bắt cóc, và cũng không có chuyện ông phải vất vả tìm cách bắt người trong vô vọng. Thậm chí bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn ở nước ngoài còn thọc tay về Việt Nam, điều khiển luật sư kháng án, mà ông Tô Lâm vẫn không làm gì được.

    Để bắt người trốn ra nước ngoài, ông Tô Lâm không dám làm liều bắt cóc nữa, mà ông tìm cách hợp tác với nước sở tại nhằm dẫn độ. Ngày 9/11/2022, tại Hà Nội, ông Tô Lâm gặp Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Marc Knapper, để bàn về hợp tác pháp lý và dẫn độ. Ngày 13/2, ông Tô Lâm lại gặp bà bà Katherine Tai, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) để bàn về hợp tác pháp lý và dẫn độ.

    Ngày 14/2, ông Tô Lâm tiếp tục gặp ông Baloghdi Tibor, Đại sứ Hungary tại Việt Nam. Ông Tô Lâm cũng bàn về hợp tác tư pháp và dẫn độ. Đây là quốc gia EU, ông Tô Lâm gặp đại sứ Hungary mà không gặp Đại sứ Đức, bởi ông Tô Lâm đã dính phốt với chính quyền Đức qua vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

    Ngày 3/4, ông Tô Lâm đến Tokyo, Nhật Bản gặp Tư lệnh Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản, ông Tsuyuki Yasuhiro. Ngoài ra còn có các cuộc gặp với cựu Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Phó Tổng Thư ký Đảng Dân chủ tự do Nhật Bản Kobayashi Fumiaki. Ông Tô Lâm cũng bàn về hợp tác trong việc bắt bớ tội phạm.

    Nói chung, hiện nay, ông Tô Lâm đã gặp gỡ các quan chức Mỹ, Nhật Bản và EU để bàn về dẫn độ. Có lẽ, những người trốn khỏi nanh vuốt của Tô Lâm đang cư ngụ tại những quốc gia này, nên Tô Lâm muốn làm ngoại giao để dẫn độ.

    Có lẽ, ông Tô Lâm vẫy vùng trong tuyệt vọng thôi, chưa thấy có văn bản hợp tác bắt người dẫn độ mới nào được ký. Xem ra, ông Tô Lâm đang bế tắc, bắt cóc thì không dám, còn hợp tác tư pháp thì không đi đến đâu vì muốn có những hợp tác bắt người và dẫn độ phải cần rất nhiều thời gian.

    Link tham khảo:

    Quê Hương tổng hợp


    https://thoibao.de/blog/2023/04/07/kem-coi-de-song-ca-goc-ong-to-loay-hoay-tim-cach-chua-trong-be-tac/

    Không có nhận xét nào