Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ sáu 07 tháng 4 năm 2023

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Bộ Quốc Phòng Anh : Nga tấn công trở lại và tiến đến trung tâm thành phố Bakhmut Ukraina

    07/4/2023


    Lính Ukraina nã pháo vào các vị trí của quân Nga gần Bkhmut, Donetsk, Ukraina, ngày 05/03/2023. AP - LIBKOS 

    Thùy Dương /RFI

    Trong báo cáo thường nhật, bộ Quốc Phòng Anh, được Le Monde trích dẫn, hôm nay 07/04/2023 nhận định là sau những ngày “giậm chân tại chỗ” từ cuối tháng 03, quân đội Nga trong vài ngày qua đã mở lại các cuộc tấn công nhắm vào thành phố Bakhmut, Ukraina và đã tiến vào trung tâm thành phố, chiếm giữ khu bờ tây sông Bakhmutka. 

    Đà tiến này cho phép quân Nga đe dọa tuyến đường tiếp tế chính cho người dân Ukraina trong thành phố. Theo bộ Quốc phòng Anh, lính của công ty Wagner và quân đội chính quy Nga dường như đã cố gắng cải thiện hợp tác và giải quyết các bất đồng để tiến quân.

    Riêng về binh sĩ của Wagner, theo các hình ảnh được công bố vào ngày 06/04, binh sĩ Ukraina đã đẩy lùi các cuộc tấn công trên bộ của lực lượng này ở phía nam Ivanivske, cách Bakhmut 6 km về phía tây.Trong khi đó, báo Pháp Sud-Ouest cho biết Evgueni Prigojine, chủ nhân công ty đánh thuê Wagner, lại thừa nhận các lực lượng Ukraina vẫn còn hiện diện ở nhiều khu vực trong thành phố Bakhmut và chưa có dấu hiệu rút lui. 

    Về thiệt hại của Wagner, Evgueni Prigojinekhi đến thăm một nghĩa trang nơi chôn cất các chiến binh, khẳng định đội quân của ông ta vẫn tiếp tục chịu tổn thất trong các trận chiến ở Ukraina. Rất ít khi Matxcơva nói đến tổn thất, nhưng Le Monde nhắc lại, theo số liệu chính thức gần đây mà bộ Quốc Phòng Nga nêu lên, hồi tháng 09/2022, quân Nga thiệt hại 5.937 người, còn theo ước tính của phương Tây, trong các lượng của Nga, gồm quân đội, các chiến binh của Wagner và phe ly khai Ukraina thân Nga, tổn thất lên tới 150.000 người (tính cả số người tử vong và người bị thương).

    Hôm qua, tại điện Kremlintổng thống Nga Vladimir Putin đã lần lượt tiếp đón lãnh đạo của 4 vùng lãnh thổ của Ukraina mà Matxcơva đã sáp nhập hồi tháng 09/2022. Putin khẳng định mục tiêu của quân đội Nga là đẩy lui lực lượng Ukraina đến một khoảng cách đủ xa để họ không còn có thể gây thiệt hại cho Nga. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh hôm qua bộ Quốc Phòng Nga cho biết đã đẩy lui được một « nhóm phá hoại » gồm 15 người Ukraina tìm cách xâm nhập vào lãnh thổ Nga qua ngả Briansk sát biên giới hai nước. 

    Bộ Quốc Phòng Mỹ điều tra vụ rò rỉ tài liệu mật liên quan đến Ukraina

    07/4/2023


    Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, tướng Mark Milley (T) và bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin tham dự cuộc họp trực tuyến của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraina, tại Lầu Năm Góc, Washington, Hoa Kỳ ngày 15/03/2023. © REUTERS 

    Minh Anh /RFI

    Lầu Năm Góc đang tìm cách xác định nguồn gốc vụ rò rỉ các tài liệu mật liên quan đến chiến lược hậu thuẫn Ukraina của Mỹ và NATO, được đăng tải rộng rãi tuần này trên các mạng xã hội.   

    Theo báo Mỹ New York Times ngày 06/04/2023, được AFP trích dẫn, những tài liệu ghi ngày đầu tháng Ba 2023 đề cập nhiều chi tiết quan trọng như nhịp độ lực lượng Ukraina sử dụng các loại đạn pháo rốc-kết di động Himars, hay như lịch trình cung cấp vũ khí hoặc những thông tin mà phương Tây cung cấp cho quân đội Ukraina. 

    Theo đánh giá từ nhiều chuyên gia, những thông tin này, được chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội Twitter và Telegram, dường như là chính xác, nhưng cũng có một số chi tiết có thể đã bị chỉnh sửa mô tả tình hình có lợi cho Nga chẳng hạn như giảm thiểu quy mô thiệt hại của quân Nga. 

    Cũng theo những thông tin rò rỉ này, khoảng 12 lữ đoàn Ukraina có lẽ đang được thành lập, trong đó có 9 lữ đoàn được Mỹ huấn luyện và trang bị vũ khí.  

    Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ Sabrina Singh trả lời báo chí khẳng định Lầu Năm Góc đã biết sự việc và đang tiến hành điều tra. 

    WHO: Trung Quốc nắm giữ chìa khóa để hiểu nguồn gốc COVID-19 

    07/4/2023 

    Reuters 

    Chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, nơi được cho là nguồn gốc phát xuất của đại dịch COVID


    Chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, nơi được cho là nguồn gốc phát xuất của đại dịch COVID 

    Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 6/4 thúc ép Trung Quốc chia sẻ thông tin về nguồn gốc của COVID-19, nói rằng chừng nào chưa có thông tin đó, tất cả các giả thiết vẫn chưa được loại trừ, khi giờ đây đã được hơn ba năm kể lúc virus này lần đầu tiên xuất hiện.

    “Nếu không được tiếp cận với toàn bộ thông tin mà Trung Quốc có, chúng ta không thể nói gì cả”, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus nói khi trả lời câu hỏi về nguồn gốc của virus.

    “Tất cả các giả thiết đều còn đó. Đó là quan điểm của WHO và đó là lý do tại sao chúng tôi yêu cầu Trung Quốc hợp tác về vấn đề này”.

    “Nếu họ cung cấp thông tin, chúng ta sẽ biết điều gì đã xảy ra hoặc nó đã bắt đầu như thế nào”, ông nói.

    Virus lần đầu tiên được phát hiện ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc hồi tháng 12/2019, với nhiều người nghi ngờ nó lây lan trong một khu chợ động vật tươi sống trước khi lan ra khắp thế giới và làm gần 7 triệu người chết.

    Dữ liệu từ những ngày đầu của đại dịch COVID đã được các khoa học gia Trung Quốc đưa lên cơ sở dữ liệu quốc tế trong một thời gian ngắn hồi tháng trước.

    Nó bao gồm các chuỗi gien được tìm thấy trong hơn 1.000 mẫu môi trường và động vật được lấy vào tháng 1/2020 tại chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, vốn là ổ dịch COVID đầu tiên được biết đến.

    Dữ liệu cho thấy ADN của nhiều động vật trong các mẫu môi trường có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Điều này cho thấy chúng là ‘đường dẫn khả dĩ nhất’ của căn bệnh này, theo một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế.

    Tuy nhiên, trong một nghiên cứu không được đánh giá đồng đẳng được tạp chí Nature công bố trong tuần này, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc đã tranh cãi về những phát hiện của nhóm chuyên gia quốc tế.

    Họ nói các mẫu này không đưa ra bằng chứng cho thấy động vật đã thực sự bị nhiễm. Chúng cũng được lấy mẫu một tháng sau khi có ca lây từ người sang người đầu tiên ở chợ, vì vậy ngay cả khi chúng dương tính với COVID, động vật có thể đã nhiễm virus từ người.

    Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của WHO, cho biết thông tin mới nhất của Trung Quốc cung cấp một số ‘manh mối’ về nguồn gốc nhưng không có câu trả lời.

    Bà cho biết WHO đang làm việc với các nhà khoa học để tìm hiểu thêm về các ca nhiễm sớm nhất từ năm 2019, chẳng hạn như nơi ở của bệnh nhân.

    Bắc Kinh đối xử khác biệt giữa Tổng thống Pháp Macron và Chủ tịch Ủy ban Âu Châu von der Leyen

    Bắc Kinh đối xử khác biệt giữa Tổng thống Pháp Macron và Chủ tịch Ủy ban Âu Châu von der Leyen


    Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh tượng trưng. (Ảnh: Thierry Chesnot/Getty Images) 

    Tổng thống Pháp Macron và Chủ tịch Ủy ban Âu Châu von der Leyen hiện đang thăm Trung Quốc. Bắc Kinh rất thận trọng đối với cuộc gặp mặt này. Và mọi việc đều có nguyên do — kể cả giọng điệu trầm lặng bất thường từ phía Trung Quốc cũng vậy.

    Chuyến công du Trung Quốc của Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bắt đầu. Hai nhà lãnh đạo Âu Châu sẽ đến thăm quốc gia cộng sản này từ thứ Tư ngày 05/04/2023 đến thứ Sáu ngày 07/04/2023.

    Trong chuyến công du này, ông Macron đi cùng một phái đoàn gồm các doanh nghiệp lớn. Tờ Handelsblatt cho hay, 50 nhà quản lý hàng đầu của phái đoàn này muốn ký các hợp đồng béo bở với Trung Quốc. Ông Macron muốn phát đi một tín hiệu mà Bắc Kinh rất đỗi mong chờ, đó là: “business as usual” — hoặc kinh doanh bình thường như trước.

    Bắc Kinh đối xử khác biệt giữa ông Macron và bà von der Leyen

    Bà Mao Ninh (Mao Ning), phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã nói về hai chuyến thăm của ông Macron và bà von der Leyen, trong cuộc họp báo vào hôm 03/04. Rõ ràng là Trung Quốc đã xếp tầm quan trọng của ông Macron và bà von der Leyen ở thứ bậc khác nhau.

    Để trả lời cho hai câu hỏi do đài truyền hình nhà nước đưa ra, bà Mao Ninh đã tóm lược về chuyến thăm của ông Macron trong ba đoạn và chỉ dành một đoạn để nói về bà von der Leyen. Theo đó, ông Macron sẽ gặp ông Tập Cận Bình, đồng thời sẽ có các cuộc hội đàm với Thủ tướng Lý Cường (Li Qiang) và Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Triệu Lạc Tế (Zhao Leji). Ngay cả chuyến đi của ông Macron tới Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, cũng đã được đề cập đến.

    Theo bà Mao Ninh, Trung Quốc và Pháp đã “đạt được hiệu quả trong giao tiếp chiến lược và hợp tác thiết thực” và chuyến thăm của ông Macron sẽ được sử dụng để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước — vì sự “hòa bình, ổn định, và phát triển của thế giới.”

    Trái lại, bà Mao Ninh chỉ nói về bà Ursula von der Leyen một cách rất thận trọng và mang tính gián tiếp. Bà không đề cập gì đến việc ai sẽ gặp Chủ tịch Ủy ban Âu Châu. Tên của bà von der Leyen cũng không được đề cập trực tiếp. Cuối cùng, vị nữ phát ngôn viên này cho biết, song phương nên tuân thủ “tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích chung, và hợp tác đôi bên cùng có lợi.” Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với châu Âu.

    Châu Âu thay đổi định hướng an ninh về Trung Quốc

    Sự miễn cưỡng thấy rõ đối với Chủ tịch Ủy ban Âu Châu diễn ra sau bài diễn văn quan trọng mang tính chỉ trích Trung Quốc của bà der Leyen gần đây tại Brussels. Trong bài diễn văn đó, bà von der Leyen đã nhấn mạnh về sự thay đổi định hướng đối với Trung Quốc.

    Bà von der Leyen đã nói rõ rằng, quan điểm của Bắc Kinh về cuộc xâm lược quân sự của Nga vào Ukraine sẽ quyết định tương lai của mối quan hệ EU-Trung Quốc.

    Một điểm quan trọng khác nữa trong bài diễn văn này là nhận thức của Trung Quốc về chính sách thương mại. Theo bà von der Leyen, châu Âu phải phản ứng với chính sách kinh tế ngày càng hung hăng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Sự phụ thuộc đầy rủi ro về mặt kinh tế của các nước vào Trung Quốc cũng cần phải được giảm xuống.

    Bà von der Leyen cũng đề cập đến “sự thắt chặt một cách rất có chủ đích đối với lập trường chiến lược chung về Trung Quốc.” Bà nói: “Do sự thay đổi chính sách ở Trung Quốc, chúng ta có thể sẽ phải phát triển các công cụ phòng thủ mới cho một số lĩnh vực quan trọng.”

    Chiến lược của Trung Quốc: Gây chia rẽ

    Ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times đã có buổi nói chuyện trao đổi với ông Đinh Thọ Phạm (Ding Shu-fan), cựu giáo sư Đại học Quốc lập Chính trị Đài Loan (NCCU), vào hôm 04/04. Ông giải thích rằng định hướng chung của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là đặt châu Âu vào vị thế đối trọng của Hoa Kỳ. Để đạt được mục tiêu đó, các nhà lãnh đạo của chế độ cộng sản này đã gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo châu Âu. Trung Quốc muốn khuyến khích châu Âu áp dụng quyền tự chủ chiến lược và không tham gia chiến lược bao vây ĐCSTQ của Hoa Kỳ.

    “Các quốc gia Âu Châu khác nhau có thái độ khác nhau đối với Trung Quốc, ví dụ như Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, người có vẻ cứng rắn hơn một chút với Trung Quốc,” giáo sư Đinh Thọ Phạm cho hay, “trong khi những nước khác như Tây Ban Nha thì lại không thận trọng đối với Trung Quốc đến vậy.”

    Như Giáo sư Đinh giải thích, nhìn từ nhiều góc độ khác nhau thì mỗi quốc gia có một lập trường hoặc một mối bang giao khác nhau với Trung Quốc. ĐCSTQ sử dụng điều này để tạo ra một loại chia rẽ. Kết quả là, châu Âu với tư cách là một khối liên minh không thể đồng thuận cho một chính sách đối phó với Trung Quốc.

    Đối với Trung Quốc, giờ tổng thống Pháp quan trọng hơn

    Theo ông Dương Vĩnh Minh (Yang Yongming), một học giả quan hệ quốc tế người Đài Loan đồng thời là giáo sư Khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Quốc lập Đài Loan (NTU), bà von der Leyen có xu hướng đứng về phía Mỹ và chỉ trích một số hành động của ĐCSTQ.

    Do đó, ĐCSTQ đã cố tình tách bà von der Leyen khỏi ông Macron. Theo ông Dương, đối với Trung Quốc thì chuyến thăm của ông Macron quan trọng hơn nhiều. Bởi vì theo chuyên gia về Trung Quốc này, cho dù bà von der Leyen có là Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, thì Liên minh Âu Châu cũng không phải là một quốc gia.

    Ông Dương Chí Hằng (Yang Zhiheng), giáo sư phụ tá về ngoại giao và các vấn đề quốc tế tại Đại học Thiên Chúa Giáo Phụ Nhân (FJCU) của Đài Loan, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 04/04 rằng, “Luận điệu của Đại lục là châu Âu nên đi theo con đường của riêng mình chứ không nên đi theo Mỹ.” Điều tương tự cũng có thể xảy ra với châu Á, đặc biệt là trong quan hệ giữa hai nước Nhật-Mỹ.

    “Vì vậy, chiến lược ngoại giao của ông Tập Cận Bình có thể sẽ là chia rẽ các quốc gia trong Liên minh Âu Châu và các quốc gia Á Châu trong quan hệ với Mỹ,” ông Dương nói thêm. Đó là mục tiêu chính của ông Tập.

    Như tờ Tagesschau đã đưa tin về bài diễn văn quan trọng của bà von der Leyen, thì quan hệ của châu Âu với Trung Quốc là “không cân bằng” và “ngày càng bị ảnh hưởng bởi nhiều sự lệch lạc.” Trung Quốc muốn “làm cho mình bớt phụ thuộc vào thế giới và làm cho thế giới phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc.” Theo Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, rõ ràng là lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình muốn biến nước mình thành “quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.” 

    Do Steffen Munter thực hiện
    Bảo Bình biên dịch

    Sự hối tiếc của cựu Tổng thống Bill Clinton khi đã thuyết phục Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân

    Nguyễn Ngọc Chu dịch

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/04/05ukraine-nukes1-superJumbo.jpg

    Trả lời câu hỏi của phóng viên:“Vậy ông quan tâm như thế nào về những gì đang xẩy ra tại Ukraine?”, cựu Tổng thống Bill Clinton cho biết:

    “Vâng, Tôi đã biết rằng Tổng thống Putin không ủng hộ thoả thuận mà Tổng thống Yeltsin đã làm là không bao giờ xâm phạm vào biên giới lãnh thổ của Ukraine, một thoả thuận mà ông ta (Yeltsin) đã làm vì ông ta muốn Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân của họ. Họ (Ukraine) sợ phải từ bỏ chúng (vũ khí hạt nhân) vì họ nghĩ đó là thứ duy nhất bảo vệ họ khỏi một nước Nga bành trướng. Vì vậy ông ta (Putin) đã từ bỏ chúng (thoả thuận của Yeltsin).

    Lời nói của Yeltsin là tốt, ông ấy giữ lời hứa, nhưng ông ta không thể chuyển nó cho Duma. Vì vậy, khi nó thuận tiện với mình, Tổng thống Putin phá bỏ nó và trước tiên là chiếm Crimea.

    Và tôi cảm thấy kinh khủng về điều đó vì Ukraine là một quốc gia rất quan trọng. Và tôi cảm nhận có phần trách nhiệm cá nhân vì tôi đã khiến họ đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân và không ai trong số họ tin rằng Nga sẽ làm điều lật lọng này nếu Ukraine vẫn còn vũ khí của họ.

    Vì thế tôi nghĩ rằng những gì ông Putin đã làm là rất sai. Và tôi tin châu Âu và Hoa Kỳ nên tiếp tục ủng hộ Ukraine. Có thể sẽ đến một thời điểm khi mà Chính phủ Ukraine tin rằng họ có thể nghĩ về một thoả thuận hoà bình mà họ chung sống được với nó. Nhưng tôi không nghĩ rằng những người còn lại trong chúng ta nên cắt ngắn và gây áp lực lên họ”.

    Nguyên bản tiếng Anh lời Bill Clinton ghi từ video:

    So how concerned are you about what’s happening in Ukraine?

    Well, I knew that President Putin did not support the agreement President Yeltsin made never to interfere with Ukraine’s territorial boundaries, an agreement he made because he wanted Ukraine to give up their nuclear weapons. They were afraid to give them up because they thought that’s the only thing that protected them from an expansionist Russia. So he gave them up.

    Yeltsin word was good, he kept his word, but he couldn’t pass it to the Duma. So, when it became convenient to him, President Putin broke it and first took Crimea.

    And I feel terrible about it because Ukraine is a very important country. And I feel a personal stake because I got them to agree to give up their nuclear weapons and none of them believe that Russia would have pulled this stunt if Ukraine still had their weapons.

    So I think what Mr. Putin did was very wrong. And I believe the Europe and the United States should continue to support Ukraine. There may come a time when the Ukrainian government believes that they can think of a peace agreement they can live with. But I don’t think the rest of us should cut and run on them.

    Hàng nghìn người chạy sang Thái Lan trong bối cảnh Myanmar tiếp tục giao tranh

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/04/e23b2bc2-ce13-4119-875c-6c565ebbf100.jpg

    Theo các quan chức Thái Lan, hàng nghìn người đã chạy qua biên giới sang Thái Lan trong bối cảnh giao tranh ác liệt giữa quân đội và các nhóm nổi dậy có vũ trang của Myanmar.

    Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn khi quân đội giành chính quyền từ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi vào tháng 2/2021, dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ và nổi dậy vũ trang.

    Các quan chức Thái Lan cho hay, giao tranh gần biên giới tập trung gần thị trấn Myawaddy ở miền Nam bang Karen, còn được gọi là Kayin, giáp với tỉnh Tak của Thái Lan.

    “Khoảng 3.998 người đã trốn chạy đến nơi trú ẩn tạm thời của Thái Lan” trên 10 khu vực, các quan chức tỉnh Tak thông báo. Ho cũng cho biết thêm rằng tình hình đang được theo dõi chặt chẽ.

    Báo tiếng Anh Khaosod của Thái Lan và BBC tiếng Miến Điện đưa tin, giao tranh bùng phát sau một cuộc tấn công vào đồn biên phòng của binh sĩ vũ trang từ Quân đội Giải phóng Quốc gia Karen, một nhóm vũ trang sắc tộc.

    “Nhiều người đã vượt biên từ hôm qua và một số vẫn đang đợi ở phía Myanmar để qua. Mọi người hiện không có đủ nước uống, và thậm chí cũng không có bất kỳ nhà vệ sinh nào,” một một nhân viên từ thiện yêu cầu giấu tên nói với Reuters.

    Thái Lan cho biết lực lượng không quân của họ đang theo dõi tình hình và “sẵn sàng điều động các chuyến bay tuần tra nếu không phận Thái Lan bị xâm phạm”.

    “Trung tâm chỉ huy biên giới Thái Lan-Myanmar ở tỉnh Tak đang hợp tác với các cơ quan liên quan để đảm bảo an toàn và trợ giúp theo các nguyên tắc nhân đạo cho tất cả những người bỏ chạy khỏi cuộc chiến ở Myanmar,” chính quyền tỉnh nêu rõ trong một tuyên bố hôm 6/4.

    Kể từ cuộc đảo chính, một số nhóm vũ trang sắc tộc như KNLA, vốn đã chiến đấu với các lực lượng vũ trang trong nhiều thập kỷ, đã liên kết với các nhóm chống đảo chính để cố gắng buộc các tướng lĩnh phải từ bỏ quyền lực. Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, quân đội Myanmar đã sử dụng vũ lực sát thương chống lại các đối thủ của mình, giết chết khoảng 3.212 người và bỏ tù hơn 17.000 người.

    Họ cũng chuyển sang sử dụng sức mạnh không quân trong nỗ lực quét sạch phe đối lập. Các nhà quan sát đã cáo buộc quân đội nhắm mục tiêu vào dân thường trong các vụ đánh bom và tấn công trên bộ. Ngôi làng ở Tây Bắc Myanmar bị đánh bom ngay tuần trước.

    Quân đội Myanmar tuyên bố họ đang chiến đấu với “những kẻ khủng bố” và phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường. Họ thậm chí còn đổ lỗi cho các chiến binh chống đảo chính về cái chết của thường dân.

    Nhật Minh (Theo Aljazeera)

    Kinh tế Mỹ vẫn ổn định nhờ thị trường lao động mạnh

    Trong năm qua, nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục đối mặt nhiều vấn đề: từ cuộc xâm lược Ukraine của Nga cho đến lạm phát và hiện tại là tình trạng hỗn loạn trong ngành ngân hàng. Các ngân hàng, nhà kinh tế và quan chức đều dự đoán Mỹ sẽ đi vào suy thoái lâu hơn một năm. Nhưng mãi chưa thấy suy thoái — và các dữ liệu việc làm được công bố vào thứ Sáu có thể cho thấy, bất chấp mọi dự đoán u ám, nền kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh.

    Các nhà kinh tế dự đoán Mỹ có thêm khoảng 250.000 việc làm trong tháng 3. Nhưng các biến động dữ liệu gần đây cho thấy không ai có thể đoán trước được con số chính xác. Một lo ngại là đợt báo cáo này không thể phản ánh đầy đủ hậu quả từ vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank, phần lớn xảy ra vào nửa cuối tháng 3. Nhưng dữ liệu “tần suất cao” — mọi thứ từ vị trí tuyển dụng cho đến chi tiêu thẻ tín dụng — gần đây đều cho thấy nhu cầu lao động vẫn mạnh.

    Kinh tế Nga phục hồi sau đợt giảm đầu năm 2022

    Số liệu GDP chính thức cho quý 4 năm 2022, được công bố vào thứ Sáu, sẽ cho thấy tăng trưởng kinh tế Nga đã phục hồi sau lần giảm vào mùa xuân năm ngoái. Cuộc xâm lược Ukraine của tổng thống Vladimir Putin vào tháng 2 năm 2022 nhanh chóng dẫn tới rút tiền hàng loạt khỏi ngân hàng và các công ty phương Tây ồ ạt rời bỏ Nga.

    Nhưng mọi thứ đã cải thiện kể từ đó. Nga đã định hướng lại các mối quan hệ thương mại và đầu tư, bao gồm việc thúc đẩy xuất khẩu nhiên liệu sang Trung Quốc và Ấn Độ. Các nhà hoạch định chính sách đã hành động nhanh chóng để củng cố các ngân hàng và hỗ trợ thu nhập thực tế. Ngoài ra Nga còn được hưởng lợi đáng kể từ giá dầu và khí đốt cao. Cũng không có lý do gì để cho rằng Nga đang thao túng dữ liệu. Các thước đo thay thế về hoạt động kinh tế của khu vực tư nhân, như tiêu thụ điện, đều cho thấy sự phục hồi. Nhưng năm tới có vẻ phức tạp hơn. Giá nhiên liệu đã giảm, trong khi chi phí chiến tranh tiếp tục tăng. Dù vậy Nga khó mà ngồi vào bàn đàm phán chỉ vì áp lực kinh tế.

    Quan ngại về tình hình sức khoẻ của Giáo Hoàng Francis

    Đức Thánh Cha Francis sắp bước vào một chuỗi ngày đặc biệt mệt mỏi. Đang hồi phục sau đợt nhập viện vì viêm phế quản và phải ngồi xe lăn, ông rõ ràng là không khoẻ. Nhưng ông dự kiến ​​sẽ tham gia hai sự kiện vào thứ Sáu, bao gồm một đoàn rước đêm kéo dài tại Đấu trường La Mã để tưởng nhớ hành trình của Chúa Giê-su đến thập giá. Sau đó Đức Francis sẽ dự lễ vọng Phục sinh vào thứ Bảy, trước khi chủ sự Thánh lễ Phục sinh dài tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô vào Chúa Nhật (mà sau đó là bài diễn văn theo truyền thống của Đức Giáo Hoàng) và chủ sự một buổi cầu nguyện vào thứ Hai. Chương trình bận rộn như vậy có thể làm nản lòng ngay cả một người trẻ và khoẻ mạnh. Do đó, người Công giáo và những người khác ngưỡng mộ vị Giáo Hoàng vui vẻ, có đầu óc phóng khoáng, sẽ rất quan tâm theo dõi tình hình của ngài.

    Trong lịch sử, các Giáo hoàng sẽ kiên cường đến cùng. Những năm cuối đời của Thánh Gioan Phaolô II trông thật đau đớn. Nhưng người kế nhiệm ngài, Đức Benedict XVI, đã từ chức vào năm 2013 vì sức khỏe yếu và tuổi già. Đức Francis từng nói ông không nghĩ việc từ chức nên trở thành “mốt,” nhưng cũng không loại trừ hoàn toàn khả năng đó.

    Thái Lan chuẩn bị bước vào bầu cử

    Thứ Sáu là hạn chót cho các đảng đệ trình ứng viên thủ tướng của họ cho cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan, dự kiến vào ngày 14 tháng 5. Một loạt các ứng viên thân quân đội, trong đó có ông Prayuth Chan-ocha, cựu chỉ huy quân đội và đương kim thủ tướng, đã tham gia cuộc đua. Bên cạnh đó là Paetongtarn Shinawatra, con gái 36 tuổi của Thaksin Shinawatra, cựu thủ tướng đang sống lưu vong.

    Gia tộc Shinawatra, vẫn còn rất được ủng hộ ở các vùng nông thôn, tỏ ra bất khả chiến bại nếu có bầu cử tự do và công bằng. Ông Thaksin thắng năm 2001 và 2005, còn em gái ông, Yingluck, thắng năm 2011. (Quân đội đã lật đổ cả hai.) Chính phủ bảo hoàng cầm quyền từ năm 2014 đã thao túng hệ thống chính trị theo hướng có lợi cho họ: nhờ sự ủng hộ nhất trí của thượng viện do quân đội chỉ định, các ứng viên thân quân đội sẽ chỉ cần 126 ghế trong Hạ viện 500 người để giành chiến thắng; trong khi các ứng viên dân chủ phải thắng tới 376 ghế. Nhưng đảng Pheu Thai nổi tiếng của bà Paetongtarn thậm chí có thể vượt qua cả ngưỡng đó. Vậy nếu giới cầm quyền hiện tại ở Bangkok — quân đội, hoàng gia và những người ủng hộ giàu có của họ — không thích điều đó? Quân đội luôn có thể thực hiện một cuộc đảo chính nữa.

    Trực thăng quân sự Nhật Bản rơi trên biển, 10 người vẫn mất tích

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/04/ntdvn_thumb-7.jpg


    Các binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản nhảy xuống từ trực thăng UH-60 trong buổi diễn tập cho cuộc tập trận bắn đạn thật hàng năm tại Khu vực cơ động Đông Fuji của JGSDF vào ngày 25 tháng 8 năm 2016 tại Gotemba, Nhật Bản. (Ảnh: Yuya Shino/Getty Images) 

    Nhật Bản hôm thứ Năm (6/4) cho biết các nỗ lực cứu hộ đang được tiến hành để xác định vị trí những người sống sót sau khi một máy bay trực thăng quân sự chở 10 người bị rơi ở vùng biển gần Miyakojima, một phần của chuỗi đảo Okinawa phía tây nam của nước này.Tướng Yasunori Morishita, người đứng đầu Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản (GSDF), cho biết trong cuộc họp báo rằng, chiếc trực thăng UH-60 vận chuyển quân dòng Black Hawk đã biến mất khỏi màn hình radar sau khi rời căn cứ của GSDF ở Miyakojima.

    Morishita cho biết chiếc máy bay đang tuần tra vùng biển xung quanh Miyakojima trong một nhiệm vụ trinh sát trên không.

    Theo truyền thông Nhật Bản, thời tiết vào thời điểm trực thăng mất tích được mô tả là bình thường. Trên trực thăng có hai phi công, hai thợ máy và sáu thành viên tổ bay, tất cả đều là thành viên của GSDF.

    Các tàu tuần tra của Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản đang tìm kiếm trực thăng mất tích tại vùng biển cách sân bay Miyako khoảng 18km về phía tây bắc.

    Bộ trưởng Phòng vệ Nhật Bản Hamada Yasukazu hôm nay (7/4) cho biết, hiện 10 người trên chiếc trực thăng UH-60 vẫn đang mất tích. Ông Yasukazu cho biết thêm, tại hiện trường, lực lượng phòng vệ, cảnh sát biển đang nỗ lực tìm kiếm xuyên đêm. Các hoạt động cứu hộ, cứu nạn tiếp tục được huy động ở mức cao nhất.

    Bộ trưởng khẳng định, sau sự cố Bộ Phòng vệ sẽ tăng cường quản lý an toàn cho tất cả hệ thống không quân.

    Các tàu hải quân Trung Quốc tới Thái Bình Dương từ Biển Hoa Đông thường đi qua gần Miyakojima, nơi đã bố trí các bệ phóng tên lửa chống hạm di động của GSDF kể từ năm 2019. Trong 4 ngày qua, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng về cuộc gặp giữa Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy, ít nhất 3 tàu chiến Trung Quốc đã đi ngang qua hòn đảo này.

    Phía Nhật Bản không cho biết liệu trực thăng UH-60 có tham gia theo dõi bất kỳ hoạt động quân sự nào của Trung Quốc hay không.

    Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết ưu tiên của chính phủ hiện nay là giải cứu những người trên máy bay.

    Cảnh sát biển Nhật Bản cùng các tàu và máy bay quân sự đã tìm thấy xác máy bay dưới nước. Việc tìm kiếm 4 thành viên phi hành đoàn trực thăng và 6 hành khách mất tích vẫn đang được tiếp tục. Yuichi Sakamoto, một chỉ huy cấp cao của GSDF, nằm trong số những người mất tích.

    Tính đến tháng 3 năm ngoái, GSDF có 40 máy bay trực thăng UH-60JA, có thể chở tối đa 14 người và thường được sử dụng để vận chuyển bệnh nhân cấp cứu từ các đảo xa và các khu vực bị thiên tai.

    Viên Minh (Tổng hợp)

    Bill Gates phản đối lời kêu gọi tạm dừng phát triển AI của Elon Musk và hơn 13.000 chuyên gia

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/04/ntdvn_gettyimages-1401598949-1200x720-1.jpg


    Tỷ phú Bill Gates phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh TIME100 năm 2022, ở thành phố New York, Mỹ, ngày 07/06/2022. (Ảnh: Jemal Countess/Getty Images) 

    Tỷ phú Bill Gates đã đưa ra những phát ngôn công khai đầu tiên để đáp lại bức thư ngỏ được đồng ký tên bởi tỷ phú Elon Musk cùng hơn 13.000 chuyên gia. Bức thư kêu gọi các phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo “ngay lập tức tạm dừng” đào tạo các hệ thống mạnh hơn Chat GPT-4 trong ít nhất 6 tháng.

    Ông Gates – người đồng sáng lập Microsoft – nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn rằng việc tạm dừng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ không “giải quyết được những thách thức” phía trước, rằng việc đó sẽ khó có thể được thực hiện trên quy mô toàn cầu và rằng lý do căn bản để làm điều đó là không rõ ràng.

    Microsoft đang đi đầu trong cuộc đua AI, đã đầu tư hàng tỷ đô-la vào OpenAI – công ty tạo ra ChatGPT và bản cập nhật mới nhất GPT-4.

    Vào tuần trước, ông Musk – giám đốc điều hành của Twitter và Tesla – đã ký tên vào một lá thư do tổ chức phi lợi nhuận Future of Life Institute đưa ra. Lá thư cảnh báo rằng các phòng thí nghiệm AI đang bị cuốn vào một “cuộc chạy đua ngoài tầm kiểm soát”; việc họ phát triển “những bộ óc kỹ thuật số mạnh mẽ hơn bao giờ hết” – những thứ mà con người không thể hiểu đầy đủ và không thể kiểm soát hoàn toàn – sẽ gây ra hậu quả thảm khốc.

    Lá thư nhận được hơn 1.000 chữ ký vào tuần trước; hiện nay, con số này đã tăng lên hơn 13.000. Trong những người ký tên có ông Steve Wozniak – đồng sáng lập Apple, ông Emad Mostaque – người sáng lập và giám đốc điều hành của Stability AI, các kỹ sư từ Meta và Google, cùng nhiều chuyên gia khác. Họ đã kêu gọi tất cả các phòng thí nghiệm AI “tạm dừng ngay lập tức” việc đào tạo các hệ thống mạnh hơn Chat GPT-4 trong ít nhất 6 tháng.

    Bức thư không kêu gọi ngừng phát triển AI nói chung, mà chỉ kêu gọi ngừng phát triển các hệ thống tiên tiến nhất. Các chuyên gia mô tả hành động này “chỉ đơn thuần là một bước lùi khỏi cuộc đua nguy hiểm – cuộc đua không thể đoán trước của các mô hình hộp đen (black-box model)…”.

    Tỷ phú Bill Gates, trong cuộc phỏng vấn với Reuters, đã dội một gáo nước lạnh vào ý tưởng tạm dừng phát triển AI được nêu trong bức thư. Ông đề xuất một hướng hành động khác.

    “Tôi không nghĩ việc yêu cầu một nhóm cụ thể nào đó tạm dừng sẽ giải quyết được các thách thức”, ông Gates nói. “Rõ ràng, chúng [AI] mang đến những lợi ích to lớn … điều chúng ta cần làm là xác định các khía cạnh rắc rối”.

    Ông Gates cũng chỉ trích các tiêu chí thực thi mơ hồ mà bức thư đề ra.

    “Tôi thực sự không hiểu họ đang nói ai nên dừng lại, và liệu mọi quốc gia trên thế giới có đồng ý dừng lại không, và tại sao phải dừng lại”, Bill Gates nói với Reuters. “Có rất nhiều ý kiến khác nhau trong lĩnh vực này”.

    Tuy nhiên, hôm 21/3, người đồng sáng lập Microsoft đã đăng trên trang blog cá nhân GatesNotes rằng “có khả năng AI sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát” và sẽ coi con người là mối đe dọa.

    Ông cũng thừa nhận rằng trong tương lai, các AI siêu thông minh hoặc AI “mạnh” (strong AI) có thể có khả năng tự đặt ra các mục tiêu đi ngược lại với lợi ích của nhân loại.

    Tác động ‘thảm khốc’ đối với xã hội

    Trong bức thư ngỏ của Future of Life Institute, các chuyên gia cảnh báo rằng các hệ thống AI có trí thông minh có thể cạnh tranh với con người sẽ gây ra “những rủi ro sâu sắc cho xã hội và nhân loại”; do đó, chúng ta cần lên kế hoạch quản lý cẩn thận để tránh những tác động “thảm khốc” có thể xảy ra.

    Các chuyên gia viết: “Chúng ta đã thành công trong việc tạo ra các hệ thống AI mạnh mẽ, giờ đây, chúng ta có thể tận hưởng một ‘mùa hè AI’ – quãng thời gian chúng ta gặt hái thành quả, điều chỉnh các hệ thống sao cho chúng mang lại lợi ích cho tất cả mọi người và sao cho xã hội có cơ hội thích nghi”.

    “Con người đã tạm dừng [phát triển] các công nghệ khác – những thứ có nguy cơ gây ra hậu quả thảm khốc cho xã hội. Chúng ta có thể làm như vậy ở đây [với AI]. Hãy tận hưởng một mùa hè AI dài, đừng vội vàng không chuẩn bị gì mà bước sang mùa thu”.

    Bức thư kêu gọi tất cả các phòng thí nghiệm AI tạm dừng đào tạo các hệ thống AI mạnh hơn GPT-4 trong tối thiểu 6 tháng, hoặc chính phủ cần ban hành một lệnh cấm tạm thời việc đào tạo như vậy nếu các phòng thí nghiệm AI không tự tạm dừng.

    Theo bức thư, trong thời gian tạm dừng, các phòng thí nghiệm AI và các chuyên gia độc lập nên sử dụng khoảng thời gian đó để tạo ra và triển khai một bộ giao thức an toàn dùng chung cho thiết kế và phát triển AI tiên tiến; bộ giao thức này cần được “kiểm tra nghiêm ngặt” và được giám sát bởi các chuyên gia bên thứ ba độc lập.

    Ông Eliezer Yudkowsky, nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực này, cho biết ông tin rằng các hệ thống siêu thông minh sẽ quét sạch nền văn minh loài người:

    “Chúng ta chưa sẵn sàng. Chúng ta đang không đi đúng hướng để có thể trở nên sẵn sàng hơn trong tương lai gần. Nếu chúng ta tiếp tục đi như thế này thì tất cả mọi người sẽ chết, kể cả những đứa trẻ – những người không chọn điều này và không làm gì sai”.

    Xuân Hoa tổng hợp

    Stormy Daniels nói ông Trump không đáng bị đi tù vì vụ tiền bịt miệng 

    06/4/2023 

    Bà Stormy Daniels ở Long Island, New York (ảnh tư liệu, tháng 2/2018).


    Bà Stormy Daniels ở Long Island, New York (ảnh tư liệu, tháng 2/2018). 

    Bà Stormy Daniels, ngôi sao “phim người lớn” là tâm điểm trong vụ án hình sự nhằm vào ông Donald Trump, nói rằng bà không cho là vị cựu tổng thống đáng phải ngồi tù nếu bị kết tội che giấu các khoản tiền bịt miệng mà ông đã chi cho bà.

    "Tôi không nghĩ rằng những tội mà ông ấy gây ra đối với tôi lại đáng bị tống giam. Tôi cảm thấy những việc khác mà ông ấy đã làm, nếu ông ấy bị kết tội, chắc chắn là đáng hơn", bà Daniels, 44 tuổi, nói trong một cuộc phỏng vấn với Piers Morgan của Fox Nation được phát sóng hôm 6/4.

    Ông Trump đã bị buộc tội tại New York hôm 4/4 với 34 tội danh nghiêm trọng về làm sai lệch hồ sơ kinh doanh liên quan đến cáo buộc ông thu xếp các khoản thanh toán tiền bịt miệng cho bà Daniels và cựu người mẫu Playboy Karen McDougal trước cuộc bầu cử Hoa Kỳ năm 2016 để ngăn chặn việc công bố những lời kể là họ có quan hệ tình dục với ông.

    Ông Trump, 76 tuổi, cũng phải đối mặt với các cuộc điều tra hình sự ở Washington vì cố gắng đảo ngược thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020 và quản lý sai nguyên tắc các tài liệu mật, cũng như một cuộc điều tra hình sự riêng rẽ ở bang Georgia về nỗ lực đảo ngược thất bại của ông ở bang đó.

    Các công tố viên ở Manhattan cáo buộc ông Trump, vị tổng thống đương nhiệm hoặc cựu tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên phải đối mặt với cáo buộc hình sự, đã cố gắng che giấu hành vi vi phạm luật bầu cử trong chiến dịch tranh cử thành công năm 2016 của ông.

    Ông Trump, người đang dẫn đầu trong cuộc đua để trở thành ứng cử viên của đảng Cộng hòa vào năm 2024, phủ nhận việc ngoại tình với bà Daniels nhưng đã thừa nhận về khoản thanh toán.

    Phiên tranh tụng tiếp theo trong vụ án được ấn định vào ngày 4/12. Các chuyên gia pháp lý cho rằng sẽ không diễn ra một phiên tòa trong một năm tới, và bản cáo trạng hoặc thậm chí là một phán quyết cũng sẽ không ngăn cản ông Trump tranh cử tổng thống một cách hợp pháp.

    Bà Daniels nói với nhà báo Morgan rằng nếu vụ án được đưa ra xét xử, bà muốn làm chứng.

    "Tôi không có gì phải che giấu. Tôi là người duy nhất đã nói sự thật đến nay", bà nói.

    (Reuters)


    Không có nhận xét nào