Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ tư 05 tháng 4 năm 2023

    Quê Hương tổng hợp

    Chính phủ Việt Nam phản hồi một thư chất vấn của LHQ sau gần hai năm tiếp nhận 

    05/4/2023 

    Huy Nguyễn 

    Trang đầu bức thư của Phái đoàn Thường trực nước CHXHCN Việt Nam tại Geneva trả lời Bộ phận Thủ tục Đặc biệt của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc .

    Trang đầu bức thư của Phái đoàn Thường trực nước CHXHCN Việt Nam tại Geneva trả lời Bộ phận Thủ tục Đặc biệt của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc . 

    Gần hai năm sau kể từ khi nhóm chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc gửi văn thư chất vấn về 9 nhà hoạt động bị sách nhiễu, giam cầm, chính quyền Việt Nam mới có phản hồi, nhưng cho rằng những người này “vi phạm pháp luật”.

    Vào ngày 24/3 vừa qua, Phái đoàn Thường trực nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva đã trả lời thư của Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) được gởi đi vào tháng 11/2021 về những cáo buộc liên quan đến hàng loạt vụ bắt giữ, bị cáo buộc giam giữ tùy tiện, và truy tố trước pháp luật với 9 nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, Nguyễn Văn Nghiêm, Lê Văn Dũng, Đinh Thị Thu Thủy, Đỗ Nam Trung, Đinh Văn Hải, Chung Hoàng Chương, Lê Trọng Hùng, Trần Quốc Khánh, và Lê Chí Thành.

    Việt Nam có 60 ngày để trả lời. Nếu đình trệ, thì lá thư và bất kỳ phản hồi nào nhận được từ Chính phủ Việt Nam sẽ được công khai thông qua trang web báo cáo thông tin liên lạc và chúng cũng sẽ được cung cấp trong báo cáo thường kỳ để trình lên Hội đồng Nhân quyền. Nhưng phải đến gần 2 năm sau, Việt Nam mới hồi đáp.

    Trả lời OHCHR về việc bắt giữ 9 nhà hoạt động nhân quyền, phía Việt Nam cho rằng đều đã được Viện kiểm sát nhân dân các cấp “phê chuẩn”. Mọi quyết định tố tụng hình sự đều phải được Viện kiểm sát nhân dân phê chuẩn thì mới có hiệu lực pháp luật và được thi hành và hoàn toàn phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Điều 9, Khoản 3 của ICCPR “Bất kỳ ai bị bắt hoặc bị giam giữ vì tội hình sự sẽ được nhanh chóng đưa ra trước một thẩm phán hoặc viên chức khác được ủy quyền theo luật để thực thi quyền tư pháp và có quyền được xét xử trong vòng một thời gian hợp lý hoặc để phát hành”. Việt Nam cho rằng tất cả đều vi phạm pháp luật Việt Nam, các hành vi vi phạm đã được chứng minh với đầy đủ chứng cứ tại một phiên tòa công khai, minh bạch, tuân thủ quy định của Luật tố tụng hình sự.

    Trong số những nhà hoạt động nhân quyền mà OHCHR đã liên tiếng có ông Chung Hoàng Chương. Ông bị Tòa án Nhân dân Quận Ninh Kiều, Thành phố Cần Thơ kết án một năm rưỡi tù giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.

    Ông Chương bị bắt vào ngày 12/1/2020, được cho là vì các bài đăng về việc công an bị cáo buộc sử dụng vũ lực quá mức ở xã Đồng Tâm vào ngày 9/1/2020 mà ông đã đăng trên mạng xã hội. Trước khi bị bắt, ông cũng đã đăng những ý kiến chỉ trích trên mạng xã hội về vai trò bị cáo buộc của Chính phủ trong thảm họa môi trường Formosa. Ông Chương được trả tự do vào ngày 11/6/ 2021 sau khi chấp hành xong hình phạt tù.

    Trao đổi với VOA hôm 30/3 vừa qua, ông Chương cho biết khi trở về ông đã thay đổi chỗ ở và có nhiều áp lực trong cuộc sống. Vợ của ông Chương buôn bán trái cây còn ông buôn bán sim điện thoại.

    “Công việc của tôi lúc trước là buôn bán sim điện thoại thì thấy tình hình bây giờ chắc khó khăn, sức mua không còn như lúc xưa nữa,” Ông Chương nói. “Thành ra bây giờ chỉ ở nhà tiếp bà xã thôi. Còn nhà thì cho thuê để kiếm thêm chút thu nhập để lo cho mấy đứa con đi học.”

    Trả lời OHCHR, bên phía Việt Nam cho rằng ông Chương đã đăng tổng cộng là 35 bài viết với những nội dung “sai lệch, xuyên tạc chính sách của đảng cộng sản Việt Nam và nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Ngoài ra, chính quyền còn chỉ trích ông Chương đã “xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự, nhân phẩm của một số tổ chức, cá nhân, lực lượng công an, nhất là các công an đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.

    Ông Chương cho biết rằng khi ông đăng những bài viết của mình lên Facebook, ông vẫn có nhận thức về những cái cần phải tránh để không vướng mắc đến những vấn đề liên quan đến pháp lý.

    “Nhưng mà hiện tại tôi suy nghĩ là tại vì tôi nói lên sự thật, nói lên những điều mà chính quyền không có thích nghe, hoặc không muốn cho nhiều người biết,” Ông Chương nói. “Khi tôi nói lên và thêm những bài viết, tôi hay đả kích, châm biếm thì thành ra là có tội rồi.”

    Ông Chương nói thêm khi ông nói lên tiếng nói là ông đặt vai trò mình lên người dân. Ông chỉ nói lên tiếng nói phản biện để xây dựng đóng góp. Ông không hề có âm mưu lật đổ chính quyền vì ông cho rằng vai trò của ông “nhỏ bé” nên ông không có nghĩ xa xôi như vậy. Ông chỉ biết cất lên tiếng nói của người dân còn chính quyền có lắng nghe hay tiếp thu thì là chuyện khác.

    Ông giải thích những bài viết ông đăng xung quanh vấn đề ở Đồng Tâm là nguyên nhân chính để chính quyền bắt khẩn cấp ông.

    “Khi làm việc với cơ quan điều tra thì tôi cũng có giải thích nhưng họ không có nghe,” Ông Chương nói. “Đến khi họ buộc tội thì chịu thôi.”

    Phía Việt Nam có nói rằng, trong quá trình điều tra và làm việc, ông Chương đã từ chối mời luật sư bào chữa. Ông Chương giải thích với đài VOA rằng khi làm việc với cơ quan điều tra, ông có trình bày về những bài viết của mình và việc có luật sư cũng không có thay đổi được gì nhiều.

    “Cho nên lúc đó tôi không có yêu cầu có luật sư,” Ông Chương nói. “Nhưng sau này tôi mới nhận ra là có luật sư vẫn tốt hơn. Trong thời gian điều tra không có giao tiếp với gia đình thì luật sư sẽ làm một cái cầu nối để thông tin qua lại giữa tôi với gia đình thì cả hai bên đều đỡ lo lắng hơn.”

    Ông Lê Chí Thành, một trong những nhà hoạt động nhân quyền được nhắc tới trong bức thư, hiện đang bị giam giữ tại Việt Nam. Trước khi bị bắt, ông Thành từng là cán bộ công an làm việc tại trại giam nhưng bị sa thải vì ông đã tố cáo những hành vi tham nhũng và sai trái của ban quan lý trại giam. Ông cũng có một kênh YouTube mà ở đó ông đăng các video liên quan đến vấn đề tham nhũng trong lực lượng an ninh công cộng, nhưng ông đã bị sa thải vào năm 2020 sau khi tố cáo cáo buộc tham nhũng và sai trái của ban quản lý nhà tù.

    Vào ngày 20/3/2021, xe ô tô của ông Thành bị cảnh sát giao thông thành phố Thủ Đức chặn lại và khám xét. Ông bị cáo buộc “không có giấy đăng ký ô tô và lái xe sai làn đường”. Khi công an cưỡng chế tạm giữ xe, ông Thành đã ghi lại quá trình và đối chất về thẩm quyền của công an đối với hành động này. Được biết ông không dùng đến bất kỳ hình thức bạo lực nào, nhưng bên phía Việt Nam nói rằng trong quá trình giải quyết, ông Thành nhiều lần “có hành vi và lời nói cản trở lực lượng chức năng làm việc”, kích động nhiều đối tượng không liên quan tập trung cản trở lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, gây mất an ninh trật tự, ùn tắc giao thông. Sau đó ông Thành bị Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức tuyên phạt 02 năm tù giam về tội “Chống người thi hành công vụ” theo Điều 330 Bộ luật Hình sự.

    Trao đổi với đài VOA hôm 31/3, bà Lê Thị Phú, mẹ của ông Thành, cho biết ông Thành đi đúng làn đường của mình và không có hành vi chống người thi hành công vụ.

    “Khi bắt xe thì con tôi ngồi cầm một cái điện thoại quay trực tiếp,” Bà Phú nói. “Họ đòi cẩu xe đi. Nếu có giấy tờ thì con tôi cho nhưng không có giấy tờ thì con tôi không cho cẩu xe đi.”

    Vào ngày 22/06/2022, ông Thành tiếp tục bị Tòa án nhân dân huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, tuyên phạt 03 năm tù giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền hợp pháp và lợi ích của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự với các cáo buộc của VKSND tỉnh Bình Thuận, từ tháng 7 đến tháng 10/2020, rằng ông Thành đã sử dụng tài khoản Facebook “Lê Chí Thành” để đăng tải các video, bài viết “có nội dung sai sự thật, xâm phạm lợi ích hợp pháp của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp” của Công an, chức danh Thứ trưởng Bộ Công an và cá nhân ông Lê Bá Thuỵ, Giám thị Trại tạm giam Thủ Đức.

    “Con tôi tố cáo một Giám thị Trại giam Z30D Lê Bá Thuỵ về tội tham nhũng,” Bà Phú nói. “Thì theo lời kêu gọi của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng có nói ai biết thì tố giác. Đáng lẽ ông phải bảo vệ quyền bí mật nhưng cuối cùng không bảo vệ quyền hợp pháp cho con tôi.”

    OHCHR cáo buộc Việt Nam đã tra tấn và ngược đãi ông Thành trong khi bị tạm giam trước khi xét xử, để ông bị thương ở tay và chân. Nhưng Việt Nam đã phủ nhận việc đó trong bức thư trả lời. Họ nói rằng ông Thành đã “tự gây thương tích” và có thái độ thù địch, xúc phạm danh dự của cán bộ quản giáo trong thời gian bị tạm giữ.

    Bà Phú khẳng định là ông Thành có bị đánh trong lúc bị tạm giam trong 7 ngày đến độ không đi lại được.

    “Đánh mà không đi được, không lết được lúc ra toà,” Bà Phú nói. “Phải có hai người công an dìu đi.”

    VOA đã liên lạc với Trại giam Z30D để xin ý kiến nhưng không có ai trả lời. Ngoài ra, VOA đã liên lạc đến bộ Ngoại giao Việt Nam để hỏi ý kiến nhưng cũng không có phản hồi.

    Cũng trong bức thư, bên phía Việt Nam cho rằng họ khuyến khích công dân thực hiện “quyền tự do ngôn luận” để đóng góp ý kiến, phản biện về chính sách của nhà nước. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền này cần tuân thủ các quy định của pháp luật, trên tinh thần xây dựng, thiện chí, góp ý chỉ ra những thiếu sót, qua đó góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Các hành vi vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ, lợi dụng danh nghĩa phản biện Chính phủ và bảo vệ quyền con người để tung tin thất thiệt, cố ý xuyên tạc, dùng ngôn từ kích động thù địch, kích động chia rẽ, chia rẽ các mối quan hệ chính trong xã hội nhằm lật đổ chính quyền đều bị nghiêm cấm.

    Chính quyền Việt Nam sẽ ‘xử kín’ nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng 

    04/4/2023 

    VOA Tiếng Việt 


    Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng.

    Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng. 

    Hôm 4/4, vợ của ông Nguyễn Lân Thắng nhận được giấy triệu tập cho phiên tòa xét xử ông vào tuần sau ở Hà Nội, nhưng điều ngạc nhiên đối với gia đình là tòa quyết định “xử kín” vụ án này.

    Bà Lê Bích Vượng, vợ của ông Thắng, cho VOA biết thêm về thông tin xét xử chồng bà:

    “Cuối tuần trước tôi nhận được thông tin qua luật sư là xét xử anh Thắng vào sáng ngày thứ Tư tuần sau, ngày 12/4. Ở trong quyết định xét xử, họ ghi rõ là “xử kín””.

    Nội dung trên cũng đã được luật sư Phạm Lệ Quyên, một trong các luật sư bào chữa của ông Thắng, thông báo trên Facebook, sau khi các luật sư nhận được quyết định của Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đề ngày 30/3 về việc xét xử sơ thẩm hình sự đối với ông Nguyễn Lân Thắng.

    Theo Điều 25 Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam 2015, “trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước” thì tòa án “có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”.

    Tòa án Nhân dân Tp. Hà Nội chưa phản hồi yêu cầu bình luận của VOA về lý do xử kín ông Nguyễn Lân Thắng.

    Ngày 24/2, Viện Kiểm Sát Nhân dân TP.Hà Nội ra bản cáo trạng đối với ông Thắng về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước”, quy định tại Khoản 1 Điều 117 Bộ Luật Hình sự, theo Facebook của Luật sư Quyên.

    Bà Vượng cho biết rằng chồng bà bác bỏ các cáo buộc của chính quyền cho rằng ông “chống phá nhà nước”.

    Đối với các vụ án “an ninh quốc gia” như trường hợp của ông Thắng, chính quyền Việt Nam không cho phép gia đình và luật sư thăm gặp trong giai đoạn điều tra.

    Mãi cho đến ngày 16/2, chính quyền mới cho một luật sư đầu tiên tiếp xúc với ông Thắng trong trại giam, sau khi đã kết thúc điều tra, theo gia đình ông Thắng.

    Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Lân Thắng bị bắt vào tháng 7/2022 với cáo buộc theo Điều 117 Bộ luật Hình sự.

    Vào đầu tháng 11/2022, các chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc gửi văn thư đề nghị chính phủ Việt Nam giải trình việc giam giữ “tùy tiện” 18 nhà hoạt động nhân quyền, trong đó có trường hợp ông Thắng, với các cáo buộc mà nhóm này gọi là các điều khoản “mơ hồ” như “Tuyên truyền chống nhà nước” và “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.

    ADB: GDP của VN năm 2023 có thể giảm xuống 6,5% 

    04/4/2023 

    VOA Tiếng Việt 

    Công nhân may mặc Việt Nam.

    Công nhân may mặc Việt Nam. 

    Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hôm thứ Ba đưa ra dự báo rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể sẽ giảm xuống mức 6,5% trong năm nay từ mức 8% năm 2022, và tăng lên 6,8% vào năm 2024.

    Theo ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 “sẽ bị hạn chế do suy thoái kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt ở các nước phát triển và tác động lan tỏa từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu”.

    Tuy nhiên, ông Jeffries được trích lời nói trong một thông cáo của ADB rằng chính sách hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc nới lỏng tiền tệ và khối lượng lớn đầu tư công kỳ vọng được giải ngân trong năm 2023, cùng với việc mở cửa trở lại của Trung Quốc, “sẽ giúp Việt Nam đương đầu với những bất lợi này”.

    Hồi đầu năm, tin cho hay, chính phủ Việt Nam đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023: GDP đạt 6,47%, lạm phát bình quân 4,08% hoặc GDP đạt 6,83%, lạm phát tăng 3,69%.

    Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng hôm thứ Hai nói rằng việc Việt Nam nhắm mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm 2023 là “kịch bản rất thách thức” nhưng vẫn cần phải theo đuổi mục tiêu này để phục vụ cho kế hoạch trung hạn.

    Tin cho hay, ông Dũng đưa ra nhận định trong một phiên họp của chính phủ trong bối cảnh tăng trưởng của Việt Nam trong quý 1 năm nay chỉ đạt 3,32%, vốn là mức thấp thứ nhì so với cùng kỳ của 13 năm gần đây. Bộ của ông Dũng dự báo rằng nền kinh tế sẽ vẫn gặp khó khăn trong quý 2 và đề xuất chính phủ “cần sớm có chính sách hỗ trợ mới về giảm thuế, phí, lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất”.

    Trước ADB, tháng trước, Ngân hàng Thế giới dự báo mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 là 6,3% do những khó khăn trong nước và bên ngoài, tăng trưởng ở khu vực dịch vụ chững lại, giá cả và lãi suất leo thang ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và hộ gia đình.

    Front Line Defenders: Nhà hoạt động Đỗ Công Đương bị giết trong năm 2022

    RFA
    04/4/2023

    Front Line Defenders: Nhà hoạt động Đỗ Công Đương bị giết trong năm 2022

    Ông Đỗ Công Đương trong một bài nói chuyện về sai phạm đất đai trước khi bị bắt năm 2018 

    Ảnh chụp màn hình video 

    Tổ chức nhân quyền Những người Bảo vệ tuyến đầu (Front Line Defenders- FLD) đưa nhà báo công dân Đỗ Công Đương của Việt Nam vào danh sách 401 người hoạt động nhân quyền trên thế giới bị giết trong năm 2022.

    Ông Đỗ Công Đương chết không rõ nguyên nhân trong Trại giam số 6 (Nghệ An) đầu tháng 8 năm ngoái trong khi đang thi hành án tù tám năm, thi thể của ông không được giao cho gia đình mai táng mà phải chôn luôn ngay trong nghĩa trang của trại.

    Tổ chức quốc tế có trụ sở tại Dublin, Ireland ghi tên ông Đương trong phần tưởng nhớ các nhà hoạt động nhân quyền bỏ mạng trong báo cáo về tình hình nhân quyền của thế giới năm vừa qua mang tựa đề Global Analysis 2022 công bố ngày 04/4.

    Ông Đương, sinh năm 1964, hoàn toàn khoẻ mạnh trước khi bị bắt giữ năm 2018 về cáo buộc “chống người thi hành công vụ” và “lợi dụng quyền tự do dân chủ.” Ông là một trong số nhiều tù nhân lương tâm chết trong thời gian thi hành án tù trong vài năm gần đây. Những người khác được ghi nhận là cựu giáo chức Đào Quang Thực, mục sư Đinh Diêm, ông Phan Văn Thu và Đoàn Đình Nam.

    Việt Nam phải cải thiện điều kiện giam giữ tù nhân lương tâm

    Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải (tức Hải Điếu cày), người từng bị giam giữ ở hơn 10 trại giam ở Việt Nam bao gồm cả Trại giam Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu) và Trại giam số 6 nơi xảy ra cái chết của nhiều tù nhân lương tâm, nói điều kiện chăm sóc y tế kém và hình thức đối xử tàn bạo đối với tù nhân lương tâm là nguyên nhân gây ra những cái chết trên.

    Từ California, ông Hải cho rằng, chính quyền Việt Nam cần cải thiện điều kiện giam giữ và chăm sóc y tế đối với tù nhân lương tâm để bảo vệ tính mạng của họ. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua điện thoại ngày 5/4:

    “Giam giữ tù nhân chính trị như mọi tù nhân hình sự khác. Những người mắc bệnh hiểm nghèo cần được phép giữ một cơ số thuốc nhất định để phòng trường hợp đột quỵ hoặc bệnh trở nặng thì họ có thuốc uống.

    Cái thứ ba là phải cải thiện đường dây liên lạc giữa khu giam giữ tù chính trị với bộ phận chăm sóc y tế. Khi người tù có bệnh nặng phải đưa đi chữa trị.”

    Luật sư Nguyễn Văn Đài, người từng có hai lần bị cầm tù vì hoạt động dân chủ và nhân quyền, cho biết Chính phủ Việt Nam có chính sách không chỉ tước đoạt tự do của tù nhân lương tâm mà còn áp dụng mọi biện pháp để tước đoạt sức khoẻ của họ.

    “Để mà ngăn chặn chính sách độc ác này của Nhà nước độc tài cộng sản Việt Nam, chúng ta cần sự phối hợp của các chính phủ và các tổ chức quốc tế, phải lên án mạnh mẽ chính sách vô nhân đạo của chính quyền cộng sản Việt Nam đối với các tù nhân lương tâm.

    Đồng thời, gia đình các tù nhân lương tâm phải thường xuyên thăm hỏi và đưa tin về tình trạng đàn áp trong tù đối với người thân của mình.”

    Phóng viên đã gọi điện cho Bộ Ngoại giao Việt Nam để đề nghị bình luận về báo cáo của Những người Bảo vệ tuyến đầu nhưng không có ai nghe máy. Chúng tôi có gửi email cho cơ quan này nhưng chưa nhận được phản hồi.

    Bỏ tù người hoạt động nhân quyền

    Trong báo cáo công bố vào thứ ba, Những người Bảo vệ tuyến đầu nói trong năm 2022, Chính phủ Việt Nam tiếp tục đàn áp người hoạt động nhân quyền, bắt giữ và tiếp tục cầm tù dài hạn nhiều người đấu tranh cho quyền con người bên cạnh việc sử dụng công cụ luật pháp để kiểm soát quyền truy cập thông tin và ngăn chặn quyền tự do ngôn luận trực tuyến.

    Việt Nam và nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác ở Châu Á như Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Pakistan, Philippines, và Sri Lanka sử dụng luật an ninh quốc gia và chống khủng bố như công cụ để hình sự hóa, bức hại và bỏ tù những người bảo vệ nhân quyền.

    Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã sử dụng luật pháp và các biện pháp đàn áp khác để nhắm mục tiêu vào người bảo vệ nhân quyền, bao gồm bắt giữ và giam giữ tùy tiện, sách nhiễu, giám sát và hạn chế quyền tự do đi lại của nhiều nhà hoạt động.

    Những người Bảo vệ tuyến đầu cũng nhắc lại trường hợp nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng đã bị bắt giữ với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự với mức án có thể lên đến 20 năm tù giam.

    Tổ chức này nói Hà Nội vi phạm quy trình tố tụng và quyền được xét xử công bằng của ông Nguyễn Lân Thắng khi biệt giam ông trong thời gian dài mà không được gặp luật sư và người thân trong khi sức khỏe của ông xấu đi.

    Những người Bảo vệ tuyến đầu đưa ra trường hợp Trần Huỳnh Duy Thức như một minh chứng về việc Nhà nước Việt Nam tiếp tục giam giữ người hoạt động với án tù dài hạn. Ông Thức, 57 tuổi, đang thụ án tù năm thứ 15 về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” chỉ vì các hoạt động nhằm cổ suý nhân quyền và dân chủ.

    Sử dụng công cụ luật pháp để hạn chế quyền tự do thông tin

    Phúc trình của Những người Bảo vệ tuyến đầu nói, việc đe dọa và giám sát kỹ thuật số phổ biến trong khu vực châu Á, ngoài ra các chủ thể nhà nước và phi nhà nước sử dụng giám sát kỹ thuật số như một phương tiện để kiểm soát và trừng phạt những người bất đồng chính kiến.

    Nhiều chính phủ đã tìm cách tăng phạm vi và năng lực giám sát của họ thông qua một loạt các sửa đổi luật ở Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

    Trong nỗ lực lâu dài nhằm kiểm soát quyền truy cập thông tin và ngăn chặn quyền tự do ngôn luận trực tuyến, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 53 điều chỉnh Luật An ninh mạng 2018. Theo quy định mới, các công ty công nghệ bị yêu cầu lưu trữ dữ liệu người dùng trong thời gian tối thiểu 24 tháng và bàn giao dữ liệu cá nhân cho chính phủ nếu có yêu cầu.

    Báo cáo dài 88 trang nói những điều khoản như vậy gây rủi ro nghiêm trọng cho các nhà hoạt động và người bảo vệ nhân quyền, đồng thời làm tăng nguy cơ các công ty công nghệ thông đồng lạm dụng chống lại họ.

    Vi phạm quyền không bị trục xuất của người tị nạn

    Những người Bảo vệ tuyến đầu nói trong năm 2022, Chính phủ Việt Nam đã vi phạm quyền không bị trục xuất của người tị nạn trong trường hợp ông Đổng Quảng Bình (Dong Guangping), một nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc.

    Ông Đổng Quảng Bình, 65 tuổi, bị chính quyền Trung Quốc bỏ tù ba lần vì các hoạt động đòi hỏi nhân quyền và dân chủ ở trong nước, trong đó có việc vận động tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.

    Ông được cho là bị lực lượng an ninh Việt Nam bắt giữ vào cuối tháng 8/2022 sau gần ba năm lánh nạn ở Hà Nội để chờ được định cư ở Canada như một người tị nạn và đoàn tụ với gia đình ở đó.

    Tháng trước, trong công văn phản hồi chất vấn của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) về ông Đổng Quảng Bình, Hà Nội nói không có thông tin gì liên quan đến việc ông Đổng Quảng Bình có mặt tại Việt Nam.

    Những người Bảo vệ tuyến đầu cho rằng ông đã bị cưỡng chế trục xuất về Trung Quốc, hoặc sắp có nguy cơ bị trục xuất như vậy. Bằng việc trục xuất ông về Hoa Lục, Việt Nam đã vi phạm nghĩa vụ không được từ chối người tị nạn, một quy định nghiêm cấm việc đưa bất kỳ người nào trở lại một quốc gia nơi họ thực sự có nguy cơ bị vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

    Hành động trên của Hà Nội cũng là biểu hiện của việc tham gia đàn áp xuyên quốc gia đối với người hoạt động nhân quyền, Những người Bảo vệ tuyến đầu nói. 

    HRW nói Việt Nam đang giam giữ 160 tù nhân chính trị

    Ngày 03/4, trong thông cáo báo chí, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói hơn 160 tù nhân chính trị đang giam giữ ở Việt Nam chỉ vì thực hành các quyền cơ bản.

    Tổ chức nhân quyền có trụ sở ở New York (Hoa Kỳ) nói blogger và nhà hoạt động nhân quyền phải đối mặt với sự sách nhiễu, đe dọa, theo dõi và thẩm vấn của công an hàng ngày.

    Nhà nước cảnh sát không dung thứ bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động phải đối mặt với thời gian dài bị giam giữ trước khi xét xử, không được tiếp cận với luật sư hoặc gia đình, HRW nói.

    HRW cũng kêu gọi các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế hành động để buộc Hà Nội chấm dứt cuộc đàn áp có hệ thống đối với những người chỉ trích ôn hòa và yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho tất cả những người bị cầm tù chỉ vì đã thực hiện các quyền của họ một cách ôn hòa.

    Cảnh sát biển Đài Loan phát hiện 12 người Việt trốn trên tàu cá

    RFA
    05/4/2023


    Cảnh sát biển Đài Loan phát hiện 12 người Việt trốn trên tàu cá

    Cảnh sát biển Đài Loan đang kiểm tra tàu cá có 12 người Việt 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngCGA 

    Cục cảnh sát biển Đài Loan (CGA) tìm thấy 12 công dân Việt Nam trên một tàu đánh cá ngoài khơi huyện Bình Đông (Pingtung) vào tối 3 tháng 4, có thể là nạn nhân của một hoạt động buôn người.

    Sự việc diễn ra khi tin tức về việc phát hiện bảy thi thể người Việt trôi giạt nằm trong số 14 người vượt biên đến Đài Loan đang gây xôn xao dư luận.

    Trang Taiwan News dẫn bài báo của hãng Thông tấn trung ương Đài Loan (CNA) cho biết, cơ quan chức năng của Đài Loan dùng radar xác định vị trí con tàu cách bờ biển Bình Đông khoảng hai hải lý.

    Một con tàu của CGA đến hiện trường lúc hơn 9 giờ tối, kiểm tra sơ con tàu và tìm thấy rất ít ngư cụ và cá trên tàu. Một cuộc tìm kiếm kỹ lưỡng hơn phát hiện ra chín người đàn ông và ba phụ nữ ở dưới hầm tàu, tất cả đều là công dân Việt Nam.

    CGA huy động thêm hai tàu nữa cùng hộ tống tàu cá vào cảng Fangliao. Các công tố viên sẽ tiếp tục điều tra để xác định đường dây buôn người được cho là đứng sau hành trình của những người Việt Nam.

    Theo tìm hiểu của RFA, những người Việt đi vượt biên theo kiểu này thường là những lao động xuất khẩu có thời gian làm việc ở Đài Loan, nhưng sau đó phá hợp đồng và trốn ra ngoài làm việc không giấy phép.

    Khi bị bắt và trục xuất về quê hương họ khó có khả năng quay trở lại hòn đảo làm việc, trừ việc kết hôn với người bản xứ.

    Chính vì vậy họ phải chọn cách vượt biên đến Đài Loan từ bờ biển Trung Quốc, bằng cách thuê tàu cá hay tham gia vào các đường dây buôn người. 

    Báo Hàn Quốc nói Samsung VN dùng hoá chất cấm, báo trong nước im lặng

    04/4/2023

    Báo Hàn Quốc nói Samsung VN dùng hoá chất cấm,  báo trong nước im lặng

    Xe buýt với hình ảnh Samsung Galaxy Note 7 chở công nhân đến nhà máy của Samsung tại thái Nguyên (minh họa) 

    Reuters 

    Việc xả thải trái phép nhiều chất độc hại từ các nhà máy của Samsung Electronics tại tỉnh Bắc Ninh Việt Nam đã diễn ra trong một thời gian dài. Kết quả phân tích cho thấy các chất độc hại này bao gồm cả những loại chất độc mà chính Samsung cũng cấm sử dụng. Nó có thể ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người lao động và người dân sống quanh khu vực.

    Truyền thông Hàn cáo buộc Samsung vi phạm ở Việt Nam

    Những thông tin nêu trên được hãng tin Hàn Quốc chuyện về phóng sự điều tra Newstapa loan đi trong ngày 16/3 vừa qua. Phóng sự dẫn lời một cựu quản lý về sức khoẻ, môi trường và an toàn tại Samsung Việt Nam, ông này đã đứng ra tố giác các vi phạm của Samsung Việt Nam trong việc sử dụng tràn lan hóa chất độc hại. Một số hành vi bị tố cáo đã sai phạm bao gồm:

    - Samsung đã chuyển các rủi ro có thể xảy ra về môi trường làm việc sang Việt Nam và sử dụng tiêu chuẩn kép bằng cách tiến hành các hoạt động tại Việt Nam theo cách mà công ty này sẽ không được phép làm ở Hàn Quốc. 

    - 48% các sản phẩm hóa chất được sử dụng có ít nhất một thành phần gây ung thư, gây đột biến hoặc độc hại cho sức khoẻ sinh sản. Hoá chất độc hại đã được sử dụng công khai mà không có các phương tiện chứa đựng riêng biệt hoặc tủ hút khí độc, hệ thống thông gió và kiểm soát ô nhiễm không đầy đủ hoặc không có.

    - Samsung không xử lý các lỗi thiết kế trong các thiết bị kiểm soát ô nhiễm và cố ý giải phóng hóa chất vào không khí và nước. Các thiết bị bảo hộ cá nhân không đầy đủ hoặc hoàn toàn không có.

    Ông Joe DiGangi, tiến sỹ hoá sinh, cố vấn đặc biệt của IPEN (một tổ chức hoạt động nhằm giảm thiểu và loại bỏ tác hại của các hoá chất độc hại đối với sức khỏe con người và môi trường) khi trao đổi với RFA cho biết:

    "Nhà máy đó hoạt động trong hai năm đầu mà không có cách nào xử lý. Họ không cho chất thải vào thùng chứa và cất giữ bằng cách nào đó. Họ (Samsung Việt Nam - PV) đổ đi. Việt Nam không phải của Samsung thùng rác."

    Phóng viên RFA đã gởi email yêu cầu Samsung phản hồi về những cáo buộc nêu trên. Ngày 3/4, người phát ngôn của Samsung đã trả lời chúng tôi như sau:

    “An toàn là ưu tiên số một của Samsung và các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt của chúng tôi vượt xa các tiêu chuẩn môi trường của mỗi quốc gia nơi mà chúng tôi hoạt động. Chúng tôi cũng cam kết xây dựng các tiêu chuẩn an toàn cao nhất đối với tất cả các đối tác của chúng tôi trên toàn cầu.

    Chúng tôi cung cấp đầy đủ về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và giáo dục liên quan đến môi trường và sự an toàn, đồng thời giám sát và quản lý việc tuân thủ. Nếu chúng tôi thực sự lo ngại, chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp khắc phục thông qua các cuộc kiểm tra liên tục về an toàn và môi trường nhằm ngăn chặn sự tái diễn thông qua giáo dục về môi trường và an toàn.”

    Chúng tôi cũng đã gọi đến Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bắc Ninh để hỏi thêm chi tiết, nhưng không có ai nghe máy.

    Truyền thông Nhà nước im lặng

    Screen Shot 2023-04-05 at 1.11.15 AM.png

    Ông Joe DiGangi, tiến sỹ hoá sinh, cố vấn đặc biệt của IPEN 

    Dù hãng truyền thông Newstapa đã đưa tin từ ngày 16/3, nhưng tới nay báo chí trong nước hoàn toàn im lặng trước các thông tin này. Do đó, Tiến sỹ Joe đã thuyết phục Newstapa thêm phụ đề tiếng Việt vào phóng sự, để thông tin có thể dễ dàng tiếp cận được tới người Việt Nam. 

    Tiến sỹ Joe cho biết, có một khái niệm cơ bản về an toàn hóa chất được gọi là Quyền được biết:

    “Quyền này về cơ bản nói rằng thông tin sức khỏe, an toàn về hóa chất và khí thải hóa chất không được coi là thông tin kinh doanh bí mật. 

    Tôi đã làm việc trong lĩnh vực này một thời gian và tôi hiểu mọi thứ có thể trở thành vấn đề chính trị như thế nào. Nhưng điều này không nên được xem là chính trị. Nó là vấn đề về tương lai của đất nước.”

    Tiến sỹ Joe thậm chí còn trích dẫn một câu nói nổi tiếng của ông Nguyễn Xuân Phúc, khi còn làm Thủ tướng chính phủ rằng “sẽ không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”.

    Bị cáo buộc vi phạm trong thời gian dài

    Các vi phạm của Samsung tại Việt Nam được báo cáo đã diễn ra trong một thời gian dài tại nhà máy của Samsung Electronics ở Bắc Ninh.

    Đặc biệt, cũng theo phóng sự của Newstapa, vấn đề mùi hôi tại nhà máy Bắc Ninh được phát hiện là do các chất độc hại từ quá trình sơn và in gây ra. Tuy nhiên, có thông tin tiết lộ rằng ban lãnh đạo Samsung đã không có hành động thích hợp trong ít nhất bảy năm sau khi nhận được báo cáo.

    Ngoài ra, vào năm 2017, hai tổ chức gồm CGFED (Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển) và IPEN đã công bố một nghiên cứu về điều kiện làm việc ở nhà máy sản xuất điện thoại thông minh của Samsung Việt Nam.

    Báo cáo này ghi nhận về trải nghiệm của các nữ công nhân làm việc tại hai nhà máy Samsung ở Việt Nam, trong đó có những vi phạm về sức khỏe và môi trường làm việc của gã khổng lồ ngành điện tử. Các công nhân cho biết họ thường xuyên bị ngất xỉu, chóng mặt, sảy thai, đứng liên tục từ tám đến 12 tiếng và phải làm việc theo ca ngày/đêm luân phiên.

    RFA cố gắng liên lạc với công nhân nhà máy Samsung Electronics; nhưng những người được tiếp xúc đều từ chối trả lời.

    Sau khi công bố báo cáo nêu trên, theo ông Joe, phản ứng từ phía Samsung là cố gắng tìm mọi cách để ngăn chặn thông tin này lan truyền mạnh ở Việt Nam:

    “Điều đầu tiên họ làm là đe dọa nhân viên của mình bằng các vụ kiện và sa thải nếu họ nói chuyện với bất kỳ ai bên ngoài công ty về các điều kiện của nhà máy.

    Họ doạ kiện chúng tôi. Họ nói rằng chúng tôi đang cố hủy hoại danh tiếng của công ty. Và họ thậm chí còn cho rằng chúng tôi đang cố phá hoại sự phát triển của Việt Nam. Nhưng đất nước rất khó phát triển nếu không khí, đất và nước bị nhiễm chất độc hóa học và con người bị bệnh do tiếp xúc với các loại hoá chất đó.

    Khi câu chuyện này cuối cùng cũng bị rò rỉ ở Việt Nam thì điều thứ ba họ làm là chuyển sang chiến thuật tấn công chúng tôi trên báo chí. Và vì vậy về cơ bản họ đã phủ nhận mọi thứ.”

    Vào tháng 11/2017, báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Ông Bang Hyun Woo, Phó tổng giám đốc Samsung Electronics Việt Nam, cho rằng nhiều nội dung trong báo cáo của IPEN là không có cơ sở. Người đại diện Samsung nói rằng IPEN đã “không hề đến thăm nhà máy Samsung Điện tử Việt Nam”.

    Theo tiến sỹ Joe, báo cáo về trải nghiệm của các nữ công nhân làm việc tại hai nhà máy Samsung Việt Nam ra mắt hồi năm 2017 với hai bản tiếng Anh và tiếng Hàn, đã được đăng tải trên trang web của IPEN.

    Phiên bản tiếng Việt đầy đủ của báo cáo này đã không được phát hành. Nguyên do, theo bà Phạm Thị Minh Hằng, Phó giám đốc tổ chức (CGFED) nói với BBC vào tháng 12/2017 rằng họ được yêu cầu không công bố bản tiếng Việt, vì nó “ảnh hưởng đến hình ảnh đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”.

    Bà Hằng nói với IPEN rằng “Nếu Samsung hoàn toàn tin tưởng về điều kiện làm việc của mình, họ nên đưa ra một tuyên bố công khai cùng với chính phủ rằng người lao động được tự do thảo luận về điều kiện và môi trường làm việc của họ với các phương tiện truyền thông đại chúng và các tổ chức xã hội dân sự.”


    Không có nhận xét nào