Header Ads

  • Breaking News

    Ls. Lê Quốc Quân: Nếu tuyên có án, nghĩa là Chính quyền Việt Nam coi phản biện xã hội ôn hoà cũng là hành vi chống nhà nước.

    Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng bị kết án 6 năm tù và 2 năm quản chế.

    Ngay lúc này toà án Hà Nội đang xét xử Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng theo truy tố của VKS về Điều 117 BLHS, tôi có một số bình luận ngoài lề như sau: 

    1. Theo điều 117 thì người nào có các hành vi như: làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung: “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân”; “bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân” hoặc “gây chiến tranh tâm lý” thì bị truy tố. Yếu tố quan trọng ở đây là có mục đích "Chống nhà nước". 

    2. Nguyễn Lân Thắng hoạt động chủ yếu là bảo vệ chủ quyền biển đảo, tham gia biểu tình và chụp ảnh cho các hoạt động phản đối Trung Quốc xâm lấn ở Biển Đông, làm từ thiện vùng cao, bảo vệ cây xanh và đứng về phía bị hại trong vụ Formosa xả thải ở Miền Trung. Đó không thể là chống nhà nước mà là chống những cái xấu, cái chưa hoàn thiện của Nhà nước. 

    3. Nhà nước là một thiết chế chính trị hình thành qua dòng lịch sử, nhưng Nhà nước không rõ hình hài, không sờ nắm được. Nhà nước không thể bị chống nếu không có những hành động cụ thể nhằm tấn công vật lý, thay đổi trật tự hoặc lật đổ sự thống trị của nó. Nguyễn Lân Thắng, như bao nhiều khác, đang làm cho thiết chế đó hoàn thiện hơn, vững mạnh hơn bằng chính việc chỉ ra những khiếm khuyết của nó. 

    4. Nếu tuyên có án, nghĩa là Chính quyền Việt Nam coi phản biện xã hội ôn hoà cũng là hành vi chống nhà nước. Nhà nước coi các hoạt động nói những điểm yếu của mình là làm giảm uy tín, giảm sức mạnh của mình thì có nghĩa là nhà nước yếu, nhà nước không đủ sức mạnh và chính nghĩa trước sự phản biện của một cá nhân. 

    5. Có thể anh Nguyễn Lân Thắng bị trả thù vì một số dòng trạng thái châm biếm lãnh tụ nhưng xin nhớ luật pháp Việt Nam không có một điều luật hình sự nào đề cập đến tội xúc phạm lãnh tụ cả. Hiến pháp quy định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và khái niệm lãnh tụ cũng chưa được minh định trong luật. Việc xúc phạm nhân phẩm, danh dự và uy tín của người khác đã quy định tại điều 155 BLHS về tội “làm nhục người khác”. Nếu như “Bác Hồ” bị Thắng làm nhục thì với tư cách là người bị hại, Bác hoặc người đại diện hợp pháp của "Bác" phải có đơn tố giác về hành vi của Lân Thắng.

    6. Tôi nghĩ nếu khoẻ mạnh không ai ngại bị chê là ốm yếu cả. Tâm lý trả thù do tự ti này là rất nguy hiểm. Đặc biệt khi nó không còn là sự trả thù của một cá nhân, một tập thể mà của cả một nhà nước. Đây là lúc hết sức báo động về tính chính đáng và sức mạnh của Nhà nước. Một, mười, một trăm hay một ngàn Nguyễn Lân Thắng cũng không thể “gây hoang mang dư luận” hoặc làm “suy yếu chính quyền” nếu như chính quyền đó hoàn toàn vững vàng và đáng tin cậy với dân chúng. Sự cai trị bằng vũ lực và đàn áp các tiếng nói đối lập chỉ phơi bày sự yếu đuối và cực đoan mà thôi. 

    7. Trong khi hàng loạt khái niệm về dung hợp (inclusive) đang được đưa vào trong xã hội Việt Nam về mặt kinh tế và xã hội, thì chính quyền vẫn kiên quyết loại trừ (exclusive) những tiếng nói không đồng thuận mới mình. Các tiếng nói đối lập bị bỏ tù gần đây và trường hợp của Nguyễn Lân Thắng hôm nay là một bằng chứng hiển nhiên về sự loại trừ có hệ thống nhằm khẳng định tính độc tôn, độc tài của đảng. Điều này chỉ làm cho Nhà nước Việt Nam ngày càng yếu đuối với nhân dân mình và cô đơn trước các quốc gia trên thế giới. 

    8. Cuối cùng, theo tôi thì bản án của Nguyễn Lân Thắng càng cao, tính trả thù với cá nhân càng lớn nhưng tính chính đáng của chính quyền càng suy giảm; Bản án càng cao thì càng làm nhiều người bất bình và xô đẩy người khác lên tiếng phản biện chứ không làm tắt đi tiếng nói của lương tâm.

    https://www.facebook.com/vietnamsolutions


    Không có nhận xét nào