Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ năm 20 tháng 4 năm 2023

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Vụ rò rỉ thông tin và những xảo ngôn của Nga 

    Tác giả Antonio Graceffo 


    Vụ rò rỉ thông tin và những xảo ngôn của Nga


    Các đặc vụ FBI bắt giữ Jack Teixeira bên ngoài một dinh thự trong hình ảnh được lấy từ video ở North Dighton, Massachusetts, hôm 13/04/2023. (Ảnh: WCVB-TV/qua ABC/qua Reuters) 

    Trung tá Yurii Bereza, một chỉ huy tiểu đoàn của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine, cho biết về vụ rò rỉ tài liệu tuyệt mật của Hoa Kỳ gần đây, “Chúng ta đang ở giai đoạn đó của cuộc chiến này khi cuộc chiến thông tin đôi khi còn quan trọng hơn cả những cuộc đụng độ trực tiếp trên mặt trận.” 

    Hôm 11/04, FBI đã bắt giữ Jack Teixeira, một thành viên 21 tuổi của Lực lượng Không quân Vệ binh Quốc gia Massachusetts, và cáo buộc anh ta làm rò rỉ các tài liệu tình báo tuyệt mật thông qua nền tảng truyền thông xã hội Discord. Các quan chức Hoa Kỳ đã từ chối bình luận về việc liệu bất kỳ hoặc tất cả các tài liệu là xác thực hay chính xác hay không. Tuy nhiên, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết một số tài liệu đã bị chỉnh sửa. 

    Có một số lý do khiến Hoa Kỳ không xác nhận cũng như không phủ nhận tính toàn vẹn của những tài liệu này. Đầu tiên, việc đưa ra bình luận có thể sẽ xác nhận tính xác thực của những tài liệu đó, và tiết lộ thông tin nhạy cảm. Thứ hai, Hoa Thịnh Đốn có thể muốn bảo vệ các hoạt động thu thập thông tin tình báo đang diễn ra. Thứ ba, việc đưa ra bình luận có thể sẽ đe dọa an ninh quốc gia. 

    Bản chất chính xác và kịp thời của những tài liệu bị rò rỉ này, vốn đã tiết lộ việc đấu đá nội bộ trong giới cầm quyền của Nga, cho thấy Hoa Kỳ có thể thu thập thông tin về việc ra quyết định và dự trù của Nga. Nếu Điện Kremlin nghi ngờ rằng Hoa Kỳ có một gián điệp trong bộ máy an ninh và tình báo của Nga, thì trước tiên họ sẽ cố gắng xác thực danh tính và hoạt động của gián điệp đó. Tiếp theo, họ sẽ kiểm soát tình hình và ngăn gián điệp đó phát tán thêm thông tin. Điều này rất có thể sẽ liên quan đến việc bắt giữ và thẩm vấn gián điệp đó. Thông tin rò rỉ này sẽ được phân tích để xác định mức độ thiệt hại. Và các bước sẽ được thực hiện để ngăn chặn một sự kiện tương tự xảy ra trong tương lai. 

    Tuy nhiên, có một khả năng khác là: Nga có thể liên quan đến vụ rò rỉ này. Ngay cả khi Teixeira tự hành động để làm rò rỉ các tài liệu kể trên, thì tình báo Nga có thể đã nắm bắt cơ hội này để chỉnh sửa một số tài liệu đó hoặc làm “rò rỉ” các tài liệu giả hoặc thật của chính họ. Những tài liệu này cho thấy Hoa Kỳ đang theo dõi các nhà lãnh đạo quân đội và chính phủ Ukraine và rằng quân đội Ukraine đang ở trong tình trạng khó khăn nghiêm trọng. Hơn nữa, những tài liệu này còn chứa thông tin liên quan đến việc Hoa Kỳ đang do thám các đồng minh của mình. Đây là thông tin mà Điện Kremlin muốn công khai, vì nó có thể gây tổn hại đến mối bang giao của Hoa Thịnh Đốn với các đồng minh của họ. 

    Tuyên bố của ông Kirby cho rằng một số tài liệu này đã bị chỉnh sửa nhằm phù hợp với các kỹ thuật chiến tranh thông tin được các cơ quan an ninh Nga, GRU (tình báo quân đội), và FSB (cơ quan kế thừa của KGB) sử dụng. Cách tiếp cận tuyên truyền của Nga được xây dựng dựa trên một kỹ thuật cũ của Liên Xô được gọi là “một vòi phun những xảo ngôn” (firehose of falsehoods), qua đó sự thật bị bóp méo theo cách khiến các quốc gia khác hành động vì lợi ích tốt nhất của Điện Kremlin mà họ không hề hay biết. 

    Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, năm mục tiêu thông tin giả hàng đầu của Nga là: 

    1) miêu tả Nga như một nạn nhân vô tội; 

    2) chủ nghĩa xét lại lịch sử; 

    3) sự sụp đổ sắp xảy ra của nền văn minh phương Tây; 

    4) các phong trào phổ biến là “Cuộc Cách Mạng Màu” (Color Revolutions) do Hoa Kỳ tài trợ; và 

    5) thực tế là bất cứ điều gì Điện Kremlin muốn. 

    Trong thời Chiến tranh Lạnh, rất khó để khiến những người dân thường ở Mỹ chấp nhận những thông điệp này. Ngày nay, việc này dễ dàng hơn nhiều. 

    Thông điệp sai lệch được khuếch đại khi Nga tận dụng môi trường công nghệ và thông tin hiện tại để tiếp cận một số lượng lớn người xem. Các dịch vụ bảo mật khai thác các kênh truyền thông xã hội và các hãng thông tấn. Những nỗ lực đưa thông tin giả của Nga thường nhắm vào các ký giả nghiệp dư dễ bị ảnh hưởng. Một khi nhiều người nghiệp dư đăng tải một câu chuyện, thì nó sẽ lọt vào các bài đăng và các dòng trạng thái của Twitter trên mạng xã hội của những người phương Tây tin vào câu chuyện đó. Cuối cùng, thông tin sai lệch này sẽ hiển thị trong kết quả của công cụ tìm kiếm và có thể vô tình được tham chiếu bởi các hãng truyền thông lớn, có uy tín. Một khi điều đó xảy ra, những lời nói dối này sẽ trở thành sự thật. Và ngay cả khi các hãng thông tấn lớn phát hiện ra sai sót và từ chối đăng tải những lời nói dối này hoặc cố gắng phơi bày nó, thì câu chuyện đó vẫn được đưa ra ngoài, và một số người sẽ tin vào nó. 

    Chiến lược “vòi phun những xảo ngôn” thường sử dụng thông tin giả dựa trên thông tin chính xác để làm cho thông tin đó hợp lý hơn và khó bị lật tẩy. Thông thường, cùng một nguồn sẽ đồng thời đưa ra hai câu chuyện trái ngược nhau để gieo rắc sự nhầm lẫn. Những lời nói dối hợp lý được tung ra với hy vọng chúng sẽ được tin tưởng. Vào những thời điểm khác, những lời nói dối không hợp lý cố ý được công bố, vì vậy những người hoài nghi sẽ tin rằng câu chuyện này quá kỳ lạ để có thể trở thành sự thật. Cuối cùng, tất cả những tín hiệu mâu thuẫn này đều nhằm làm giảm lượng tin tức thực, khiến mọi người mất lòng tin vào bất cứ thứ gì họ nhìn thấy, nghe thấy, hoặc đọc được. 

    Các tài liệu về vụ rò rỉ gần đây chứa bằng chứng cho thấy mối liên hệ tình báo giữa Nga và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang ngày càng sâu sắc. Phía Nga có thể bịa đặt câu chuyện này để gây xích mích giữa Hoa Kỳ và UAE. Đồng thời, nếu đó là sự thật, thì điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ biết về mối liên hệ này, điều này có thể ngăn cản UAE hợp tác trong tương lai với Nga. 

    Câu chuyện này cũng có thể là sự pha trộn giữa sự thật và sự giả dối. Bộ Ngân khố Hoa Kỳ nghi ngờ rằng UAE đang giúp Moscow lách các lệnh trừng phạt và bán cho họ chất bán dẫn. Tình báo Hoa Kỳ tin rằng UAE có thể sẽ viện trợ tài chính cho Tập đoàn Wagner, nhà thầu quân sự tư nhân của Nga bị cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trên khắp châu Phi và Trung Đông. Năm 2020, các nhà lãnh đạo UAE đã gặp gỡ ông Sergey Naryshkin, giám đốc Cơ quan Tình báo Ngoại giao (SVR), cơ quan tình báo ngoại giao của Nga. Theo thỏa thuận hòa bình Iran-Saudi Arabia gần đây do ông Tập Cận Bình làm trung gian, Hoa Kỳ đang tỏ ra thận trọng về mối quan hệ của mình với Trung Đông. Nếu chính xác, thì những tài liệu bị rò rỉ này cho thấy những lo ngại của Hoa Kỳ là chính đáng. Tuy nhiên, nếu người Nga đã làm giả các tài liệu đó, thì căng thẳng giữa Hoa Kỳ và các đồng minh Trung Đông có thể leo thang. 

    Các quan chức Ukraine nhấn mạnh rằng những tài liệu này đều là giả mạo. Ông Mykhailo Podolyak, một cố vấn của tổng thống Ukraine, cho biết trong một tuyên bố mà ông đăng trên mạng xã hội rằng người Nga đã bịa đặt các tài liệu này nhằm phá vỡ mối bang giao giữa các quốc gia phương Tây ủng hộ Ukraine. Người Ukraine đang quy trách nhiệm cho GRU, đơn vị tình báo quân sự của Nga, vốn đã tham gia vào hoạt động thông tin giả tương tự nhắm vào lợi ích của Hoa Kỳ ở châu Phi. Những người thân cận của Moscow đã quảng bá thông điệp cho rằng Pháp là một thực dân thời hiện đại, ông Vladimir Putin là vị cứu tinh, lính đánh thuê Wagner của Nga là anh hùng, và quân đội Ukraine đang chứa chấp những người của Đức Quốc Xã và những người tôn thờ Satan. Những thông điệp này, vốn được lan truyền khắp châu Phi, lặp lại các quan điểm và tuyên bố chính thức của Điện Kremlin. Sau chiến dịch thông tin sai lệch ở châu Phi, các tài liệu bị rò rỉ này có thể sẽ dễ dàng trở thành chiến dịch chiến tranh thông tin mới nhất của Điện Kremlin.

    Thanh Tâm biên dịch

    Chiến tranh Ukraina: Hoa Kỳ thông báo viện trợ quân sự mới cho Kiev

    20/4/2023


    Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu tại Căn cứ Hải quân Muskö, Stockholm, Thụy Điển, ngày 19/04/2023. AP - Fredrik Sandberg 

    Thanh Phương /RFI

    Hôm qua, 19/04/2023, Hoa Kỳ thông báo một khoản viện trợ mới trị giá 325 triệu đôla cho Ukraina, bao gồm các đạn pháo và vũ khí chống tăng.  

    Theo thông báo của bộ Quốc Phòng Mỹ, được hãng tin AFP trích dẫn, viện trợ mới còn bao gồm đạn cho hệ thống pháo HIMARS, mìn chống tăng và hơn 9 triệu viên đạn cho các vũ khí cỡ nhỏ. Theo bộ Ngoại Giao Mỹ, với khoản viện trợ mới vừa được thông báo, tổng viện trợ quân sự của Washington cho Kiev kể từ khi Nga xâm lược Ukraina vào tháng 2/2022 đến nay đã lên tới hơn 35,4 tỷ đôla.

    Hôm qua, quân đội Ukraina cũng vừa nhận được hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ đầu tiên cũng như xe tăng chiến đấu hạng nhẹ AMX-10 của Pháp. Ngoài tên lửa Patriot, phương Tây dự trù cấp xe tăng cho Ukraina để giúp quân đội nước này mở cuộc phản công trong những tháng tới với mục tiêu giành lại các vùng bị quân Nga chiếm đóng ở miền đông và miền nam.

    Hôm nay, bộ Quốc Phòng Đan Mạch thông báo sẽ cùng với Hà lan đồng ý mua 14 chiếc xe tăng Leopard để tặng Ukraina. Các xe tăng này sẽ được giao kể từ đầu năm 2024. 

    Trong khi đó, hôm nay, văn phòng của tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tuyên bố là quyết định của Seoul về việc có cung cấp vũ khí cho Ukraina hay không là “tùy thuộc vào nước Nga”. Chính sách của Hàn Quốc cho tới nay là không cung cấp vũ khí cho một nước đang có chiến tranh, nhưng trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters hôm qua, tổng thống Yoon Suk Yeol đã khẳng định là Seoul có thể viện trợ vũ khí cho Kiev nếu quân Nga mở một cuộc tấn công quy mô lớn vào thường dân Ukraina.

    Hôm qua, Matxcơva đã lên tiếng cảnh cáo Hàn Quốc về vấn đề này, còn theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, Hoa Kỳ đã hoan nghênh tuyên bố nói trên của tổng thống Yoon Suk Yeol. 

    Về tình hình tại chỗ, theo báo chí Ukraina, tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg hôm nay đã đến thủ đô Kiev trong một chuyến thăm không được báo trước. 

    Theo hãng tin AFP, tại Kiev, ông Stoltenberg vừa tuyên bố ưu tiên của ông là bảo đảm cho Ukraina giành thắng lợi quân sự đối với Nga. Ông còn nói thêm là vấn đề kết nạp Ukraina vào NATO sẽ được thảo luận tại cuộc họp của khối này vào tháng 7 tới.

    Về phần tổng thống Volodymyr Zelensky, ông kêu gọi tổng thư ký NATO thuyết phục các nước thành viên cung cấp cho Kiev các vũ khí tầm xa, chiến đấu cơ hiện đại, đại pháo và xe thiết giáp.

    Hôm qua ông Zelensky đã đến thăm vùng biên giới giáp với Belarus và Ba Lan, sau khi đã đến thăm các binh sĩ Ukraina đang chiến đấu tại mặt trận miền đông hôm thứ Ba. 

    Mỹ phạt nặng công ty Singapore vì giao thương với Hoa Vi Trung Quốc

    20/4/2023


    The logo of a US-based Seagate Technology plant is seen in Singapore on August 4, 2009. AFP - ROSLAN RAHMAN 

    Trọng Thành /RFI

    Hoa Kỳ phạt một công ty Singapore 300 triệu đô la vì đã bán sản phẩm cho tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi (Huawei), bất chấp lệnh cấm của Mỹ. Đây là ‘‘khoản tiền phạt hành chính’’ lớn nhất trong lịch sử, mà bộ Thương Mại Mỹ đưa ra.  

    Quyết định được bộ Thương Mại Mỹ công bố hôm qua, 19/04/2023, nhắm vào công ty Seagate, ‘‘nguồn cung cấp duy nhất’’ các loại đĩa cứng, được sử dụng cho bộ nhớ của điện thoại di động, và máy tính của Hoa Vi, theo AFP.

    Công ty Seagate tiếp tục bán các sản phẩm nói trên cho Hoa Vi sau khi Cơ quan Công Nghiệp và An Ninh (BIS), bộ Thương Mại Mỹ, hồi tháng 8/2020, ban bố lệnh cấm, theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài chỉ được phép bán các vật tư, thiết bị cho Hoa Vi sau khi được Mỹ cho phép, nếu các thiết bị liên quan có sử dụng công nghệ của Hoa Kỳ.

    Hai công ty khác chuyên cung cấp đĩa cứng cho Hoa Vi đã ngừng bán sản phẩm cho tập đoàn Trung Quốc kể từ đó. 

    Ngược lại, công ty Singapore tiếp tục bán hàng cho Hoa Vi, với tổng trị giá hơn 1,1 tỉ đô la, theo bộ Thương Mại Mỹ. Hơn nữa Seagate còn ký kết một ‘‘thỏa thuận hợp tác chiến lược trong ba năm’’ với tập đoàn Trung Quốc. Thông báo của bộ Thương Mại Mỹ nhấn mạnh là ‘‘các lựa chọn nói trên’’ của công ty Singapore đã dẫn đến mức phạt ‘‘chưa từng có’’. 

    Vì lý do an ninh, chính quyền Mỹ áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nặng nề đối với tập đoàn Hoa Vi, bị tình nghi hoạt động gián điệp. Chính quyền Mỹ thời tổng thổng tiền nhiệm Donald Trump cấm các doanh nghiệp Mỹ làm ăn với Hoa Vi. Chính quyền Biden siết chặt các trừng phạt, với việc cấm bán các sản phẩm mới của tập đoàn Trung Quốc tại Mỹ. 

    Manila cấm Mỹ trữ vũ khí tại Philippines để dùng vào các chiến dịch ở Đài Loan


    Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo (T) và đồng nhiệm Mỹ Antony Blinken (G) cùng bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin trong cuộc họp báo chung tại bộ Ngoại Giao Mỹ, Washington, ngày 11/04/2023. AP - Manuel Balce Ceneta 

    Thanh Phương /RFI

    Manila sẽ không cho phép Hoa Kỳ tích trữ vũ khí tại Philippines để sử dụng cho các chiến dịch ở Đài Loan. Đó là tuyên bố của ngoại trưởng Enrique Manalo trong một cuộc điều trần trước Thượng Viện Philippines hôm qua, 19/04/2023, theo trang mạng Philstar.com 

    Cụ thể, chính phủ Philippines không để cho Hoa Kỳ tích trữ các vũ khí đó tại những cơ sở mà quân đội Mỹ được tiếp cận chiếu theo một hiệp định quốc phòng ký kết năm 2014 giữa Manila và Washington. 

    Ngoại trưởng Manalo nhắc lại Thoả thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) không nhắm vào bất cứ một nước thứ ba nào, tức là chỉ liên quan đến Philippines và trong khuôn khổ hiệp ước phòng thủ chung với Hoa Kỳ. Hơn nữa, ngoại trưởng Philippines nhấn mạnh, chính sách ngoại giao của Manila là “làm bạn với tất cả các nước”. 

    Trước đó, phát ngôn viên của bộ Quốc Phòng Philippines cũng đã khẳng định thỏa thuận EDCA không nhắm vào bất cứ quốc gia nào, cũng như không nhằm can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc và Đài Loan. Phát ngôn viên này đã tuyên bố như trên sau khi đại sứ Trung Quốc tại Manila cáo buộc Mỹ lợi dụng các cơ sở quân sự của Philippines chiếu theo thỏa thuận EDCA để can thiệp vào những căng thẳng ở vùng eo biển Đài Loan. 

    Tính cho đến nay, trong khuôn khổ EDCA, quân đội Hoa Kỳ có thể tiếp cận 9 cơ sở quân sự ở Philippines. Trên trang mạng CNN Philippines hôm nay, chuyên gia về luật quốc tế Harry Roque đã nêu lên nguy cơ Philippines bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh có thể xảy ra giữa Mỹ với Trung Quốc, với các cơ sở quân sự nói trên sẽ là mục tiêu tấn công của Bắc Kinh. 

    Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã gia tăng kể từ sau cuộc gặp giữa tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn với chủ tịch Hạ Viện Mỹ Kevin McCarthy tại bang California ngày 05/04. Ngay sau cuộc gặp này, Trung Quốc đã mở cuộc tập trận 3 ngày với kịch bản là “bao vây hoàn toàn” Đài Loan. 

    Hãng Seagate bị Mỹ phạt 300 triệu đô la vì bán ổ cứng cho Huawei

    BBC News

    Getty Images

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Giới chức Hoa Kỳ phạt 300 triệu đô la (241 triệu bảng Anh) đối với công ty công nghệ Seagate, bị cáo buộc vi phạm lệnh kiểm soát xuất khẩu ổ đĩa cứng cho hãng Huawei của Trung Quốc.

    Seagate Technology đã vận chuyển lượng hàng hóa trị giá hơn 1,1 tỷ USD cho Huawei sau khi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đã được đưa ra vào năm 2020, Bộ Thương mại nói.

    Hình phạt này là động thái mới nhất của chính phủ Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn việc bán công nghệ tinh vi, phức tạp cho Trung Quốc.

    Giới chức Hoa Kỳ cho biết những thiết bị như vậy có thể được sử dụng bởi quân đội Trung Quốc.

    Seagate đã vận chuyển 7,4 triệu ổ cứng cho Huawei trong khoảng một năm sau khi chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt lệnh kiểm soát này, theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ.

    Hãng vẫn tiếp tục làm vậy "ngay cả sau khi Huawei đã bị đưa đưa vào Danh sách Các Thực thể có hành vi gây hại cho an ninh quốc gia chúng ta", Matthew Axelrod từ Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) thuộc Bộ Thương mại nói.

    "Hình phạt này là một lời cảnh tỉnh rõ ràng về việc các công ty cần phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định xuất khẩu mà BIS ban hành, vì nhóm chấp pháp của chúng tôi hoạt động là nhằm đảm bảo cho cả an ninh quốc gia lẫn một sân chơi bình đẳng," ông Axelrod nói thêm.

    Hai nhà cung cấp ổ cứng chính khác của Huawei đã tuân thủ quy định mới, ngừng xuất khẩu sang công ty Trung Quốc, Bộ Thương mại nói.

    Seagate cho biết số tiền phạt sẽ được trả thành nhiều lần, mỗi ba tháng trả 15 triệu USD trong vòng 5 năm tới.

    Động thái này xảy ra khi Mỹ tiếp tục nỗ lực hạn chế việc bán công nghệ, chẳng hạn như các loại chip máy tính tiên tiến, cho Trung Quốc.

    Huawei đã bị đưa vào danh sách hạn chế thương mại của Hoa Kỳ vào năm 2019 như một phần nỗ lực của Washington nhằm cắt giảm việc bán hàng của Mỹ cho công ty này, do có những lo ngại về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia.

    Washington cho biết công nghệ này có thể được quân đội Trung Quốc sử dụng để hỗ trợ các hành vi vi phạm nhân quyền hoặc đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ theo những cách khác.

    Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc.

    Trong những năm gần đây, nhiều nước phương Tây đã thực hiện các biện pháp chống lại các công ty công nghệ Trung Quốc do có những lo ngại an ninh.

    Các công ty chuyên về công nghệ 5G như Huawei, ZTE và Hytera đã bị cấm lắp đặt thiết bị trên các mạng ở Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Canada.

    Chính phủ Anh đã ra lệnh phải gỡ bỏ tất cả các thiết bị do Huawei lắp đặt khỏi các mạng 5G ở nước này vào năm 2027.

    Hồi đầu tuần, hãng khổng lồ công nghệ giám sát Hikvision của Trung Quốc đã bác bỏ việc cho rằng họ đang ngụy trang bất hợp pháp cho các sản phẩm họ bán cho chính phủ Hoa Kỳ, nhằm hỗ trợ hoạt động gián điệp của Trung Quốc.

    Hãng sẽ trả lời các câu hỏi của BBC về các cáo buộc được tiết lộ trong một tài liệu Lầu Năm Góc bị rò rỉ trong thời gian gần đây.

    Fox News dàn xếp vụ kiện của Dominion với giá $787.5 triệu

    Hiếu Chân/SGN

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/04/GettyImages-1483133427.jpg


    Các luật sư đại diện nguyên đơn Dominion tươi cười rồi tòa Thượng thẩm Delaware sau khi đạt được thỏa thuận dàn xếp trị giá $787.5 triệu với bị đơn là hãng truyền thông Fox News ngay trước khi vụ xét xử bắt đầu vào chiều tối thứ Ba 18 tháng Tư 2023. Ảnh Alex Wong/Getty Images 

    Hãng truyền thông cánh hữu Fox News và công ty Dominion Voting Systems đã đạt được một thỏa thuận dàn xếp vào phút cuối trị giá $787.5 triệu vào chiều thứ Ba 18 tháng Tư 2023 ngay trước khi bồi thẩm đoàn bắt đầu xem xét vụ kiện mà Dominion – công ty sản xuất máy bầu cử – kiện hãng Fox News về tội phỉ báng gây thiệt hại cho công ty, đòi bồi thường $1.6 tỷ.

    Vụ kiện được công chúng và giới truyền thông Mỹ quan tâm sâu sắc không chỉ vì số tiền đòi bồi thường rất lớn mà còn vì nó liên quan tới quyền tự do ngôn luận – một quyền thiêng liêng của người dân Hoa Kỳ giữa lúc đất nước đang vật vã với nạn tin giả tràn lan. Báo The New York Times cho rằng, vụ kiện được coi là phép thử lớn đối với Tu Chính Án thứ Nhất, đặt vấn đề liệu các luật lệ chống phỉ báng đã đủ để bảo vệ các nạn nhân của các chiến dịch xuyên tạc trên truyền thông hay không.

    “Các bên đã giải quyết vụ việc của họ,” Thẩm phán Eric Davis của Tòa án Thượng thẩm Delaware thông báo vào đầu buổi chiều thứ Ba 19 tháng Tư và cho biết nhiệm vụ của bồi thẩm đoàn đã kết thúc. 

    Thỏa thuận dàn xếp này đã chấm dứt cuộc chiến pháp lý kéo dài hơn hai năm chung quanh câu hỏi, có phải hãng truyền thông Fox News có phỉ báng nhà sản xuất máy bỏ phiếu hay không khi họ đưa lên sóng truyền hình các thuyết âm mưu rằng cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đã bị gian lận.

    Thỏa thuận dàn xếp cũng tránh cho các nhân vật quan trọng của hãng Fox Corporation – kể cả Chủ tịch Rupert Murdoch, các người dẫn chương trình Tucker Carlson, Sean Hannity và Maria Bartiromo – khỏi phải ra khai báo trước tòa.

    Thỏa thuận dàn xếp tránh được một cuộc xét xử kéo dài nhưng vẫn là một trường hợp hiếm hoi về truy cứu trách nhiệm những kẻ âm mưu phá hoại tính chính đáng trong chiến thắng của Tổng thống Joe Biden, quảng bá những lý thuyết sai lầm về gian lận bầu cử được cựu Tổng thống Donald Trump và tay chân của ông ta đưa ra.

    Chưa rõ các điều khoản cụ thể của thỏa thuận. Nhưng luật sư Justin Nelson, đại diện cho nguyên đơn Dominion, nói rằng: “Sự thật rất quan trọng. Nói láo thì phải chịu hậu quả… Hơn hai năm trước, một dòng thác những lời dối trá đã quét các viên chức bầu cử khắp nước Mỹ vào một vũ trụ các thuyết âm mưu, gây ra những tổn hại trầm trọng cho công ty Dominion và cho đất nước”

    Về phần mình, hãng Fox ra tuyên bố cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng quyết định giải quyết cuộc tranh chấp với Dominion một cách thân thiện thay vì một cuộc xử án chia rẽ và thù địch, sẽ cho phép đất nước tiến lên từ những vấn đề này.”

    Dominion đã kiện Fox vào đầu năm 2021, cho rằng danh tiếng của công ty bị tổn hại nặng nề do Fox liên tục phát sóng những thông tin sai sự thật về máy bỏ phiếu của họ, vu cáo các máy bỏ phiếu đó – được sử dụng ở hơn 20 tiểu bang – “gian lận” kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 bằng cách chuyển hàng triệu phiếu bầu cho ông Trump sang cho ông Biden. 

    Fox phủ nhận hành vi sai trái, nói rằng họ chỉ đơn thuần đưa tin về những cáo buộc đáng tin cậy đến từ ông Trump và các luật sư của ông ta và rằng họ đã được Tu Chính Án thứ Nhất bảo vệ khi làm như vậy.

    Nhưng các hồ sơ pháp lý đã công khai hàng nghìn trang thư điện tử, tin nhắn văn bản và các thông tin liên lạc khác, tiết lộ rằng các nhà báo, người dẫn chương trình và giám đốc điều hành của Fox News biết những tuyên bố rằng cuộc bầu cử bị “gian lận” là sai sự thật nhưng họ vẫn tiếp tục đưa chúng lên sóng nhằm giữ chân những khán giả trung thành của họ là những người ủng hộ cựu tổng thống Trump.

    Thẩm phán Eric M. Davis trước đây đã phán quyết rằng những tuyên bố mà Fox đã phát sóng về Dominion là sai sự thật. Ông cũng quyết định rằng, Fox không thể tự bào chữa rằng họ phát những thông tin sai sự thật đó trên cơ sở rằng đó là yếu tố tin tức và không cố ý phỉ báng ai.

    Tại phiên tòa dự tính sẽ mở ra, bồi thẩm đoàn sẽ được giao nhiệm vụ trả lời câu hỏi liệu Fox có hành động với “ác ý thực sự” hay không – nghĩa là họ đã cố ý phát tán những lời nói dối hoặc đã liều lĩnh bỏ qua bằng chứng rõ ràng rằng những lời tuyên bố đó là sai sự thật.

    Các luật sư và phóng viên báo chí đã ngồi đợi trong phòng xử án hơn hai tiếng đồng hồ, phần khai mạc phiên xử dự kiến sẽ bắt đầu vào chiều thứ Ba. Tuy vậy, Thẩm phán Davis đã trở lại phòng xử án ngay trước lúc 4 giờ chiều và thông báo vụ dàn xếp ngoài tòa với các luật sư chính của vụ án vội vã bước theo sau ông.

    Thỏa thuận dàn xếp giữa Fox News và Dominion chưa phải là dấu chấm hết cho cuộc tranh chấp pháp lý liên quan đến cáo buộc gian lận bầu cử năm 2020. Về phần Fox New, Trong các phiên điều trần trước khi xét xử, Thẩm phán Eric Davis đã phạt bị đơn Fox News vì đã không cung cấp bằng chứng, đồng thời khiển trách họ vì đã không thẳng thắn với tòa. Hôm thứ Ba, Thẩm phán Davis cũng chỉ định một công tố viên đặc biệt điều tra xem Fox có tuân thủ đầy đủ việc khai báo theo lệnh của tòa án hay không.

    Về phía Dominion, thỏa thuận dàn xếp với Fox News là tiền lệ tốt để công ty tiếp tục theo đuổi các vụ kiện chống phỉ báng liên mà công ty đã kiện chống lại các đối thủ cạnh tranh của Fox như hãng truyền thông Newsmax, OAN, ông chủ công ty gối Mike Lindell, nhà sáng lập mạng Overstock.com Patrick Byrne và các luật sư Rudy Giuliani và Sidney Powell – luật sư riêng của cựu Tổng thống Trump.


    Không có nhận xét nào