BBC News
05/5/2023
Nguồn hình ảnh, TTXVN
Chụp lại hình ảnh,
Chủ tịch nước VNCS Võ Văn Thưởng tiếp Đại sứ Anh Iain Frew (bìa trái)
Cuối tuần này, Chủ tịch nước VN, ông Võ Văn Thưởng có chuyến thăm tới Anh để dự lễ Đăng quang của Vua Charles II tại London.
Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Hà Nội thông báo về sự kiện này:
"Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh hai nước kỷ niệm năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973."
Đại sứ Iain Frew viết, ông tin rằng hai nước sẽ tiếp tục ghi nhận các thành quả toàn diện hơn trong quan hệ tương lai, đặc biệt là trong kinh tế, thương mại, chống biến đổi khí hậu và giáo dục.
Nhìn từ phía Anh, quan hệ London -Hà Nội chỉ thực sự đi vào thực chất những năm gần đây nhưng lại có lịch sử dài hơn thế.
50 năm về trước, Anh, quốc gia có vai trò ở Hội đồng Bảo an LHQ sau Thế chiến II, ở Hòa đàm Geneva (1954) đã công nhận VNDCCH trong một chuyển biến sau Hòa đàm Paris (1972) mà mục tiêu là chấm dứt Cuộc chiến Việt Nam.
Bối cảnh những năm 1972-73 ở châu Âu
Ngày 17/07/1973, đề xuất "công nhận Bắc Việt Nam" được đưa ra thảo luận tại Quốc hội ở Điện Westminster. Các hồ sơ vẫn giữ trên trang lưu trữ (Hansard archive-Volume 860 debate-North Vietnam) tại Nghị viện.
BBC News Tiếng Việt trích đoạn trả lời của Ngoại trưởng Anthony Royle sau câu hỏi của các nghị sĩ:
"Đại sứ quán của chúng ta ở Bắc Kinh đã đề nghị với Đại sứ quán của VNDCCH cuộc thảo luận theo hướng để thiết lập quan hệ ngoại giao. Nay, chúng tôi công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với thủ đô ở Hà Nội và lãnh thổ nằm ở phía bắc đường phi quân sự theo Hiệp định Geneva 1954 [vĩ tuyến 17-BBC]. Chúng ta vẫn tiếp tục công nhận Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, với thủ đô ở Sài Gòn, là chính quyền hợp pháp duy nhất của Nam Việt Nam, với lãnh thổ nằm phía Nam đường giới tuyến tạm thời đó."
Điều đáng chú ý là Anh Quốc như vậy đã công nhận cả hai nước Việt Nam trong khi vẫn coi đường phân định Nam-Bắc chỉ là tạm thời: "provisional military demarcation line", theo đúng Hiệp định Geneva.
Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Anh (FCO )tuy thế đã nói rằng Anh "sẽ không công nhận Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam VN" mà báo chí Phương Tây thời đó hay gọi là "Việt Cộng".
Người Mỹ rất chú ý đến điều này. Ngay ngày hôm sau, 18/07/1973, New York Times trích FCO đưa tin "sẽ không có chuyện Anh công nhận chính phủ Việt Cộng (there was no question of Britain's recognizing the Vietcong's Pro visional Revolutionary Govern ment of South Vietnam).
Chụp lại hình ảnh,
Thủ tướng Anh nhiệm kỳ 1971-74, Ted Heath đã chịu sức ép từ cả châu Âu và Hoa Kỳ trong vấn đề Cuộc chiến VN
Như thế, Anh khác Hoa Kỳ trong việc công nhận Hà Nội sau khi đã công nhận Sài Gòn từ trước, nhưng giống Hoa Kỳ trong việc không công nhận chính phủ CMLT Cộng hòa Miền Nam VN.
Chính phủ này được một số quốc gia thuộc phe XHCN Đông Âu, đồng minh của Hà Nội, và một số quốc gia Thế giới thứ ba công nhận.
Anh Quốc đã đi tới quyết định công nhận Hà Nội sau nhiều suy tính, thể hiện quan điểm chung của chính phủ Bảo thủ thời Thủ tướng Edward Heath (1971-1974) mà phần nào khác chính sách của các đồng minh còn lại như Úc, New Zealand vốn trực tiếp ủng hộ và can dự vào cuộc chiến ờ Nam Việt Nam.
Một điều ít người biết là giống như Pháp, nước Anh sau 1955 vẫn giữ Tổng lãnh sự quán ở Hà Nội nhưng với các hoạt động hạn chế.
Tất cả các bước đi năm 1972-73 của Anh được hiểu là nằm trong logic ngoại giao chung: London là bên bảo trợ cho Hiệp định Geneva 1954 ở Thuỵ Sĩ về Đông Dương, gồm VN và Triều Tiên.
Vì thế, Anh từ hè năm 1973, sẽ là cường quốc duy nhất trong Hội đồng Bảo an LHQ có cả Đại sứ quán tại Hà Nội và Sài Gòn.
Hai đại cường khác, Hoa Kỳ và Liên Xô thì chỉ "bênh một bên".
Hoa Kỳ là đồng minh chủ chốt của Sài Gòn, còn Liên Xô chỉ ủng hộ Miền Bắc và có đại sứ quán tại Hà Nội.
Tuy thế, các sử gia sau này đánh giá rằng chính sách về Việt Nam của chính phủ Ted Heath chịu tác động và giằng co giữa quan hệ Anh-Mỹ và nhu cầu gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC- tiền thân của EU).
Các năm 1972-1973 là thời điểm quan trọng, London phải cố lấy lòng các thủ đô châu Âu, đồng thời ủng hộ Hoa Kỳ.
Điều này thể hiện qua "sự im lặng" của Thủ tướng Heath trước các đợt Hoa Kỳ ném bom miền Bắc (cuối 1972), khiến Anh bị chỉ trích.
Các chiến dịch Linebacker của Không lực Hoa Kỳ ở Bắc VN thời Nixon bị nhiều nước châu Âu như Bỉ, Ý, Hà Lan, Na Uy, Phần Lan lên án. Pháp cũng bày tỏ sự bất bình tuy không trực tiếp phê phán Washington.
Biểu tình nổ ra ở Rome, Amsterdam, Copenhaden và cả ở London. Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme còn ví các trận bom của Mỹ dội xuống khu dân cư và bệnh viện (Bạch Mai) như "bom của phát-xít Đức" tàn phá các đô thị châu Âu trong Thế Chiến II.
Ngày 23/01/1973, ở Hạ viện, dân biểu Hugh Jenkins đã yêu cầu trả lời câu hỏi chính phủ Anh "có nêu gì với Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon về các cuộc không kích Bắc VN chưa".
Nguồn hình ảnh, STF/Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Pháo đài bay B-52 ném bom Việt Nam
Ông Heath né tránh và chỉ trả lời bằng văn bản "trao đổi với TT Nixon thuộc loại bí mật (confidential)" nên không chia sẻ.
Sự im lặng, không phê phán Mỹ này khiến một số nước châu Âu không hài lòng, và có ý kiến miệt thị Anh "là giai cưng" (blue-eyed boy) của Mỹ. Tuy thế, theo đánh giá của Matthew Jones (The International History Review) thì ông Heath cần đặt quan hệ với châu Âu lên hàng ưu tiên "để phục hồi kinh tế Anh".
Xin nhắc lại, Anh thời Thủ tướng Harold Wilson (nhiệm kỳ I), đã xin vào EEC nhưng bị Tướng Charles de Gaulle của Pháp ngăn chặn. Phải đến tháng 1/1973, người kế nhiệm ông tướng Pháp "ghét Anh" là Georges Pompidou mới đồng ý để Thủ tướng Edward Heath dẫn dắt Anh trở thành thành viên của EEC.
Cùng lúc, quan hệ với Mỹ vẫn rất quan trọng.
Tháng 2/1972 Chu Ân Lai và Richard Nixon tung ra Thông cáo chung Thượng Hải, tạo bước ngoặt địa chính trị lớn trong Chiến tranh Lạnh ở châu Á.
Tháng 6/1972, Ngoại trưởng Anh Anthony Royle thực hiện gần một chuyến thăm quan trọng sang Trung Quốc.
Việc tham vấn hoặc trao đổi với Đại sứ quán Anh tại Bắc Kinh về chiến tranh tại Đông Dương được thực hiện và các nhà ngoại giao Anh tại Bắc Kinh cùng các nhà ngoại giao VNDCCH đã gặp gỡ.
Chuyện Anh thông qua quyết định chọn giải pháp công nhận Hà Nội năm 1973 chỉ là thủ tục nhưng đưa Anh "cùng nhịp" với các nước tư bản Tây Âu và Úc.
Vào tháng 2/1973, Australia, dưới thời Thủ tướng Gough Whitlam (đảng Lao động) quyết định lập quan hệ ngoại giao với VNDCCH nhưng vẫn giữ tòa đại sứ ở Sài Gòn và vẫn là đồng minh quân sự của VNCH.
Các quyết định này tạo nên sự kiện diễn ra năm nay là nước Việt Nam thống nhất dưới quyền Đảng Cộng sản cùng kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia thuộc khối tư bản.
Biết trước là Miền Bắc sẽ thắng?
Cuộc chiến Việt Nam trở thành đề tài nội bộ trong tranh cử ở rất nhiều quốc gia châu Âu thời gian đó.
Ở nước Bắc Âu Thụy Điển, đảng thiên tả của ông Olof Palme coi việc chống sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ tại VN là một chính sách ngoại giao cơ bản để tranh cử.