Quê Hương tổng hợp
Nguyễn Thông - Thái Lan khác, ta khác
Khá nhiều lời khen ngợi khi biết kết quả tổng tuyển cử ở Thái Lan hôm qua 15.5. Dân Thái đã thực hiện quyền công dân đúng nghĩa, bầu ra những đại biểu của mình ở hạ nghị viện (quốc hội). Chả biết họ có “sáng suốt lựa chọn những người xứng đáng” không nhưng đại đa số dân chúng đã chọn người ở 2 đảng đối lập đại diện cho họ, chứ không bỏ phiếu cho đảng cầm quyền hiện tại của thống tướng Prayut Chan-o-cha. Chính họ đã từng bầu cho đám đương quyền, nhưng qua năm tháng của nhiệm kỳ, lại mắt thấy tai nghe, họ chán đám độc tài nhà binh lắm rồi.
Họ chọn ai? Hai đảng đối lập thì đã rõ, nhưng cầm đầu hai đảng đó là 2 người trẻ, một người đàn ông 45 tuổi, và một người đàn bà, gọi là cô gái thì đúng hơn, mới có 36 tuổi. Một trong hai người này sẽ là thủ tướng Thái Lan trong 5 năm tới. Quá nể, nể cả người bầu lẫn người được bầu.
Thái là vậy. Rất nhiều nơi khác cũng là vậy. Người dân có quyền chọn lực lượng, tổ chức, cá nhân đại diện cho mình. Kẻ nào không đáp ứng được niềm tin ấy thì họ phế, thay bằng người khác, tổ chức khác. Người ta gọi đó là dân chủ, dân chủ thực chất.
Ông bạn tôi, sau khi tấm tắc, chợt ngậm ngùi, giá mà ta được như Thái Lan, dân ta như dân Thái. Rồi thở dài sườn sượt, không biết đến bao giờ.
Tôi bảo, ông nhầm. Dân Thái ở đất Thái sẽ làm được điều ấy, chứ họ sang xứ An Nam ta sẽ bị “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, bị suy thoái, bị chuyển hóa, bị An Nam hóa. Thể chế nào, con người đó. Người Thái thực thi được quyền dân chủ khi bầu cử bởi nước họ không có đảng độc quyền (mà đã độc quyền thì đồng nghĩa với độc tài), họ không bị “đảng cử dân bầu”, họ có cơ quan kiểm phiếu độc lập, kết quả bầu cử không bị đôn lên tới 98 - 99%, không có mặt trận tổ quốc hiệp thương hiệp thiếc, cũng không cờ đèn kèn trống khẩu hiệu ầm ĩ lóa mắt… Họ không bị chi phối, ép buộc bởi cái gì cả, ngoài việc phải chọn đúng người tử tế làm lãnh đạo đất nước.
Đừng mong được như nước Thái người Thái, bởi ta không có điều mà họ có, còn họ cũng không có những thứ mà ta có.
Nguyễn Thông
Lưu Trọng Văn - Đến tận bây giờ mới được ưu tiên !
16/5/2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại thành phố Cần Thơ, ngày 14/05 cho biết:
“Đường sắt tốc độ cao nối Bình Dương, Thành phố HCM với Cần Thơ - thủ phủ miền Tây 174 km, đi qua Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ với tổng đầu tư 9 tỉ USD, khổ đường 1.435 mm, tốc độ thiết kế lớn nhất 190 km/h đang được khởi động thực hiện.”
Theo thủ tướngChính phủ đã đàm phán với các đối tác, ưu tiên triển khai dự án trên. Ngoài ra, Đồng bằng sông Cửu Long còn có hai tuyến đường cao tốc chính được đẩy nhanh triển khai gồm: TP HCM - Cà Mau (một số đoạn được khởi công vào tháng 6) và cao tốc trục Đông - Tây từ Sóc Trăng qua Cần Thơ, Hậu Giang đến An Giang.
Gã vừa đi từ Sài Gòn tới Bạc Liêu mất hơn 6 giờ 30 cho gần 270 km. Nhờ cao tốc Trung Lương và cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận hơn 100 km chỉ mất khoảng 1 giờ 30 nên mới được vậy. Có nghĩa là với quãng đường gần 180 km từ cầu Mỹ Thuận, qua Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng đến xứ sở của Dạ cổ hoài lang và công tử Bạc Liêu mất khoảng 5 tiếng đồng hồ.