Quê Hương tổng hợp
Biển Đông: Hơn 10 chiếc tàu Trung Quốc tiến gần giàn khoan Nga ngoài khơi Việt Nam
11/5/2023
Ảnh ghép, theo thứ tự: Tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 của Việt Nam và hai tàu hải cảnh Trung Quốc ngoài khơi tỉnh Phú Yên, miền trung Việt Nam, ngày 26/05/2011. Ảnh do Petrovietnam cung cấp ngày 29/05/2011. REUTERS/Handout
Trọng Nghĩa /RFI
Hai nhóm chuyên gia theo dõi hành trình tàu biển vừa phát hiện một chiếc tàu khảo sát Trung Quốc, được 2 tàu Hải Cảnh và 11 chiếc tàu cá hộ tống, hôm qua, 10/05/2023, đã tiến vào một khu vực khai thác khí đốt trên Biển Đông ngoài khơi Việt Nam. Đây là một lô do các công ty nhà nước của Nga và Việt Nam vận hành.
Theo các dữ liệu mà hãng tin Anh Reuters tham khảo được, đội tàu Trung Quốc đã đi vào khu vực lô 04-03 của Vietsovpetro, một liên doanh giữa hai tập đoàn Zarubezhneft của Nga và PetroVietnam và vẫn ở trong khu vực cho đến tối.
Dữ liệu cho thấy nhóm tàu Trung Quốc cũng áp sát các lô 05-1B và 05-1C, do công ty dầu khí Nhật Bản Idemitsu điều hành.
Trung Quốc thường xuyên bị tố cáo sử dụng lực lượng Hải Cảnh và cả một hạm đội tàu đánh cá – vốn bị nhiều người cho là tàu dân quân biển trá hình – để đe dọa và làm gián đoạn các hoạt động khai thác dầu khí trên Biển Đông, kể cả ở vùng ngoài khơi Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Ray Powell, chủ nhiệm Dự án Myoushu về Biển Đông của Đại Học Stanford, Mỹ, thì hành động lần này của Trung Quốc có tính chất “bất thường”, vì họ huy động một “số lượng lớn tàu dân quân và tàu Hải Cảnh”.
Theo chuyên gia này, có lẻ đây là “thông điệp về quyền tài phán của Trung Quốc đối với các hoạt động dầu khí của Việt Nam”.
Về phía Việt Nam, ông Powell ghi nhận có ít nhất ba chiếc tàu kiểm ngư của Việt Nam đã tiến sát các tàu Trung Quốc.
Theo Reuters, Bắc Kinh đã khẳng định rằng tàu Trung Quốc chỉ hoạt động “bình thường” trong vùng biển “thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.”.
Liên quan đến các hoạt động của đội tàu Trung Quốc, tổ chức phi lợi nhuận độc lập mang tên Dự Án Đại Ký Sự Biển Đông cho biết là ngày 10/05, tàu Trung Quốc cách giàn khoan đang hoạt động của Nhật Bản khoảng 18 km và cách giàn khoan Nga-Việt khoảng 32 km.
Theo nguồn tin này, tàu nghiên cứu Trung Quốc đã di chuyển hết tốc lực trước khi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng sau đó đã giảm tốc độ còn 4-5 hải lý/giờ, chứng tỏ là họ đang tiến hành khảo sát.
Theo Reuters, trước đây các cuộc khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia mà không có thông báo trước đều bị coi là mang tính chất thù địch hoặc khiêu khích.
Thượng đỉnh ASEAN bế mạc: Quan ngại về Biển Đông và vẫn bế tắc về Miến Điện
11/5/2023