Header Ads

  • Breaking News

    Chuyển động Quốc Phòng từ ngày 5 tháng 5 đến 11 tháng 5 năm 2023

    Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

    Chiến tranh Nga – Ukraine:

    Nga gây nhiễu các hệ thống tên lửa do Mỹ cung cấp gây khó khăn cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine

    Trong những tháng gần đây, Nga đã gây cản trở các hệ thống tên lửa di động do Mỹ sản xuất ở Ukraine thường xuyên hơn, sử dụng thiết bị gây nhiễu điện tử để vô hiệu hóa hệ thống nhắm mục tiêu dẫn đường bằng GPS khiến tên lửa trượt mục tiêu. Theo đó, các hệ thống HIMARS ngày càng kém hiệu quả vì các thiết bị gây nhiễu của Nga, buộc các quan chức Mỹ và Ukraine phải tìm cách điều chỉnh phần mềm của HIMARS để chống lại các nỗ lực gây nhiễu điện tử của Nga.

    Xem thêm tại: CNN, Russia’s jamming of US-provided rocket systems complicates Ukraine’s war effort. Truy cập ngày 7/5/2023

    Điện Kremlin cáo buộc Washington chỉ đạo cuộc tấn công bằng drone nhằm vào Putin

    Nga hôm thứ năm đã cáo buộc Mỹ là chủ mưu cuộc ám sát Tổng thống Vladimir Putin. John Kirby, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nói rằng Washington vẫn chưa rõ chuyện gì đã xảy ra, nhưng ông thẳng thừng bác bỏ tuyên bố của Nga. Những tuyên bố ngày càng hung hăng của các quan chức Nga cũng làm gia tăng lo ngại ở Kiev rằng Moscow đang chuẩn bị tiến hành một cuộc không kích lớn khác nhằm vào các mục tiêu dân sự phía sau tiền tuyến, sau khi một chiến dịch tên lửa mùa đông không phá hủy được cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

    Xem thêm tại: Washington Post, Kremlin accuses Washington of directing drone attack on Putin. Truy cập ngày 5/5/2023

    Nga tấn công các thành phố chính của Ukraine bằng drone Shahed-136 phóng từ trạm mặt đất

    Iran cho biết lượng Nga ở Ukraine sử dụng đạn tuần kích Shahed-136, được phóng từ một trạm phóng trên mặt đất thay vì các bệ phóng năm nòng trên xe tải. Shahed-136 là UAV hay drone do Iran sản xuất, vốn được sử dụng chủ yếu cho các nhiệm vụ do thám và giám sát. Mặc dù thông tin chi tiết về Shahed-136 còn hạn chế, nhưng nó được cho là có khả năng thực hiện các hoạt động trên một phạm vi lên tới 2.000 km, cho phép loại drone này bao phủ một khu vực rộng lớn cho các mục đích tình báo, giám sát và trinh sát (ISR).

    Xem thêm tại: Army Recog, Russia strikes Ukrainian main cities using Shahed-136 drones launched from ground stations. Truy cập ngày 5/5/2023

    Ukraine kích hoạt còi báo động trong khi Crimea rung chuyển do các vụ nổ

    Nhiều vụ nổ đã làm rung chuyển bán đảo Crimea do Nga chiếm giữ với việc một quan chức thân Moscow cáo buộc Kiev đã tiến hành hơn 10 cuộc tấn công bằng drone, trong khi còi báo động không kích cũng được kích hoạt trong vài giờ trên hầu hết lãnh thổ Ukraine. Các cuộc tấn công bằng drone diễn ra khi người đứng đầu cơ quan hạt nhân của Liên Hợp Quốc cảnh báo về các điều kiện “nguy hiểm” xung quanh nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia do Nga nắm giữ,

    Xem thêm tại: Al Jazeera, Blasts rock Russia-annexed Crimea as sirens blare across Ukraine. Truy cập ngày 8/5/2023

    Lãnh đạo Wagner tiếp tục đe dọa rút lui khỏi Bakhmut vì thiếu nguồn cung cấp đạn dược

    Lãnh đạo Wagner, Yevgeny Prigozhin cáo buộc Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và tư lệnh Valery Gerasimov đã không cung cấp đủ đạn dược cho quân đội của ông ở Ukraine. Yevgeny Prigozhin sau đó tuyên bố sẽ rút lực lượng Wagner ra khỏi thành phố Bakhmut của Ukraine vào ngày 10 tháng 5 nếu không nhận được thêm đạn dược. Trước đó, ông Prigozhin đã nhiều lần cáo buộc Bộ Quốc phòng Nga không cung cấp đủ đạn dược cho Wagner, những người đã giao tranh ác liệt trong nhiều tháng với lực lượng Ukraine trong chiến dịch “máy xay thịt Bakhmut”. Quân đội Ukraine đã bác bỏ tuyên bố của ông Prigozhin, nói rằng binh sĩ Wagner vẫn đang giữ vững vị trí và đang nhận được quân tiếp viện. Ngoài ra, máy bay chiến đấu của Wagner đang củng cố các vị trí ở Bakhmut với ý định cố gắng chiếm lấy thành phố trước ngày Chiến Thắng 9 tháng 5. Tập đoàn Wagner sau đó xác nhận rằng quân đội của mình đã được Moscow hứa cung cấp thêm vũ khí và có thể tiếp tục tấn công vào Bakhmut, địa điểm Nga coi là bàn đạp để tiến tới các thành phố khác trong khu vực Donbas. Ukraine cho biết những bình luận của Prigozhin là nhằm mục đích đánh lạc hướng khỏi những tổn thất nặng nề mà Wagner đã phải gánh chịu khi điều động rất nhiều quân nhân vào trận chiến.

    Xem thêm tại: Bloomberg, Wagner Chief Again Threatens Bakhmut Pullout Over Supplies. Truy cập ngày 6/5/2023; Al Jazeera, Ukraine says no sign of Russia’s Wagner force Bakhmut withdrawal. Truy cập ngày 7/5/2023; Russia’s Wagner Group says more arms promised for Bakhmut battle. Truy cập ngày 8/5/2023

    Ukraine cáo buộc Nga dùng bom phốt pho ở Bakhmut

    Ukraine đã cáo buộc Nga tấn công thành phố Bakhmut bằng bom phốt pho. Theo quân đội Ukraine, Bakhmut đang trong tình trạng bốc cháy khi chất phốt pho trắng trút xuống thành phố. Tuy vũ khí phốt pho trắng không bị cấm, nhưng việc sử dụng chúng trong khu vực dân sự bị coi là tội ác chiến tranh vì bom phốt pho tạo ra những đám cháy lan nhanh và rất khó dập tắt. Nga đã từng bị cáo buộc sử dụng bom phốt pho trước đây.

    Xem thêm tại: BBC, Russia accused of using phosphorus bombs in Bakhmut. Truy cập ngày 8/5/2023

    Ukraine bắn hạ tên lửa siêu thanh ‘không thể cản phá’ của Nga

    Quân đội Ukraine đã bắn hạ một tên lửa đạn đạo siêu thanh của Nga bằng hệ thống phòng không do phương Tây sản xuất. Theo đó, Lực lượng vũ trang Ukraine đã đánh chặn thành công một tên lửa siêu thanh Kinzhal (Kh-47) của Nga. Kinzhal, vốn được Nga sử dụng để tấn công một số mục tiêu ở Ukraine, có tầm hoạt động lên tới 2.000 km và bay với tốc độ gấp 10 lần âm thanh nên rất khó bị đánh chặn.

    Xem thêm tại: Defence Blog, Ukraine shoots down Russian ‘unstoppable’ hypersonic missile. Truy cập ngày 6/5/2023

    Ukraine đang biến xe tăng Nga thành phương tiện chiến đấu hạng nặng

    Các kỹ sư Ukraine đã tháo tháp pháo nòng trơn 115mm 2A20 khỏi xe tăng hạng trung và thay vào đó sẽ lắp tháp pháo BMP-2 do các phương tiện quân sự đã bị hư hại trong trận chiến. Thêm vào đó, các kỹ sư cũng phải chuyển đổi xe tăng thành phương tiện chiến đấu bộ binh hạng nặng, chính xác hơn là phương tiện chiến đấu hỗ trợ xe tăng. Các kỹ sư Ukraine đã sửa đổi một chiếc xe tăng hạng trung T-62 của Nga để sử dụng trong chiến đấu nhằm thu hồi phương tiện quân sự hoặc sửa chữa các phương tiện chiến đấu bọc thép bị hư hỏng, mắc kẹt và/hoặc không hoạt động được, chẳng hạn như xe tăng và xe bọc thép chở quân.

    Xem thêm tại: Defence Blog, Ukraine is turning Russian tank into heavy fighting vehicle. Truy cập ngày 9/5/2023

    Mỹ công bố viện trợ quân sự 1,2 tỷ USD cho Ukraine

    Mỹ sẽ công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 1,2 tỷ đô la cho Ukraine, bao gồm các hệ thống phòng không, đạn dược và chi phí đào tạo. Cụ thể hơn, Ukraine sẽ nhận được đạn Howitzer 155 ly, đạn chống drone và các khoản tài trợ cho hình ảnh vệ tinh cũng như các hình thức huấn luyện khác nhau. Gói viện trợ quân sự mới này được trích từ Sáng kiến ​​Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), vốn cho phép chính quyền của Tổng thống Joe Biden mua vũ khí từ ngành công nghiệp thay vì lấy từ các kho vũ khí của Mỹ để viện trợ cho Ukraine.

    Xem thêm tại: Reuters, US to announce $1.2 billion in military aid for Ukraine. Truy cập ngày 10/5/2023

    Ukraine nhận radar đa năng do Israel sản xuất

    Lực lượng Vũ trang Ukraine được đã nhận được các radar đa nhiệm trên mặt đất IEMHR đầu tiên do Israel sản xuất để thực hiện nhiệm vụ chống các hệ thống không người lái, phòng không Tầm ngắn (VSHORAD), chống Tên lửa, pháo binh và súng cối (C-RAM) và hoạt động giám sát bán cầu. Radar mới sẽ thực hiện giám sát trên không, phát hiện và theo dõi mọi loại hoạt động trên không, cung cấp thông tin theo thời gian thực cho quân đội Ukraine, đảm bảo an ninh và an toàn tối đa trong khu vực được bảo vệ.

    Xem thêm tại: Defence Blog, Ukraine receives Israeli-made multi-mission radars. Truy cập ngày 9/5/2023

    Thổ Nhĩ Kỳ từ chối giao S-400 cho Ukraine

    Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết Ankara đã từ chối gửi hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất cho Ukraine. Vào năm ngoái, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan cáo buộc tuyên bố rằng Ankara có thể cung cấp hệ thống tên lửa S-400 cho Ukraine để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với nước này là một mưu đồ nhằm khuấy động các vấn đề trong nước. Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 vào năm 2017, khiến mối quan hệ của nước này với Mỹ rơi vào khủng hoảng. Chính quyền Trump đã trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 và sau đó trừng phạt tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Ankara cũng như những người đứng đầu.

    Xem thêm tại: Defence Blog, Turkey rejects S-400 deliveries to Ukraine. Truy cập ngày 8/5/2023

     

    Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

    Quân đội Mỹ trao hợp đồng vũ khí trị giá 1 tỷ USD cho Javelin

    Quân đội Mỹ trao hợp đồng sản xuất các hệ thống tên lửa chống tăng hiện đại Javelin cho Liên doanh bao gồm Lockheed Martin và Raytheon Technologies. Hệ thống tên lửa Javelin là một loại tên lửa bắn-và-quên, có khả năng khóa mục tiêu trước khi phóng và tự dẫn hướng tự động. Hệ thống Javelin ngoài sử dụng để chống lại xe bọc thép, còn có thể tấn công trực tiếp vào các tòa nhà, mục tiêu ở gần, mục tiêu dưới chướng ngại vật và máy bay trực thăng.

    Xem thêm tại: Defence Blog, US Army awards contract for $1B Javelin weapon. Truy cập ngày 6/5/2023

    Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nói Trung Quốc có thể xâm lược Đài Loan trong ‘một hoặc hai năm’

    Cựu cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền Trump, Robert O’Brien, nói rằng khung thời gian phát động xâm lược Đài Loan của Trung Quốc đã rút ngắn xuống ngay trong năm tới. Robert O’Brien kêu gọi Mỹ và Nhật Bản phản ứng kiên quyết, hỗ trợ phòng thủ của Đài Loan và hỗ trợ ngoại giao cho Đài Loan để ngăn chặn các hành động của Trung Quốc. Trước đây, vào năm 2021, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, Philip Davidson, đã cảnh báo rằng ông lo lắng PLA có thể tấn công Đài Loan trong vòng sáu năm tới hoặc vào năm 2027.

    Xem thêm tại: Taiwan News, China could invade Taiwan in ‘a year or two’: Former US national security adviser. Truy cập ngày 6/5/2023

    Trung Quốc nói Biển Đông không nên là ‘nơi lý tưởng’ cho các lực lượng nước ngoài

    Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ năm cho biết Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ quốc gia nào viện dẫn các hiệp ước song phương để can thiệp vào Biển Đông và làm suy yếu các quyền và lợi ích lãnh thổ của Trung Quốc. Biển Đông là nhà của tất cả các quốc gia trong khu vực và không nên là nơi tranh giành của các thế lực bên ngoài, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mao Ninh nói khi được hỏi về động thái của Mỹ nhằm tái khẳng định liên minh an ninh đã tồn tại hàng thập kỷ với Philippines.

    Xem thêm tại: Reuters, China says South China Sea should not be ‘hunting ground’ for foreign forces. Truy cập ngày 5/5/2023

    Lực lượng Tên lửa PLA tham gia cùng tàu sân bay Sơn Đông trong cuộc tập trận gần căn cứ của Mỹ ở phía tây Thái Bình Dương

    PLA nói rằng Lực lượng Tên lửa của mình đã tham gia cùng nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông tập trận gần căn cứ hải quân Guam của Mỹ. Cuộc tập trận diễn ra cách đảo Guam khoảng 400 hải lý (741 km) về phía tây bắc vào tháng trước, có sự tham gia của tàu sân bay Sơn Đông, một tàu khu trục Type 055, hai tàu khu trục Type 052D, hai khinh hạm Type 054A và một tàu tiếp liệu Type 901. Một số nhà phân tích cho rằng việc công khai lực lượng tên lửa tham gia cho thấy chiến lược răn đe của quân đội Trung Quốc. Đồng thời động thái này cũng làm nổi bật năng lực nâng cao của PLA đối với các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu trên di chuyển mặt nước hoặc các căn cứ hải quân bên ngoài chuỗi đảo thứ nhất.

    Xem thêm tại: SCMP, China says Shandong aircraft carrier handled foreign reconnaissance ‘prudently’. Truy cập ngày 7/5/2023

    Mỹ xúc tiến viện trợ vũ khí 500 triệu USD cho Đài Loan

    Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gửi viện trợ vũ khí trị giá 500 triệu USD cho Đài Loan bằng cách sử dụng cùng một cơ chế khẩn cấp đã được sử dụng cho Ukraine. Quốc hội Mỹ đã ủy quyền viện trợ vũ khí trị giá lên tới 1 tỷ USD cho Đài Loan bằng cách sử dụng Cơ quan rút vốn của Tổng thống (PDA), một cơ chế xúc tiến hỗ trợ an ninh và đã giúp gửi vũ khí cho Ukraine. Tuy nhiên, chi tiết về gói viện trợ sắp tới vẫn chưa được tiết lộ.

    Xem thêm tại: Reuters, US moving ahead with $500 million in arms aid for Taiwan. Truy cập ngày 7/5/2023

    Kế hoạch xây dựng căn cứ tàu ngầm dưới đáy biển của Đài Loan khi căng thẳng xuyên eo biển gia tăng

    Chính quyền Đài Bắc đang được khuyến khích xem xét lại đề xuất sử dụng các hang động dưới nước như một phần của căn cứ hải quân cho hạm đội tàu ngầm mới có thể bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 2025. Các cấu trúc địa chất dọc theo bờ biển phía đông của quận Hoa Liên và địa hình tự nhiên dưới nước lân cận của các hang động này đặc biệt có thể cung cấp vỏ bọc lý tưởng cho tàu ngầm. Trước đó, Đài Loan có kế hoạch phát triển và xây dựng một hạm đội gồm ít nhất 8 tàu ngầm tấn công diesel-điện theo Chương trình tàu ngầm phòng thủ nội địa (IDS), với chiếc tàu ngầm đầu tiên dự kiến ​​hạ thủy vào tháng 9 và đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2025.

    Xem thêm tại: SCMP, Taiwan’s undersea submarine base plan resurfaces as cross-strait tensions rise. Truy cập ngày 7/5/2023

    Trung Quốc kêu gọi ‘cảnh giác cao độ’ trước sự mở rộng của NATO ở châu Á

    Trung Quốc hôm thứ Năm cho biết cần thiết phải cảnh giác trước “sự mở rộng về phía đông” của NATO sau khi liên minh này có kế hoạch thành lập một văn phòng tại Nhật Bản để tạo điều kiện tham vấn với các đồng minh trong khu vực. Theo đó, NATO đang có kế hoạch mở văn phòng liên lạc đầu tiên ở châu Á, tại Nhật Bản, để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán với các đối tác an ninh như Hàn Quốc, Úc và New Zealand, trong đó có những thách thức địa chính trị từ Trung Quốc và Nga.

    Xem thêm tại: Reuters, China urges ‘high vigilance’ over NATO expansion in Asia. Truy cập ngày 5/5/2023

    Mỹ, Philippines cam kết phòng thủ chung ‘ở bất cứ đâu trên Biển Đông’

    Trong chuyến thăm của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đến Washington vào tuần này, Mỹ và Philippines đã công bố bản hướng dẫn để hiện đại hóa liên minh hai nước trước một Trung Quốc ngày càng quyết đoán. Ngoài ra, Bộ trưởng QP Mỹ Lloyd Austin và Tổng thống Marcos tái khẳng định các cam kết liên minh vững chắc của Mỹ và Philippines theo Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 và quyết tâm chung của Washington và Manila trong việc chống lại các cuộc tấn công vũ trang nhằm vào máy bay, tàu bè và lực lượng vũ trang – bao gồm cả lực lượng bảo vệ bờ biển– tại Thái Bình Dương, bao gồm bất cứ nơi nào ở Biển Đông.

    Xem thêm tại: Defense News, US, Philippines vow joint defense ‘anywhere in the South China Sea’. Truy cập ngày 5/5/2023

    Sinh viên Philippines quan ngại về ‘quân sự hóa đại học’

    Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã đặt ưu tiên lập pháp là khôi phục nghĩa vụ quân sự bắt buộc khi Manila xích lại gần Mỹ hơn và chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng xảy ra xung đột với Trung Quốc. Nathan Agustin, chủ tịch hội đồng sinh viên đương nhiệm tại Đại học Santo Tomas, cho biết bất kỳ ứng cử viên nào bày tỏ sự ủng hộ đối với việc khôi phục các cuộc tập trận, được gọi là Quân đoàn Huấn luyện Sĩ quan Dự bị (ROTC), đều phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ các sinh viên. ROTC thường bao gồm các sĩ quan dự bị trải qua đào tạo các kỹ năng lãnh đạo và sinh tồn trong quân đội. Các sĩ quan dự bị sẽ trải qua huấn luyện súng trường, tác chiến bộ binh và cận chiến, vốn thường diễn ra một hoặc hai lần một tuần, trong vài giờ.

    Dự luật ROTC đang được thảo luận ở Thượng viện, và các nghị sĩ đề suất dự luật này hy vọng nó sẽ được thông qua vào cuối năm. Dự luật sẽ bắt buộc các sinh viên đại học phải tham gia một khóa huấn luyện quân sự trong vòng 2 năm. Dư luận phản đối dự luật này ví một số lý do lịch sử, ví dụ như tình trạng bạo lực và tham nhũng liên quan tới chương trình ROTC trong quá khứ.

    Xem thêm tại: Nikkei Asia, Philippine students fear ‘campus militarization’. Truy cập ngày 8/5/2023

    Nhật Bản, Hàn Quốc liên kết hệ thống radar theo dõi tên lửa Triều Tiên

    Vào đầu tháng tới, các cơ quan quốc phòng của Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ liên kết các radar của mình thông qua một hệ thống của Mỹ để chia sẻ thông tin theo thời gian thực về các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Với việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo với tốc độ chưa từng thấy trong năm qua, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ hồi tháng 11 đã nhất trí tăng tốc khả năng chia sẻ thông tin. Nhật Bản và Hàn Quốc được liên kết độc lập với các hệ thống radar của Mỹ nhưng không liên kết với nhau.

    Xem thêm tại: Reuters, Japan, South Korea to link radar systems to track North Korea missiles. Truy cập ngày 10/5/2023

    Quân đội Trung Quốc ‘cảnh giác cao độ’ khi Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc xích lại gần nhau

    PLA cảnh báo rằng Trung Quốc nên ở trong tình trạng “cảnh giác cao độ” khi Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tiến lại gần hơn về mặt quân sự có thể làm suy yếu an ninh trong khu vực. Cảnh báo trên xuất hiện trong bối cảnh Mỹ đang tiến hành các cuộc tập trận thường xuyên hơn với hai đối tác châu Á và trong bối cảnh hai bên thúc đẩy chia sẻ thông tin tình báo nhiều hơn, trong khi Seoul và Tokyo tìm cách hàn gắn quan hệ. PLA cũng nói rằng Bắc Kinh cũng đang nhắm đến việc thiết lập một mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo ba bên tương tự như Ngũ Nhãn – bao gồm Úc, Anh, Canada, New Zealand và Mỹ.

    Xem thêm tại: SCMP, China’s military told to be on ‘high alert’ as US, Japan and South Korea move closer. Truy cập ngày 9/5/2023

    5 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong chiến dịch của quân đội Kashmir

    Năm binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng và một số người bị thương trong chiến dịch chống lại các nhóm vũ trang ở Kashmir. Các lực lượng quốc phòng Ấn Độ đã tiến hành nhiều hoạt động khác nhau trong khu vực Rajouri ở Himalaya sau khi các tay súng không rõ danh tính vào tháng trước đã nổ súng vào một phương tiện của quân đội Ấn Độ. Kashmir, được Ấn Độ và Pakistan tuyên bố chủ quyền hoàn toàn nhưng do hai nước láng giềng cai trị một phần, là nơi diễn ra cuộc nổi dậy vũ trang đẫm máu chống lại New Delhi kể từ những năm 1990.

    Xem thêm tại: Al Jazeera, 5 Indian soldiers killed in Kashmir army operation. Truy cập ngày 6/5/2023

    Ấn Độ, Nga giải quyết vấn đề chậm thanh toán, sản xuất quốc phòng

    Ấn Độ và Nga đã đồng ý giải quyết các khoản thanh toán chậm trễ liên quan đến các hợp đồng quốc phòng, đồng thời chính thức hóa kế hoạch sản xuất thiết bị và phụ tùng của Nga trong nước. Kể từ tháng 4 năm 2019, Ấn Độ đã không thể thanh toán cho Nga. Dù Ấn Độ đã cố gắng cài đặt một khoản thanh toán thay thế bằng rupee-rúp để trang trải chi phí, nhưng Nga đã từ chối đề xuất này. Theo kế hoạch mới, Bộ Quốc phòng Ấn Độ sẽ thực hiện thanh toán thông qua hệ thống nhắn tin tài chính của Nga. Hệ thống chuyển thông điệp tài chính của Ngân hàng Nga, hay SPFS, là một giải pháp thay thế cho hệ thống Swift.

    Xem thêm tại: Defense News, India, Russia cut deal on payment delays, defense production. Truy cập ngày 5/5/2023

    Tàu dân quân Trung Quốc vượt tàu chiến Ấn Độ, ASEAN tập trận ở Biển Đông

    Tàu của lực lượng dân quân biển Trung Quốc tiếp cận khu vực hải quân Ấn Độ và các nước ASEAN đang tham gia cuộc tập trận AIME 2023 ở Biển Đông. Chính quyền Ấn Độ đang theo dõi hoạt động của ít nhất 5 tàu dân quân biển. Ray Powell, người đứng đầu Dự án Myoushu trên Biển Đông tại Đại học Stanford, cho biết những chiếc thuyền này thuộc hạm đội dân quân biển Tam Sa. Một chuyên gia Việt Nam cho rằng Bắc Kinh dường như đang sử dụng lực lượng dân quân để đe dọa và phá rối cuộc tập trận hải quân của Ấn Độ và ASEAN.

    Xem thêm tại: Reuters, Chinese militia boats cross Indian, ASEAN warships exercising in South China Sea. Truy cập ngày 9/5/2023

    Việt Nam cử tàu khu trục tham gia diễn tập hàng hải ASEAN-Ấn Độ

    Tàu khu trục lớp Gepard Trần Hưng Đạo của Việt Nam đang tham gia Cuộc tập trận hàng hải ASEAN-Ấn Độ từ ngày 2 đến ngày 8 tháng 5. Cuộc tập trận của lực lượng hải quân Ấn Độ và các nước thành viên ASEAN sẽ có 9 tàu, 6 máy bay và hơn 1.800 nhân viên vũ trang tham gia. Cuộc tập trận được chia thành hai phần: một phần trên đất liền Singapore và phần còn lại trên vùng biển quốc tế. Đây là lần thứ 3 Việt Nam cử tàu hải quân tham gia diễn tập chung với ASEAN và Ấn Độ nhằm thúc đẩy hợp tác, thể hiện đối ngoại và bảo vệ Tổ quốc.

    Xem thêm tại: VN Express, Vietnam sends frigate to ASEAN-India maritime drill. Truy cập ngày 6/4/2023

    Quân đội Trung Quốc tập trận chung hiếm hoi ở Lào

    Trung Quốc sẽ tổ chức một cuộc tập trận quân sự chung hiếm hoi với nước láng giềng Lào trong tháng này khi Bắc Kinh cố gắng tăng cường quan hệ an ninh với các đồng minh khu vực để chống lại sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ ở Đông Nam Á. Cuộc tập trận, được tổ chức từ ngày 9 đến 28 tháng 5, sẽ mô phỏng các cuộc tấn công vào các nhóm tội phạm có vũ trang xuyên quốc gia và có sự tham gia của hơn 900 quân nhân, trong đó có hơn 200 binh sĩ Trung Quốc. Cuộc tập trận đánh dấu một bước tiến so với các cuộc tập trận cứu hộ y tế nhân đạo chung trước đó giữa quân đội Bắc Kinh và Viêng Chăn tại Lào.

    Xem thêm tại: Reuters, Chinese troops to hold rare joint military exercise in Laos. Truy cập ngày 6/5/2023

    Singapore, Indonesia lên án vụ tấn công nhà ngoại giao tại Myanmar

    Singapore và Indonesia đã lên án vụ tấn công nhằm vào các nhà ngoại giao khu vực đang thực hiện sứ mệnh viện trợ nhân đạo ở bang Shan phía đông bắc Myanmar dù vẫn chưa rõ ai là người chịu trách nhiệm cho vụ tấn công. Quân đội Myanmar đã phớt lờ cái gọi là Đồng thuận Năm Điểm mà thủ lĩnh đảo chính Min Aung Hlaing đã đồng ý với ASEAN vào tháng 4 năm 2021, và đang chiến đấu với các nhóm kháng chiến có vũ trang cũng như các tổ chức vũ trang sắc tộc lâu đời trong tình hình mà một số người mô tả là nội chiến.

    Xem thêm tại: Al Jazeera, Singapore, Indonesia condemn attack on diplomats in Myanmar. Truy cập ngày 10/5/2023

    Nga ‘phát triển’ cơ sở quân sự ở Kyrgyzstan

    Nga sẽ “phát triển” các cơ sở quân sự của mình ở nước đồng minh Trung Á Kyrgyzstan, sau cuộc hội đàm giữa tổng thống Sadyr Japarov và tổng thống Vladimir Putin tại Moscow. Nga và Kyrgyzstan, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, gắn kết thông qua một liên minh quân sự do Moscow đứng đầu – Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). Moscow và Bishkek đã đồng ý tăng cường quan hệ quân sự khi cuộc tấn công của Nga ở Ukraine bước sang năm thứ hai và phương Tây đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow.

    Xem thêm tại: Economic Times, Russia to ‘develop’ its military facilities in Kyrgyzstan. Truy cập ngày 9/5/2023

    Canada tìm cách tham gia trụ cột phi hạt nhân của liên minh AUKUS

    Chính phủ Canada đang tìm cách tham gia bộ phận phi hạt nhân của AUKUS, một hiệp ước an ninh giữa Úc, Anh và Mỹ nhằm chống lại sức mạnh quân sự đang lên của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Lý do Canada muốn tham gia bây giờ không phải là để mua tàu ngầm hạt nhân, giống như Úc, mà là để tham gia vào trụ cột thứ hai của thỏa thuận AUKUS. Bộ phận phi hạt nhân này của AUKUS cung cấp khả năng chia sẻ thông tin và hợp tác chặt chẽ nhằm thúc đẩy phát triển các công nghệ tiên tiến, bao gồm khả năng phòng thủ dưới biển, AI, công nghệ lượng tử và chiến tranh siêu thanh.

    Xem thêm tại: Globe and Mail, Canada seeks to join non-nuclear pillar of AUKUS alliance. Truy cập ngày 9/5/2023

     

    Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ-Latinh:

    Tàu chiến NATO tập trận phòng thủ tên lửa tại Scotland

    NATO vào thứ hai sẽ tổ chức tập trận Formidable Shield tại bờ biển phía tây bắc của Scotland, với mười quốc gia tham gia. Cuộc tập trận sẽ kéo dài ba tuần, tạo cơ hội cho các lực lượng NATO và các quốc gia đối tác huấn luyện cùng nhau trong một môi trường an toàn nhưng thực tế. Trong suốt cuộc tập trận, hàng chục sự kiện diễn tập bắn đạn thật sẽ được tổ chức nhằm chống lại các mục tiêu cận âm, siêu âm và đạn đạo. Những sự kiện này sẽ có sự tham gia của nhiều tàu đồng minh, lực lượng mặt đất và lực lượng hàng không từ các quốc gia tham gia, thể hiện khả năng của liên minh trong việc hoạt động như một lực lượng chiến đấu tích hợp và hiệu quả.

    Xem thêm tại: UKDJ, NATO warships converge on Scotland for missile defence. Truy cập ngày 7/5/2023

    Thụy Sĩ tập trận quân sự, chú trọng vào vai trò của mình trong nền quốc phòng châu Âu

    Thụy Sĩ tổ chức cuộc tập trận LUX 23 trong đó quân đội nước này diễn tập đẩy lui mục tiêu giả, ném lựu đạn và bắn đạn thật nhằm thể hiện khả năng tự vệ xác định “sự trung lập có vũ trang” của mình. Cuộc tập trận có sự tham gia của 4.000 binh sĩ và trải rộng trên 4 bang trong 9 ngày. Cuộc tập trận diễn ra khi vai trò của Ukraine trong phòng thủ châu Âu được chú trọng trong bối cảnh kêu gọi hỗ trợ Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga. Cuộc tập trận LUX 23 không được tổ chức để đáp trả cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào tháng 2 năm ngoái, nhưng quân đội Thụy Sĩ cho biết cuộc tập trận này càng trở nên phù hợp hơn với mục đích này.

    Xem thêm tại: Reuters, Switzerland holds military drills, its role in European defence in focus. Truy cập ngày 10/5/2023

    Brussels tiết lộ kế hoạch thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng EU

    Người đứng đầu ngành công nghiệp của Ủy ban châu Âu Thierry Breton đã kêu gọi các công ty quốc phòng châu Âu tham gia vào “chế độ chiến tranh kinh tế” khi ông tiết lộ một kế hoạch mới nhằm thúc đẩy sản xuất vũ khí trên toàn EU. Đạo luật hỗ trợ sản xuất đạn dược (ASAP) được Ủy ban châu Âu đồng ý hôm thứ Tư sẽ bơm khoảng 500 triệu euro từ ngân sách EU vào các nhà máy sản xuất đạn dược ở châu Âu để thúc đẩy sản xuất vũ khí – phù hợp với khoản đồng tài trợ khoảng 500 triệu euro từ các quốc gia thành viên và các quốc gia khác. Mục tiêu của kế hoạch thúc đẩy là sản xuất 1 triệu viên đạn trong vòng một năm.

    Xem thêm tại: Politico, Brussels unveils plan to boost EU defense industry. Truy cập ngày 5/5/2023

    IDF tấn công hơn 100 mục tiêu ở Gaza

    Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã tấn công hơn 100 mục tiêu của các nhóm khủng bố ở Gaza, với trọng tâm chính là lực lượng Thánh chiến Hồi giáo. IDF đã bắt đầu một cuộc tấn công phủ đầu trên diện rộng vào nhiều vị trí đặt tên lửa của Jihad Hồi giáo, bao gồm cả một số vị trí được giữ kín đối với công chúng, sau khi nhận thấy các dấu hiệu tình báo cho thấy nhóm khủng bố đã sẵn sàng cho một loạt các cuộc tấn công bằng tên lửa vào Israel. Phát ngôn viên trưởng quân đội Israel Chuẩn tướng Daniel Hagri nói rằng IDF đã quyết định thay vì chỉ tấn công có chọn lọc các đội tên lửa trên đường đến vị trí bắn tên lửa, họ sẽ tấn công phủ đầu nhiều vị trí tên lửa được che lấp mà tình báo đã phát hiện trước đó.

    Xem thêm tại: Al Jazeera, 12 reported killed in latest Israeli air attacks on Gaza. Truy cập ngày 9/5/2023

    Chiến sự tại Sudan: Một số sự kiện chính


      • Ngày 7 tháng 5: Giao tranh, không kích tiếp tục diễn ra tại thủ đô Khartoum, bao gồm cả ở thành phố Bắc Khartoum qua sông Nile. Quân đội Sudan cũng đẩy lui Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) ra khỏi Nyala, thuộc bang Nam Darfur. Thủ lĩnh RSF, tướng Mohamed Dagalo xác nhận việc tham gia vào đàm phán gián tiếp tại Jeddah với quân đội Sudan. Cả Ả Rập Saudi và Mỹ hoan nghênh việc bắt đầu cuộc các buổi tiền đàm phán này dù quân đội Sudan và RSF chỉ đồng ý thảo luận về một lệnh ngừng bắn nhân đạo chứ không phải thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến.

      • Ngày 8 tháng 5: Giao tranh tiếp tục diễn ra tại Khartoum và lan sang quận Haj Yousif ở phía đông bắc. Cho đến nay, các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn tại Ả Rập Saudi vẫn chưa có tiến triển. Các cường quốc phương Tây đang ủng hộ một cuộc chuyển giao chính quyền dân sự tại Sudan, vốn có vị trí chiến lược giao với Ai Cập, Ả Rập Saudi, Ethiopia và Sahel. Nhưng khối liên Ả Rập đang rạn nứt về vấn đề Sudan khi Ai Cập ủng hộ mạnh mẽ quân đội Sudan do tướng Abdel Fattah al-Burhan lãnh đạo và UAE nghiêng về phía RSF.

      • Ngày 9 tháng 5: Tư lệnh quân đội Abdel Fattah al-Burhan hôm thứ Hai cho biết quân đội đang tìm kiếm một giải pháp hòa bình nhưng chỉ có thể có các cuộc thảo luận về một giải pháp lâu dài “sau khi chúng tôi đạt được lệnh ngừng bắn vĩnh viễn ở Khartoum” với RSF. Hai lực lượng tham chiến cho biết họ sẽ chỉ cố gắng giải quyết vấn đề ngừng bắn và nhân đạo ví dụ như hành lang nhân đạo.

      • Ngày 10 tháng 5: Quân đội Sudan thả bom dữ dội vào trung tâm thủ đô Khartoum và xung quanh khu vực phủ tổng thống. Trong khi đó, tình trạng vô luật pháp đã diễn ra ở Khartoum và hai thành phố liền kề Omdurman và Bắc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết Ankara sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán toàn diện về Sudan nếu các bên liên quan nhất trí. Ngoại trưởng Antony Blinken hôm thứ ba cho biết Mỹ sẽ không từ bỏ mục tiêu đưa Sudan trở lại chính quyền dân sự dân chủ.

      • Ngày 11 tháng 5: Giao tranh diễn ra dữ dội ở phía bắc Omdurman và phía đông Bắc Khartoum, hai thành phố liền kề Khartoum được ngăn cách bởi sông Nile. Giao tranh cũng lan sang el-Obeid, thủ phủ bang Bắc Kordofan, cách Khartoum khoảng 350km về phía tây nam. RSF nói rằng phủ tổng thống mang tính lịch sử, vốn có tầm quan trọng biểu tượng và ở khu vực chiến lược do RSF kiểm soát, đã bị các cuộc không kích của quân đội Sudan phá hủy. Sau vài ngày bế tắc, các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn giữa RSF và quân đội Sudan đã có tiến triển.

    Xem thêm tại: Al Jazeera, Sudan fighting in its 23rd, 24th, 25th, 26th, 27th day: A list of key events. Truy cập ngày 11/5/2023

    Mỹ điều thêm 2 tàu khu trục tới nam Tây Ban Nha

    Mỹ sẽ tăng số tàu khu trục neo ở miền nam Tây Ban Nha từ bốn lên sáu chiếc theo một thỏa thuận nhằm tăng cường mối quan hệ chiến lược song phương giữa Washington và Madrid. Các tàu khu trục của Mỹ đóng tại căn cứ hải quân Rota ở Cadiz là những tàu duy nhất có cảng cố định ở châu Âu. Các con tàu của Mỹ được bố trí để thực hiện các hoạt động hàng ngày trong các nhiệm vụ khác nhau, bao gồm phòng thủ tên lửa đạn đạo và chiến tranh phòng không.

    Xem thêm tại: Reuters, U.S. to add 2 destroyer ships in southern Spain. Truy cập ngày 9/5/2023

     

    Chuyên mục Phân tích:

    Nga có thể chiếm Bakhmut chỉ trong vài tuần tới

    Cho đến nay, cuộc chiến kéo dài hơn mười tháng tại Bakhmut đã trở thành cuộc chiến đẫm máu và hao tổn nhất với hơn 20,000 lính Nga đã tử trận kể từ tháng 12. Vậy tại sao Moscow vẫn cương quyết muốn chiếm được Bakhmut? Trước nhất, dù có tầm quan trọng chiến lược hạn chế nhưng hiện tại thành phố Bakhmut đã có được sức nặng chính trị lấn át quân sự. Kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào tháng 7 năm ngoái, nó đã trở thành một biểu tượng bất khuất của Ukraine. Do đó, lực lượng Nga rất muốn chiếm được Bakhmut dù nó nhỏ bé và đổ nát để truyền động lực cho các mục tiêu chính trị. Đối với Ukraine, việc trấn thủ Bakhmut là nhằm ngăn chặn Nga có được chiến thắng khích lệ tinh thần và bào mòn lực lượng Nga. Nhờ vào ưu thế pháo binh và việc sử dụng chiến lược biển quân dự bị cũng như triển khai lực lượng nhảy dù tinh nhuệ của mình, lực lượng Nga đã có những bước tiến lớn. Các nguồn tin tình báo quân sự Ukraine cho biết hiện tại Kiev chỉ kiểm soát khoảng 15% Bakhmut, ngụ ý rằng tiến độ chiếm lấy thành phố của Nga chỉ còn khoảng vài tuần. Dù các chỉ huy quân đội Ukraine nói rằng số lính Nga tử trận xung quanh thành phố là một lính Ukraine đổi 10 lính Nga, con số đang dần đạt đến ngưỡng ngang bằng – một lính Ukraine đổi một lính Nga – khi Moscow đe dọa bao vây lực lượng Kiev. Ngoài ra, trong vòng ba tuần qua Nga đã gia tăng pháo kích khiến cho Ukraine chật vật trong việc tiếp tế. Tuy nhiên, lực lượng Ukraine đã vượt qua kỳ vọng tại Bakhmut, vẫn còn trụ được dù tình báo Mỹ cho rằng Kiev sẽ bị bóp nghẹt. Thêm vào đó, lực lượng Wagner cũng đang trong tình trạng thiếu thốn đạn dược dù đang là lực lượng tấn công duy nhất tại Bakhmut. Do đó, ngay cả khi Nga chiếm lấy Bakhmut, thì đây cũng là chiến thắng mà Moscow phải trả giá đắt.

    Xem thêm tại: Economist, Russia could take Bakhmut within weeks. Truy cập ngày 5/5/2023

    Ukraine đang sử dụng máy chơi game cầm tay để điều khiển các ụ súng máy từ xa thế nào?

    Một số hình ảnh cho thấy binh sĩ Ukraine sử dụng máy chơi game cầm tay Steam Deck của nhà phát hành game Valve để điều kiển ụ súng máy “Sabre”. Ụ súng máy điều khiển từ xa Sabre sử dụng loại đạn 7.62mm PKT hay đạn PKT dây đai cho súng máy hạng nặng. Dù đây là tư liệu đầu tiên cho thấy Steam Deck được chủ động sử dụng trên chiến trường, việc ứng dụng máy chơi game cầm tay trong việc phát triển vũ khí quân sự không có gì mới. Trước đó, quân đội Mỹ đã sử dụng tay cầm máy chơi game XBox 360 của Microsoft để điều khiển phương tiện không người lái trên mặt đất thực hiện nhiệm vụ xử lý vật liệu nổ trong hơn 15 năm qua. Trong thời gian gần đây, quân đội Mỹ đã chứng kiến sự phổ biến của bộ điều khiển game được tùy chỉnh để sử dụng với các hệ thống vũ khí tiên tiến, ví dụ như tháp pháo phòng không tầm ngắn cơ động (M-SHORAD) gắn trên xe bọc thép chiến đấu Stryker tại châu Âu và các bệ phóng tên lửa chống hạm trên mặt đất của Hệ thống Ngăn chặn Tàu Viễn chinh Hải quân/Thủy quân lục chiến (NMESIS) rất quan trọng đối với cuộc chiến trong tương lai chống lại Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Mặc dù việc quân đội mô phỏng các trò chơi điện tử có thể là tin vui đối với các quân nhân Mỹ và Ukraine, nhưng vẫn chưa rõ liệu tháp pháo điều khiển từ xa Sabre có đi kèm với Rip It cho các phiên chiến đấu sử dụng năng lượng hay không.

    Xem thêm tại: Task and Purpose, Ukrainian soldiers are using video game controllers to operate machine gun turrets. Truy cập ngày 6/5/2023

    Khả năng không chiến của Ukraine đang gây bất an như thế nào?

    Một câu hỏi trọng tâm của cuộc chiến tại Ukraine đó là tại sao điện Kremlin không triển khai lực lượng không quân luôn được ca ngợi của mình trong cuộc chiến. Trong cuộc diễu binh ngày Chiến Thắng, chiến đấu cơ thế hệ thứ năm Sukhoi của Nga cũng không xuất hiện. Một số quan chức quốc phòng Mỹ tin rằng cuộc chiến tại Ukraine đã thu hẹp năng lực của các cơ cở quốc phòng sản xuất hàng loạt chiến đấu cơ và máy bay ném bom của Nga. Tuy nhiên, trong bối cảnh Ukraine chuẩn bị cho một cuộc phản công, với hy vọng ít nhất sẽ chiếm được lãnh thổ bị Nga chiếm và triển khai pháo tầm xa ở phía đông vùng Zaporizhzhia để có thể nhắm vào các cơ sở quân sự của Nga tại Crimea, các quan chức Ukraine và phương Tây đang quan ngại rằng tương quan lực lượng không quân mỏng manh của Ukraine sẽ không thể trụ lâu. Theo đó, các quan chức Ukraine tin rằng Nga đang giấu chiến đấu cơ và máy bem ném bom của mình dướp lớp vỏ phòng thủ khi chỉ cho chúng bay trên khu vực do Moscow kiểm soát, như Donbas hay cách biên giới Ukraine khoảng 160 đến 300 km, để bắn bừa vào khu vực đông dân cư. Thêm vào đó, lực lượng không gian Nga – hay VKS (viết tắt theo tiếng Nga), có số lượng áp đảo không quân Ukraine và có khả năng đánh bại chiến đấu cơ của Ukraine nhờ vào công nghệ radar và tên lửa vượt trội hơn. Tuy Nga đã phá hủy lượng lớn tên lửa phòng không đất đối không từ thời Liên Xô của Ukraine nhưng sức mạnh không quân của Moscow chưa từng đóng vai trò làm thay đổi cán cân của cuộc chiến tại Ukraine do phi công của điện Kremlin không được đào tạo để thực hiện các chiến dịch quy mô lớn với nhiều loại máy bay chiến đấu khác nhau. Một lý do nữa khiến các quan chức phương Tây và Ukraine quan ngại đó là việc các tài liệu đánh giá mật bị rò rỉ, vốn bộc lộ việc Ukraine đang cạn kiệt đạn dược trong tháng này. Thêm vào đó, các hệ thống tên lửa phòng không của Mỹ viện trợ cho Ukraine như NASAM, hay Patriot đều chỉ là giải pháp tạm thời do tốc độ sản xuất tên lửa của Mỹ không thể bắt kịp các đợt không kích của Nga. Do đó, lựa chọn của Ukraine hiện giờ là phải bám trụ khi Mỹ đã đạt đến giới hạn viện trợ vũ khí và chính quyền Biden sẽ không viện trợ chiến đấu cơ tiên tiến F-16 cho Kiev.

    Xem thêm tại: Foreign Policy, Ukraine’s Air War Heats Up. Truy cập ngày 6/5/2023

    Thất bại của tướng Gerasimov sẽ có lợi cho cuộc phản công của Ukraine như thế nào?

    Việc thủ tiêu một lãnh đạo quân sự cấp cao có thể khiến cho việc lên kế hoạch tác chiến và đưa ra quyết định chậm hơn, dẫn đến sự cố kết của một lực lượng lớn bị phá vỡ, cho phép lực lượng đồng minh tấn công và khai thác lợi thế tác chiến khi phe địch không thể phản ứng. Tuy nhiên, trong cuộc phản công sắp tới, lực lượng Ukraine phải tránh nhắm đến một chỉ huy Nga, tướng Gerasimov, tổng tư lệnh lực lượng vũ trang, và là người thất bại đến 4 lần trong cuộc chiến. Thất bại thứ nhất của tướng Garasimov nằm ở kế hoạch ban đầu cho cuộc xâm lược Ukraine khi ông giả định rằng Ukraine sẽ không thể phòng thủ hiệu quả cũng như chính phủ Kiev sẽ tháo chạy và phương Tây sẽ không can dự. Tuy nhiên, tình hình ở Ukraine đã đi ngược lại với giả định của tướng Garasimov và lực lượng Nga tỏ ra thiếu phối hợp và hỗn loạn do không thể đạt được chiến lược ban đầu. Thất bại kế tiếp của tướng Garasimov là những tuần đầu hỗn loạn trong việc tổng động viên được Tổng thống Putin công bố vào tháng 9 năm 2022. Dù quân đội Nga bắt đầu các nỗ lực động viên ngay sau tuyên bố của Putin, tướng Garsimov đã quên bẫng đi nhu cầu về cơ sở hạ tầng, việc đào tạo cán bộ & dự trữ trang thiết bị cho việc động viên đó. Thất bại thứ ba, vốn có ảnh hưởng lớn đối với các thất bại trong việc động viên cũng như các thách thức về tác chiến của quân đội Nga, là chương trình chuyển đổi kéo dài một thập kỷ do tướng Gerasimov và Shoigu giám sát. Chương trình chuyển đổi này, vốn bắt đầu từ năm 2012 nhằm chuyên nghiệp hóa quân đội Nga và hiện đại hóa trang thiết bị cũng như đạt được khả năng trực chiến, đã loại bỏ phần lớn các cấu trúc động viên từ thời Liên Xô. Nhưng cải cách của tướng Gerasimov đã thất bại trong việc xây dựng thể chế quân sự hiện đại, thống nhất và được lãnh đạo tốt, điều cần thiết để thành công trong chiến tranh đương đại. Thất bại cuối cùng của tướng Gerasimov đó là hàng loạt các cuộc tấn công diện rộng vội vàng hồi tháng một nhưng không mấy thành công với hơn 100,000 lính Nga đã tử trận kể từ tháng mười hai năm 2022. Nhưng với màn thể hiện tệ hại như vậy, tại sao ông Putin vẫn không thay thế tướng Gerasimov? Lý do ông Putin vẫn còn giữ tướng Gerasimov đó là vì lòng trung thành của vị tư lệnh này. Trong các chế độ độc tài, tướng giỏi không bằng tướng trung thành. Vậy hiệu suất tệ hại của tướng Gerasimov mang hàm ý gì cho những tháng sắp tới? Các cuộc tấn công thiếu hiệu quả của tướng Gerasimov hồi đầu năm nay đã tiêu tốn lượng lớn đạn dược và trang thiết bị cũng như số lính Nga tử trận khiến cho khả năng phản ứng của ông trước cuộc phản công của Ukraine bị hạn chế. Do đó, Ukraine có thể tránh nhắm mục tiêu vào Gerasimov vì thành tích của ông và các cuộc tấn công sắp tới của Ukraine có thể trở thành thất bại thứ năm của vị tư lệnh này.

    Xem thêm tại: Mick Ryan, Failures of Gerasimov and the coming Ukrainian offensives. Truy cập ngày 11/5/2023

    Tại sao Ấn Độ sẽ không sát cánh cùng Mỹ trong việc chống lại Trung Quốc?

    Trong hai thập kỷ qua, Washington đã đặt cược vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bằng việc đối đãi với Ấn Độ như một đối tác chủ chốt sẽ giúp Mỹ trong cuộc đối đấu địa chính trị của mình với Trung Quốc. Sự đối đãi này còn tiến thêm một bước với việc chính quyền Biden mở rộng khả năng của Ấn Độ trong việc tiếp cận các công nghệ tối tân, làm sâu sắc hơn quan hệ quốc phòng cũng như thành lập một trụ cột chiến lược của khu vực là Bộ Tứ, gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ. Tuy nhiên, những kỳ vọng hiện tại của Mỹ dành cho Ấn Độ đang bị đặt sai chỗ.

    Trước nhất, sự gần gũi về mặt địa lý và những điểm yếu đáng kể so với Trung Quốc đảm bảo rằng New Delhi sẽ không tham gia vào đối đầu Mỹ – Trung nếu nó không trực tiếp đe dọa đến an ninh của bản thân Ấn Độ. Mặt khác, vấn đề cơ bản nhất đó là Mỹ và Ấn Độ có tham vọng khác nhau đối với mối quan hệ đối tác an ninh. Theo đó, Washington tìm cách củng cố vị thế của Ấn Độ trong trật tự tự do quốc tế và khi cần thiết sẽ chèo kéo New Delhi thành lập liên minh quân sự. Trái lại, New Delhi không hề muốn bảo toàn trật tự tự do quốc tế và tham gia vào việc phòng thủ lẫn nhau. Thay vào đó, Ấn Độ muốn đạt được các công nghệ tiên tiến từ Mỹ nhằm gia tăng khả năng kinh tế và quân sự của mình, từ đó trỗi dậy thành một siêu cường có năng lực cân bằng với Trung Quốc một cách độc lập. Kế đến, hợp tác an ninh giữa Mỹ và Ấn Độ chỉ nở rộ kể từ khi tổng thống Bush ký kết thỏa thuận chuyển đổi hạt nhân dân sự cho New Delhi. Ngày nay, hợp tác an ninh giữa Mỹ và Ấn Độ rất thành công trên ba phía cạnh bao gồm cố vấn quốc phòng, cộng tác quân sự, và việc các công ty Mỹ thành công thâm nhập vào thị trường quốc phòng Ấn Độ. Tuy nhiên, thời kỳ Ấn Độ mua vũ khí từ Mỹ có thể đã hết. Dù các công ty Mỹ vẫn là đối thủ trong một số chương trình mua sắm vũ khí của Ấn Độ, nhưng dường như các công ty này khó có thể chiếm được phần lớn thị phần nhập khẩu vũ khí của New Delhi. Điều này là do ngân sách quốc phòng của Ấn Độ khá khiêm tốn so với phương Tây nói chung khi nhu cầu phát triển kinh tế, cũng như hệ thống vũ khí của Mỹ quá đắt so với các nhà cung cấp khác, và cuối cùng là việc New Delhi yêu cầu các công ty Mỹ chuyển từ bán trang thiết bị sang sản xuất chúng với các đối tác bản địa, vốn yêu cầu việc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ. Một thách thức quan trọng nữa đối với hợp tác an ninh giữa Mỹ và Ấn Độ đó là mục tiêu của Washington và New Delhi trong việc hợp tác cấp quân sự. Trong khi Mỹ muốn đạt được khả năng tích quân đội nước ngoài vào các chiến dịch kết hợp như một phần của chiến tranh liên minh, thì Ấn Độ lại từ chối việc quân đội của mình tham gia vào bất kỳ chiến dịch quân sự kết hợp nào ngoài chiếc ô UN. Mặt khác, Ấn Độ coi các cuộc tập trận mang biểu tượng chính trị hơn là việc gia tăng việc thành thạo tác chiến. Cuối cùng, ưu tiên của Ấn Độ đó là nhận sự trợ giúp của Mỹ trong việc xây dựng khả năng quốc gia của chính mình để có thể giải quyết các mối đe dọa một cách độc lập.

    Mục tiêu cảu Ấn Độ là đảm bảo được sự tự chủ về công nghệ, thành thạo các công nghệ quốc phòng, lưỡng dụng, và dân sự trọng yếu. Do đó, hiện tại Ấn Độ ưu tiên sự hỗ trợ của Washington là vì tham vọng công nghiệp quốc phòng song song với các mối quan hệ đối tác tương tự được thiết lập với Pháp, Israel, Nga và các quốc gia thân thiện khác.

    Xem thêm tại: Foreign Affairs, America’s Bad Bet on India. Truy cập ngày 7/5/2023

    Bộ phim “Top Gun” phiên bản Trung Quốc đang bình thường hóa chiến tranh với Mỹ như thế nào?

    Các cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc thường bịt miệng những người theo chủ nghĩa dân tộc trên mạng đòi tấn công Đài Loan vì dân chúng không có quyền ra lệnh cho ông Tập về thời gian và cách thức chiếm hòn đảo. Cho tới nay, dư luận Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng hy sinh hàng thập kỷ thịnh vượng để đổi lấy chiến tranh. Tuy nhiên, “Born to Fly” (Vua bầu trời), một bộ phim về lực lượng không quân của Trung Quốc đã thử thách sự dè dặt hàng thập kỷ này. Bộ phim cho thấy các phi công Trung Quốc đánh cược tính mạng để hoàn thiện một máy bay chiến đấu tàng hình mới, thứ cần thiết để chiến đấu chống lại một thế lực nước ngoài, mặc dù không được đặt tên nhưng thế lực này nói tiếng Anh giọng Mỹ.

    Bộ phim mở đầu bằng cảnh các chiến đấu cơ nước ngoài quấy nhiễu và đẩy ngư dân cùng công nhân dàn khoan dầu xuống biển với cú lướt siêu âm tầm thấp. Dù được thông báo trên radio rằng họ đang trong khu vực thuộc quyền tài phán của Trung Quốc, nhưng phi công ngoại quốc đáp trả lại rằng họ có quyền bay đến bất cứ nơi nào họ muốn. Sau đó, các phi cơ chiến đấu ngoại quốc đánh bại các phi cơ Trung Quốc đã lỗi thời trong trận không chiến. Về cuối phim, những kẻ xâm nhập quay lại, bắn không cảnh báo trước vào chiến đấu cơ PLA nhưng thất bại và bị đuổi đi bởi các chiến đấu cơ PLA tân tiến hơn. Nhưng điều đáng sợ là bộ phim hòa lẫn các tư tưởng chống Mỹ với các ưu tiên hàng đầu của ông Tập. Trước nhất, các phi công kiểm thử nói rằng mình đang chiến đấu chống lại một cuộc phong tỏa công nghệ và chiến lược ngăn chặn từ các thế lực bên ngoài, lặp lại lời kêu gọi về sự tự cường của ông Tập. Hơn thế nữa, mạch phim của nam chính có thể được lấy cảm hứng từ nhiều bài diễn văn của ông Tập dành cho lớp trẻ, vốn nhấn mạnh tính kỷ luật và không có chỗ cho sự mềm yếu. Các tác phẩm yêu nước cho thấy cách các quốc gia muốn nhìn nhận chính bản thân họ. “Chiến lang 2”, một bộ phim nổi tiếng công chiếu năm 2017, bị hiểu lầm là kích động chiến tranh. Trên thực tế, bộ phim lại cho thấy Trung Quốc là một người gìn giữ hòa bình đáng tự hào. Tuy nhiên, trái với Chiến Lang, Vua bầu trời cho thấy một câu chuyện nghiệt ngã hơn nhiều với việc Trung Quốc vượt qua sự lỗi thời để chiến đấu trực diện với Mỹ. Các nhà phê bình nước ngoài gọi Vua Bầu Trời là bản đạo nhái “Top Gun: Maverick”, bộ phim về phi công máy bay chiến đấu Mỹ ra mắt năm ngoái. Nhưng Top Gun mô tả một siêu cường mệt mỏi và một phi công già nua đang thực thi một hiệp ước đa phương về không phổ biến vũ khí hạt nhân, tức là bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ, trong khi Vua Bầu Trời cho thấy những phi công trẻ đáng ghét đang giúp một nước Mỹ bá quyền thực thi ý chí của mình mà không cần quan tâm đến những điều tốt đẹp của luật pháp quốc tế.

    Xem thêm tại: Economist, China’s new “Top Gun” normalises war with America. Truy cập ngày 5/5/2023

    Tại sao Myanmar là mối đe dọa sống còn đối với ASEAN?

    Các chuyên gia suy đoán rằng mối đe dọa đối với ASEAN hiện nay gồm hành vi trái luật của Trung Quốc tại biển Đông, sự thất bại trong việc thống nhất về phản ứng đối với cuộc xung đột tại Ukraine, và thậm chí là tác động của AUKUS. Tuy nhiên, không có mối đe dọa nào kể trên nguy hiểm bằng phản ứng của ASEAN đối với tình hình tại Myanmar. Theo đó, các nỗ lực nhằm gây ảnh hưởng lên Myanmar thông qua ngoại giao mềm tính đến nay đã thất bại trong việc chấm dứt chính phủ quân sự hay tội ác chiến tranh của chính phủ này. Kể từ cuộc đảo chính vào tháng hai năm 2021, quân đội Myanmar đã ngừng thỏa thuận chia sẻ quyền lực với Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của Aung San Suu Kyi, khiến cho bạo lực do chính quyền quân sự khởi xướng gia tăng ồ ạt, với ước tính khoảng 3.400 tù nhân chính trị bị giết và nhiều người khác bị cầm tù. Nguyên tắc không can thiệp của ASEAN đã khiến cho khối không biết phải làm gì với Myanmar. Tuy nhiên, ngay cả khi chủ tịch của ASEAN nhiệm kỳ này là Indonesia khẳng định sự cần thiết phải giải quyết cuộc khủng hoảng thì người đứng ra làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn lại là một doanh nhân người Nhật. Dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc đã xóa bỏ ảnh hưởng thoái vốn tại Myanmar, đồng nghĩa với việc chính quyền quân sự đã không chịu nhiều sự hạn chế. Ngoài ra, Trung Quốc còn sử dụng Myanmar để vượt qua ‘thế lưỡng nan Malacca’ trong việc vận chuyển hàng hóa của mình từ Đông Nam Á sang Trung Đông và châu Âu. Do đó, chủ nghĩa cơ hội của Trung Quốc ở Myanmar đang gây tổn hại trực tiếp đến lợi ích của ASEAN và Úc. Mặt khác, việc quân đội Myanmar không gặp hậu quả gì cũng sẽ khiến cho các thành phần bất mãn trong khu vực nổi dậy, ví dụ như các cuộc đảo chính quân sự khác nhau của Thái Lan và cuộc đàn áp của Campuchia đối với các phương tiện truyền thông độc lập. Do đó, ASEAN cần phải thảo luận về các lệnh trừng phạt nghiêm trọng. Nếu các quốc gia thành viên khác nhìn nhận rằng chính quyền quân sự đang thoát khỏi tội giết người vì mục đích duy trì quyền lực thì các chuẩn mực có thể bị xói mòn trên toàn khu vực. Ngoài ra, nếu vai trò trung tâm của ASEAN suy yếu dẫn đến tình trạng mất ổn định khu vực, Trung Quốc sẽ can thiệp và Úc sẽ rơi vào tình trạng hoảng loạn tồi tệ hơn nhiều so với những gì nước này đã trải qua đối với Quần đảo Solomon.

    Xem thêm tại: ASPI, Is Myanmar an existential threat for ASEAN? Truy cập ngày 11/5/2023

    https://nghiencuuquocte.org/2023/05/12


    Không có nhận xét nào