Header Ads

  • Breaking News

    Diễn ngôn về nhân quyền trong EVFTA có đang mất dần giá trị ở Việt Nam?

    Các định chế bảo vệ nhân quyền từng bước bị vô hiệu hóa.

    Vincente Nguyen / Tạp chí Luật Khoa



    Đồ họa: Luật Khoa. 

    Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) có lẽ là một trong những nhóm hiệp định thương mại tự do được quan tâm đầu tư truyền thông nhất bởi cả chính quyền Việt Nam, các doanh nghiệp, lẫn các nhóm hoạt động xã hội ở quốc gia hình chữ S, gần như chỉ sau Hiệp định Thương mại Tự do với Hoa Kỳ có hiệu lực vào năm 2001. Tuy nhiên, mỗi bên đều có giấc mộng riêng của mình.

    Chính quyền Việt Nam cũng như các doanh nghiệp trong nước kỳ vọng vào thị trường lớn của châu Âu với sức mua, độ phủ sóng cũng như năng lực đầu tư hàng đầu thế giới.

    Từ việc hiện thực hóa kỳ vọng tăng trưởng kinh tế, chính quyền Việt Nam có thể bảo đảm vị thế và tính chính danh của mình thông qua mô hình nhà nước tăng trưởng hay còn được gọi là nhà nước kiến tạo phát triển (developmental state).

    Các doanh nghiệp đương nhiên sẽ nghĩ về khả năng kiếm tiền.

    Tuy nhiên, đối với các nhóm hoạt động xã hội, họ đã từng tin rằng EVFTA có thể mang lại nhiều sự thay đổi hơn. Đó là một nhà nước minh bạch, một hệ thống giám sát cam kết quyền con người được thừa nhận, và cả một nền tảng tự do mới về quyền công đoàn.

    Về thành quả thực tế, trong năm 2021, giá trị thương mại song phương Việt Nam - châu Âu tăng lên 13%. Điều này có vẻ phù hợp với mong muốn của các nhà kỹ trị ở Brussels khi cho rằng EVFTA là hiệp định thương mại song phương có tham vọng lớn nhất giữa Liên minh châu Âu (EU) và một quốc gia đang phát triển. [1]

    Trong khi đó, chính quyền Việt Nam có vẻ cũng đạt được phần nào kỳ vọng của mình về hình ảnh và tính chính danh, khi hoạt động thương mại với châu Âu góp phần vào việc ghi nhận rằng Việt Nam “hồi phục kinh tế vượt trội” đến 8% vào năm 2022. [2]

    Tuy nhiên, với việc nền kinh tế Việt Nam bắt đầu trở nên ảm đạm từ đầu năm 2023, chúng ta cũng cần xem xét lại những lời hứa, những cam kết về nhân quyền hay quyền dân sự giữa hai thực thể chính trị Việt Nam - EU, cũng như những kỳ vọng to lớn từ phía các nhóm cải cách, xã hội dân sự.

    Phải chăng đã đến lúc thừa nhận rằng các diễn ngôn về nhân quyền trong EVFTA không hề có giá trị thực tiễn ở Việt Nam?

    Những “cam kết” hùng hồn

    Những cam kết của EU trong các hoạt động thương mại quốc tế của họ, theo ghi nhận của chương sách “The Vietnam-European Union Free Trade Agreement: Victim of Changing Times?” trong quyển “A Geo-Economic Turn in Trade Policy?, xuất phát từ Hiệp định Lisbon 2009. [3] Theo đó, Điều 21 của hiệp định này yêu cầu các chính sách đối ngoại của EU phải phù hợp và quảng bá cho “các giá trị châu Âu” gồm “dân chủ, nhân quyền, pháp quyền, bền vững, và bình đẳng”.

    Đối với trường hợp hiệp định thương mại Việt Nam - EU, nguyên tắc tôn trọng quyền con người là một trong những đề mục cơ bản được ghi nhận tại Thỏa thuận Hợp tác Toàn diện (Partnership and Cooperation Agreement - PCA). Thỏa thuận này được ký kết giữa Việt Nam và EU từ tận năm 2012, và có khả năng ảnh hưởng đến EVFTA nếu Việt Nam bị xác định có những xâm phạm nghĩa vụ cơ bản liên quan đến PCA.

    Ngoài ra, trong 17 chương của EVFTA, Chương 13 với tên gọi “Trade and Sustainable Development” nhấn mạnh hai vấn đề chính về quyền của người lao động (labour rights) và bảo vệ môi trường bền vững (protection of environmental sustainability).

    Để tăng cường năng lực xã hội dân sự và hoàn thiện thể chế cho các quốc gia đang phát triển, các hiệp định thương mại tự do của EU thường dựa vào việc xây dựng các “civil society mechanism” (CSM) - mà chúng ta có thể tạm dịch là “cơ chế xã hội dân sự”. [4]

    Thêm vào đó, phương thức “domestic advisory group” (DAG), tạm dịch là những “nhóm cố vấn trong nước”, sẽ góp phần tạo ra các diễn đàn xã hội dân sự xuyên quốc gia (kết nối giữa EU và các quốc gia đối tác như Việt Nam). Điều này thúc đẩy quá trình minh bạch hóa và tăng cường khả năng giám sát thực chất các chính sách được đưa ra bởi chính quyền địa phương, thông qua sự tham gia của các tổ chức dân sự nội địa.

    Một số thông tin cho thấy Việt Nam đã sửa đổi Bộ luật Lao động và gia nhập hoặc chuẩn bị gia nhập vào các nhóm công ước quan trọng khác bên trong hệ thống công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (International Labour Organization - ILO). [5] Điều này cũng được ghi nhận là bước tiến tích cực theo đúng mô hình phát triển của các FTA thế hệ mới, nơi mà các quốc gia đang phát triển vừa nhận được thành quả kinh tế, vừa cải thiện tình trạng nhân quyền và phát triển bền vững.

    Những sự thật đang bị lờ đi

    Song cho đến hiện nay, khả năng thành công trên phương diện nhân quyền của EVFTA có thể nói là rất thấp.

    Như đã nêu ở trên, mô hình giám sát, đánh giá hiệu quả của các cam kết về môi trường hay lao động của Việt Nam theo hệ thống của EVFTA chủ yếu được xem xét một cách độc lập thông qua CSM và DAG.

    Trên lý thuyết, DAG có thể thông qua CSM để tham gia các hoạt động bao gồm việc đưa ra quan điểm tham vấn, tổ chức đối thoại và cập nhật tình hình thực hiện hiệp định, v.v. đồng thời gửi thông tin này đến các định chế chính trị của EU và Việt Nam, hay đơn giản là giữa các NGO (tổ chức phi chính phủ) của hai thực thể chính trị với nhau.

    Ở một góc độ nhất định, cách làm này cho phép các sai phạm, khiếu nại, tranh chấp cũng như sự tiến bộ thực tế của hệ thống an sinh, công đoàn lao động và các vấn đề môi trường tại Việt Nam trở nên minh bạch hơn, dễ theo dõi hơn, và dễ tài liệu hóa hơn.

    Ngược lại, có nhiều chuyên gia vẫn cho rằng DAG và CSM không thật sự nắm giữ quyền lực quá lớn, việc minh bạch hóa thông tin về những vấn đề nói trên có vẻ vẫn không được chính quyền Hà Nội hoan nghênh.

    Mặc dù những cam kết của chính quyền cộng sản Việt Nam được ghi nhận tương đối rõ ràng, không thể thay đổi, nhưng nhờ kiến thức ngoại giao tốt sau nhiều năm làm việc với các định chế phương Tây - vốn có thể dễ dàng bị thao túng bởi lợi ích tương đối và thỏa hiệp chính trị, miễn là mọi thứ ở mức có thể chấp nhận được - Hà Nội đã triệt tiêu đường sống của các DAG có chút tiếng nói độc lập.

    Bà Ngụy Thị Khanh là một trong những nhà nghiên cứu, nhà hoạt động và nhà quản lý NGO vận động về môi trường có tiếng tại Việt Nam và trên thế giới. Bà là thành viên của Eisenhower Fellowships Global 2019 và được trao Goldman Environmental Prize vào năm 2018. [6] Nếu EU có kỳ vọng xây dựng CSM để theo dõi các cam kết môi trường ở Việt Nam theo EVFTA thì Ngụy Thị Khanh và các nhóm hoạt động của bà chắc chắn có một chân trong hệ thống DAG.

    Vấn đề là, bà hiện đã phải… ngồi tù với tội danh trốn thuế liên quan đến chính giải thưởng Goldman Environmental.

    Kế tiếp, những nhân vật có danh tiếng trong giới NGO, có khả năng tham gia và dẫn đầu toàn bộ mô hình hoạt động của DAG và CSM như Mai Phan Lợi hay Đặng Đình Bách cũng lần lượt vào tù vì các cáo buộc trốn thuế.

    Tuy đây không phải là toàn bộ các nhóm trí thức, nhà hoạt động, nhà báo lãnh đạo hệ thống NGO độc lập ở Việt Nam, nhưng các sự kiện xảy ra dồn dập nói trên đương nhiên sẽ phát đi tín hiệu “ớn lạnh” cho các NGO còn lại.

    NGO chịu sự quản lý trực tiếp của chính quyền có lẽ không có gì phải lo ngại.

    Trong khi đó, các NGO được thành lập thông qua cơ chế “tổ chức khoa học công nghệ” dần thu mình lại, giới hạn hoạt động, và ám ảnh với vấn đề nhận nguồn tài trợ nước ngoài. Một số thậm chí đã đóng cửa.

    “Chuỗi cung ứng thông tin” mà EU gọi là DAG và CSM đứt gãy và phá sản hoàn toàn, dù trên danh nghĩa thì nó vẫn còn đó với sự thống trị của hệ thống NGO nhà nước.

    Khi không còn ai dám thu thập, đánh giá, và truyền tải thông tin, cơ chế xã hội dân sự mà EVFTA xây dựng trở thành một vật dụng trang trí đúng nghĩa, chỉ đại diện cho vẻ ngoài bề thế của diễn ngôn “chính trị đạo đức”. Đáng tiếc, phía EU gần như chưa có bất kỳ động thái gì với thực tế này.

    Ví dụ, trong chuyến thăm của Tiểu ban Nhân quyền thuộc Nghị viện châu Âu đến Việt Nam hồi tháng Tư năm 2023, không có thông tin hay phản đối cụ thể nào được ghi nhận. [7] Dù yêu cầu trao trả tự do cho các tù nhân lương tâm và lãnh đạo xã hội dân sự vẫn được đưa ra nhưng khó có thể nói những yêu cầu này có bất kỳ khác biệt hay sức nặng nào hơn, vì bản thân những việc này đã tồn tại trong suốt một thập niên trở lại đây.

    Quan trọng hơn cả, tính hiệu lực của EVFTA không hề được nhắc đến như là cơ sở để bắt buộc Việt Nam tuân thủ và tạo điều kiện cho các cam kết của chính mình được thực thi một cách đúng đắn nhất.

    Bình luận trên DW, chuyên gia về tình hình Đông Nam Á David Hutt cho thấy sẽ không có bất kỳ tiến triển nào từ góc nhìn của các định chế EU về các vi phạm nhân quyền và các phương pháp “thao túng” kết quả thực thi của Việt Nam liên quan đến EVFTA trong tương lai. [8] Dường như, các chính trị gia châu Âu có chủ đích “khoan dung” không giới hạn những toan tính và thao túng của Việt Nam về vấn đề nhân quyền, và đây sẽ là một điều khó có thể thay đổi.

    ***

    Những cam kết về bảo vệ môi trường, về phát triển bền vững, về sự hình thành của các công đoàn độc lập v.v. bên trong EVFTA chắc chắn sẽ bị chính quyền Việt Nam vô hiệu hóa chỉ trong vài năm tới.

    Dù nền kinh tế phát triển tạo ra các làn sóng công lợi cho toàn thể người dân nhưng sự phát triển kinh tế này cũng đồng thời tạo ra tính chính danh cho hoạt động đàn áp của chính quyền đối với tất cả các hoạt động, phong trào dân sự độc lập.

    Điều này cũng khiến cho những đồn đoán, kỳ vọng, và công sức của rất nhiều nhóm dân sự vào động lực thúc đẩy cải cách của hiệp định này trong gần một thập niên qua tan thành mây khói. EVFTA từ đó trở thành một “lời nói dối chân thật” như mọi lời nói dối khác trong các hiệp định về thương mại, đầu tư quốc tế ký kết với Việt Nam.

    https://www.luatkhoa.com/2023/05


    Không có nhận xét nào