Lê Tây Sơn/SGN
06/5/2023
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tại New York ngày 31 Tháng Ba 2023 (ảnh: Lev Radin/Pacific Press/LightRocket via Getty Images)
Đài Loan bắt đầu chuẩn bị cho nguy cơ căng thẳng kinh tế ngày càng gia tăng với Trung Quốc (TQ). Chính quyền Đài Bắc đang khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tìm cách đầu tư vào các quốc gia khác thay vì vào nội địa TQ. Xung đột thương mại Trung-Đài có thể mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ.
Các công ty Đài Loan muốn có ưu đãi hơn nữa
Áp lực đang đè nặng lên các doanh nghiệp tại Đài Loan khi họ phải đối mặt với một “cuộc điều tra thương mại” rộng lớn của TQ liên quan đến gần 2,500 mặt hàng, từ các sản phẩm nông nghiệp đến kim loại, nhựa, hóa chất và khoáng sản. Cuộc điều tra mà Bắc Kinh cho là nhằm đáp trả “các rào cản thương mại” chắc chắn sẽ làm gián đoạn hoạt động thương mại của Đài Loan tại thị trường TQ, điểm đến xuất khẩu hàng đầu của hòn đảo.
Nhưng nguy cơ xung đột thương mại Trung-Đài lại là cơ hội cho Hoa Kỳ khi các công ty Đài Loan tìm kiếm các giải pháp thay thế. Trên thực tế, Đài Bắc đã bắt đầu nghiên cứu các kịch bản khác nhau để tìm phương thức tốt nhất hạn chế tác động bất lợi từ các biện pháp trả đũa tiềm tàng của TQ, chẳng hạn cấm xuất khẩu hàng hóa Đài Loan sang đại lục. Ông John Chen-Chung Deng (Đặng Chân Trung), Bộ trưởng chính phủ kiêm Đại diện thương mại của Đài Loan nhận định trong một cuộc phỏng vấn tuần này:
“Chúng tôi đã nói chuyện với các doanh nghiệp trong nước để xác định những tác động tiêu cực ở các tình huống khác nhau nếu có xung đột thương mại. Chúng tôi phải đảm bảo họ không bị thiệt hại nhiều nếu TQ thực hiện các hành động đơn phương nào đó”.
Ông Deng cho biết trong số các bước mà Đài Loan đang thực hiện có “đa dạng hóa thị trường xuất khẩu”, đưa đầu tư của Đài Loan dần ra khỏi đại lục, tăng cường khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp thông qua nghiên cứu và phát triển (R&D), đồng thời đào tạo lại công nhân để thích nghi với những thay đổi trong mô hình thương mại hai chiều.
Wall Street Journal cho biết, một trong những nỗ lực được gọi là “Chính sách Hướng Nam Mới” (New Southbound Policy, 新南向政策 – Tân Nam hướng chánh sách) của Đài Loan là nhằm tăng cường hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ, Úc, New Zealand. Việc Đài Loan tìm kiếm các đối tác thương mại mới trùng hợp với nỗ lực của Hoa Kỳ thu hút đầu tư từ hòn đảo này. Đạo luật Khoa học và Chip năm 2022 (2022 Chips and Science Act) của Chính phủ Biden được thiết kế để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước có cả việc lôi kéo các công ty Đài Loan mở rộng hoạt động sang Mỹ.
Công ty sản xuất chất bán dẫn Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC, nhà sản xuất chip tiên tiến hàng đầu thế giới) đang xây dựng một nhà máy ở Phoenix (Arizona) với sự hỗ trợ $15 tỷ từ chính phủ Mỹ dưới hình thức “trợ cấp sản xuất và tín dụng thuế”. Ông Deng, mới đây đã dành phần lớn thời gian để gặp gỡ các quan chức và nhà lập pháp Mỹ, đề nghị rằng chính phủ Mỹ cần hỗ trợ thêm để thu hút nhiều doanh nghiệp Đài Loan hơn, kể cả các nhà cung cấp vệ tinh của TSMC muốn theo chân đến Mỹ.
Các nhà phân tích ước tính chi phí xây dựng và vận hành một nhà máy sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ sẽ cao hơn 30% trở lên so với ở Đông Á. Deng và các quan chức Đài Loan nêu lên một trở ngại nữa là thiếu hiệp ước thuế toàn diện Mỹ-Đài khiến các doanh nghiệp Đài Loan phải nộp thuế thu nhập ở cả hai quốc gia và phải đối mặt với mức thuế cao hơn đối với một số loại thuế.
Dù các công ty Đài Loan có thể yêu cầu Mỹ trợ cấp theo Đạo luật Chips 2022 nhưng họ không có quyền tiếp cận chương trình tín dụng thuế của luật này. “Chúng tôi hy vọng chính phủ Mỹ mở rộng hỗ trợ để giúp các công ty vệ tinh của TSMC đặt chân trên đất Mỹ và chứng minh với những công ty còn do dự: Mỹ là một môi thường thân thiện để đầu tư” – Deng nói.