Header Ads

  • Breaking News

    Vì sao các chế độ cộng sản ở Đông Dương ứng xử khác nhau trong vấn đề tôn giáo?

    Thu nạp hay cưỡng chế tùy thuộc vào năng lực của bộ máy quan liêu.

    Vincente Nguyen / Tạp chí Luật Khoa

    12/5/2023




    Lực lượng Khmer Đỏ kiểm soát Angkor Wat năm 1975. Ảnh tư liệu. 

    Các tôn giáo có tính tổ chức xuất hiện từ giai đoạn Đông Dương thuộc Pháp đã vượt qua nhiều sóng gió và những mối đe dọa sống còn để tồn tại đến ngày nay. Tôn giáo thường bị xem là định chế nắm giữ quyền lực xã hội khổng lồ nên chúng ít nhiều khiến các chế độ toàn trị ở cả Việt Nam, Lào và Campuchia phải dè chừng, ngay cả khi các cuộc chiến tranh chấm dứt.

    Nửa sau thế kỷ 20 của giai đoạn Đông Dương thuộc Pháp là thời kỳ xảy ra những cuộc chiến khốc liệt. Có thể kể đến cuộc nội chiến đẫm máu ở Lào (1959 - 1975), nạn diệt chủng ở Campuchia (1975 - 1979) và hai cuộc chiến tranh lớn chống Pháp và Mỹ ở Việt Nam (1946 - 1975). Các cuộc chiến này không những gây ra nỗi kinh hoàng chưa từng thấy đối với người dân của từng quốc gia, chúng còn làm thay đổi vĩnh viễn bản chất của mối quan hệ nhà nước – xã hội.

    Năm 1975 là dấu mốc quan trọng trong việc tìm hiểu quỹ đạo chung trong mối liên hệ giữa chế độ và tôn giáo ở các quốc gia này. Đây là thời điểm các chế độ cộng sản nắm quyền chính trị tại ba nước Đông Dương và chính thức đủ khả năng đặt ra các chính sách nhằm vô hiệu hóa mối đe dọa từ các tôn giáo có tính tổ chức đến quyền lực chính trị của họ.

    Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc các chính sách tôn giáo của ba quốc gia này sẽ giống nhau về mặt hình thức lẫn hiệu quả.

    Kinh nghiệm thời chiến, hệ thống nhà nước và văn hóa quan liêu kế thừa trong lịch sử, v.v. của mỗi quốc gia tạo nên những thế mạnh và cả yếu điểm tương đối khi họ “đối phó” với tôn giáo. Từ đó, khả năng kiềm chế sức ảnh hưởng của các tôn giáo có tổ chức ở từng nhà nước cũng khác nhau một cách đáng kể.

    Nhìn tổng quan, dù chế độ cai trị tại các quốc gia này đều cùng theo đuổi một cam kết giống nhau là giảm bớt năng lực tổ chức và sự thu hút mang tính biểu tượng của tôn giáo bên trong quốc gia mình, nhưng sự khác biệt về sức mạnh và truyền thống của bộ máy nhà nước được xem là lý do thuyết phục nhất để giải thích tại sao hai quốc gia Lào và Campuchia với bộ máy quan liêu/ hành chính yếu kém thì sẽ lưỡng lự giữa việc đồng thuận và cưỡng chế đối với tôn giáo có tổ chức. Trong khi đó, Việt Nam lại có thể thỏa hiệp và giám sát hệ thống phân cấp tôn giáo thông qua mô hình giáo hội dưới sự quản lý của nhà nước, tương tự Đảng Cộng sản Trung Quốc.

    Để lý giải vấn đề trên, bài viết xin giới thiệu tới bạn đọc một nghiên cứu có tên là “To co-opt or coerce? State capacity, regime strategy, and organized religion in Cambodia, Laos, and Vietnam” của tác giả Adam E Howe, Đại học Fairfield, Hoa Kỳ. [1]

    Trong nghiên cứu của mình, tác giả nhận định rằng giới chóp bu của chế độ ở Việt Nam đã thành công trong việc thu nạp tôn giáo có tổ chức thông qua bộ máy quan liêu nhà nước. Ngược lại, các chế độ ở Campuchia và Lào đã dao động qua lại giữa một bên là việc dùng các chính sách cưỡng chế mang tính bạo lực và một bên là sự điều chỉnh chiến lược để phân tán quyền lực của các nhóm tôn giáo trong nước.

    ***

    Mở đầu nghiên cứu, tác giả đề cập tổng quát về nhà nước, chế độ và tôn giáo có tính tổ chức. Tác giả cho rằng các quốc gia đang hoạt động dù với hình thức chính phủ dân chủ hay độc tài, đều nắm giữ quyền lực tối cao để trừng phạt những người bất đồng.

    Thông thường, chế độ độc tài sẽ cố gắng tạo ra hoặc lợi dụng một hệ tư tưởng đã tồn tại từ trước và truyền bá nó thông qua một đảng chính trị duy nhất. Chế độ dạng này cũng có thể duy trì quyền lực của mình nhờ vào việc tiến hành thu phục, kết nạp công dân hay các hội nhóm nhờ các đặc quyền chính trị, kinh tế hoặc các mục đích khác, từ đó kết nối lợi ích của một bộ phận dân chúng với lợi ích của chính quyền.

    Nếu các hình thức thu nạp này không hiệu quả, các chính quyền nói trên sẽ tận dụng các biện pháp dọa nạt, tù tội hình sự hoặc thậm chí là đàn áp bằng bạo lực đối với những người bất đồng. Điều này giúp họ loại bỏ được mối đe dọa đương nhiên, dễ nhận thấy nhất đối với chế độ và đồng thời cũng là để truyền đạt thông điệp mạnh mẽ tới những người bất đồng tiềm năng khác.

    Tùy từng thời điểm khác nhau, các chế độ độc tài sẽ vận dụng kết hợp các chiến thuật trên. Tuy nhiên, tác giả cho rằng tầng lớp chóp bu vẫn ưa thích việc thu nạp hơn là các công cụ trừng phạt, đặc biệt nếu đối mặt với sự kháng cự mang tính chất tôn giáo.

    Một yếu tố khác đáng quan tâm nữa là năng lực nhà nước có sức ảnh hưởng quan trọng bậc nhất khi hình thành các lựa chọn liên quan đến chiến lược quản lý tôn giáo. Quyền lực cưỡng chế và quyền lực quan liêu/ hành chính ảnh hưởng gần như hoàn toàn đến chiến lược của chế độ.

    Mặc dù nhiều quan điểm đã cố gắng chỉ ra hệ tư tưởng chính trị (chủ nghĩa Marx hay chủ nghĩa tư bản) hoặc tính cách của các lãnh đạo (thân thiện, bảo thủ, v.v.) có ảnh hưởng đến cách thức quản lý tôn giáo ở những quốc gia độc tài, nhưng tác giả không hoàn toàn đồng tình với những cách tiếp cận này. Ông cho rằng năng lực quan liêu nhà nước là một lời giải thích thuyết phục hơn cho chiến lược của chế độ đối với tôn giáo có tổ chức.

    ***

    Cụ thể hơn, tác giả chỉ ra rằng khi đứng trước lựa chọn giữa cam kết về ý thức hệ của chủ nghĩa Marx và vấn đề thực tế của việc thực thi và duy trì quyền lực chính trị, giới lãnh đạo chóp bu của cả ba quốc gia Đông Dương thường ưu tiên phương án thứ hai.

    Ở Campuchia, những nỗi kinh hoàng gây ra trong thời kỳ Khmer Đỏ phản ánh một chế độ hầu như dựa hoàn toàn vào bộ máy cưỡng chế để cai trị. Chính sự yếu kém của truyền thống quản lý nhà nước Campuchia đã để cho Khmer Đỏ có cơ hội nắm quyền ngay từ sớm.

    Thời gian đầu, Khmer Đỏ vẫn nhận thấy lợi ích trong việc sử dụng các khẩu hiệu và biểu tượng Phật giáo để thu hút sự ủng hộ của quần chúng nông dân truyền thống. Dù Khmer Đỏ xem Phật giáo là có ảnh hưởng xấu đối với người dân nhưng họ vẫn lợi dụng tôn giáo này một cách triệt để nhằm nắm bắt quyền lực trước tiên. Chỉ sau khi năng lực bạo lực của Khmer Đỏ được độc quyền hóa một cách chắc chắn, Phật giáo mới chính thức trở thành đối tượng bị thanh trừng. Sau khi Pol Pot và bè phái của ông ta gần như phá hủy hoàn toàn việc thực hành Phật giáo thì chế độ diệt chủng Khmer Đỏ mới bị đánh bật quyền lực.

    Khi Hun Sen lên nắm quyền, ông nhanh chóng công khai xin lỗi về những sai lầm gây ra đối với Phật giáo. Các quan chức nhà nước cũng bắt đầu bảo trợ Phật giáo thông qua các hoạt động sùng đạo. Tiếp đó, Hun Sen tái khẳng định quyền lực của mình ở Campuchia song song với chính sách xem Phật giáo là quốc giáo chính thức. Một lần nữa, ông cố gắng duy trì khả năng thao túng của nhà nước với tôn giáo để duy trì quyền lực. Mặc dù có xu hướng độc đoán, nhưng ông đã thực hiện đúng lời hứa nới lỏng hơn đối với việc thực hành Phật giáo ở Campuchia nhằm tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng.

    Có thể nói, chế độ cai trị dưới thời Hun Sen gắn liền với sự tự do hóa tôn giáo dần dần. Tuy nhiên, ông cũng không ngần ngại trong việc đàn áp các nhân vật tôn giáo, đặc biệt trong kỳ bầu cử 1998 hay trong thời kỳ cải cách ruộng đất.

    Đối với Campuchia, Khmer Đỏ đã phá hủy những gì còn sót lại của một quốc gia yếu ớt. Kể từ đó, các chế độ không ngừng nối tiếp nhau thử nghiệm việc thỏa hiệp lẫn ép buộc như một phương tiện để kiểm soát và lợi dụng tôn giáo.

    ***

    Đối với Lào, chính quyền lại nhận ra rằng họ không thể cai trị chỉ bằng cưỡng bức.

    Thiếu một chính đảng vô sản và một truyền thống nhà nước mạnh, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (LPRP) bận tâm nhiều hơn tới việc chống lại các mối đe dọa từ các nhóm sắc tộc và tôn giáo thiểu số. Vì vậy, các quan điểm hay niềm tin chính trị về loại trừ tôn giáo bị lờ đi. Thay vào đó, họ tìm cách thu nạp Phật giáo như một phương tiện để nâng cao tính chính danh cho nhà nước mình.

    Trước khi lên nắm quyền vào năm 1975, LPRP đã tìm cách thu nạp các nhà sư vào bộ máy đảng, vì các nhà cách mạng nhận thấy lợi ích của việc tranh thủ sự ủng hộ của giới tu sĩ Phật giáo.

    Song không lâu sau khi chính thức lên nắm quyền vào năm 1975, chế độ này lại áp dụng một số biện pháp có tính kiểm soát hà khắc hơn đối với Phật giáo có tổ chức, một phần để thu hút các nhóm thiểu số không theo đạo Phật.

    Các lãnh tụ Lào biết rằng họ thiếu các nguồn lực quan liêu, truyền thống nhà nước và năng lực cưỡng chế mạnh mẽ cần thiết để thống trị xã hội. Vì lý do này, họ luôn trung thành với các chính sách theo chủ nghĩa thỏa hiệp.

    Trong suốt những năm 1970 và 1980, chính sách của chế độ Lào đối với tôn giáo thường xuyên được điều chỉnh và sau đó được sửa đổi dựa trên vị thế trong nước của chế độ. Trong thời kỳ khó khăn này, chế độ phải dựa vào Phật giáo như một trụ cột quan trọng để nâng cao tính hợp pháp của mình.

    Quan trọng nhất, sự yếu kém của nhà nước Lào đồng nghĩa với việc LPRP có nhiều khả năng thử nghiệm cả sự thỏa hiệp và cưỡng chế tôn giáo để đạt được mục tiêu của họ. Cuối cùng, chế độ nhận ra rằng nó cần có sự ủng hộ của tôn giáo để giải quyết vấn đề chính danh của nó.

    Sự bảo trợ tạm thời của nhà nước Lào đối với Phật giáo, do đó, không phải là không có những phức tạp tiềm ẩn, vì gần một phần ba công dân Lào không theo đạo Phật.

    ***

    Kinh nghiệm của Việt Nam về tôn giáo có tổ chức hoàn toàn trái ngược với Campuchia và Lào.

    Mặc dù Đảng Cộng sản Việt Nam ban đầu dựa vào bạo lực để đặt các nhóm tôn giáo bất đồng chính kiến dưới sự kiểm soát của nhà nước nhưng khả năng của họ trong việc tạo ra một bộ máy quan liêu có thứ bậc và từ đó là khả năng điều chỉnh và kiềm chế các định chế tôn giáo bên trong hệ thống quan liêu đó không thể xem nhẹ. Thông qua việc thu nạp giới tinh hoa tôn giáo vào các giáo hội do nhà nước quản lý, sự kiểm soát tôn giáo của Việt Nam an toàn hơn so với các nước láng giềng Lào và Campuchia.

    Vì sao lại có sự khác biệt này?

    Theo tác giả, không giống như các nước láng giềng Campuchia và Lào, Việt Nam có một bộ máy quan liêu kiểu Nho giáo trước khi người Pháp đến. Nhiều nghiên cứu chỉ ra đó là mô hình quản lý nhà nước thống nhất, mô hình hoạt động có ban bệ, kinh nghiệm bình ổn quần chúng, v.v. Do đó, những người cộng sản không hẳn xây dựng nhà nước theo mô hình cộng sản mà lại quản lý tốt được tôn giáo, đơn giản là vì họ không phải xây dựng lại từ đầu và thừa hưởng những nền tảng khá vững chắc của một bộ máy nhà nước quan liêu ổn định, có khả năng tiến hóa hiện đại.

    Trên thực tế, những nỗ lực xây dựng nhà nước ban đầu ở Việt Nam mang lại hiệu quả nhất định. Bộ Chính trị đã dựa vào một bộ máy mạnh mẽ của đảng để tổ chức, khai thác và điều chỉnh tôn giáo có tổ chức. Đây cũng là chỉ báo về một nhà nước hành chính/ quan liêu đầy quyền lực.

    Nếu phân tích theo quá trình, ngay sau khi thống nhất, đảng đã trực tiếp đàn áp Phật giáo có tổ chức còn tồn tại ở miền Nam Việt Nam. Nhưng ngay sau đó, chế độ đã chuyển sang tài trợ cho tổ chức Phật giáo của chính mình, tức là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chế độ dần chuyển từ đàn áp trực tiếp sang nhắm đến các mục tiêu cụ thể, chọn lọc những tiếng nói bất đồng chính kiến.

    Về phần mình, Giáo hội Công giáo tại Việt Nam luôn lo sợ đối mặt với sự hủy diệt, tuy nhiên, tác giả cho rằng có rất ít trở ngại đáng kể đối với việc thực hành tôn giáo của tín đồ. Việc tham dự thánh lễ ở miền Nam Việt Nam rất nhiều, miễn là nhà thờ Công giáo đủ cẩn thận không thách thức chính quyền nhà nước. Kể từ sau năm 1980, nhà nước luôn tìm cách đưa Công giáo vào quỹ đạo quản lý, bắt từ việc dựng nên Ủy ban Đoàn kết Công giáo Yêu nước Việt Nam (CSPVC).

    Ngoài ra, các cuộc chiến tranh với Pháp, Mỹ và Campuchia, hay những đe dọa quân sự từ nước láng giềng Trung Quốc đã khuyến khích Việt Nam tiếp tục xây dựng, cải thiện khả năng quân sự, củng cố sức mạnh cưỡng chế của nhà nước. Do đó, nhà nước Việt Nam chỉ càng trở nên mạnh hơn về cả năng lực quan liêu và cưỡng chế theo thời gian.

    Cách tiếp cận của Việt Nam trong việc quản lý tôn giáo có tổ chức vẫn tương đối nhất quán theo thời gian. Sự phát triển của bộ máy hành chính/ quan liêu và cưỡng chế sau ngày thống nhất giúp đảng có thể thu nạp Phật giáo và Công giáo một cách hiệu quả hơn bằng cách tạo ra các giáo hội nhà nước có tính thứ bậc. Đồng thời, chế độ cũng áp dụng có chọn lọc các chiến thuật cưỡng chế nhắm vào các nhà lãnh đạo tôn giáo bất đồng chính kiến. Việt Nam sau khi thống nhất đã không phải dựa vào các cuộc đàn áp công khai hoặc dài hạn đối với các nhân vật tôn giáo.

    Điều quan trọng là các nhóm tôn giáo đã không gây ra mối đe dọa đáng kể nào đối với chế độ ở Việt Nam trong nhiều thập kỷ do chương trình tuyển chọn thành công được thực hiện bởi bộ máy hành chính nhà nước.

    ***

    Nghiên cứu đã mang lại những phát hiện mới trong việc nhận thức mối liên hệ giữa năng lực nhà nước và chiến lược của chế độ, chứng minh rằng không phải tất cả các chế độ độc tài đều được trang bị các công cụ hành chính/ quan liêu cần thiết để thu nhận tôn giáo có tổ chức một cách hiệu quả.

    Điều này giúp chúng ta hiểu rõ hơn tại sao phản kháng chính trị tập thể dựa trên tôn giáo hiếm khi xảy ra ở Việt Nam nhưng vẫn tồn tại ở Lào và Campuchia bất chấp lịch sử bạo lực của chế độ. Nghiên cứu này cũng cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách quan tâm đến những trở ngại và cơ hội để thúc đẩy tự do tôn giáo và xã hội dân sự trong bối cảnh độc tài.

    https://www.luatkhoa.com/2023/05


    Không có nhận xét nào