Header Ads

  • Breaking News

    Tuổi trẻ làm báo ‘free’ trên đất Mỹ, một thời đã qua… Bài 2

    Bài 2: Nguyệt san Tuổi Ngọc 

    Hồ Văn Xuân Nhi/SGN
    10/5/2023



    (ảnh: Hồ Văn Xuân Nhi) 

    Năm 1980, được sự động viên của nhiều bạn bè, tôi cùng giới trẻ văn nghệ cầm bút thích viết, đầy nhiệt huyết, có đam mê với thi văn, còn mộng mơ tình yêu tuổi mới lớn, quyết định chủ trương xuất bản tờ nguyệt san Tuổi Ngọc. Tờ báo của tuổi yêu thương, hướng đi bài vở là hoa tím cho cuộc đời.

    Tuổi Ngọc Sài Gòn – Tuổi Ngọc Cali

    Lý do lấy tên báo Tuổi Ngọc là tôi yêu tờ Tuổi Ngọc của nhà văn Duyên Anh trước 1975. Lúc này nhà văn vẫn còn trong nước. Tôi yêu nhà văn Duyên Anh với những tác phẩm viết về tuổi trẻ, tuổi mới lớn, và yêu luôn tờ báo Tuổi Ngọc. Tôi chọn tên tờ báo mình xuất bản là Tuổi Ngọc như một sự trân trọng vinh danh đối với nhà văn Duyên Anh và tờ Tuổi Ngọc năm xưa.

    Lúc này tôi có sự cộng tác từ Nguyễn Việt, một họa sĩ trẻ đồng lứa tuổi tôi mới tỵ nạn định cư đến Mỹ, sinh viên trường Orange Coast. Việt nhận vai trò tổng thư ký tờ Tuổi Ngọc, chính yếu là “artwork, lay out” tờ báo, và chỉ làm bằng nhiệt huyết, tình cảm chứ không có thù lao tiền bạc gì. Một người bạn học cùng lớp từ lớp sáu trung học Tân Bình ở Nguyễn Thượng Hiền, Sài Gòn, mà tôi nhận bà con họ hàng để bảo lãnh đến Mỹ từ trại tỵ nạn Thái Lan năm 1979, là Lê Phước Vinh, giúp tôi công việc phụ tá chủ nhiệm.

    Anh lo giúp việc phân phối báo, gửi đi cho độc giả, thân hữu, đại diện, đại lý phát hành, mỗi khi báo được in về. Trong tờ báo, anh phụ trách một tiết mục dễ thương nhất, vui nhất, được các cô thích đọc nhất là trang Ngọc Ơi. Lê Phước Vinh đóng vai “chị Ngọc”, trả lời những tâm tình, bỏ nhỏ rất dễ thương trong trắng tuổi hoa tím cho các độc giả gửi về. Ít ai biết “chị Ngọc” đó chính là “anh Vinh”. Nhưng độc giả yêu lắm những câu trả lời rất dí dỏm vui nhộn mà dễ thương, tính học trò.