Header Ads

  • Breaking News

    Vĩnh Liêm - Nguồn thơ dậy lửa Phần VI Kỳ 1

    (Nỗi lòng của người Chưa Thua Cuộc)


    Nếu tính từ ngày 30-4-1975, một số người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ đã sống qua 48 năm. Sống ở Mỹ đã 48 năm rồi thì chúng ta có cảm giác như thế nào? Chúng ta có nhớ quê hương hay không? Chúng ta có làm được điều gì để giúp đồng bào ở quê nhà sớm thoát khỏi ách kềm kẹp của bạo quyền CS hay không? Tôi thiết nghĩ rằng có thể đã có một số người làm được nhiều điều hữu ích cho đồng bào ruột thịt ở quê nhà. Riêng cá nhân Vĩnh Liêm thì chỉ biết dùng giấy bút để bày tỏ nỗi lòng trắc ẩn của mình qua những vần thơ. Nay, Vĩnh Liêm gom góp lại những bài thơ ấy, tạm gọi là “NGUỒN THƠ DẬY LỬA”. Tác giả chia nó làm 7 phần, sắp xếp theo những ý tưởng (chủ quan) như sau:



    PHẦN I: GIẢI PHÓNG (Những hành động đốt sách và kinh tế mới của VC…)

    PHẦN II: CON ĐƯỜNG CỦA “BÁC” (Những chiêu bài hòa đàm, hòa bình, hiệp định…)

    PHẦN III: ĐỔI MỚI (Những bùa phép, chính sách, bao cấp, cởi trói, kinh tế mới…)

    PHẦN IV: ĐỊNH HƯỚNG (Xã hội chủ nghĩa, quốc doanh, thị trường, sở hữu hóa toàn dân…)

    PHẦN V: KẺ THÙ LỊCH SỬ (Hồ Chí Minh, Võ Văn Kiệt, cán bộ VC cao cấp…)

    PHẦN VI: GIỤC LÒNG ÁI QUỐC (Nhắc nhở thanh niên lòng yêu nước)

    PHẦN VII: THA THIẾT (Nỗi lòng ái quốc đối với quê hương)



    Xin mời quý vị ghé mắt qua những dòng thơ tạm gọi là “dậy lửa” do Vĩnh Liêm đã làm trong suốt 48 năm xa quê hương. 


    (Thung lũng Liên-Sơn, 26-01-2023)

    VĨNH LIÊM

    -------------------

    PHẦN VI: GIỤC LÒNG ÁI QUỐC (Nhắc nhở thanh niên lòng yêu nước)

    (Kỳ 1)


    1. MỖI MỘT NGƯỜI 

    MANG SỨ MỆNH TIỀU PHU



    Tôi mong đợi gã tiều phu thời đại,

    Vác búa rìu đẵn gốc rễ Mác-Lê.

    Anh sẽ đẵn hết những loài cây dại,

    Những loài cây mà nhân loại chán chê.


    Ai cũng biết Mác-Lê là cổ thụ,

    Những rễ già vươn tới tận Ðông Dương.

    Phải đẵn hết những rễ già ưu tú,

    Thì cây kia sẽ cụp xuống như thường.


    Gorbachev thôi hết còn đất sống,

    Bọn giáo điều Hà Nội cũng lung lay.

    Gom tất cả chất lại thành một đống,

    Nổi lửa thiêng đốt cháy rực ban ngày.


    Với Cộng Sản, phải diệt trừ tận gốc,

    Không nhún nhường hay lý thuyết vu vơ.

    Ðừng lầm lẫn ngây thơ tin “Glasnost”,

    Mà “Détent” thêm uổng phí thì giờ.


    Muốn độc lập, tự do và bình đẳng,

    Mỗi một người mang sứ mệnh tiều phu.

    Quyết đẵn hết các rễ cành Cộng Sản.

    Không còn chi ngay ngáy sợ quân thù.


    (Ðức Phố, 16-04-1998)

    VĨNH LIÊM

    -------------------

    2. NGƯỜI HÀO KIỆT



    Người hào kiệt không bao giờ nản chí,

    Sống không màng danh lợi hoặc đua chen.

    Cứu giúp người không cần được tiếng khen,

    Vì Tổ Quốc, chết vinh hơn sống nhục.


    Người hào kiệt chẳng bao giờ khuất phục,

    Trước bạo quyền đe dọa, bã vinh hoa.

    Chí kiêu hùng, lòng độ lượng bao la,

    Mỗi lời nói chắc như đinh đóng cột.


    Người hào kiệt nói và làm như một,

    Xây dựng người, luôn tha thứ cho nhau.

    Không khi nào làm người khác khổ đau,

    Niềm vui sướng chia nhau cùng cộng hưởng.


    Người hào kiệt là la-bàn định hướng,

    Chiếm mục tiêu, giải phóng ách lầm than.

    Hướng dẫn đường, cùng chịu cảnh gian nan,

    Coi cái chết như giấc mơ tuyệt diệu.


    Người hào kiệt can cường và hữu hiệu,

    Khi ra tay, thành quách phải vỡ tan.

    Uy danh người khiến địch thủ qui hàng, 

    Lòng dân muốn là ý Trời đã định.


    Người hào kiệt không lụy cầu, bợ nịnh,

    Hạnh phúc người là hạnh phúc nhân dân.

    Biết xót đau trước thảm cảnh lầm than,

    Vì Tổ Quốc mà ra tay chiến đấu.


    Người hào kiệt hiểu tận tường, thấu đáo,

    Việc đang làm và những việc mai sau.

    Biết dùng người và biết sức của nhau,

    Làm đúng lúc và tạo nên thời thế.


    Người hào kiệt – kiếm tìm không phải dễ,

    Thời đại này ai cũng bận áo cơm.

    Danh thì nhiều mà trí chẳng nhiều hơn,

    Trong thử thách mới tìm ra hào kiệt.


    (Đức Phố, 03-12-1989)

    VĨNH LIÊM

    -----------------

    3. TUỐT KIẾM

    * Quý tặng các chiến sĩ QL/VNCH.



    (Hình minh họa từ Internet)


    Trước vận nước đắm chìm trong đen tối,

    Trước lòng dân sôi sục khí căm hờn.

    Trước linh hồn chiến sĩ chết cô đơn,

    Trước hiểm họa diệt vong bên vực thẳm.


    Người chiến sĩ lòng dạ nào im lặng?

    Khoanh tay nhìn thảm cảnh quá đau thương.

    Có lẽ nào người chiến sĩ can trường,

    Đành bất lực trước quân thù nguy hiểm?


    Người chiến sĩ đã có lần tuốt kiếm,

    Thề một lòng sống chết với non sông.

    Mà bây giờ để thanh kiếm nằm không,

    Toan quay mặt với lời thề đã hứa?


    Chữ TỔ QUỐC ngày xưa luôn đứng giữa,

    Một bên vai DANH DỰ đứng hiên ngang.

    Còn bên kia TRÁCH NHIỆM đứng thẳng hàng,

    Người chiến sĩ đã một lần hãnh diện.


    Rồi bỗng chốc ba lời thề tan biến,

    Nợ áo cơm làm nhụt chí hùng anh.

    Và quên đi ơn đất nước, sinh thành,

    Bỏ thanh kiếm trong âm thầm han rỉ.


    Cỡi áo trận, xóa vinh danh chiến sĩ,

    Để mặc vào chiếc áo tạm lao công.

    Mỗi cuối tuần hãnh diện với “chiến công”,

    Bằng những vỏ chai bia nằm xấp lớp!


    Người chiến sĩ ngày xưa nhanh như chớp,

    Dọn chiến trường, thanh toán lẹ mục tiêu.

    Còn ngày nay, người chiến sĩ buồn thiu,

    Vì men rượu thay cho men chiến thắng!


    Đã quên hết ơn sinh thành nghĩa nặng,

    Bỏ anh em cùng ra tử vào sinh.

    Thanh kiếm kia còn đeo đẳng bên mình,

    Toan bỏ nốt là một điều khó nghĩ!


    Nên tuốt kiếm, hỡi anh hùng chiến sĩ!

    Quyết một lần ta lấy lại uy danh.

    Và phen này ta phải đoạt được thành,

    Dâng Tổ Quốc các chiến công hiển hách.


    Người chiến sĩ không từ nan thử thách.


    (Đức Phố, 03-12-1989)

    VĨNH LIÊM

    -------------------

    4. DI NGÔN NGUYỄN THÁI HỌC



    “Cờ Độc Lập phải nhuộm bằng máu” đỏ,

    “Hoa Tự Do phải tưới máu” đỏ bầm.

    “Đất nước cần xương máu của con dân,”

    “Cuộc cách mạng sẽ thành công chắc chắn.” (1)


    Di ngôn đó đã bao năm căn dặn,

    Có lẽ nào hậu thế để ngoài tai?

    Cuộc chiến này đâu phải của riêng ai!

    Mà tất cả con dân đều chung sức.


    Chống bạo lực, cường quyền cùng áp bức,

    Chống ngoại lai làm ung thối giống nòi.

    Chống bọn người đi học thói tôi đòi,

    Coi đất nước là bàn cờ, thí điểm.


    Ai cũng rõ mặt bọn người hung hiểm,

    Biến tình thương thành lớp lớp hận thù.

    Biến quê hương thành kiểu mẫu nhà tù,

    Biến dân tộc thành loại người khát máu.


    Chúng kiểm soát nhau bằng từng chén gạo,

    Chúng tranh công bằng những phiếu khẩu phần.

    Chúng giết người bằng khẩu hiệu “nhân dân”,

    Chúng bốc lột rồi nhân danh “Bác, Đảng”.


    Có chính phủ nào bày trò khốn nạn,

    Với dân mình và với cả thân nhân?

    Có chính quyền nào hãm hại nhân dân,

    Vừa ăn cướp, vừa la làng chạy tội?


    Thật bất hạnh thay! Con người u tối,

    Tưởng rằng mình học được những điều khôn.

    Lời Mác-Lê như là những “di ngôn”,

    Nói như vẹt những điều nghe ngớ ngẩn!


    Lời Thái Học sáu mươi năm đằng đẵng,

    Có ai còn tâm huyết để nghe không?

    Dân tộc còn giẫy giụa dưới hầm chông,

    Thì ai nỡ đành lòng trơ mắt ngó?


    Chuyện đất nước quả thật là chuyện khó,

    Nhưng có làm thì cái khó tan đi.

    Nếu không làm mà ta cứ ngồi lì,

    Thì chuyện dễ cũng trở thành chuyện khó.


    Sáu mươi triệu dân trông chờ ta đó,

    Tay nhịp nhàng ngoài bắt cánh tay trong.

    Trong và ngoài hiệp sức mới thành công,

    Cờ Độc Lập ít nhuộm bằng máu đỏ.


    Lời Thái Học dạy, ta nghe đã rõ,

    Nhưng cách làm nên tiết kiệm máu xương.

    Vì Tự Do, Độc Lập của quê hương,

    Toàn dân tộc phải góp phần công sức.


    (Đức Phố, 03-02-1990)

    VĨNH LIÊM

    (1). Di ngôn của nhà cách mạng Nguyễn Thái Học:

    “Cờ Độc Lập phải nhuộm bằng máu.

    “Hoa Tự Do phải tưới bằng máu.

    “Đất nước còn cần xương máu của con dân.

    “Rồi cuộc Cách Mạng chắc chắn sẽ thành công.”

    -------------------

    5. THUYỀN DÂN TỘC



    (Tên lái Thuyền Dân Tộc)


    Thuyền Dân Tộc sắp chìm vào biển cả,

    Tên lái thuyền còn ngất ngưỡng cơn say.

    Rượu Mác-Lê uống mấy chục năm dài,

    Cơn nghiện rượu chưa thuốc nào giải được!


    Bọn thủy thủ cũng mệt nhoài, say khướt,

    Sắp đắm thuyền mà miệng vẫn oang oang:

    “Rượu Mác-Lê hương vị thật nồng nàn!

    Tính ưu việt của đỉnh cao trí tuệ”.


    Đám hành khách mắt đầm đìa giọt lệ,

    Ôi bến bờ mù mịt tận phương xa!

    Lũ trẻ thơ đói khát khóc oa oa,

    Người già cả lạnh run lên từng chập.


    Cơn bão tố với sóng nhồi gió lấp,

    Khiến con thuyền ngụp lặn giữa phong ba.

    Tên lái thuyền dốt nát lại quá già,

    Còn vênh váo: “Ta anh hùng cứu nước”!


    Bọn thủy thủ chỉ giỏi tài bắt chước,

    Bệnh giáo điều làm đầu óc tối tăm.

    Lái con thuyền vào một cõi xa xăm,

    Mà cứ ngỡ là thiên đường tươi sáng!


    Thuyền Dân Tộc bung ra từng mảnh ván,

    Tên lái thuyền cười ha hả say sưa!

    “Lấp ván vào, tát nước… sức còn thừa!”

    Thuyền cứ chạy vào màn đêm tăm tối…


    Đám hành khách đã làm gì nên tội?

    Sao khép mình dưới mệnh lệnh ngu si?

    Hãy vùng lên trói chặt bọn man di,

    Quăng xuống biển cho kình ngư làm bữa.


    Thuyền sắp đắm, còn chần chờ gì nữa?

    Hỡi thanh niên rường cột của non sông!

    Cứu lấy người, gìn giữ giống Lạc Hồng,

    Thuyền Dân Tộc sẽ cập vào bến mới.


    Bình minh đẹp, lòng dân càng phơi phới,

    Ngữa mặt nhìn không hổ thẹn năm châu.

    Nước Việt Nam sẽ hùng mạnh, dân giàu…

    Trai Bách Việt lái con Thuyền Dân Tộc.


    (Đức Phố, 17-06-1990)

    VĨNH LIÊM

    -------------------

    6. LÀM GÌ CHO TỔ QUỐC


    Ta tự hỏi “Làm gì cho Tổ Quốc?”

    Để muôn người được hạnh phúc an vui.

    Để quê hương luôn rộn rã tiếng cười,

    Để dân tộc ngẫng đầu cao thế giới.


    Ta tuổi trẻ lẽ nào không bước tới,

    Những con đường tiền bối đã dày công.

    Noi gương xưa lập chí với non sông,

    Cho xứng đáng nam nhi dòng giống Việt.


    Lời thúc giục tiền nhân càng thống thiết!

    Phải quên mình vì đất nước lâm nguy!

    Với tài trai ta sẽ phải làm gì?

    Há chẳng lẽ ngồi than mây khóc gió?


    Trước vận nước đau thương sao đứng ngó?

    Bát cơm đầy đành đoạn nuốt cho trôi?

    Đám trẻ thơ kia vội tắt tiếng cười!

    Sao ta nỡ lòng nào riêng hưởng thụ?!


    Trai thế hệ là nền, kèo, cột, trụ…

    Lại chôn vùi trên đất nước lân bang!

    Họ sang giàu đâu cần đến thứ hàng,

    Không thích hợp với môi trường hào nhoáng.


    Vậy ta phải làm gì cho xứng đáng?

    Có lẽ nào cơm áo mãi lo toan?

    Miếng đỉnh chung nằm cạnh với nghĩa trang,

    Thế là hết! Cuộc đời vô nghĩa quá!


    Ta đã thấy tuổi già trên đất lạ,

    Sống cô đơn trong bốn bức tường câm.

    Ngồi lặng thinh, gạt nước mắt âm thầm,

    Lũ con cháu cũng không màng thăm hỏi!


    Tuổi trẻ đó, rồi tuổi già vội tới,

    Có bao lâu! Ai ngăn được thời gian?

    Sớm lo toan giữ chỗ ở nghĩa trang,

    Khi nhắm mắt vùi thây lòng đất lạnh!


    Cuộc sống đó kể như là bất hạnh!

    Tổ tiên đâu? Sao không được gần nhau?

    Ở nghĩa trang không phân biệt nghèo giàu,

    Vậy khi chết cần gì mồ mã đẹp?


    Khi còn trẻ chê căn nhà nhỏ hẹp,

    Lúc chết rồi còn phân biệt hay không?

    Người hơn nhau chỉ ở một tấm lòng,

    Yêu Tổ Quốc và chết vì Tổ Quốc.


    Người Cộng sản không yêu-vì Dân tộc,

    Họ điên cuồng theo chủ nghĩa lai căng.

    Chém giết nhau vì những mối thù hằn,

    Càng xâu xé càng nát nhầu đất nước!



    Thanh niên hỡi! Hãy mau mau tiến bước!

    Vạch con đường để cứu lấy non sông.

    Ta không quên là con cháu Lạc Hồng,

    Từng chiến thắng quân thù, bao hiển hách.


    Ta sẽ chép thành những trang sử sách,

    Mới tinh nguyên không tì vết Mác-Lê.

    Mới hoàn toàn, dân no ấm mọi bề,

    Là hạnh phúc của cuộc đời trai trẻ.


    Lời tâm sự gửi người cùng thế hệ.


    (Đức Phố, 30-04-1991)

    VĨNH LIÊM

    -------------------

    (Hết Kỳ 1 – Xem tiếp Kỳ 2)


    Không có nhận xét nào