Header Ads

  • Breaking News

    Loạt bài trên Phụ nữ Tân Văn năm 1930 thuật lại "vụ Yên Báy".

    Yên Bái. 17/6/1930. 

    http://4.bp.blogspot.com/-JA-DlZM53og/VYDWLHvLVnI/AAAAAAAACio/-E5gM0-QvLY/s320/FullSizeRender-52.jpg

    Phó Đức Chính

    Cách đây đúng 85 năm, diễn ra vụ hành quyết "các nhân vật Yên Bái" thuộc Việt Nam Quốc Dân đảng.

    Phó Đức Chính là nhân vật số hai của Việt Nam Quốc Dân đảng, là người bị chém thứ mười hai, ngay trước Nguyễn Thái Học. Người duy nhất không chống án và/hoặc xin ân xá trong phiên tòa trước đó (thực chất là "hội đồng đề hình", một "thủ thuật tư pháp" của người Pháp), cũng là người đòi nằm ngửa xem lưỡi dao guillotine sập xuống.

    Các nhân vật lớn của Việt Nam Quốc Dân đảng quãng thời gian 1927-1930 là Nguyễn Thái Học, lãnh tụ, cùng một loạt nhân vật: Ký Con Đoàn Trần Nghiệp, Phó Đức Chính, Nguyễn Khắc Nhu...

    Người duy nhất thuộc hàng yếu nhân không bị xử tử trong năm 1930 là Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân. Nhượng Tống là thành viên sáng lập Nam Đồng thư xã, cũng là thành viên sáng lập Việt Nam Quốc Dân đảng cuối năm 1927. Là người duy nhất thoát chết, người nắm được thông tin toàn diện nhất, thêm nữa lại là một tài năng văn chương, Nhượng Tống đã trở thành sử gia của Việt Nam Quốc Dân đảng. Kỷ niệm 15 năm "vụ Yên Bái", cuốn sách Nguyễn Thái Học của Nhượng Tống được ấn hành vào tháng Sáu 1945 (xem ở đây, bức ảnh đầu tiên). Trong hoạt động của Việt Nam Quốc Dân đảng, tài năng văn chương và sự nổi tiếng của Nhượng Tống đã giúp ích không ít: Nhượng Tống được cả một số quan chức thuộc địa hâm mộ và có thể nhờ vả che giấu, ngầm hỗ trợ.

    Nhượng Tống thoát khỏi 17/6/1930 một cách tình cờ. Cuối 1929, Nguyễn Thái Học giao nhiệm vụ cho Nhượng Tống vào Huế gặp Phan Bội Châu để mời Phan Bội Châu làm chủ tịch đảng danh dự. Nhượng Tống bị mật thám bắt tại tòa soạn tờ Tiếng dân, không lâu trước khi nổ ra các vụ việc mãnh liệt của Việt Nam Quốc Dân đảng.

    Tôi không khỏi liên hệ số phận của Nhượng Tống với số phận của một lãnh tụ cách mạng khác: Nhất Linh. Đúng mười năm sau vụ Yên Bái, năm 1940, Nhất Linh, khi này đã thành lập Đại Việt Dân chính, đang tình cờ đi vắng khỏi Hà Nội thì mật thám Pháp giăng mẻ lưới bắt các yếu nhân của tổ chức đảng mới mẻ này. Mẻ lưới ấy đã hốt trọn Khái Hưng và Hoàng Đạo, dẫn tới mấy năm đi tù ở Vụ Bản của hai nhân vật ấy, kết quả là một tập truyện ngắn của Khái Hưng sau này được xuất bản tại Sài Gòn giữa thập niên 60. Nguyễn Tuân cũng từng đi tù ở Vụ Bản (xem thêm ở đây). Trong Cát bụi chân ai, Tô Hoài rất cố gắng chứng minh Nguyễn Tuân không hề hoạt động đảng phái, cách mạng. Nhưng tôi không tin mấy.

    Nhất Linh và Nhượng Tống cùng thoát thân, cách nhau mười năm, khi các đồng chí của mình bị bắt. Sau đó, Nhượng Tống bị đi Côn Lôn rồi sau đó là nhiều năm dài an trí ở quê, còn Nhất Linh thì trốn ra nước ngoài. Nhưng đây chưa phải lần đầu tiên họ thoát thân giống nhau. Lần thứ hai là cùng thời điểm, quãng tao loạn 1945-1946. Với Nhất Linh, đó là ngay sau Hội nghị Đà Lạt: ông đã bỏ đi ngay, thoát khỏi một cuộc thanh trừng đang chờ sẵn. Với Nhượng Tống, chuyện cũng ly kỳ không kém. Ở Hà Nội, mẻ lưới "vụ Ôn Như Hầu" cũng đã giăng, lúc này Nhượng Tống, với lai lịch kinh người của mình, chắc chắn phải là đối tượng bị tầm nã số một. Nhưng mẻ lưới ấy đã để lọt Nhượng Tống, mà chỉ túm được các nhân vật kiểu Phan Kích Nam. (Tôi còn chưa xem bản dịch tiếng Việt cuốn sách Chiến thắng bằng mọi giá của Cecil Currey, không biết các chi tiết liên quan đến vụ Ôn Như Hầu có được giữ như trong nguyên bản hay không).

    Ai cũng tưởng Nhượng Tống đã trốn đi. Nhưng không phải: lúc đó Nhượng Tống vẫn ở Hà Nội, và lại ở ngay phố Hàng Bún. "Vụ Ôn Như Hầu" tuy tên như vậy, nhưng không chỉ diễn ra ở phố Ôn Như Hầu (Nguyễn Gia Thiều ngày nay) mà còn ở một số địa điểm khác nữa, trong đó có 80 Quan Thánh, trụ sở Tự Lực văn đoàn, tức là cách phố Hàng Bún chỉ vài bước chân.

    Nhượng Tống giống Nhất Linh đến như thế. Cái chết của hai người cũng có gì đó hao hao giống nhau. Nhượng Tống bị giết, nhưng ở thời điểm 1949, đúng như Ngô Thúc Địch đã nói trong bài điếu văn, Nhượng Tống muốn chết hơn là muốn sống. Và không lâu trước khi chết, Nhượng Tống cộng tác với một người rất thân thiết với Nhất Linh, là Khái Hưng.

    Đọc Nguyễn Thái Học, ta thấy Nhượng Tống miêu tả Nguyễn Thái Học như một người anh hùng tự khí chất, nhưng phải nói là thô lậu, dữ tợn. Nhượng Tống ở bên cạnh Nguyễn Thái Học làm tôi nghĩ ngay đến Nguyễn Trãi ở bên cạnh Lê Lợi. Những con người võ biền đầy quả cảm và hào hùng hay thu hút đến bên cạnh mình những thiên tài văn chương. Lê Lợi có thiên tài văn chương Nguyễn Trãi, còn Nguyễn Thái Học có thiên tài văn chương Nhượng Tống. (Nhượng Tống từng dịch Lam Sơn thực lục, sách đã in, lại còn giúp Thi Nham Đinh Gia Thuyết dịch Ức Trai thi tập, sách chưa in).

    Nhưng Nguyễn Thái Học không phải là tác phẩm duy nhất của Nhượng Tống về Việt Nam Quốc Dân đảng. Dưới đây ta sẽ đọc bài của Nhượng Tống viết về Phó Đức Chính, ở thời điểm sau khi đã xuất bản quyển Nguyễn Thái Học, đăng trên tờ báo nơi Nhượng Tống cộng tác với Khái Hưng.

    Còn đây là loạt bài trên Phụ nữ tân văn năm 1930 thuật lại "vụ Yên Bái".

    Trước tháng Sáu, tờ báo đã có nhiều bài, ví dụ:

    http://1.bp.blogspot.com/-9-yDHwfAp1I/VYDVvYXkbsI/AAAAAAAACiQ/Ve4lPVOg3Vs/s320/FullSizeRender-50.jpg


    hoặc

    http://4.bp.blogspot.com/-sSu9TGn-zlU/VYDV8XTVg1I/AAAAAAAACiY/YhT59Xj7Ytc/s320/IMG_6348.JPG


    Và đây là Phụ nữ tân văn số 58, số báo quan trọng nhất:


    http://2.bp.blogspot.com/-QG8jBOiau7c/VYDWFngQ9ZI/AAAAAAAACig/VgArCR2P56Q/s320/FullSizeRender-51.jpg



    http://3.bp.blogspot.com/-VnRogUMdL7Y/VYDWQwpl7qI/AAAAAAAACiw/yz7a2Xujpxk/s320/FullSizeRender-53.jpg


    http://3.bp.blogspot.com/-E4AQ88_IP_A/VYDWWKbT6dI/AAAAAAAACi4/Y74gU0jc6c8/s320/FullSizeRender-54.jpg


    Không có nhận xét nào