Header Ads

  • Breaking News

    Mỹ: Vừa quyết hậu thuẫn Đài Loan, vừa chìa tay với Trung Quốc

    Trọng Thành / RFI


    Bộ trưởng Thương Mại Đài Loan Đặng Chấn Trung (John Deng) (T) và phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Sarah Bianchi (P) chứng kiến lễ ký kết phần một của ''Sáng kiến Hoa Kỳ-Đài Loan về Thương Mại Thế Kỷ 21”, Washington, 01/06/2023. REUTERS - TECRO 

    Đài Loan và Mỹ ký kết một thỏa thuận thương mại, được chính quyền Đài Bắc đánh giá là ‘‘lịch sử’’. Bắc Kinh ‘‘lên án mạnh mẽ’’. Lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn của Mỹ trở lại Trung Quốc sau hơn 3 năm đại dịch: chuyến đi của tỉ phú Elon Musk thu hút nhiều chú ý. 

    Nhóm BRICS - có tham vọng đối trọng với phương Tây - họp hội nghị trù bị thượng đỉnh, tăng tốc xem xét quy chế kết nạp thành viên mới. Tổ chức Khí tượng Thế giới - được mệnh danh là ‘‘Soái Hạm’’ của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu - có tân giám đốc. Ứng cử viên Trung Quốc bị loại. Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này. 

    ***

    Mỹ siết chặt quan hệ với Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh coi là một vùng lãnh thổ ly khai. Hôm 01/06, một thỏa thuận thương mại đã được ký giữa Viện Mỹ tại Đài Bắc và Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Loan tại Washington, tức cơ quan đại diện ngoại giao trên thực tế của Đài Loan. Lễ ký diễn ra với sự chứng kiến của phó đại diện thương mại Mỹ Sarah Bianchi. Bắc Kinh ngay lập tức lên án mạnh mẽ. Trung Quốc kêu gọi Mỹ ‘‘không nhân danh thương mại, gửi tín hiệu xấu’’ đến các lực lượng chính trị muốn thúc đẩy Đài Loan chính thức tuyên bố độc lập.  

    Thỏa thuận thương mại Mỹ - Đài: Thông điệp cứng rắn gửi đến Bắc Kinh

    Thỏa thuận thương mại Mỹ - Đài vừa ký kết có ý nghĩa thực chất thế nào? Thỏa thuận nói trên là phần đầu của “Sáng kiến ​​Hoa Kỳ - Đài Loan về Thương Mại Thế Kỷ 21” (US-Taiwan Initiative on 21st-Century Trade), được Mỹ - Đài đàm phán từ tháng 6/2022. Với thỏa thuận này, Mỹ - Đài hướng đến đồng bộ hóa các biện pháp kiểm soát hải quan, các thủ tục pháp lý, và thiết lập các biện pháp chống tham nhũng, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

    Theo nhiều chuyên gia, thỏa thuận vừa được ký không hẳn là một thỏa thuận thương mại tạo được bước đột phá ngay trước mắt về kinh tế. Giáo sư kinh tế Ngô Đại Nhậm (Wu Dachrahn), thuộc National Central University, trên France 24, khẳng định thỏa thuận này chủ yếu mang ‘‘tính biểu tượng’’, không tác động đáng kể đến khối lượng trao đổi mậu dịch song phương Mỹ - Đài. Theo giáo sư Ngô, “Đài Loan đã giao thương với Hoa Kỳ trong nhiều thập niên, bắt đầu với các hàng hóa sản xuất trong những năm 70 cho đến chip bán dẫn hiện nay. Và mặc dù có một vài trục trặc trong những năm 90 do các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ, thương mại về cơ bản vẫn diễn ra suôn sẻ’’. 

    Thỏa thuận thương mại ngày 01/06 trước hết là một thông điệp khẳng định hợp tác Mỹ - Đài sẽ tiếp tục được siết chặt, bất kể thái độ của Trung Quốc. Chính quyền Đài Loan hoan hỉ coi thỏa thuận này ‘‘không chỉ là một sự kiện lịch sử, mà còn đánh dấu một bước khởi đầu mới”. Thỏa thuận thương mại song phương, ‘‘đầy đủ nhất’’ từ năm 1979 đến nay, có thể được coi là bước tiến hướng đến một Hiệp định Tự do Mậu dịch (FTA) với Hoa Kỳ, điều mà tổng thống Thái Anh Văn ngụ ý nhắc đến trong tuyên bố hôm thứ 01/06. 

    Vào lúc Mỹ - Đài chính thức thông báo về thỏa thuận song phương ‘‘lịch sử’’, bộ trưởng Ngoại Giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu), trong một phát biểu tại Quốc Hội, hôm 22/05, đã để ngỏ thông tin về trao đổi diễn ra với Hoa Kỳ, xung quanh khả năng Mỹ đặt Đài Loan dưới ‘‘ô bảo vệ hạt nhân’’. Theo báo Đài Loan Taiwan News, bộ Ngoại Giao Đài Loan ngày 26/05 chỉ trích một số phương tiện truyền thông bóp méo thông tin về vấn đề này, ‘‘coi việc Hoa Kỳ hỗ trợ tăng cường khả năng tự vệ của Đài Loan là hành động khiêu khích (Trung Quốc)’’. 

    Bất luận vấn đề răn đe hạt nhân ra sao, trong thời gian gần đây chính quyền Mỹ đang hướng đến khẳng định rõ quyết tâm bảo vệ Đài Loan, chống lại một cuộc tấn công của Trung Quốc. Hãng tin Mỹ Bloomberg cho hay, về vấn đề ‘‘tính mơ hồ chiến lược’’ (tức lập trường không rõ ràng của Mỹ trong việc có trực tiếp bảo vệ Đài Loan khi hòn đảo bị tấn công hay không), trong một cuộc điều trần tại Quốc Hội Mỹ hồi tháng 3, lãnh đạo tình báo Mỹ Avril Haines (DNI) khẳng định: ‘‘rõ ràng là người Trung Quốc hiểu lập trường của chúng ta căn cứ vào những phát biểu của tổng thống’’ Joe Biden, nhiều lần khẳng định Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan, cho dù các trợ lý của tổng thống cũng liên tục nhắc lại là quan điểm của Hoa Kỳ không thay đổi. 

    ‘‘Tính mơ hồ chiến lược’’ rõ ràng đã thu hẹp rất nhiều, hay nói cách khác, Mỹ ngày càng công khai hơn trong chính sách bảo vệ Đài Loan. Ngược lại, câu hỏi Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan cụ thể như thế nào vẫn còn để ngỏ. 

    Elon Musk đi Trung Quốc: Bắc Kinh phấn chấn, Washington cảnh giác 

    Trong lúc quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng, xung quanh hồ sơ Đài Loan và nhiều mâu thuẫn khác, giới kinh doanh đặc biệt chú ý đến chuyến đi trong tuần qua của nhiều lãnh đạo tập đoàn lớn của Mỹ tới Trung Quốc, lần đầu tiên sau hơn 3 năm đại dịch. Chuyến thăm Trung Quốc 44 giờ của tỉ phú Elon Musk được hoan nghênh nhiệt liệt tại Trung Quốc. 

    Trước hết, về phía dân chúng, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết : trên các mạng xã hội Trung Quốc Elon Musk được ca ngợi như một người ‘‘tiên phong’’, ‘‘một thiên tài về kinh tế’’, ‘‘một người bạn của Trung Quốc’’, ‘‘một thần tượng tầm cỡ thế giới’’. Dân mạng Trung Quốc bày tỏ công khai mong ước Trung Quốc cũng có được người tầm cỡ như Elon Musk. 

    Bắc Kinh cũng hồ hởi hoan nghênh tỉ phủ Mỹ. Elon Musk đã gặp nhiều quan chức lãnh đạo Trung Quốc, từ bộ trưởng Công Nghiệp đến bộ trưởng Ngoại Giao. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo khẳng định cuộc gặp giữa ngoại trưởng Trung Quốc và Elon Musk là ‘‘dấu hiệu mới nhất về sự cởi mở của Trung Quốc đối với giới đầu tư toàn cầu, ngày càng lạc quan về thị trường Trung Quốc’’.