Võ Thái Hà tổng hợp
Tổng thống Ukraina cảnh báo : Mùa đông này, Nga sẽ lại tấn công ác liệt
Thanh Hà /RFI
14/11/2023
Ukraina cần tập trung vào công tác phòng thủ. Phát biểu tối 12/11/2023 tổng thống Volodymyr Zelensky báo động Ukraina phải trong tư thế sẵn sàng đối phó với một đợt tấn công mới của Nga và đặc biệt là Matxcơva sẽ lại nhắm vào các cơ sở hạ tầng như các nhà máy điện vào mùa đông giá rét. Còn trên mặt trận ở miền đông Ukraina, quân đội Nga cũng đang chuẩn bị phản công.
Một cơ sở hạ tầng điện lực sau cuộc tấn công bằng drone của Nga ở vùng Kiev, Ukraina, ngày 19/12/2022. © Felipe Dana / AP
Tuyên bố nói trên được đưa ra vào lúc một phát ngôn viên bên quân đội Ukraina cảnh báo chiến sự thuyên giảm tại Avdiivka nhưng sẽ « bùng lên trở lại trong những ngày sắp tới ». Trong toàn cảnh u ám đó, tình báo quân đội Ukraina loan báo ba sĩ quan của Nga đã tử thương trong vụ tấn công hôm Thứ Bảy vừa qua tại thành phố Melitopol do Nga chiếm đóng.
Thông tín viên Pierre Alonso từ thủ đô Matxcơva cho biết thêm thông tin.
« Một vụ nổ lớn vào tối Thứ Bảy vừa qua ở Melitopol, một thành phố ở phía nam Ukraina cách chiến tuyến 70 cây số. Tình báo quân đội Ukraina cho biết, trụ sở lực lượng Nga đang chiếm đóng khu vực này là mục tiêu bị nhắm tới. Thông cáo nói rõ đây là hành động trả thù do một phong trào kháng chiến tại khu vực này tiến hành. Theo chính quyền Kiev thiệt hại khá nặng nề : có ít nhân ba sĩ quan Lực lượng Vệ binh Nga thiệt mạng trong vụ tấn công nói trên. Vẫn theo phía Ukraina, vụ tấn công đã diễn ra vào lúc có một cuộc họp giữa Lực lượng Vệ binh Nga và cơ quan an ninh FSB. Như vậy đây là một vố đau đối với Nga, vốn đã chiếm đóng thành phố này từ hơn một năm rưỡi qua, nhưng vẫn chưa hoàn toàn làm chủ tình hình và các hoạt động kháng chiến vẫn năng động ngay từ những ngày đầu khi Melitopol bị quân Nga chiếm đóng. Trái lại, đối với phía Ukraina thì đây là một tin vui bởi Kiev đang cần có những đòn ngoạn mục trong thời điểm này. Chiến dịch phản công đã chỉ cho phép gặt hái được những kết quả rất hạn chế trên bộ. Mức độ yểm trợ của các nước đồng minh cũng đang bắt đầu bị lung lay. Mùa đông đang đến gần và kèm theo đó là nỗi lo hệ thống điện lực của Ukraina lại bị oanh kích ».
Tại Berlin, bộ Quốc Phòng Đức hôm 12/11/2023 thông báo năm 2024 « tăng gấp đôi ngân sách viện trợ quân sự cho Ukraina » và đây là một tín hiệu mạnh chứng tỏ phương Tây không bỏ quên cuộc chiến tranh Ukraina. Cùng lúc chánh văn phòng của tổng thống Zelensky ông Andriy Yermak dẫn đầu một phái đoàn đến Mỹ từ chiều qua. Nhiệm vụ của đoàn nhằm thảo luận với chính quyền Biden về các chương trình « hợp tác » song phương, tăng cường khả năng phòng thủ cho Ukraina.
Ukraine: Truyền thông Nga rút lại tin quân Nga 'rút khỏi bờ Đông sông Dnipro'
Tác giả, Ido Vock
Vai trò, BBC News
13 tháng 11 2023
Nguồn hình ảnh, AFP
Chụp lại hình ảnh,
Quân Ukraine canh gác trên sông Dnipro, nơi họ gia tăng tấn công quân Nga trong những tuần gần đây
Truyền thông nhà nước Nga hôm thứ Hai đăng tải rồi nhanh chóng rút lại thông tin Nga rút quân khỏi các vị trí ở tả ngạn (bờ đông) sông Dnipro.
Các tường thuật dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga thông báo quân đội đang được chuyển "đến các vị trí thuận lợi hơn" ở tả ngạn - tức là bờ đông - nơi Nga đang chiếm đóng.
Các tường thuật đó đã nhanh chóng được thu hồi.
Bộ Quốc phòng Nga đổ lỗi là có "báo cáo sai" về tình hình Ukraine.
Ukraine tuyên bố thông báo này là một hoạt động tung tin mà Nga đang tiến hành nhằm chống lại Ukraine.
Báo Nga, tờ Moscow Times bình luận vụ này rằng Bộ Quốc phòng Nga "tự rút lại tin họ cung cấp cho báo chí" nhưng lại bảo đó là "tin giả" (fake news).
Việc đảo ngược thông tin một cách vội vàng hôm thứ Hai diễn ra gần như đúng một năm sau khi lực lượng Nga rút quân khỏi hữu ngạn, bao gồm cả thành phố Kherson. Con sông vẫn tiếp tục phân chia lực lượng của Ukraine và Nga.
Trong các tường thuật hiện đã được rút lại, các hãng thông tấn nhà nước Tass và RIA-Novosti cho biết Nga đã tái bố trí quân đội đến các vị trí phía đông sông Dnipro, nhằm "giải phóng một số lực lượng sẽ được sử dụng cho các hoạt động tấn công ở các khu vực khác".
Các tường thuật dùng ngôn ngữ tương tự như những lời lẽ đã được sử dụng trong các thông báo trước đây về việc rút quân của Nga.
Điện Kremlin từ chối bình luận về vụ việc, nói rằng đây là vấn đề thuộc quân đội.
Các lực lượng Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công nhắm vào lực lượng Nga trên khắp Dnipro trong những tuần gần đây - mục đích chính là nhằm chia cắt phần lãnh thổ bị Nga chiếm đóng, cắt đứt hành lang trên đất liền nối tới bán đảo Crimea mà Moscow sáp nhập bất hợp pháp vào Nga hồi năm 2014.
Hôm thứ Sáu, Nga tuyên bố đã đẩy lùi nỗ lực của Ukraine trong việc lập một vị trí đổ bộ trên bãi biển - có thể được sử dụng để đưa thiết giáp hạng nặng vào cuộc chiến.
Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, tuần trước đã báo cáo rằng những nỗ lực của Nga nhằm đẩy lùi lực lượng Ukraine khỏi bờ đông đã "không ngăn được việc lực lượng Ukraine chuyển thêm người và trang thiết bị đến các vị trí trên bờ đông” của sông.
Trong một diễn biến riêng biệt, tình báo quân đội Ukraina xác nhận phía Ukraine đã thực hiện một vụ nổ khiến ít nhất ba sĩ quan Nga thiệt mạng tại thành phố bị chiếm đóng Melitopol hôm thứ Bảy. Kyiv cho biết vụ nổ là "hành động trả thù" do lực lượng kháng chiến địa phương thực hiện.
Các chiến binh có liên hệ với Ukraine tuyên bố đã giết chết một số viên chức Nga và người làm cho họ ở địa phương bằng bom xe và các vụ nổ.
Tuần trước, Mikhail Filiponenko, cựu lãnh đạo lực lượng dân quân ly khai, đã bị giết chết tại thành phố Luhansk bị chiếm đóng trong cuộc tấn công mà Ukraine đã nhận trách nhiệm.
Thủ tướng Anh bổ nhiệm ông David Cameron làm ngoại trưởng, sa thải bộ trưởng nội vụ Suella Braverman
Nguồn hình ảnh, PA Media
Chụp lại hình ảnh,
Ông David Cameron từng làm thủ tướng Anh 2010-2016. Trong ảnh cũ là ông và người kế nhiệm, bà Theresa May
13 tháng 11 2023
Thủ tướng Anh Rishi Sunak đang tiến hành một cuộc cải tổ nội các của ông bằng quyết định không dễ dàng là “sai thải” bà Suella Braverman khỏi chức Bộ trưởng Nội Vụ (Home Secretary).
Nhưng tin tức dư luận chú ý là lại việc ông David Cameron, cựu thủ tướng của đảng Bảo thủ, năm nay 57 tuổi, được mời lại tham gia nội các ở cương vị tân Bộ trưởng Ngoại giao.
Ông David Cameron từng làm lãnh đạo đảng Bảo thủ từ 2005 đến 2016 và đắc cử lên làm Thủ tướng Anh từ 2010 tới 2016.
Tuy thế ông đã xin từ chức và tự rút lui khỏi Hạ viện sau khi cuộc trưng cầu dân ý Brexit (2016) do ông đề xướng diễn ra, tạo chấn động lớn cho xã hội Anh khi mà quá bán cử tri, trái với suy nghĩ của ông, đã bỏ phiếu rút Anh khỏi EU.
Ông James Cleverly sẽ rời vị trí Ngoại trưởng để nắm Bộ Nội vụ từ hôm nay, sau khi bà Braverman bị mất chức.
Một loại các tên tuồ̉i cho nhiều chức vụ khác ở cấp bộ trưởng và thứ trưởng chuyên trách được công bố mới hoặc luân chuyển vị trí trong ngày đầu tuần, đánh dấu cuộc cải tổ nội các của ông Sunak.
Theo đài BBC, ngay sau khi tin bà Braverman bị sa thải thì người ta thấy Bộ trưởng Ngoại giao James Cleverly được mời vào số 10 Phố Downing, London.
Việc đến Phủ Thủ tướng vào lúc này khiến báo chí bình luận có thể chức Bộ trưởng Nội vụ sẽ được giao cho ông.
Ngay sau đó, cựu Thủ tướng David Cameron vào Phủ Thủ tướng, khiến các nhà báo Anh tin rằng có thể ông Cameron sẽ lên làm Bộ trưởng Ngoại giao khi ông Cleverly chuyển sang nắm Bộ Nội vụ.
Chỉ một vài giờ sau, cả hai tin trên đều được xác nhận.
Tuy thễ, để làm được bộ trưởng trong nội các, ông Cameron phải trở thành thành viên Nghị viện mà ông lại tự bỏ chức Hạ nghị sĩ sau khi thôi chức thủ tướng năm 2010.
Thủ tướng Sunak đã đề nghị lên vua Charles phong ông Cameron làm 'Lord' hay 'life peer' (tước quý tộc hình thức) để vào Thượng viện (House of Lords), cơ quan không do dân bầu.
Một vấn đề nữa ngay lập tức nảy sinh từ cách bổ nhiệm một người không phải nghị sĩ Hạ viện vào chính phủ là Hạ viện sẽ không trực tiếp chất vấn ông David Cameron, vì theo một quy định cổ xưa, ông không có ghế trong Hạ viện (House of Commons).
Các dân biểu Hạ viện chỉ có thể yêu cầu ông trả lời bằng văn bản hoặc buộc ông ra điều trần trước các Ủy ban của Hạ viện như cách họ làm với bất cứ công dân Anh nào bị hoặc được Quốc hội mời giải trình một vấn đề, theo BBC News.
Đài BBC trong bản tin tiếng Anh cùng ngày cũng đã có ngay bài nhắc lại một bê bối tài chính mà ông David Cameron dính vào, trong vụ công ty Greensill.
Theo điều tra của BBC Panorama hai năm trước, ông David Cameron từng "bay khắp thế giới" quảng bá cho công ty Greensill và kiếm được 10 triệu USD.
Công ty đầu tư của Lex Greensill người được ông Cameron cho bàn làm việc trong Phủ Thủ tướng khi đang tại nhiệm, đã bị điều tra hình sự ở Đức và Thụy Sĩ.
Năm 2021, công ty phá sản, và hàng tỷ USD "biến mất", theo BBC Panorama.
Người ta cũng nói một "di sản" nữa của ông không kể thất bại Brexit là thái độ quá thân với Trung Quốc thời Tập Cận Bình.
Nguồn hình ảnh, PA
Chụp lại hình ảnh,
Hồi 2015, ông David Cameron mời ông Tập Cận Bình thăm Anh để đánh dấu 'Kỷ nguyên Vàng' trong quan hệ hai nước và dẫn ông Tập đi uống bia, bày tỏ tình thân
Ra hẳn khỏi nội các
Theo Chris Mason, biên tập viên chính trị của BBC News sáng 13/11/2023 thì bà Braverman, 43 tuổi, không chỉ phải thôi chức bộ trưởng đầy quyền lực mà bị ông Sunak “mời ra hẳn khỏi chính phủ Anh”.
Được biết bà đã chấp nhận quyết định của Thủ tướng Sunak.
Những ngày qua bà bị chỉ trích là “đã thổi lên căng thẳng trước cuộc tuần hành lớn của phái ủng hộ người Palestine thứ Bảy tuần qua”.
Ngoài ra, bà còn đăng bài trên báo Anh công khai ủng hộ Israel mà không được Phủ Thủ tướng chuẩn thuận các nội dung chi tiết.
Tại một số cuộc biểu tình ủng hộ vấn đề Palestine, phản đối cuộc oanh kích của Israel vào Gaza người ta thấy có biểu ngữ, ở cả London và Edinburgh, đòi bà Braverman từ chức.
Xung khắc vì vấn đề Trung Đông
Bà Braverman từng giữ chức Bộ trưởng Nội vụ, vị trí trọng yếu trong việc tạo ổn định xã hội khi các làn sóng đấu tranh, biểu tình, tuần hành đối chọi nhau diễn ra.
Xung đột Israel-Hamas lại đang làm cho tình hình chung xấu đi ở Anh nhưng các phát biểu của bà Braverman bị cho là “thêm dầu vào lửa”.
Chẳng hạn, bà bất đồng với Cảnh sát Đô thành London khi cảnh sát cho phép hàng vạn người ủng hộ Palestine tuần hành thứ Bảy tuần qua và công khai chỉ trích cảnh sát.
Là thành viên một viện nghiên cứu thiên hữu và thuộc nhóm hữu của đảng Bảo thủ, bà còn nói các nhóm cực hữu Anh tổ chức “phản biểu tình” bị cảnh sát xử lý mạnh mẽ là đúng, trong khi “bọn người ủng hộ Palestine (pro-Palestinian mobs) lại gần như bị bỏ qua.
Phát biểu này của bà đã bị chính Phủ Thủ tướng bác bỏ hôm 11/11.
Đảng Lao động hiện ở ghế đối lập, và cả một số nghị sĩ đảng Bảo thủ cho là bà Braverman "nói năng thiếu trách nhiệm và cần từ chức".
Năm 2022, bà Braverman đã được phong làm Bộ trưởng Nội vụ trong thời gian ngắn, cùng chính phủ của nữ Thủ tướng Liz Truss.
Bộ trưởng Nội vụ Anh có nhiệm vụ chỉ đạo việc thực hiện các chính sách bảo vệ biên giới và giải quyết các vấn đề nảy sinh từ làn sóng nhập cư trái phép vào Anh vốn đang gây sức ép lớn lên chính quyền.
Mỹ-Hàn điều chỉnh lại chiến lược răn đe Bắc Triều Tiên
Chi Phương /RFI
14/11/2023
Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc cho biết hôm nay, 13/11/2023, Mỹ và Hàn Quốc thảo luận, xem xét lại một thỏa thuận song phương nhằm ngăn chặn các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Bình Nhưỡng.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin (T) và người đồng cấp Hàn Quốc Shin Won-sik (P) tại trụ sở bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, Seoul, ngày 13/11/2023. AFP - JUNG YEON-JE
Bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc Shin Won-sik và đồng nhiệm Mỹ Lloyd Austin đã ký bản cập nhật về Chiến lược răn đe phù hợp (TDS), được đưa ra cách nay 10 năm, nhằm chống lại các đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên. Theo AFP, dù không nêu ra cụ thể những sửa đổi là gì, nhưng bộ trưởng Shin Won-sik khẳng định rằng bản cập nhật này là cần thiết, vì văn bản đầu tiên ký kết giữa hai nước đã « lỗi thời » trước các tiến bộ nhanh chóng của Bắc Triều Tiên trong các chương trình về hạt nhân và tên lửa.
Theo thỏa thuận, Hoa Kỳ có thể sử dụng tất cả các nguồn lực quân sự chiến lược, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, để bảo vệ đồng minh Hàn Quốc.
Vào ngày mai, theo hãng tin Yonhap, Hàn Quốc cùng 17 nước thành viên của Bộ Tư Lệnh Quân Đội Liên Hiệp Quốc (UNC), trong đó có Hoa Kỳ, sẽ tổ chức một cuộc họp đầu tiên, gồm lãnh đạo và đại diện quốc phòng của các nước, để thảo luận về vai trò của UNC trong việc ngăn chặn chiến tranh và duy trì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. UNC cũng là tổ chức giám sát thực hiện hiệp định đình chiến Triều Tiên 1953.
Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc cho biết trong cuộc họp ngày mai, các bên tham gia sẽ kêu gọi Bắc Triều Tiên « chấm dứt các hoạt động phi pháp », tuân thủ các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, và đặc biệt là thông qua một tuyên bố chung kêu gọi phản ứng tập thể « trong trường hợp khẩn cấp trên bán đảo ».
Về phần mình, Bình Nhưỡng, hôm nay, đã kêu gọi giải tán tổ chức UNC do Hoa Kỳ đứng đầu, cho rằng cuộc họp ngày mai là « một kế hoạch nguy hiểm », có mục đích kích động « một cuộc chiến tranh xâm lược mới », chống lại Bắc Triều Tiên.
EU lên án Hamas dùng thường dân tại các bệnh viện ở Gaza làm lá chắn sống
14/11/2023
Người đứng đầu đối ngoại Liên hiệp châu Âu Josep Borrell. EU đồng thanh lên án Hamas vì sử dụng bệnh viện và thường dân làm “lá chắn sống”.
Liên hiệp châu Âu đồng thanh lên án Hamas vì sử dụng bệnh viện và thường dân làm “lá chắn sống” trong cuộc chiến Israel-Hamas trong khi người đứng đầu đối ngoại EU Josep Borrell kêu gọi Israel “kiềm chế tối đa trong việc nhắm mục tiêu để tránh thương vong nhân mạng.”
Để thể hiện sự đoàn kết, tất cả 27 thành viên của khối EU đã đưa ra tuyên bố rằng “EU lên án việc Hamas sử dụng bệnh viện và thường dân làm lá chắn sống”.
Tại một cuộc họp của các ngoại trưởng trong khối, ông Borrell nói: “Bạn biết đấy, thời gian qua đã khó khăn như thế nào, sau cuộc bỏ phiếu tại Liên hiệp quốc, nơi các quốc gia đã bỏ phiếu theo những cách khác nhau, để đưa ra một cách tiếp cận hoàn toàn thống nhất”.
Chỉ vài giờ sau khi các nhà lãnh đạo EU tuyên bố đoàn kết trong cuộc chiến Israel-Hamas hôm 28/10, các quốc gia thành viên đã chia rẽ trong một cuộc bỏ phiếu về nghị quyết của Đại hội đồng kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ở Gaza dẫn đến chấm dứt thù địch giữa Israel và Hamas.
Giờ đây, các quốc gia EU đã tham gia “kêu gọi tạm dừng ngay lập tức các hành động thù địch và thiết lập các hành lang nhân đạo, bao gồm cả việc tăng cường năng lực tại các cửa khẩu biên giới và thông qua tuyến đường hàng hải chuyên dụng để viện trợ nhân đạo có thể đến tay người dân Gaza một cách an toàn.”
Khối EU nhắc lại “lời kêu gọi Hamas thả ngay lập tức và vô điều kiện tất cả các con tin. Điều quan trọng là Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế được phép tiếp cận các con tin”, EU nói.
Ngoại trưởng Latvia Krisjanis Karins nói rằng “Đáng tiếc là Hamas đang sử dụng cơ sở hạ tầng dân sự và thường dân làm lá chắn chống lại Lực lượng Phòng vệ Israel. Vì vậy, tình hình (hoàn toàn) không phải là trắng và đen.”
EU coi Hamas là một tổ chức khủng bố. Đáp lại tuyên bố này, Hamas kêu gọi ông Borrell đảo ngược “những bình luận thái quá và vô nhân đạo” của mình và cáo buộc ông đã bóp méo sự thật. Hamas nói rằng những bình luận của ông Borrell là một sự “che đậy” để Israel “phạm nhiều tội ác hơn đối với trẻ em và thường dân không có khả năng tự vệ”.
Israel nói rằng các phần tử hiếu chiến Hamas sử dụng thường dân Gaza làm lá chắn sống bằng cách thiết lập các trung tâm chỉ huy dưới các bệnh viện, giống như trường hợp của Bệnh viện Shifa lớn nhất Thành phố Gaza.
Các quốc gia EU không kêu gọi một cuộc đình chiến.
Bình luận về vấn đề này, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói bà hiểu “động lực của lệnh đình chiến”, nhưng những người đang tìm kiếm lệnh ngừng bắn phải trả lời một số câu hỏi như “làm thế nào để có thể yêu cầu ngừng bắn một cách sâu sắc và chính xác”, và bây giờ trong tình huống khủng khiếp này, làm sao đảm bảo rằng an ninh của Israel được đảm bảo? Điều gì xảy ra với 200 con tin và ai sẽ đàm phán điều đó trong tình huống mà các cuộc đàm phán dường như khó có thể thực hiện được?"
Lạm phát ở Mỹ vẫn chưa chấm dứt
Đây có thể là thời điểm quan trọng trong cuộc chiến chống lạm phát kéo dài hai năm của Mỹ. Các nhà phân tích và nhà đầu tư đang tìm kiếm bằng chứng rằng áp lực giá đang giảm dần, theo đó cho phép Cục Dự trữ Liên bang chấm dứt các biện pháp thắt chặt tiền tệ sau khi tạm dừng tăng lãi suất kể từ tháng 7. Tuy nhiên, vào thứ Ba, việc công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 có thể cho thấy vẫn còn quá sớm để hy vọng, từ đó gây lo lắng trên thị trường tài chính sau bước chuyển biến lạc quan trong những tuần gần đây.
Lạm phát toàn phần dự kiến sẽ giảm xuống khoảng 3,3%, so với một năm trước đó, từ mức 3,7% trong tháng 9. Nhưng nguyên nhân phần lớn xuất phát từ việc giá dầu giảm mạnh. Lạm phát lõi, tức lạm phát sau khi loại trừ giá năng lượng và lương thực dễ biến động, nhiều khả năng sẽ tiếp tục cao một cách đáng lo ngại, duy trì ở mức 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Fed đã cảnh báo về những “dấu hiệu giả” từ lạm phát, và đà tăng lạm phát lõi cao có thể khiến cơ quan này tiếp tục tăng lãi suất.
David Cameron trở lại chính trường Anh
Tin đồn đã lan truyền suốt nhiều ngày qua, rằng Suella Braverman, Bộ trưởng Nội vụ cánh hữu của Anh, sẽ bị sa thải. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi bà được thay thế bởi Ngoại trưởng James Cleverly. Nhưng ngay cả những nhà bình luận thạo tin nhất cũng bị sốc khi David Cameron, Thủ tướng Anh từ năm 2010 đến năm 2016, thay thế Cleverly. Vì không còn là Hạ nghị sĩ nên Cameron sẽ nhận một ghế trong Thượng viện.
Cameron quyết định từ chức sau khi người Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu trong một cuộc trưng cầu dân ý do ông kêu gọi, dù bản thân ông đã vận động để ở lại EU. Kể từ đó, nước Anh đã liên tục thay đổi thủ tướng. Trong khi cuộc bầu cử mới đến gần, Rishi Sunak, chủ nhân hiện tại của Số 10 Phố Downing, đồng thời là người ủng hộ Brexit, hy vọng sẽ đưa đảng của mình trở lại vị trí trung tâm và khơi dậy sự nhiệt tình của cử tri. Ông có lẽ cũng hy vọng kinh nghiệm làm việc của Cameron sẽ giúp định hướng chính sách của Anh dành cho Gaza và Ukraine. Nhưng việc chọn những ứng viên không được bầu vào những vị trí hàng đầu sẽ khiến Đảng Bảo thủ trở thành một đảng cạn kiệt tài năng và ý tưởng.
Toshiba báo cáo kết quả kinh doanh
Khi Toshiba báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý vào thứ Ba, đây có thể là lần cuối cùng hãng này làm như vậy. Tập đoàn có lịch sử từ năm 1875 đang chuẩn bị trở thành một công ty tư nhân vào tháng tới, khép lại một trong những chương tồi tệ nhất trong lịch sử các tập đoàn Nhật Bản. Rắc rối của họ bắt đầu từ vụ bê bối kế toán vào đầu những năm 2010. Tình hình càng trở nên phức tạp khi vụ đặt cược vào một công ty năng lượng hạt nhân của Mỹ thất bại vào năm 2017, buộc Toshiba phải phát hành loạt cổ phiếu mới mà các nhà đầu tư chủ động đã nhanh chóng mua vào. Kể từ đó, các nhà đầu tư và ban giám đốc đã liên tục tranh cãi về tương lai của tập đoàn. Việc Toshiba nắm giữ cổ phần trong các ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân, chất bán dẫn và quốc phòng nhạy cảm có nghĩa là chính phủ cũng rất quan tâm đến số phận của tập đoàn này.
Các bên cuối cùng đã tìm ra một công thức có thể chấp nhận được vào đầu năm nay, khi Japan Industrial Partners Inc, một công ty cổ phần tư nhân, đưa ra lời đề nghị trị giá 2 nghìn tỷ yên (13,2 tỷ USD). Các chủ sở hữu mới hy vọng sẽ mang lại sự ổn định và tập trung vào việc tái xây dựng tập đoàn. Toshiba dự định hủy niêm yết khỏi Sở giao dịch chứng khoán Tokyo vào ngày 20/12.
Tin tốt về insulin
Một tin tốt đã đến trước Ngày Bệnh Tiểu đường Thế giới vào thứ Ba: insulin, hormone được sử dụng để điều chỉnh lượng đường trong máu của bệnh nhân tiểu đường, có thể dễ dàng dự trữ hơn tưởng tượng. Trước đó, người ta cho rằng insulin phải được bảo quản ở nhiệt độ thấp. Bệnh nhân mắc Tiểu đường loại 1 hoàn toàn không sản xuất được insulin, vì vậy việc dùng thuốc kịp thời là rất quan trọng. Tuy nhiên, yêu cầu bảo quản lạnh khiến việc phân phối thuốc trở nên vô cùng khó khăn ở các quốc gia đang phát triển và bị chiến tranh tàn phá, những nơi gần như không thể tiếp cận tủ lạnh. Vấn đề càng trở nên phức tạp khi hành tinh ấm lên.
May mắn thay, một đánh giá của Bernd Richter, bác sĩ tại Đại học Heinrich Heine ở Düsseldorf ở Đức, đã phát hiện ra rằng insulin có thể chịu được nhiệt độ cao hơn so với suy nghĩ ban đầu. Phân tích của Richter từ 17 nghiên cứu độc lập đã kết luận rằng insulin có thể duy trì hiệu quả ở nhiệt độ 25°C trong sáu tháng và ở 37°C trong hai tháng. Phát hiện của ông sẽ giảm bớt áp lực lên cả bệnh nhân cũng như toàn bộ chuỗi cung ứng insulin—và cứu sống nhiều người.
Nepal vừa ra lệnh cấm nền tảng TikTok vì 'lan truyền nội dung xấu'
BBC News
14/11/2023
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chính quyền Nepal vừa ra lệnh cấm mạng xã hội gốc Trung Quốc, TikTok, vì lý do “để cho lan tỏa nội dung xấu”.
Hiện có gần 1 tỷ người dùng trên toàn cầu mỗi tháng, TikTok đã bị nước láng giềng của Nepal là Ấn Độ cấm hoạt động.
Đầu năm nay, Montana trở thành bang đầu tiên của Hoa Kỳ cấm TikTok, còn tại Anh thì Nghị viện không cho các thành viên, nhân viên dùng TikTok.
Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ Thông tin của Nepal, Rekha Sharma nói với Ban Tiếng Nepal của BBC rằng “nền tảng TikTok cho lan truyền nội dung độc hại”.
Bà Sharma cũng nói lệnh cấm này “có hiệu lực ngay lập tức và các cơ quan quản lý truyền thông trên cả nước phải thi hành ngay”.
Nhưng ông Gagan Thapa, một lãnh đạo của đảng chính trị Đại hội Nepal (Nepali Congress, tham gia nội các liên minh) thì phê phán quyết định của chính phủ.
Ông nói các quan chức đáng ra cần tìm cách quản trị mạng xã hội này thay vì cấm nó, điều chỉ làm hạn chế thêm tự do biểu đạt.
Nhiều quốc gia muốn kiểm soát tình trạng người dân của họ dùng TikTok và nêu quan ngại là thông tin cá nhân sẽ được chuyển cho chính phủ Trung Quốc.
Công ty mẹ của Tiktok, ByteDance từng bác bỏ cáo buộc nói trên và TikTok không trả lời yêu cầu của đài BBC xin bình luận về lệnh cấm của Nepal.
Dù số người dùng không bằng Facebook và Instagram, TikTok có độ tăng trưởng nhanh hơn hai nền tảng kia trong giới trẻ.
Hồi tháng 6 năm nay chính phủ Ấn Độ đã cấm TikTok, WeChat và một số app do công ty Trung Quốc làm, với lý do “nguy hiểm cho quốc gia”.
Chừng 59 app bị cấm gồm cả WeChat mà chính phủ Ấn Độ cho là đã truyền đi các thông tin vi phạm chủ quyền lãnh thổ nước họ, sau xung đột ở vùng biên giới tại Ladakh với biên phòng Trung Quốc, làm ít nhất 20 quân nhân Ấn thiệt mạng.
Không có nhận xét nào