Header Ads

  • Breaking News

    Thượng đỉnh Biden-Tập Cận Bình: Cơ hội ‘‘hòa hoãn chiến thuật” giữa hai đại cường?

    Trọng Thành /RFI

    14/11/2023

    "Cách nay đúng một năm, ngày 14/11/2022, tổng thống Hoa Kỳ và chủ tịch Trung Quốc hội kiến ở Bali, Indonesia. Cuộc gặp từng mang lại hy vọng đối thoại giữa hai đại cường sau nhiều năm căng thẳng sớm nối lại. Tuy nhiên, Mỹ - Trung tiếp tục đối đầu, đặc biệt sau ‘‘vụ khinh khí cầu gián điệp’’. Trong lúc nhiều trông đợi đặt vào thượng đỉnh thứ hai Joe Bien –Tập Cận Bình, ngày 15/11, nhiều nhà quan sát cho rằng, với quan hệ Mỹ-Trung đầy bất định, đây trước hết là một ‘‘hòa hoãn chiến thuật’’. 

    Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) gặp nhau bên lề hội nghị G20 tại Bali, Indonesia, 14/11/2022.

    Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) gặp nhau bên lề hội nghị G20 tại Bali, Indonesia, 14/11/2022. REUTERS - KEVIN LAMARQUE 

    1/ “Hòa hoãn chiến thuật” có nghĩa là gì ?

    Hiện tại còn rất ít thông tin về cuộc hội kiến Joe Biden – Tập Cận Bình. Theo hãng tin Mỹ AP, tính cho đến ngày thứ Sáu 10/11, vẫn chưa có thông tin về địa điểm cụ thể của cuộc gặp, mà các quan chức an ninh Mỹ chỉ cho biết chung chung là sẽ diễn ra tại vùng Vịnh San Francisco, bên lề Diễn đàn APEC. Hàng loạt câu hỏi còn để ngỏ như không rõ hai bên có ra một tuyên bố chung hay không sau cuộc họp, những nội dung nào sẽ được công khai, chưa kể đến việc từng chi tiết của cuộc hội kiến đặc biệt này đều được coi là hệ trọng với quan hệ song phương, từ việc hai bên sẽ chào hỏi nhau thế nào, có dùng bữa cùng nhau không, cuộc gặp có hoa không, loại hoa nào…

    Cho dù còn rất ít thông tin, nhưng theo nhiều chuyên gia về Trung Quốc, cả Bắc Kinh và cả Washington đều muốn tạo một không khí ‘‘hòa dịu’’. Theo ông Ryan Hass, chuyên gia về Trung Quốc Viện Brookings, cựu cố vấn của tổng thống Mỹ Barack Obama về Trung Quốc và Đài Loan: “Các quan chức Trung Quốc sẽ muốn cho công chúng trong nước thấy rằng lãnh đạo Tập Cận Bình được tổng thống Biden đón tiếp một cách đàng hoàng và trân trọng”. Ông gợi ý nên có “hình ảnh hai nhà lãnh đạo có các tiếp xúc mang tính cá nhân, ngoài nghi thức bắt tay chính thức thông thường trước một dãy quốc kỳ trong phòng họp của khách sạn”. Theo Ryan Hass, tiếp xúc đó có thể ở mức đơn giản như ‘‘một cuộc đi bộ ngắn cùng nhau’’ (AP, ngày 12/11/2023).

    Mỹ - Trung tìm kiếm “hòa hoãn chiến thuật” là một ghi nhận của chuyên gia quan hệ quốc tế Mathieu Duchâtel, Viện Montaigne về thái độ của Bắc Kinh với Mỹ (trang mạng Radio-Canada, ngày 10/11/2023). Chuyên gia Mathieu Duchâtel cho biết phía Trung Quốc ‘‘đã yêu cầu cuộc hội kiến diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands, California’’, nơi mùa hè năm 2013, lãnh đạo Trung Quốc – lúc vừa lên nắm quyền – từng gặp gỡ tổng thống Mỹ Barack Obama trong khi không khí thân mật. Một cuộc tiếp xúc tương tự lần này giữa Joe Biden và Tập Cận Bình có thể cho phép hai bên tránh được những hành động quá đà, vượt tầm kiểm soát, trong bối cảnh ‘‘cạnh tranh chiến lược’’ đang hồi quyết liệt hiện nay.

    Đưa ra một hình ảnh hòa dịu trước công chúng, và cố gắng để quan hệ song phương không tồi tệ thêm là ý nghĩa của động thái hòa dịu chiến thuật mà hai bên Trung - Mỹ tìm cách đạt được trong cuộc thượng đỉnh lần thứ hai Biden – Tập Cận Bình. Hòa hoãn về chiến thuật cũng mang lại cơ hội quan trọng cho phép hai bên hiểu rõ hơn các mục tiêu chiến lược thực sự của nhau, để xử lý hiệu quả hơn các căng thẳng trong quan hệ tương lai.

    2/ “Hòa hoãn chiến thuật” chỉ là biện pháp hòa hoãn bề mặt, hay cho phép hai bên thực sự cải thiện quan hệ về một số mặt?

    Một hồ sơ được nhiều nhà quan sát nhấn mạnh là vấn đề ‘‘đối thoại về quân sự’’ bị gián đoạn kể từ mùa hè năm ngoái, sau chuyến công du Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Mỹ, với việc Bắc Kinh lần đầu tiên tập trận bao vây đảo Đài Loan. Thế đối đầu quân sự Mỹ - Trung gia tăng, đặc biệt với vụ máy bay hai bên tiếp cận chỉ cách nhau vài mét, tại khu vực Biển Đông mới đây, cho thấy đụng độ có thể bùng phát vượt tầm kiểm soát.

    Đối với tổng thống Mỹ, ưu tiên hàng đầu của thượng đỉnh lần này là ‘‘nối lại các đường dây liên lạc về quốc phòng’’. Nhà báo Pierre-Antoine Donnet, trên trang Asialyst chuyên về chính trị châu Á, nhận định quan hệ Mỹ - Trung năm tới sẽ căng thẳng ngay từ đầu năm, chính quyền Mỹ ‘‘rất lo ngại’’ về nguy cơ Bắc Kinh can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan ngày 13/01/2024. Tổng thống Biden đã bốn lần khẳng định Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan, nếu bị Trung Quốc tấn công (cho dù các phát biểu của tổng thống có được Nhà Trắng cải chính sau đó).

    Theo một giới chức cao cấp Hoa Kỳ, cho dù phía ‘‘Bắc Kinh lưỡng lự’’, tổng thống Joe Biden ‘‘kiên quyết áp lực’’ với phía Trung Quốc về chủ đề trong cuộc gặp bên lề diễn đàn APEC ở San Francisco. Nối lại các kênh liên lạc về quốc phòng được coi là mục tiêu căn bản, tối thiểu của Nhà Trắng nhắm quản lý quan hệ ngày càng trở nên ‘‘đối kháng’’ với Bắc Kinh, để thế đối đầu không biến thành ‘‘xung đột’’ hay ‘‘Chiến tranh lạnh’’. Nối lại đối thoại quốc phòng là cơ sở cho phép ''hòa hoãn chiến thuật''. Đổi lại việc nối lại đối thoại quốc phòng, chính quyền Biden sẽ phải tái khẳng định không ủng hộ Đài Loan độc lập, không thay đổi chính sách ‘‘Một nước Trung Hoa’’. Trả lời Reuters, tướng Charles Q. Brown, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, việc hai bên đạt thỏa thuận về vấn đề này cũng nằm trong lợi ích của phía Trung Quốc.

    Về triển vọng cải thiện quan hệ Trung - Mỹ, trả lời RFI, ông Wang Yiwei, giám đốc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế, Đại học Nhân Dân Bắc Kinh, tỏ ra không mấy lạc quan, với nhận định khó mà nói đến một xu thế ‘‘cải thiện đáng kể’’ trong quan hệ hai nước trong bối cảnh hiện nay. Lãnh đạo viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Bắc Kinh, cũng nhấn mạnh đến ‘‘điều quan trọng là các xung đột (song phương) diễn ra trong khuôn khổ các cơ chế được xác lập trước, cho phép tránh được các thay đổi đột ngột, do các thay đổi về luật pháp mỗi nước, các chỉ thị của chính quyền hay do các biến động chính trị’’.

    Trong một số hồ sơ được coi là mang tính thứ yếu hơn, hai bên dự kiến cũng có thể đạt được thỏa thuận, như mở lại lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô (Chengdu), lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, cũng như việc tăng số chuyến bay giữa hai nước, gia tăng lượng trao đổi phóng viên, sinh viên và các nhóm tư vấn có thể trở nên mạnh mẽ hơn. Theo chuyên gia Colleen Cottle, trong một bài viết trên Atlantic Council (“How Biden can make the most of a meeting with Xi / Biden làm gì để có thể thu được nhiều nhất từ cuộc gặp với Tập Cận Bình’’), bên cạnh hồ sơ Đài Loan, ưu tiên số một của Trung Quốc sẽ là hóa giải ‘‘các hạn chế về công nghệ của Mỹ, bao gồm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu gần đây nhất được công bố vào tháng trước’’. 

    Tuy nhiên triển vọng cải thiện đáng kể quan hệ song phương nhìn chung là rất khó. Theo ghi nhận của lãnh đạo viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Bắc Kinh, ‘‘sẽ còn rất nhiều việc phải làm, bởi trong số 100 cơ chế đối thoại mà hai bên muốn kích hoạt, hiện tại chỉ mới có 5 cơ chế hiện đã đi vào hoạt động’’, và tốc độ cải thiện tình hình sẽ không nhiều, trong bối cảnh bầu cử tổng thống Mỹ sắp đến, và ‘‘không biết rõ là liệu tổng thống Biden có dành được bao nhiêu sự chú ý và năng lượng cho việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc’’.

    3/ Vì sao Mỹ, Trung bắt buộc phải tìm kiếm "hòa hoãn chiến thuật" ? 

    Chuyên gia về Trung Quốc Ian Johnson (Council on Foreign Relations), giải thưởng Pulitzer, trong một bài viết hôm 08/11 (Can a Summit Ease U.S.-China Tensions? / Thượng đỉnh có giúp giảm nhẹ căng thẳng Mỹ - Trung hay không?), nhận định là cả hai đại cường đều đứng trước tình thế phải tìm cách hòa hoãn chiến thuật. Về phía Bắc Kinh, Trung Quốc ‘‘đang trong thời kỳ suy thoái kinh tế nghiêm trọng và tỷ lệ giới trẻ thất nghiệp cao. Năm ngoái, những lo ngại này đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình hiếm hoi trên toàn quốc. Mặc dù những cuộc biểu tình này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và không lan rộng, nhưng đã thể hiện sự bất an của người dân đối với các vấn đề tài chính, chẳng hạn như thu nhập, nạn lạm phát và giá nhà đất’’ sau nhiều năm đóng cửa do chính sách Zero Covid.

    Theo chuyên gia Duchâtel, đầu tư vào Trung Quốc lần đầu tiên sụt giảm trong quý ba vừa qua, lần đầu tiên từ 30 năm nay, là một dấu hiệu đáng lo ngại với Trung Quốc. Điểm gây bất lợi cho chính quyền Tập Cận Bình hiện nay là ấn tượng rộng rãi trong và ngoài nước là Trung Quốc đang quay lưng lại với chính sách “cải cách và mở cửa” của những người tiền nhiệm, và có xu hướng đóng cửa với bên ngoài. Trong bối cảnh này, việc Tập Cận Bình thể hiện là đang quản lý tốt hơn các mối quan hệ với Hoa Kỳ và mở cửa Trung Quốc về mặt thương mại ‘‘có thể giúp trấn an nhiều lo ngại trong nước về khả năng Bắc Kinh đang tiến tới chiến tranh’’.

    Về phía nước Mỹ, chính quyền Biden phải đối mặt với cuộc tái tranh cử vào năm tới, và mặc dù các vấn đề đối ngoại ‘‘hiếm khi trở thành yếu tố quyết định thắng thua trong cuộc bầu cử tổng thống đối với một tổng thống mãn nhiệm tái cử’’, nhưng điều quan trọng đối với ông là ngăn chặn có thêm xung đột bùng nổ trong năm bầu cử 2024, chẳng hạn như liên quan đến Đài Loan. Theo một thăm dò dư luận do National Security Action and Foreign Policy for America đặt hàng, 78% người Mỹ coi việc tránh một cuộc chiến tranh với Trung Quốc là ‘‘rất quan trọng’’.

    ‘‘Hòa hoãn chiến thuật’’ Mỹ, Trung cũng quan trọng đối với Washington, tổng thống Mỹ nhân dịp này có thể thúc giục chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ‘‘đóng một vai trò hiệu quả hơn’’ trong cuộc chiến của Nga ở Ukraina và cuộc chiến Israel-Hamas, bao gồm cả việc gây áp lực để ép Iran hạn chế can thiệp vào xung đột này.

    https://www.rfi.fr/vi


    Không có nhận xét nào