Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ ba 02 tháng 01 năm 2024

    Quê Hương tổng hợp

    Hơn 70% doanh nghiệp nhận định số đơn hàng đầu năm 2024 ‘đi ngang’, ‘đi xuống’

    Sơn Nguyên

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/01/mnnj-768x480.jpg

    Bên trong Nhà máy Vinfast Hải Phòng, tháng 12/2021. (Ảnh minh họa: NamLong Nguyen/Shutterstock) 

    Với 6.500 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam tham gia cuộc khảo sát hằng quý, chỉ 29,3% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới quý 1/2024 sẽ tăng so với quý 4/2023, số còn lại cho rằng đơn hàng giữ nguyên, thậm chí giảm.

    Theo cuộc điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh hằng quý, Tổng cục Thống kê vừa đưa ra con số thống kê “màu xám” đối với tình hình sản xuất, kinh doanh đầu năm 2024 do phía doanh nghiệp nhận định.

    Đánh giá về xu hướng sản xuất, kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý 4/2023 và dự báo tình hình quý 1/2024, có 29,2% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới tăng, 39,7% nhận định số đơn hàng giữ nguyên so với quý 3/2023, 31,1% doanh nghiệp nhìn nhận số đơn hàng sẽ giảm.

    Cuộc điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh của Tổng cục Thống kê được thực hiện hằng quý với 6.500 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tham gia.

    Ngành in, sao chép bản ghi các loại có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng mới quý 4/2023 so với quý 3/2023 tăng cao nhất với 40,2%. Ngược lại, đơn đặt hàng được xác định là giảm nhiều nhất tại ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác, với tỷ lệ doanh nghiệp 37,6%. Có 72,7% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới quý 1/2024 so với quý 4/2023 tăng và giữ nguyên (29,3% tăng, 43,4% giữ nguyên), 27,3% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm.

    Về đơn đặt hàng xuất khẩu, có 22,4% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý 4/2023 tăng so với quý 3/2023; 45% doanh nghiệp nhận định số đơn hàng giữ nguyên. Tỷ lệ doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm tiếp tục ở mức cao, 32,6%.

    Tỷ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý tăng cao nhất thuộc nhóm ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan, 30,6%. Với nhóm ngành sản xuất máy móc thiết bị, số doanh nghiệp nhận định đơn hàng giảm lên tới 44,3%.

    Với số đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý 1/2024 so với quý 4/2023, có 24,6% doanh nghiệp dự báo tăng; 46,8% nhận định giữ nguyên; 28,6% doanh nghiệp dự báo giảm.

    Về chi phí sản xuất, trong quý 4/2023, đa số doanh nghiệp cho biết chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm giữ nguyên, 61,8%; số doanh nghiệp nhận định chi phí tăng là 29,8%; còn lại là giảm so với quý 3/2023. Tỷ lệ doanh nghiệp dự báo chỉ số này giữ nguyên quý 1/2024 so với quý 4/2023 tiếp tục ở mức cao với 65,5%; 25,2% doanh nghiệp dự báo tăng và 9,3% doanh nghiệp dự báo giảm.

    Đối với nhu cầu sử dụng lao động, có 11,2% doanh nghiệp cho biết sử dụng lao động so với quý 3/2023 tăng; 68,5% doanh nghiệp giữ nguyên và 20,3% doanh nghiệp giảm. Dự báo sử dụng lao động quý 1/2024 so với quý 4/2023 khả quan hơn với 83,6% số doanh nghiệp dự kiến số lao động tăng và giữ nguyên (13% tăng, 70,6% giữ nguyên); 16,4% doanh nghiệp dự kiến số lao động giảm.

    Tổng cục Thống kê cho hay nhìn chung hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý IV-2023 đã phục hồi tích cực hơn quý 3/2023 nhưng tốc độ chậm. Một số ngành có tín hiệu hồi phục nhanh hơn các ngành khác là ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; ngành sản xuất xe có động cơ…

    Cuộc khảo sát chỉ ra trong quý 4/2023, hai yếu tố “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” vẫn ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, với tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn lần lượt là 58,2% và 49,8%.

    Đáng lưu ý, yếu tố “lãi suất vay vốn cao” chỉ có 21,5% doanh nghiệp lựa chọn, giảm tới 5,7 điểm phần trăm so với quý 3/2023.

    Nguyễn Anh Tuấn - Những người thế hệ chúng tôi 

    02/01/2024

      

    Ngày đầu năm, tôi nhớ về những người bạn của tôi đang suy kiệt trong chốn lao tù, không mong gì hơn các bạn khỏe mạnh. Mong một ngày gặp lại, ngày ấy thanh bình chắc nở hoa.

    NHỮNG NGƯỜI THẾ HỆ CHÚNG TÔI

    - Tôi tình cờ gặp Lê Hữu Minh Tuấn ở Hội An nhiều năm trước. Buổi nói chuyện ngắn ngủi, nhưng ấn tượng để lại là một bạn đồng trang lứa sống có lý tưởng và thương người.

    Hôm nghe tin Tuấn bị bắt, tôi vào Facebook bạn ấy, vốn chỉ chia sẻ những câu chuyện, hình ảnh về gia đình, bạn bè. Tuy nhiên, có một bài đăng nói lên rất nhiều về Tuấn:

    “Từng là người rất sợ cái chết, nhưng giờ đây mình nhận ra cuộc sống này vốn dĩ ngắn ngủi, và "chết là hết". Cô phụ trách nhận hiến mô tạng cho mình hay, con số người hiến còn khiêm tốn, ở mức 3.000 người/ 95 triệu người. Trong khi, một người chết não hiến mô - tạng sẽ cứu được 10 người khác!” (kèm hình ảnh thẻ đăng ký hiến tạng như bên dưới).

    Tuấn hơn tôi chỉ một tuổi.

    - Với Trịnh Bá Phương, tôi chưa có dịp được gặp, dù đã biết nhau nhiều năm trên Facebook. 

    Lần đầu nói chuyện với nhau, tình cờ thay là ngay sau khi tôi bị đưa đi làm việc hồi cuối tháng Năm vừa rồi. Phương lúc đó đã linh tính có điều không hay sẽ sớm xảy ra với mình. Tuy nhiên anh chia sẻ rằng không muốn đi đâu cả vì chỉ vài tuần nữa sẽ đón đứa con thứ hai chào đời. Anh muốn ở cạnh vợ và con mình vào lúc họ cần anh nhất. Có ra sao cũng đành. 

    Bốn ngày sau khi nhìn mặt con, anh bị bắt. 

    Phương chỉ hơn tôi vài tuổi.

    - Mươi năm qua, tôi đã phải ‘làm việc’ với cán bộ an ninh đủ cả ba miền. Không ít trong số đó cũng chỉ ngang tuổi tôi.

    Những buổi làm việc như thế không phải lúc nào cũng chỉ thẩm vấn và truy xét. Vẫn có những khoảng xen giữa nói chuyện đời thường nhật. Tôi nhận ra có là ai thì cũng nghĩ về gia đình, lúc rảnh rỗi cũng thích tụ tập bạn bè, cũng tự hào giới thiệu về nơi mình sinh ra lớn lên khi được hỏi. Cũng cười thật tươi khi nhắc chuyện vợ con hay yêu đương. 

    Tôi luôn nghĩ rằng những người cùng một thế hệ như chúng tôi, như Tuấn, Phương và những cán bộ an ninh kia, lẽ ra có thể ngồi lại với nhau, trong tình tự dân tộc và tấm lòng anh em bằng hữu. Bàn những câu chuyện làm sao đời sống gia đình, xã hội, đất nước chúng tôi ngày một tốt đẹp lên, ngay cả khi nhìn thấy ở nhau những khác biệt.

    Hà cớ gì người này lại đi bắt bỏ tù người kia, chia cách gia đình và đày ải họ trong đau khổ, cuối cùng chỉ vì đôi ba thứ chủ nghĩa, lý thuyết mà chẳng ai từ người khởi xướng cho đến chúng tôi thực sự hiểu?

    Tôi biết sẽ có người nói ngay: Đó là vì quyền lợi. Nhưng ngay cả về quyền lợi, hà cớ gì cứ phải được mất, sống còn với nhau? Vẫn có thể cùng thắng (win-win) cơ mà.

    Từ khi nào, bởi ai hay điều gì mà đến tận thế hệ tôi, người ta vẫn tìm cách loại trừ nhau một cách khốc liệt chỉ vì khác biệt như vậy? Chuyện này còn kéo dài bao lâu nữa và mỗi người chúng ta cần làm gì để sớm chấm dứt nó?

    NGUYỄN ANH TUẤN 01.01.2024

    Lưu Trọng Văn - Ông thầy chùa dở hơi 

    Chùa nghèo, vùng heo hút nên ít sư muốn trụ trì. Thầy Thích Đồng Xuân tình nguyện đến để trước nhất giữ cái đức của mình. 

    Thầy trông quê mùa lắm, gầy ngẳng, áo nâu, áo chàm thô mộc cũ kỹ, duy cặp mắt luôn cười mà lại cười tủm tỉm chân chất đôi chút lửng lơ.

    Thầy không ngạo mạn tự xưng mình là thầy, gọi phật tử là con. Thầy tùy đối tượng mà xưng như ở làng quê Hưng Yên của thầy. 





    « Chú ạ, con nghĩ, chùa không phải nơi để người ta đến cầu, đến xin. Chùa không phải là nơi buôn bán niềm tin. Cần gì bề thế, sơn son thếp vàng? Chùa và cỏ cây non nước là một, sao lại bê tông chèn ép cỏ cây? Con ghét bê tông hóa chùa ».

    Gã không hỏi thầy cảm tưởng về các lâu đài, thành quách chùa kiểu Bái Đính, Tam Chúc. Gã cũng không hỏi thầy cảm tưởng về chùa Ba Vàng đang rộ câu chuyện sợi tóc xá lợi của Đức Phật biết ngọ nguậy. Gã hỏi ngược câu nói của thầy… « chùa không phải là nơi… » vậy thì chùa là nơi gì?

    Thầy kể, chùa đang trông coi một hòn đảo rất đẹp trên hồ Hàm Thuận. Nhiều đại gia rủ rê đầu tư hoặc mua lại xây nhà nghỉ, con từ chối. 

    Họ bực mình hỏi: vậy thầy bỏ trống hòn đảo làm gì? Con thưa, tôi trồng cây. Họ lắc đầu, lợi lộc gì ? Con thưa : Trả lại cho Đất Mẹ khí trời trong lành.

    Họ bảo con, ông thầy chùa dở hơi.

    LƯU TRỌNG VĂN 01.01.2024

    Việt Nam bán tín chỉ rừng và thu được 1.200 tỷ đồng trong năm 2023

    RFA
    01/01/2024

    Việt Nam bán tín chỉ rừng và thu được 1.200 tỷ đồng trong năm 2023


    Ảnh minh họa: rừng bị phá ở Đắk Lắk trước đây 

    AFP 

    Việt Nam trong năm 2023 bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) và thu được khoảng 1.200 tỷ đồng.

    Thông tin vừa nêu được đưa ra ngày 30/12 tại hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai kế hoạch ngành lâm nghiệp năm 2024. Cụ thể Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), ông Nguyễn Quốc Trị, cho biết, năm 2023 đánh dấu một cột mốc rất quan trọng, lần đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng).

    Hoạt động này thuộc thỏa thuận chi trả phát thải nhà kính (ERPA) vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam được ký ngày 22/10/2020 giữa Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ NN&PTNT Việt Nam.

    Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc sáu tỉnh Bắc Trung Bộ.

    Bộ NN&PTNT cho biết, nguồn tiền này sẽ chi trả cho các chủ rừng, UBND cấp xã và tổ chức... được giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên. Ngoài ra, một phần tiền chi cho các nhóm khác có hoạt động liên quan đến phát triển và giảm mất rừng, suy thoái rừng, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề này.

    Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam là cơ quan đầu mối tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn tiền từ ERPA và thực hiện điều phối cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

    Trong số sáu tỉnh này, Nghệ An là tỉnh được giải ngân hơn 282 tỷ đồng, tiếp đến là Quảng Bình với hơn 235 tỷ đồng, Thanh Hóa 162 tỷ đồng, Hà Tĩnh 122 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 107 tỷ đồng và Quảng Trị hơn 51 tỷ đồng.

    Việt Nam- Trung Quốc thêm cặp cửa khẩu quốc tế mới, vào khi tuyến đường sắt của TQ giáp Móng Cái đi vào hoạt động

    RFA
    31/12/2023

    Việt Nam- Trung Quốc thêm cặp cửa khẩu quốc tế mới, vào khi tuyến đường sắt của TQ giáp Móng Cái đi vào hoạt động

    Cặp cửa khẩu Trà Lĩnh- Long Bang trong ngày nâng cấp 28/12/2023 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngTTXVN 

    Cặp cửa khẩu Trà Lĩnh (Việt Nam)- Long Bang (Trung Quốc) vào ngày 28/12 được nâng cấp lên cửa khẩu quốc tế.

    Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Cao Bằng của Việt Nam phối hợp với Chính quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc tổ chức công bố nâng cấp cặp cửa khẩu Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc) thành cửa khẩu quốc tế để kết nối khu vực Tây Nam, Trung Quốc đến các nước Đông Nam Á.

    Trong diễn biến liên quan, trước đó vào ngày 27/12 tuyến đường sắt nối thành phố Phòng Thành Cảng tới thành phố Đông Hưng thuộc khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, giáp với thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam chính thức đi vào hoạt động.

    Đây là tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên nối của Trung Quốc chạy thẳng tới biên giới Việt - Trung. Tuyến đường sắt có chiều dài 47km, nối liền các thành phố Phòng Thành Cảng – nơi có cảng biển lớn nhất ở miền Tây Trung Quốc và là cửa ngõ giao thương chính của các quốc gia Đông Nam Á, với thành phố Đông Hưng.

    Thời gian di chuyển giữa hai thành phố được tính toán giảm từ 1 giờ xuống chỉ còn 19 phút. Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc qua cặp cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) cũng được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

    Việc khai trương tuyến đường sắt cao tốc diễn ra sau khi Trung Quốc và Việt Nam công bố hợp tác chặt chẽ hơn về phát triển đường sắt xuyên biên giới trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Việt Nam hồi đầu tháng này.

    Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới trên đất liền dài hơn 1.400 km.Trong 10 tháng năm 2023, kim ngạch thương mại qua các cửa khẩu biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 34,57 tỷ USD, tăng 87,3% so với cùng kỳ năm 2022.


    Không có nhận xét nào