Nguyễn Quốc Tấn Trung /Tạp chí Luật Khoa
23/10/2024
Ảnh gốc: Canva, pasca. Đồ họa: V.K / Luật Khoa.
Bắc Hàn - Nam Hàn. Bắc Việt - Nam Việt. Cùng là những quốc gia bị chia cắt trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh nhưng lại có hai số phận pháp lý rất khác nhau.
Quan hệ pháp lý giữa Nam Hàn (Đại Hàn Dân Quốc) và Bắc Hàn (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên), cũng như giữa Nam Việt (Việt Nam Cộng hòa) và Bắc Việt (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), đã phát triển qua các bối cảnh lịch sử và chính trị khác biệt. Bài viết này sẽ tập trung phân tích sự khác biệt chính về tư cách pháp lý của hai cặp thực thể chính trị này thông qua ba luận điểm chính.
1. Tư cách pháp lý của chính phủ Nam Hàn và Nam Việt: Tầm quan trọng của công nhận quốc tế
Một trong những sự khác biệt nổi bật giữa Nam Hàn và Nam Việt nằm ở việc có được các quốc gia trên thế giới công nhận hay không và nếu có thì công nhận như thế nào.
Tại Triều Tiên, sau khi Nhật Bản đầu hàng trong Thế chiến II, bán đảo này bị chia cắt thành hai khu vực chiếm đóng do Liên Xô và Hoa Kỳ kiểm soát. Tuy nhiên, khác với các xung đột khác trong Chiến tranh Lạnh, dự án thống nhất bán đảo Triều Tiên có sự tham gia chủ động của Liên Hiệp Quốc. Điều này được thể hiện rõ nhất thông qua Nghị quyết 112 (1947), với việc hình thành Ủy ban tạm thời của Liên Hiệp Quốc về vấn đề Triều Tiên (United Nations Temporary Commission on Korea - UNTCK). [1]
Một cuộc bầu cử dưới sự giám sát của UNTCK cũng được ấn định và diễn ra vào năm 1948. Điều thú vị đáng lưu ý là trong UNTCK lại có cả Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết Ukraina, lúc này còn là một nền cộng hòa thành viên của Liên Xô. Dĩ nhiên Liên Xô vẫn phản đối ủy ban. Các quốc gia còn lại của ủy ban bao gồm Australia, Canada, Trung Hoa Dân Quốc (tức Đài Loan ngày nay), El Salvador, Pháp, Ấn Độ (vừa độc lập khỏi Anh), Philippines, và Syria.
Tuy nhiên, việc Liên Xô không hợp tác với UNTCK dẫn đến một hệ lụy khác. Do các phái đoàn của Liên Hiệp Quốc không được phép vào các khu vực mà Liên Xô đang kiểm soát, các cuộc bầu cử địa phương ở miền Bắc không thể diễn ra như dự kiến. Cuộc tổng tuyển cử dù vậy vẫn được UNTCK xem là hợp lệ vì có trên ⅔ dân cư trên toàn bán đảo Triều Tiên tham gia bầu cử. Chính phủ của Nam Hàn sau đó được Liên Hợp Quốc công nhận là chính phủ hợp pháp của toàn bộ bán đảo Triều Tiên với Nghị quyết 195 vào năm 1948. [2]
Trong lúc đó, một nhà hoạt động tị nạn chính trị bên ngoài bán đảo Triều Tiên trong giai đoạn Nhật chiếm đóng - Kim Il-sung - cùng quân đội Liên Xô trở về miền Bắc, xây dựng lại lực lượng nhờ vào sự hỗ trợ của Liên Xô lẫn Trung Quốc và từ đó tự tuyên bố thành lập Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. [3]
Những diễn biến trên có nghĩa là tư cách pháp lý của Nam Hàn được củng cố thông qua một cuộc bầu cử có sự giám sát quốc tế và được Liên Hiệp Quốc chính thức công nhận. Chính điều này đã đặt Nam Hàn vào một vị thế mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế so với Bắc Hàn, ít nhất là trong những thập niên đầu tiên của cuộc xung đột.
Điều này cũng khiến Nam Hàn có vị trí pháp lý vượt trội so với chính quyền Sài Gòn: Việt Nam Cộng hòa không có được sự công nhận quốc tế rộng rãi như Nam Hàn. Sau khi Hiệp định Geneva 1954 được ký kết nhằm kết thúc cuộc chiến chống thực dân Pháp, Việt Nam bị chia cắt thành hai miền Bắc và Nam theo vĩ tuyến 17. Hiệp định này quy định rằng sau hai năm, một cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức để thống nhất đất nước. Tuy nhiên, cuộc tổng tuyển cử này đã không bao giờ diễn ra với các cáo buộc vi phạm đến từ cả hai phía, dẫn đến việc hình thành hai thực thể chính trị riêng biệt: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc và Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam. [4]
2. Cuộc chiến tranh do Bắc Hàn phát động: Vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc
Một yếu tố khác phân biệt mối quan hệ giữa Nam Hàn – Bắc Hàn và Nam Việt – Bắc Việt là cách cộng đồng quốc tế phản ứng với cuộc chiến tranh do miền Bắc phát động.
Chiến tranh Triều Tiên bắt đầu vào ngày 25/6/1950 khi Bắc Hàn xâm lược Nam Hàn. [5]
Ngay sau đó, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua Nghị quyết 82 (1950) (cũng như nhiều nghị quyết khác như Nghị quyết 83 và 84), lên án cuộc tấn công của Bắc Hàn là một hành động xâm lược, vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là nguyên tắc không can thiệp và cấm sử dụng vũ lực trừ khi có sự cho phép của Hội đồng Bảo an hoặc để tự vệ. [6]
Hội đồng Bảo an tiếp tục ra nghị quyết thành lập lực lượng quân sự quốc tế để bảo vệ Nam Hàn, trong đó, Hoa Kỳ đóng vai trò chủ đạo. Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc cũng ra các nghị quyết tương tự, củng cố lập trường cho rằng cuộc xâm lược của Bắc Hàn là bất hợp pháp và cần phải bị chặn đứng. [7]
Điểm lưu ý quan trọng là Hội đồng Bảo an có thể thông qua các nghị quyết mấu chốt này là bởi vì Liên Xô đang bận… tẩy chay, không tham dự các cuộc họp của Hội đồng Bảo an (và từ đó không thể dùng quyền phủ quyết). [8] Họ cho rằng chính phủ của Tưởng Giới Thạch không có tư cách đại diện cho Trung Quốc. Tuy nhiên, nhận ra sai lầm nghiêm trọng của mình, Liên Xô nhanh chóng quay trở lại nghị trường của Hội đồng Bảo an và chưa từng bỏ lỡ bất kỳ cuộc họp nào của Hội đồng kể từ đó.
Ngược lại, trong trường hợp của Nam Việt và Bắc Việt, không có sự đồng thuận quốc tế về vấn đề này. Cuộc chiến ở Việt Nam, bắt đầu sau khi chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hỗ trợ các phong trào kháng chiến ở miền Nam Việt Nam, không gặp phải bất kỳ trở ngại hay đánh giá pháp lý nào từ Liên Hiệp Quốc. Vì lý do này, các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc có các quan điểm khác nhau về tính hợp pháp của cuộc chiến, tùy thuộc vào vị trí chính trị của họ trong khối tư bản hay xã hội chủ nghĩa.
Cho đến ngày nay, hầu hết các quốc gia đều đồng thuận với mô tả lịch sử “kháng chiến chống Mỹ cứu nước” của nhà nước Việt Nam.
3. Hệ quả pháp lý lâu dài: Quan hệ quốc tế và thống nhất quốc gia
Cuối cùng, sự khác biệt về tư cách pháp lý trong công pháp quốc tế của Nam Hàn – Bắc Hàn và Nam Việt – Bắc Việt đã dẫn đến những hệ quả pháp lý và chính trị lâu dài khác nhau.
Tại bán đảo Triều Tiên, mặc dù cuộc chiến tranh đã kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến vào năm 1953, hai miền vẫn chưa ký kết một hiệp định hòa bình chính thức và về mặt pháp lý vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. [9]
Cả Nam Hàn và Bắc Hàn đều trở thành thành viên của Liên Hiệp Quốc vào năm 1991 sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc với nhiều kỳ vọng thống nhất nhanh chóng. [10] Chính quyền Nam Hàn, tuy nhiên, có vẻ chịu thiệt hơn khi họ từ bỏ phần nào tuyên bố đại diện hiệu quả cho toàn bộ bán đảo Triều Tiên (một điều mà Nghị quyết 195 của Đại hội đồng đã công nhận), và chỉ xác định phạm vi lãnh thổ của mình ở phía Nam của vĩ tuyến 38. Chính sách này thường được biết đến với tên gọi “Chính sách Ánh dương" (Sunshine Policy), tạo điều kiện cho các đối thoại thống nhất với Bắc Hàn. [11]
Trong khi đó, Việt Nam thống nhất khi chính quyền Bắc Việt giành chiến thắng quân sự cuối cùng vào năm 1975 và chính thức sáp nhập Nam Việt vào năm 1976. [12] Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra đời từ đó và trở thành quốc gia duy nhất đại diện cho Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc câu hỏi về tư cách pháp lý của Việt Nam Cộng hòa không còn nhiều ý nghĩa pháp lý nữa. Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thành công trong việc thiết lập lại một chính phủ duy nhất cho toàn bộ lãnh thổ, được quốc tế công nhận.
***
Sự khác biệt về tư cách pháp lý trong công pháp quốc tế giữa Nam Hàn – Bắc Hàn và Nam Việt – Bắc Việt phản ánh những điều kiện lịch sử, chính trị và pháp lý rất khác nhau. Nam Hàn có lợi thế khi được Liên Hiệp Quốc công nhận từ sớm thông qua một cuộc bầu cử có giám sát quốc tế, trong khi Nam Việt không có được sự công nhận tương tự do những điều khoản không rõ ràng trong Hiệp định Geneva. Cuộc chiến tranh do Bắc Hàn phát động bị Liên Hợp Quốc lên án là vi phạm Hiến chương, còn cuộc chiến tranh tại Việt Nam không có sự đồng thuận quốc tế rõ ràng.
Chú thích
UNGA Resolution 112, The problem of the independence of Korea A/RES/112(II)[B]
UNGA Resoltuion 195, The problem of the independence of Korea A/RES/195(III)
White, N. D. (2018). The Korean War 1950-1953. In T. Ruys, O. Corten, & A. Hofer (Eds.), The use of force in international law: a case-base approach. Oxford University Press
Watt, Alan. “The Geneva Agreements 1954 in Relation to Vietnam.” The Australian Quarterly, vol. 39, no. 2, 1967, pp. 7–23. JSTOR, https://doi.org/10.2307/20634125. Accessed 22 Oct. 2024.
Edwards, P. M. (2006). The Korean War (1st ed.). Greenwood Press. https://doi.org/10.5040/9798400676161
UNSC Resolution 82, Calling upon the North Korean authorities to withdraw their armed forces to the 38th parallel S/RES/82(1950)
White (trích dẫn số 3)
Character sketches: Andrei Gromyko by Brian Urquhart. (2019, February 19). UN News. https://news.un.org/en/spotlight/character-sketches-andrei-gromyko-brian-urquhart
70 years after the armistice, the Korean Peninsula still struggles for peace. (n.d.). United States Institute of Peace. https://www.usip.org/publications/2023/09/70-years-after-armistice-korean-peninsula-still-struggles-peace
Ministry of Foreign Affairs, Republic of Korea. (n.d.). Overview | UN Ministry of Foreign Affairs, Republic of Korea. https://www.mofa.go.kr/eng/wpge/m_5460/contents.do
Vi Yên. (2018, April 28). Chính sách Ánh Dương của Hàn Quốc: Khi Mặt Trời sáng rồi lại tắt | Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2018/04/chinh-sach-anh-duong-cua-han-quoc-khi-mat-troi-sang-roi-lai-tat
Pham Thanh. 48 năm một kỳ họp lịch sử của Quốc hội (Đảng Cộng Sản Việt Nam, 2024) https://dangcongsan.vn. https://dangcongsan.vn/tieu-diem/48-nam-mot-ky-hop-lich-su-cua-quoc-hoi-671360.html
https://www.luatkhoa.com/2024/10/trieu-tien-va-viet-nam-so-phan-phap-ly-khac-nhau-cua-hai-quoc-gia-bi-chia-cat/
Không có nhận xét nào