Header Ads

  • Breaking News

    Vấn đề Trung Quốc của Mỹ

    Nguồn: Daron Acemoglu and Simon Johnson, “America’s Real China Problem“, Project Syndicate, 6/11/2023.

    Biên dịch: Phong trào Duy Tân

    25/10/2024


    "... Vậy, làm thế nào để Mỹ đặt sự ổn định toàn cầu và quyền lợi của người lao động vào trung tâm của chính sách kinh tế quốc tế? Thứ nhất, các công ty Mỹ nên được khuyến khích không đặt các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất tại các nước như Trung Quốc. Cựu Tổng thống Jimmy Carter từng bị chế giễu vì nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân quyền trong chính sách đối ngoại của Mỹ, nhưng ông ấy đã đúng. Cách duy nhất để đạt được một trật tự thế giới ổn định hơn là đảm bảo rằng các quốc gia thực sự dân chủ được hưởng thịnh vượng..."



    US Ambassador to China Nicholas Burns and officials attend an event at the booth of the United States Department of Agriculture during the China International Import Expo (CIIE) in Shanghai, China, on November 6, 2023. — REUTERS


    Mặc dù ai cũng cho rằng các quốc gia đều sẽ được hưởng lợi khi tận dụng lợi thế so sánh của mình, nhưng lý thuyết kinh tế cổ điển này có thể gặp phải vấn đề khi được áp dụng một cách mù quáng vào thế giới thực. Trong trường hợp của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Mỹ đã không xem xét tại sao quốc gia này lại có được những thế mạnh như vậy.


    BOSTON – Thay vì giả định rằng việc gia tăng thương mại quốc tế luôn có lợi cho người lao động và an ninh quốc gia Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn đầu tư vào năng lực công nghiệp trong nước và củng cố quan hệ chuỗi cung ứng với các nước thân thiện. Nhưng dù sự thay đổi này đáng hoan nghênh, chính sách mới này có thể vẫn chưa đủ, đặc biệt khi nói đến việc giải quyết vấn đề mà Trung Quốc gây ra.


    Trạng thái hiện tại trong tám thập kỷ qua là không nhất quán. Trong khi Mỹ theo đuổi chính sách đối ngoại hung hăng – và đôi khi đầy toan tính – hỗ trợ các nhà độc tài và đôi khi can thiệp bằng các cuộc đảo chính do CIA hỗ trợ, nước này cũng đồng thời ủng hộ toàn cầu hóa, thương mại quốc tế và hội nhập kinh tế với mục đích mang lại thịnh vượng và làm cho thế giới trở nên thân thiện hơn với lợi ích của Mỹ.


    Giờ đây khi trạng thái này đã thực sự sụp đổ, các nhà hoạch định chính sách cần phải đưa ra một phương án thay thế rõ ràng. Để đạt được điều đó, hai nguyên tắc mới có thể làm nền tảng cho chính sách của Mỹ. Thứ nhất, thương mại quốc tế nên được cấu trúc theo cách khuyến khích một trật tự thế giới ổn định. Nếu việc mở rộng thương mại giúp chuyển nhiều tiền hơn vào tay những kẻ cực đoan tôn giáo hoặc các chế độ độc tài hiếu chiến, sự ổn định toàn cầu và lợi ích của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng. Cũng như Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã từng nói vào năm 1936, “chế độ độc tài đe doạ hòa bình thế giới.”.


    Thứ hai, việc chỉ kêu gọi những “lợi ích của thương mại” mang tính trừu tượng là không đủ. Người lao động Mỹ cần nhìn thấy lợi ích cụ thể. Bất kỳ thỏa thuận thương mại nào làm suy giảm đáng kể số lượng và chất lượng việc làm cho tầng lớp trung lưu Mỹ đều là xấu cho quốc gia và nhân dân, và rất có thể sẽ dẫn đến phản ứng chính trị.


    Trong lịch sử, đã có những ví dụ quan trọng về việc mở rộng thương mại đem lại cả những mối quan hệ quốc tế hòa bình và thịnh vượng chung. Sự tiến triển đạt được từ hợp tác kinh tế Pháp – Đức sau Chiến tranh Thế giới thứ II đến Thị trường Chung Châu Âu và sau đó là Liên minh Châu Âu là một minh chứng. ‘Sau nhiều thế kỷ chiến tranh đẫm máu, Châu Âu đã có tám thập kỷ hòa bình và thịnh vượng ngày càng tăng, dù đôi lúc có trục trặc. Người lao động Châu Âu hưởng lợi nhiều từ điều này.


    Tuy nhiên, Mỹ có lý do khác khi áp dụng phương châm “thương mại nhiều hơn nữa” trong và sau Chiến tranh Lạnh: nhằm đảm bảo lợi nhuận dễ dàng cho các công ty Mỹ, giúp họ kiếm tiền thông qua chênh lệch thuế và bằng cách chuyển một phần chuỗi sản xuất sang các quốc gia có chi phí lao động thấp.


    Việc khai thác lao động giá rẻ có vẻ phù hợp với “luật lợi thế so sánh” nổi tiếng của nhà kinh tế học David Ricardo vào thế kỷ XIX, khi ông cho rằng nếu mỗi quốc gia chuyên môn hóa vào những gì mình làm tốt, thì một cách trung bình, mọi người sẽ được hưởng lợi. Nhưng vấn đề nảy sinh khi lý thuyết này được áp dụng một cách mù quáng vào thế giới thực.


    Đúng là với chi phí lao động thấp hơn của Trung Quốc, luật của Ricardo cho thấy Trung Quốc nên chuyên sản xuất hàng hóa thâm dụng lao động và xuất khẩu chúng sang Mỹ. Nhưng cần phải hỏi rằng lợi thế so sánh đó đến từ đâu, ai được lợi từ nó, và các thỏa thuận thương mại đó có ý nghĩa gì cho tương lai.


    Câu trả lời, trong mỗi trường hợp, đều liên quan đến các thể chế. Ai có quyền sở hữu an toàn và được bảo vệ trước pháp luật, và quyền con người của ai có thể hoặc không thể bị chà đạp?

    Lý do mà khu vực miền Nam của Hoa Kỳ cung cấp bông cho thế giới vào những năm 1800 không chỉ là vì điều kiện nông nghiệp tốt và “lao động giá rẻ”. Chính chế độ nô lệ đã tạo ra lợi thế so sánh cho miền Nam. Nhưng thỏa thuận này mang lại hệ lụy nghiêm trọng. Chủ nô miền Nam có được quyền lực đến mức có thể gây ra cuộc xung đột đẫm máu nhất của thời hiện đại, cuộc Nội chiến Mỹ.


    Điều này cũng tương tự với dầu mỏ ngày nay. Nga, Iran và Ả Rập Xê Út có lợi thế so sánh trong sản xuất dầu mỏ, và các quốc gia công nghiệp hóa trả họ rất hậu hĩnh. Nhưng các thể chế đàn áp của họ đảm bảo rằng người dân của họ không được hưởng lợi từ sự giàu có do tài nguyên, và họ ngày càng sử dụng lợi ích từ lợi thế so sánh của mình để gây bất ổn toàn cầu.


    Trung Quốc có thể trông khác ở bề ngoài, vì mô hình xuất khẩu của nước này đã giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo và tạo ra một tầng lớp trung lưu khổng lồ. Nhưng Trung Quốc có được “lợi thế so sánh” trong sản xuất là nhờ vào các thể chế đàn áp. Người lao động Trung Quốc có rất ít quyền và thường phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm, và nhà nước dựa vào trợ cấp và tín dụng giá rẻ để duy trì các doanh nghiệp xuất khẩu của mình.


    Đây không phải là lợi thế so sánh mà Ricardo hình dung. Thay vì cuối cùng đem lại lợi ích cho tất cả mọi người, các chính sách của Trung Quốc đã gây thiệt hại cho người lao động Mỹ, những người đã mất việc làm nhanh chóng khi đối mặt với làn sóng hàng nhập khẩu không kiểm soát từ Trung Quốc vào thị trường Mỹ, đặc biệt là sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001. Khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển, Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể đầu tư vào một hệ thống công nghệ đàn áp phức tạp hơn.


    Hướng đi của Trung Quốc không báo hiệu điều tốt lành cho tương lai. Nước này có thể chưa là một quốc gia bị khinh rẻ, nhưng sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc đe dọa đến sự ổn định toàn cầu và lợi ích của Mỹ. Trái ngược với những gì một số nhà khoa học xã hội và nhà hoạch định chính sách tin tưởng, tăng trưởng kinh tế không làm cho Trung Quốc trở nên dân chủ hơn (hai thế kỷ lịch sử cho thấy rằng tăng trưởng dựa trên khai thác và bóc lột hiếm khi mang lại điều đó).


    Vậy, làm thế nào để Mỹ đặt sự ổn định toàn cầu và quyền lợi của người lao động vào trung tâm của chính sách kinh tế quốc tế? Thứ nhất, các công ty Mỹ nên được khuyến khích không đặt các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất tại các nước như Trung Quốc. Cựu Tổng thống Jimmy Carter từng bị chế giễu vì nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân quyền trong chính sách đối ngoại của Mỹ, nhưng ông ấy đã đúng. Cách duy nhất để đạt được một trật tự thế giới ổn định hơn là đảm bảo rằng các quốc gia thực sự dân chủ được hưởng thịnh vượng.


    Các ông chủ doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận không phải là những người duy nhất có lỗi. Chính sách đối ngoại của Mỹ từ lâu đã đầy rẫy những mâu thuẫn, với việc CIA thường phá hoại các chế độ dân chủ không cùng đường lối với lợi ích quốc gia hoặc lợi ích doanh nghiệp của Hoa Kỳ. Việc phát triển một cách tiếp cận có tính nguyên tắc hơn là điều cần thiết. Nếu không, những tuyên bố của Mỹ về việc bảo vệ dân chủ hoặc nhân quyền sẽ tiếp tục chỉ là những lời hô hào vô nghĩa.


    Thứ hai, chúng ta phải thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon, đây là cách duy nhất để làm suy yếu các quốc gia dầu mỏ lạc hậu (nó cũng tốt cho việc tạo ra việc làm ở Mỹ). Nhưng chúng ta cũng phải tránh bất cứ sự phụ thuộc mới nào vào Trung Quốc trong việc xử lý các khoáng sản thiết yếu hoặc các nguyên liệu đầu vào quan trọng cho nền kinh tế xanh. May mắn thay, có rất nhiều quốc gia khác có thể cung cấp một cách ổn định những thứ này, bao gồm Canada, Mexico, Ấn Độ và Việt Nam.


    Cuối cùng, chính sách công nghệ phải trở thành một thành phần chính của quan hệ kinh tế quốc tế. Nếu Mỹ ủng hộ sự phát triển của các công nghệ có lợi cho vốn chứ không phải cho lao động (thông qua tự động hóa, chuyển giao sản xuất ra bên ngoài (offshoring) và chênh lệch thuế quốc tế), chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong trạng thái cân bằng xấu của nửa thế kỷ qua. 


    Nhưng nếu chúng ta đầu tư vào các công nghệ có lợi cho người lao động nhằm giúp nâng cao kỹ năng và năng suất, chúng ta sẽ có cơ hội làm cho lý thuyết của Ricardo hoạt động như ý.


    Biên dịch: Phong trào Duy Tân


    Không có nhận xét nào