Ts. Phạm Đình Bá lược dịch
13/3/2025
Ở bên trời Tây, cụm từ "khói, gương và sự thật" ("smoke, mirror and the truth") ám chỉ tình huống mà sự thật bị che giấu hoặc bóp méo một cách cố ý thông qua các thủ thuật đánh lạc hướng, gây hiểu nhầm hoặc tạo ảo giác. Cụm từ "khói và gương" bắt nguồn từ giới ảo thuật, nơi các nhà ảo thuật dùng khói để che giấu chuyển động và gương để tạo ra những ảo ảnh nhằm khiến màn trình diễn trở nên bí ẩn và hấp dẫn hơn.
Khi sử dụng trong ngữ cảnh đời sống, cụm từ này có nghĩa là một điều gì đó nhìn bề ngoài có vẻ đáng tin cậy, ấn tượng hoặc chân thật nhưng thực chất lại là sự lừa dối hoặc gây hiểu lầm. Việc thêm vào cụm từ "sự thật" ("the truth") nhằm nhấn mạnh sự tương phản giữa ảo tưởng và thực tế, cho thấy dù có cố gắng che đậy hay đánh lạc hướng ("khói và gương"), thì cuối cùng sự thật vẫn luôn tồn tại và sẽ được hé lộ.
Bạn tôi nhờ ghi lại các bài trên mạng về sự thật trong cố gắng giữ đất canh tác qua nhiều đời trên cánh Đồng Sênh ở thôn Hoành của dân Đồng Tâm. Nhờ đó, tôi hiểu hơn về vụ tấn công Đồng Tâm vào đầu năm 2020 của ông Tô Lâm.
Bài học 1. Một xã hội dân sự hình thành và lớn mạnh từ người dân ở mức thu nhập thấp trong xã hội
Tổ Đồng Thuận hình thành với sự tham gia của những nông dân thật thà và một vài người đứng lên lãnh trọng trách làm đầu tàu vì hoàn cảnh, công việc và vì những người khác kém năng lực hơn họ cần họ. Đây là một tổ chức dân sự tự phát. Vào đỉnh điểm tổ Đồng Thuận có đến khoảng bốn nghìn dân rào làng kháng chiến.
Tại Đồng Tâm, những tập tục của làng quê là rất rõ nét, như mến khách, trẻ kính già, anh em, gia đình, dòng tộc, có tôn ty, trật tự, và tình làng nghĩa xóm. Năm 2023, bà Nguyễn Thị Lan kể: “Năm đầu tiên bị bãi chức Bí thư Đảng uỷ của Hội đồng xã (do không a dua với bọn tham nhũng) dân đến chúc tết rất đông, đi chợ mua hàng bà con một mực không lấy tiền khó xử quá”.
Hầu hết dân Đồng Tâm tôn trọng sự thật. Nhiều người làm nghề buôn bán không liên quan đến Đồng Sênh nhưng vì lòng tự trọng, tình làng nghĩa xóm vẫn luôn sát cánh với bà con. Đặc biệt dân làng nhất nhất tuân theo lời khuyên bảo của cụ Lê Đình Kình và những cao niên có uy tín trong làng. Vào thứ 6 hàng tuần dân họp để nghe các cụ nói về tình hình, củng cố quyết tâm giữ đất, không vi phạm pháp luật.
Tổ Đồng Thuận dưới sự dẫn dắt của cụ Kình làm việc với vài nguyên tắc chính. Dân Đồng Tâm dứt khoát loại bỏ sử dụng vũ lực. Cụ nói:
“Vũ lực chỉ sử dụng với kẻ thù khi không còn con đường nào khác. Tuyệt đối không bao giờ dùng vũ lực để chống lại nhân dân. Bạo lực sẽ đẻ ra bạo lực, đó là quy luật và hậu quả tất yếu!”
Họ chủ trương rằng con đường pháp lý bao giờ cũng tốt hơn bạo lực. Song không nên đặt nó lên hàng đầu. Ta chỉ nên dùng đến kiện cáo một khi các phương thức đối thoại, hòa giải thất bại. Họ cho rằng phải đối thoại, hòa giải. Mọi mâu thuẫn và bất ổn đều có thể được hóa giái thông qua đối thoại và hòa giải. Trong đối thoại phải thực tâm và nghiêm túc thực thi những điều đã thỏa thuận.
Từ cuối năm 2017, tại làng này ngoài đội ngũ công an rất đông, mỗi khi có sự kiện gì là lại xuất hiện hàng nghìn cảnh sát, an ninh “chìm, nổi”như sẵn sàng “làm cỏ” dân làng. Ngược lại, dân làng tự tổ chức canh phòng bất trắc. Nhà cụ Kình có thanh niên canh giữ phòng kẻ gian thủ tiêu cụ. Thời gian cụ Kình bị bắt giam và điều trị tại Hà Nội, ông Bùi Viết Hiểu và các cụ ở nhà thay thế cụ Kình một cách xuất sắc.
Ngày 21/4/2018, nhóm thân hữu do cựu đại tá an ninh Nguyễn Đăng Quang, nhà thơ nhà giáo Hoàng Hưng, nhà văn Nguyễn Nguyên Bình, TS Nguyễn Quang A, ThS Đào Tiến Thi và nhiều người khác về thăm Đồng Tâm. Nhóm nầy bị hàng trăm công an, dân phòng, và bọn “đầu gấu” lấy cớ tai nạn giao thông bao vây, cản trở và khủng bố. Nhưng nhờ sự đùm bọc của dân làng mà mọi mưu ma chước quỷ của bọn bất lương đã thất bại thảm hại.
Cụ Kình là biểu tượng của lối sống “lấy trí nhân thay cường bạo”. Dù bọn tham nhũng dùng mọi thủ đoạn, hành vi trái pháp luật, côn đồ, lừa đánh cụ trọng thương, dùng loa đài, tờ rơi vu cáo bì ổi cụ, đêm đêm xe quần thảo rú ga, hú còi ghê rợn để khủng bố dân, nhưng khi chủ tịch Nguyễn Đức Chung Hà Nội về địa phương bà con đã tiếp đón trọng thị, vẫn có hoa dành cho ông Chung.
Dân làng không thấy ai nói câu gì miệt thị, oán thù về những kẻ rắp tâm cướp bóc, làm hại họ. Cụ Kình vẫn luôn gọi Chủ tịch HN là “ông” và giới thiệu “cái xe lăn này do ông Chung tặng” dù cụ cũng như dân biết ý nghĩa của “lòng tốt” đó.
Trong các cuộc họp, bà con luôn có băng rôn nhắc nhở nhau tin tưởng đường lối Đảng Cộng sản và “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” - một cộng đồng như thế thì khó có thế lực nào bắt nạt được họ.
Bài học 2. Mạng xã hội là phương tiện kết nối gần xa và bên ngoài
Mọi diễn biến của cuộc đấu tranh được dân đưa lên mạng xã hội nhờ đó mà dân khắp nơi hiểu được những gì đang diễn ra tại đây. Nhiều blogger và nhà báo nhờ những tin tức trên mạng mà biết sự kiện ở làng rồi về đó chứng kiến, điều tra và viết bài khẳng định sự thật cung cấp thêm thông tin cho mọi người. Từ đó, dư luận thấy được sự phải, trái trong cuộc đấu tranh và dân Đồng Tâm nhận được sự ủng hộ lớn của dân trong nước.
Kiều bào ở nước ngoài và các cơ quan bảo vệ nhân quyền quốc tế để họ vững tâm hơn trong cuộc đấu tranh. Riêng bọn tham nhũng dù nắm trong tay mọi sức mạnh nhưng khi bị vạch trần sai trái cũng phải có chút chùn tay, bọn bồi bút cho tham nhũng cũng không mạnh miệng cổ suý cho chủ nữa.
Tháng 9/2017, trước những động thái của chính quyền chứa đựng đầy bất lợi cho người dân Đồng Tâm, họ đã liên kết với nhà hoạt động vì quyền đất đai Trịnh Bá Phương ở Dương Nội, Hà Nội. Họ và ông Phương dự định tiếp xúc với đại sứ các quốc gia dân chủ để cung cấp thông tin về những bất công trong lĩnh vực đất đai. Trong nỗ lực đó, họ dự kiến gặp tham tán chính trị đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội vào ngày 25/8/2017, nhưng đã bị công an ngăn cản. [1]
Ở “biến cố Đồng Tâm” một lần nữa cho thấy, đội ngũ những người nhà báo chính thống và đại bộ phận nhân dân chẳng khác gì những đứa trẻ lên ba, hoang mang, ngơ ngác trước vô số thông tin không được kiểm chứng từ các trang mạng điện tử “lề trái”. Nhưng cũng rất may và an ủi là ngay trong lúc “dầu sôi lửa bỏng” vẫn còn số ít các nhà báo có lương tri và lòng dũng cảm.
Tiêu biểu phải kể đến cá nhân nhà báo Bảo Hà với bài tường viết nhan đề “Đối thoại ở thôn Hoành”. Tuy vậy, công bằng và chân thành mà nói, ở đây cần phải ghi nhận và cảm ơn cả êkip của Báo điện tử Vnexpress, đặc biệt là những người phụ trách chuyên mục “Góc nhìn” của báo này. Vì nếu không có sự “hà hơi”, “tiếp sức” của họ thì chưa chắc bài báo kia được phép “xuất xưởng”. Bên cạnh đó, nếu không có sự lên tiếng kịp thời với tinh thân khách quan và đầy trách nhiệm của một vài người (lâu nay bị xem là phần tử “có vấn đề”) trên trang cá nhân của họ thì cũng chưa biết chuyện gì đã xảy ra. [2]
“Câu chuyện tôi lắng nghe sau đó không như những gì bên ngoài đang run sợ. Họ khẳng định không tưới xăng lên người cảnh sát. Họ còn cử riêng một gia đình hàng ngày nấu cơm cho các cán bộ ăn, dẫn cán bộ đi vệ sinh, tắm rửa.” [3]
Bài học 3. Khi nhận lệnh xâm hại dân vô tội, đảng viên và an ninh được huấn luyện bài bảng nhất lựa chọn đứng với dân thay vì đàn áp họ
Có một điều ít ai biết ở vụ Đồng Tâm là tại sao 38 cảnh sát cơ động vũ trang đến tận răng nhưng lại bị những dân làng hầu hết đàn bà trẻ con, cụ già gồng gánh, nón áo “bắt giam” ở Nhà Văn hoá như vậy. Trong các bản tường trình trước khi được thả, nhiều anh em cảnh sát đã kể rằng họ biết công việc họ sắp phải làm là bất chính, và họ “không muốn đi trấn áp dân để làm giàu cho đại gia, quan chức!”.
Những người “bị bắt giam” khi ra về lại vái chào lưu luyến những “kẻ” bắt họ. Bà con kể “mấy cháu vẫn gọi điện về chúc tết, hỏi thăm, cảm ơn bà con”. Thái độ của những cảnh sát cơ động nầy góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh ôn hoà của dân Đồng Tâm.
Thời gian dân bắt giữ 38 cảnh sát cơ động, dân đối xử với anh em rất tử tế. Là lực lượng được phái về để trấn áp mình nhưng bà con chăm bẵm các cán bộ như con em trong nhà. Dù nghèo khó nhưng bà con kẻ ít, người nhiều đóng góp để trang trải cho anh em ba bữa ăn 70.000 đ/ngày, sắm áo quần, nhu yếu phẩm, tắm giặt, không ai có lời nói, hành vi thù oán.
Gặp nhóm của thầy Nguyễn Đình Cống vào mùng 5 tết Mậu Tuất 2018, nhiều bà con vẫn còn “lo các chú bị kỷ luật vì khi ra về đã lưu luyến vái tạ dân trước mắt cán bộ to”. Hình ảnh những người bị bắt bái tạ bà con và những lời từ biệt, cảm ơn trong các bản tường trình trước khi ra về đã bác bỏ hoàn toàn những kẻ nói bà con “bắt giữ” người trái pháp luật. Hôm xe của nhóm thầy Cống đỗ trước cổng nhà cụ Kình có viên an ninh lén lút chụp ảnh biển số xe, bà con hàng xóm cười nhắc: “Chụp thoải mái nhưng đừng đón đường dở trò bỉ ổi với khách của làng chúng tôi đấy nhé”. Viên an ninh cúi mặt lủi đi.
Bài học 4. Tổ Đồng Thuận chọn cách đối thoại và hòa giải để giải quyết xung đột
Tổ Đồng Thuận thể hiện thái độ ôn hòa, thiện chí và tôn trọng pháp luật trong suốt quá trình đấu tranh. Tổ nầy mong muốn giải quyết xung đột thông qua đối thoại và hòa giải, không sử dụng bạo lực. Họ đã gửi tâm thư đến Trung ương Đảng và Quốc hội để bày tỏ nguyện vọng. Cụ đã gửi thư đến Ủy ban Tư pháp Quốc hội để yêu cầu làm rõ sự việc. Tổ Đồng Thuận sẵn sàng bàn giao 59 ha đất ở cánh đồng Sênh cho nhà nước sử dụng, với điều kiện có sự thỏa thuận và bồi thường thỏa đáng. Họ mong muốn chính quyền hồi đáp đơn thư và giải quyết nguyên nhân gốc rễ của cuộc tranh chấp ở cánh Đồng Sên.
Trong thư cụ Lê Đình Kình gửi Uỷ ban Tư pháp và bà Chủ nhiệm Quốc hội Lê Thị Nga, cụ viết “Phòng họp Diên Hồng là nơi thiêng liêng không chỉ của Quốc hội, mà nơi đây còn là biểu tượng cho tinh thần trung dũng của đất nước và dân tộc Việt Nam, là nơi chỉ được phép nói những lời cương trực và trung nghĩa! Trắng trợn phủ nhận sự thực, độc địa đổ tội cho dân lành, Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an Hà Nội Đào Thanh Hải đã làm ô uế nơi thiêng liêng này, do vậy hoàn toàn không xứng đáng làm ĐBQH và không nên xuất hiện trở lại ở phòng họp này thêm lần nào nữa! Nếu Thiếu tướng ĐBQH Đào Thanh Hải có đủ bằng chứng xác định con cháu tôi phạm tội như ông đã khẳng định, với danh nghĩa cá nhân, và đồng thời thay mặt cho đại gia đình, tôi trịnh trọng yêu cầu ông Hải, trên tinh thần thượng tôn pháp luật và với trách nhiệm Phó Giám đốc CA Hà Nội, phải khởi tố hình sự những thủ phạm đã gây thương tích suốt đời cho tôi, cho dù chúng là con đẻ hay cháu ruột tôi!”
Ngày 22/4/2017, đích thân chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung về Đồng Tâm đối thoại với dân và cam kết “không truy cứu trách nhiệm hình sự trong biến cố ngày 15/4”, 19 cán bộ, cảnh sát cơ động cuối cùng được rời khỏi nhà cộng đồng thôn Hoành. Họ cúi đầu thi lễ chào giã biệt dân Đồng Tâm. Ít ngày sau, Công an Hà Nội nuốt lời chủ tịch, ra lệnh khởi tố vụ án chống người thi hành công vụ. Cục hình sự Bộ QP ra lệnh khởi tổ vụ án tranh chấp đất quốc phòng. Tranh cãi râm ran toàn xã hội đến tận Quốc hội. Dân làng Đồng Tâm ra kháng thư viết bằng máu tuyên bố đổi mạng sống giữ đất đai. Lực lượng chức năng không dám về làng bắt người. Công an Hà Nội gửi thư kêu gọi đầu thú.
Ngày 22/4/2017, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội, đã ký "Cam kết 3 điểm" với người dân Đồng Tâm để giải thoát 38 cán bộ bị bắt làm "con tin". Người dân Đồng Tâm tiết lộ thông tin về việc huy động lực lượng vũ trang lớn trong sự kiện năm 2017, gây lo ngại về việc sử dụng quân đội chống lại dân thường. Cụ Lê Đình Kình, thủ lĩnh tinh thần của Đồng Tâm, nhận định việc ông Chung ký cam kết phải có sự chỉ đạo từ cấp cao hơn. Cụ Lê Đình Kình đưa ra 3 kiến nghị với Trung ương, bao gồm việc gặp gỡ đại diện dân Đồng Tâm, kiểm tra việc ép buộc xác nhận đất, và điều tra về hợp đồng giữa Hà Nội và Viettel.
Bài học Đồng Tâm
Những dữ liệu trên mạng về biến cố Đồng Tâm đang bị tùy tùng của ông Tô Lâm truy lùng và hủy bỏ. Số bài cũ của các báo không bị kiểm duyệt như BBC, VOA, RFA cũng khó tiếp cận theo thời gian vì nhiều bài mới đăng ngay trên các URL của các bài cũ. Một nguồn ngoại lệ với nhiều bài lưu trữ rất hay về Đồng Tâm là trang Bauxit Việt Nam.
Những bài học tóm tắt ở trên đề cập đến cuộc đấu tranh giữ đất của người dân Đồng Tâm tại cánh đồng Sênh. Tổ Đồng Thuận, dưới sự dẫn dắt của cụ Lê Đình Kình, đã chọn giải pháp đối thoại và hòa giải, kiên quyết không sử dụng bạo lực. Họ thể hiện rõ thái độ ôn hòa, thiện chí, tôn trọng pháp luật, sẵn sàng bàn giao đất nếu có thỏa thuận minh bạch và bồi thường thỏa đáng. Dân làng luôn đoàn kết, tuân thủ pháp luật và tin tưởng vào sự thật. Các cảnh sát cơ động từng bị dân giữ lại được đối xử tử tế, thể hiện tinh thần nhân văn của người dân. Mạng xã hội đóng vai trò quan trọng giúp lan tỏa thông tin và nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ dư luận trong và ngoài nước. Qua đó, bài học lớn nhất là sức mạnh của sự thật, tình đoàn kết cộng đồng và giá trị của đối thoại hòa bình trong giải quyết xung đột xã hội.
Nguồn:
1. VOA. Dân Đồng Tâm 'quyết chiến' nếu công an cố bắt người. 25/08/2017; Available from: https://www.voatiengviet.com/a/dan-dong-tam-quyet-chien-neu-cong-an-co-bat-nguoi/4000537.html.
2. Nguyễn Trọng Bình. “Biệt lệ Đồng Tâm”, “Điển hình Đinh La Thăng” và một số vấn đề có liên quan khác. 15/5/2017; Available from: https://www.viet-studies.com/kinhte/NTrongBinh_DongTamDinhLaThang.htm.
3. Bảo Hà. VNE - Đối thoại ở thôn Hoành. 19/4/2017; Available from: https://xuandienhannom.blogspot.com/2017/04/oi-thoai-o-thon-hoanh-iem-nong-ong-tam.html.
Không có nhận xét nào