Việt Bào Phạm Văn Bản
13/3/2025
Sách dầy 280 trang in ấn vào năm 4902 Việt Lịch (2023) với một nghìn câu thơ lục bát. Dâng hương phát hành sách Tạ Ơn Tổ và Hồn Thiêng Sông Núi, với bốn cọng nhang như biểu tượng con người Tiên Rồng gồm có Thân Trí Tâm Tuệ (Thân lực sinh động, Trí năng tinh biến, Tâm tình thông hiệp, Tuệ linh vĩnh cửu) chớ không phải ba cây nhang của Tàu (Thiên Địa Nhân)
Học Thuyết Tiên Rồng là tinh hoa nền tảng của Văn Hóa Việt Nam, được Tổ Tiên trang trọng đúc kết thành Biểu Tượng Tiên Rồng, lưu truyền trong lòng Dân Tộc từ thời Hùng Vương Dựng Nước. Theo sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của sử gia Ngô Sĩ Liên viết vào năm 1479, thì dân tộc Việt Nam được Mở Nước vào năm Nhâm Tuất, tức là năm 2879 trước Công Nguyên. Năm 2879 này cũng là năm thứ nhất của Việt Lịch, và tính theo niên hiệu này dân tộc ta tới nay đã có (2879 + 2025 = 4904 năm) mà chúng ta thường nhắc nhớ nhau là đã có hơn bốn ngàn năm văn hiến.
Cũng từ ngày Mở Nước, Dân Tộc Việt Nam chúng ta được gọi là dòng giống Tiên Rồng, và Con Cháu Tiên Rồng căn cứ vào nguồn gốc Mẹ Tiên Cha Rồng song Hiệp để sinh ra Một Bọc Trăm Con mà chúng ta gọi nhau là Đồng Bào, và từ đây mà cảm thấy mình khác biệt hay trổi vượt hơn các dân tộc khác, ví dụ điển hình là chúng ta khác biệt với người Hoa (người Hán hay người Tàu) mà chúng ta ít thấy bài vở xa xưa nào nhắc tới, cũng như nói rõ về truyền thuyết Việt, hoặc có sách vở nhưng đã bị giặc thiêu huỷ mất chăng!
Và nhìn lại trong suốt giòng lịch sử, Học Thuyết Tiên Rồng trở thành nền tảng tâm linh sâu vững nhất trong tư tưởng, trong huyết quản, trong đời sống và trong sinh hoạt của mọi người Việt Nam chúng ta, như qua danh xưng “Đồng Bào” và là anh em ruột thịt với nhau và được sinh ra từ “Bọc Mẹ Trăm Con” của Mẹ Tiên Cha Rồng, sinh ra cùng một lần, cùng một lúc và cùng trong một cái bọc, một là trăm và trăm là một! Và từ nguyên lý Tiên Rồng Song Hiệp chúng ta phát sinh ra hai nguyên lý siêu việt của con người là Thân Thương Tột Cùng và Bình Đẳng Tột Cùng trong đời sống Xã Hội Đồng Bào!
Học Thuyết Tiên Rồng thì hoàn toàn khác biệt với cái gọi là Tứ Thư Ngũ Kinh, Cửa Khổng Sân Trình, hay chữ Hán Nho trong kinh sách của người Trung Quốc. Điển hình như Kinh Dịch khai triển theo khái niệm Âm Dương, hay Tam Tài Thiên – Địa – Nhân (Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhân Hoàng), đó là những ý niệm trừu tượng và là thành quả của óc suy luận thuần túy về Vật Chất vô tri vô giác, chớ chẳng phải “chỉ thấy con người, và chỉ lấy con người làm tiêu chuẩn căn băn nền tảng trong nhận diện hay định nghĩa như trong Học Thuyết Tiên Rồng.
Học Thuyết Tiên Rồng của Tổ Tiên chúng ta lại đặt căn cứ trên Biểu Tượng Tiên Rồng về Con Người – đó là kết tinh của nhận thức hiện thực làm nền tảng cho con người, là mọi người và mỗi Người đều được tạo thành do Mẹ Tiên Cha Rồng phối hiệp. Tất cả cùng được sinh ra một lần, một lúc trong Một Bọc Trăm Con mà chúng ta tự xưng mình là đồng bào – đồng có nghĩa là cùng, bào là cái bọc, tức là anh em ruột thịt trong cả nhà, cả nước.
Theo giòng thời gian và theo đà xác tín quý trọng của toàn dân, chữ Tiên Rồng trở thành biểu hiệu cho Hai Vị Tộc Tổ, khai sinh ra dòng giống dân Việt vào khởi đầu lịch sử nhân loại. Bởi thế mà ngày nay mọi người Việt Nam chúng ta hãnh diện và xưng mình là Con Cháu Tiên Rồng.
Học Thuyết Tiên Rồng cũng không xuất phát từ chủ nghĩa, chủ thuyết, triết thuyết hay nền tảng học thuyết của bất cứ tôn giáo nào, mà được Tổ Tiên nhận diện đúng thực Con Người và Cộng Đồng Xã Hội, qua sinh hoạt và tâm tư bộc lộ cũng như thể hiện nếp sống văn minh văn hóa trong một xã hội anh em, Xã Hội Đồng Bào, xã hội của con người và làm người một cách đích thực.
Điểm khác biệt trong Lịch Sử Việt là Tổ Tiên truyền khẩu, truyền miệng, truyền cho nhau ghi nhớ Biểu Tượng Tiên Rồng ròng rã hàng bao nhiêu đời con cháu, từ đời này qua đời khác, làm nổi bật đặc tính sinh hoạt sống động hiện thực trong nếp sống của toàn thể Dân Tộc Việt, được gọi là Văn Hóa Việt.
Theo cách lưu truyền của Tổ Tiên, thì văn từ hay tư tưởng thường bị bóp méo, bị hiểu lệch lạc ý nghĩa tùy theo mưu đồ hay theo bạo lực của chế độ hiện hành, hoặc theo thời gian mà bị lợi dụng, bị sửa đổi nội dung ngôn từ, đang khi biểu tượng thì mang tải đúng ý nghĩa, trước sau vẫn thế.
Học Thuyết Tiên Rồng ngày nay đang được anh em trong tổ chức Hoa Tiên Rồng phục hưng, khai sáng, đúc kết và phục hoạt nhằm mục đích Giúp Dân Cứu Nước và Dựng Nước.
Bởi thế mà giờ đây anh em chúng ta đang trao chìa khóa cánh cửa tâm tư cho nhau, để cùng nhau bước vào và mở rộng cửa kho tàng Văn Hóa Việt. Chúng ta cùng nhau tìm lại những báu vật là Gia Tài Tổ Tiên để lại, đang dành cho những ai tự xưng mình là Con Cháu Tiên Rồng, thì nhận lãnh quà tặng!
Học Thuyết Tiên Rồng chẳng những trung thực, mà còn thích hợp, thích nghi với hiện cảnh sống cho mọi người, mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính trong thời đại văn minh Tín Nghiệp của thế kỷ 21 nhân loại ngày nay.
Vì Học Thuyết Tiên Rồng luôn mở rộng cửa đón nhận tất cả những gía trị, tinh hoa tư tưởng trong đời sống nhân sinh, khai triển nếp sống con người, là Đạo Sống Việt trong Xã Hội Đồng Bào, xã hội thân thương và bình đẳng, xã hội anh em từ một Bọc Mẹ Trăm Con của Truyền Thuyết Tiên Rồng.
Chín truyện tích được lưu truyền trong Toàn Dân Việt từ đời này qua đời khác lại cưu mang những đặc điểm làm nổi bật biểu tượng Tiên Rồng, tức là có hai nhóm đặc tính Tiên và Rồng được nhận diện nơi Con Người và Cuộc Sống, kế đến là phần cốt truyện lại nhắc tới thời đại của các Vua Hùng Dựng Nước.
Dù rằng trong chín câu truyện ấy ẩn chứa nhiều tình tiết dị biệt ly kỳ, nhưng vẫn được Tổ Tiên Ông Bà lưu truyền nguyên vẹn tinh ròng cho chúng ta tới thời nay. Và bổn phận trách nhiệm của chúng ta là tìm hiểu, khám phá kho tàng Văn Hóa Việt để tìm lại những báu vật gia tài Dân Nước, bởi thế mà có nhóm anh em Hoa Tiên Rồng ra đời, nhằm mục đích Giúp Nhau Cứu Nước, tổ chức tương quan lực lượng và lãnh đạo đấu tranh chính trị chống lại các loại giặc nước.
Mỗi truyện tích của Học Thuyết Tiên Rồng lại được nhắc nhớ bằng những biểu hiệu tôn quý trong các dịp Lễ Tết của Dân Tộc Việt Nam. Tất cả đã kết tinh quan niệm sống của dân tộc, và liên hợp chặt chẽ với nhau, tạo thành một hệ thống chỉ đạo mạch lạc, sống động và hiện thực, làm nền tảng căn bản cho toàn thể Văn Hóa Việt – tổng hợp và hệ thống hóa này được gọi là Hệ Tiên Rồng, tức là chúng ta có cái nhìn vào thực tế cuộc sống Con Người, đặt căn cứ trên cuộc sống con người một cách trọn vẹn, và không ra khỏi hay xa lìa cuộc sống con người.
Do đó Hệ Tiên Rồng còn được gọi là Sinh Thức Hệ, tức là Học Thuyết Tiên Rồng. Hệ thống biểu tượng Tiên Rồng này không phải do một người, hay nhóm người phát minh sáng chế ra, mà là cả một nền văn hóa đã và đang sống trong lòng Dân Tộc, dù ý thức có khác biệt ít nhiều, tùy người, nhưng Văn Hóa Việt được phát hiện là một hệ thống toàn bích, đang chỉ đạo cho tòan thể cuộc sống Xã Hội Con Người.
Việc tìm hiểu, khảo cứu, áp dụng, ứng dụng để sống thích nghi với hiện cảnh là cả một tiến trình dài như bao ngàn năm trường tồn của Tộc Việt – khác biệt với Tộc Hoa – vẫn luôn tiếp diễn, cao siêu và hiện thực, là đặc điểm của Con Cháu Việt.
Có thể nói mỗi chữ, mỗi câu, mỗi mệnh đề của Học Thuyết Tiên Rồng ngày nay đang biên khảo, thì cũng đang trông chờ cả một thiên khảo cứu về lịch sử văn hóa của Dân Tộc Việt Nam.
Bởi thế cho nên, đây cũng là phần mà mọi người trong chúng ta cần tìm hiểu, học hỏi, thảo luận và đừng quên sự đóng góp thêm những khám phá mới của bạn, của chính bạn vào kho tàng Văn Hóa Chính Trị cao siêu hiện thực và tuyệt vời của Tổ Tiên.
Ðiểm đặc biệt Tổ Tiên để lại, là một hệ thống biểu tượng chớ không phải hệ thống ngôn từ hay tư tưởng, vì rằng ngôn từ, tư tưởng thường bị tuyên truyền lệch lạc bóp méo nội dung hay ý nghĩa bởi mưu đồ danh lợi của nhà cầm quyền, chế độ hay thời gian.
Nhưng ngược lại, biểu tượng thì trước sau vẫn thế, vẫn còn nguyên vẹn tinh ròng dù cho trải qua ngàn đời con cháu, và cứ tùy thuộc thời đại mà chúng ta dùng ngôn từ thích hợp mà diễn tả biểu tượng, như trong Thời Đại Tín Liệu (The Information Age) của nhân loại hôm nay.
Trong mỗi bài chính thuyết của dân tộc, là ghi chép lại những điểm chính yếu, cưu mang bài học của Tổ Tiên. Dĩ nhiên, với thời gian cùng với sự phù trợ của Đức Quốc Tổ và Hồn Thiêng Sông Núi, chúng ta sẽ có bản văn hoàn hảo, đúng thực và trọn vẹn, vì do đón nhận sự đóng góp ý kiến của nhiều người, của toàn dân.
Diễn giải chính thuyết, là phần có tham vọng của người viết là đào sâu, tìm hiểu hệ thống biểu tượng tới tận ý nghĩa, và cố gắng đạt đến điểm tột cùng của suy tư thâm sâu nhất có thể có.
Do đó phần diễn giải, đôi khi trở thành khó hiểu cho một số người đọc, tuy nhiên bạn đọc có thể căn cứ vào lịch sử, vào đời sống dân nước mà rút ra những thí dụ cụ thể, những gương sống thực của các vị Minh Quân, Văn Thánh Võ Thần mà cùng giúp cho nhau học hỏi, thông toàn bài học của Tổ Tiên.
Sau phần diễn giải là phần Tìm hiểu chính thuyết. Tiên Rồng được gọi là bài học Nền Tảng đầu tiên, vì trong đó chúng ta có nhận diện, có định nghĩa về Con Người và Xã Hội một cách hoàn chỉnh, toàn diện và đúng thực.
Phần bài này được coi là đúc kết những nét đặc thù của Văn Hóa Việt, khai thác hết những nét đặc thù đó chúng ta có hệ thống tư tưởng chỉ đạo sống động và hiện thực, gọi là Hệ Tiên Rồng, qua nguyên lý Tiên Rồng Song Hiệp để áp dụng vào cơ cấu tổ chức xã hội con người, như biểu tượng Bọc Mẹ Trăm Con.
Truyền Tích Tiên Rồng – Như người viết đã giới thiệu. Tiên Rồng là bài học nền tảng căn bản của Tổ Tiên, vì đề ra nguyên lý sinh hóa của vạn vật, đặc biệt căn cứ trên con người, tức nguyên lý Tiên Rồng Song Hiệp Hoàn Chỉnh, khác biệt với thuyết tiến hóa của Darwin.
Với bài học Tiên Rồng, chúng ta có được định nghĩa về con người hoàn chỉnh toàn diện, đúng thực: Thân – Trí – Tâm – Tuệ (Thân xác sinh động, Trí năng tinh biến, Tâm tình thông hiệp, Tuệ linh vĩnh cửu) của con người do Mẹ Tiên Cha Rồng song hiệp.
Đặc biệt, Con Người Tiên Rồng, chúng ta khác biệt với những Con Người của nền văn hóa duy vật, duy lợi, duy tâm, duy linh đang làm tha hóa con người, và con người biến thành sinh vật kinh tế, con thú tiến bộ, động vật lao động trong hãng xưởng, và chi phối bởi cơ quan truyền thông rộn ràng hàng ngày.
Văn hóa và tổ chức tam giác, ba góc theo hình Kim Tự Tháp trước mắt, chúng ta nhận ra đó là tổ chức chủ nô, trên là chủ nhân – dưới là nô lệ, trên là đảng trị – dưới là bị trị, cho dù họ có cổ súy Chân – Thiện – Mỹ mà thiếu Tình thì chỉ là con người khiếm khuyết hạnh phúc.
Đang khi trong Truyền Thuyết Việt, Tổ Tiên lại nhận diện Con Người Tiên Rồng một cách đúng thực, và cộng đồng xã hội là Đồng Bào, là anh em từ Một Bọc Trăm Con của Mẹ Tiên Cha Rồng, tức là biểu trưng cho một xã hội bình đằng tột cùng và thân thương tột cùng.
Tiên Rồng đưa ra ý niệm về các đặc tính cá biệt của Tiên, của Rồng, và mẹ Tiên cha Rồng đã phối hiệp toàn nhất tương đồng. Bởi thế Tiên và Rồng là kết tinh toàn vẹn cho mọi tương quan sinh họat của con người, tương quan anh em nhằm thể hiện Con Người Tiên Rồng.
Biểu tượng Một Bọc Trăm Con của Chính Thuyết Tiên Rồng đã khẳng định Đặc Tính Xã Hội bẩm sinh và ngay cùng một lúc có trăm con người, cũng do kinh nghiệm của cuộc sống gia đình, với mẹ với cha, với anh chị em qua hình ảnh của tổ chức trăm người trăm việc – mỗi người mỗi việc, chớ không bao đồng công tác hay dẫm chân lên nhau.
Trong cuộc sống, con người nhận ra mình không thể sống đơn độc, mà ngay từ lúc bắt đầu sự sống, con người cần có mẹ có cha, có sự chăm sóc bảo bọc của tình thân ruột thịt anh chị em. Vì nếu sống đơn độc, con người không thể phát triển toàn vẹn về cuộc sống xứng đáng là người và làm Người.
Do kinh nghiệm từ đó con người nhận ra mình vừa là một hiệp thể cá biệt toàn vẹn, mà cũng vừa là một thành phần cộng đồng xã hội anh em, và vừa cùng chung một nguồn sống Mẹ Tiên Cha Rồng.
Cũng do kinh nghiệm của cuộc sống trong tình thân với cha mẹ anh chị em, con người nhận ra mình cũng có cùng một nguồn gốc, cùng một sức sống, và cùng chia sẻ cuộc sống với nhau, trong nhau và cho nhau. Con người rút tỉa kinh nghiệm cuộc sống từ bản thân, quây quần trong gia đình, tuy thế cuộc sống cũng không đóng khung trong tập thể hạn hẹp, mà đã mở rộng với nhiều con người khác nữa.
Vì vậy hai truyền tích Trầu Cau (nguyên lý Thân Thương Tột Cùng) Chử Đồng (nguyên lý Bình Đẳng Tột Cùng) mà Tổ Tiên đã ghi nhận kinh nghiệm do cuộc sống đông người, tức xã hội anh em, Xã Hội Đồng Bào, xã hội cùng Một Mẹ Trăm Con!
2. Huấn Ca TRẦU CAU
Thứ hai: diễn tả tình người
Ông Bà dẫn chứng cuộc đời Trầu Cau
[165] Sinh đôi – hai đứa giống nhau
Trăm con một bọc – cơm rau cạnh kề
Có nàng chớm tuổi cặp kê
Luống mong mình có tóc thề sánh vai
Nàng nhìn tư cách cả hai
[170] Kính trên nhường dưới – đức tài ngang nhau
Giúp nàng suy tính trước sau
Trao duyên gởi phận – lựa vào người anh
Chuyện tình đậm nét xuân xanh
Vợ chồng hiệp nhất – anh em một nhà
[175] Ngày kia trông cuốc hóa gà
Gặp em – nàng tưởng lầm là “hôn phu”
Phận em đành quyết chu du
Dẫu rằng xa cách – cũng vì thương anh
Hành trình biển nhớ đoạn đành
[180] Sống thiêng thác gởi – hóa thành đá vôi
Nhưng anh lòng luống bồi hồi
Nhớ em – chàng kiếm chốn đồi xa xăm
Khóc thương – tảng đá em nằm
Người anh cũng chết biến nhằm cây cau
[185] Thương chồng – nàng mãi âu sầu
Đến nơi chồng chết – hóa trầu giây leo
Từ đây lễ tết, cưới cheo
Ăn trầu – tập tục giàu nghèo như nhau
Gẫm suy bài học Trầu Cau
[190] Giống như hai đứa – nhắc nhau Tiên Rồng
Bởi chưng Bọc Mẹ hòa đồng
Thân Thương – nguyên lý sống lồng trong kinh
Ðể cùng Bình Ðẳng phân minh
Chứa chan nhân nghĩa – dân tình nước ta
[195] Trăm Con Một Bọc – sinh ra
Ðồng Bào – cùng bọc mẹ cha sinh thành
Chu toàn trách nhiệm làm anh
Sánh duyên thiếu nữ – đặt thành tương quan
Ðến khi xảy chuyện bất an
[200] Tình Người – giải quyết hoà chan sáng ngời
Chẳng như thiên hạ – xử đời
Vợ chồng khi cưới – sống rời anh em
Tổ Tiên ta lại những xem
Cuộc đời xung khắc đính kèm yêu thương
[205] Cả ba – cùng chọn một đường
Ðồng sinh đồng tử – tình thương vẹn toàn
Dương âm – hằng sống bình an
Trầu Cau âu yếm che tàn Ðá Vôi
Vị cay thơm ngát hương môi
[210] Hoà nhau thành máu – Chết rồi vẫn thương
Tích truyền nhân loại tỏ tường
Thương nhau trọn kiếp – nhẫn nhường khắc ghi
Sẵn sàng phải chết – xá chi
Dẫu rằng có chết – cũng vì thân thương
[215] Sống trong xã hội bình thường
Trầu Cau – nền tảng là đường dựng xây
Gia đình gia tộc – xum vầy
Họ hàng làng nước – sống đầy thương yêu
Tương quan xét đến các chiều
[220] Từ làng đến nước – một điều thân thương
Sáng soi chân lý ngàn phương
Trầu Cau – lời dạy thành chương dẫn đầu
Toàn dân – thực sống chung tầu
Thân Thương Bình Ðẳng – mưu cầu phát huy
[225] Nước nhà – lâm cảnh phân ly
Hiến thân bảo vệ – chẳng tùy cứ ai
Tiên Rồng văn hóa thoát thai
Ông bà, chú bác – nối dài kỷ cương
Anh em, con cháu – tỏ tường
[230] Diễn tình cốt nhục Thân Thương Tột Cùng
Hôm nay tà thuyết nói chung
Phân chia giai cấp – sao cùng yêu thương?
Bởi chưng nền tảng khinh thường
Gây bao tàn sát – nhiễu nhương hận thù
[235] Nhân quyền, cải tiến, nhà tù
Bất công chồng chất – mặc dù đấu tranh
Ta xem sự thể rành rành
I – you, nị – ngộ… tị ganh hàng ngày
Ðồng đẳng – là chữ giãi bày
[240] Phân ngôi định cấp – tớ thày là đây
Ta nhìn văn hóa phương Tây
Ðộc tài đa đảng – chứa đầy bất công
Nhưng theo Chính Thuyết Tiên Rồng
Trầu Cau – căn cội Cộng Ðồng Thân Thương
[245] Tình Người – ta hãy am tường
Tâm Tụê nơi Mẹ – yêu thương dẫn đầu
Triển khai truyền thuyết nhắc câu
Cả hai diễn tả nhiệm mầu “chữ Song”
Trầu Cau liên kết Chử Ðồng
[250] Hình thành “chữ Hiệp” – Tiên Rồng là đây
Căn nguyên Song Hiệp giãi bày
Trăm Con Một Bọc – đi xây cuộc đời
Thân Thương Bình Ðẳng – sáng ngời
Chứng minh Sử Việt – ngàn đời đã qua
[255] Tới nay bổn phận chúng ta
Giúp Dân Cứu Nước – phục hồi quê hương
Tái sinh xã hội kỷ cương
Đề cao nguyên lý Thân Thương Tột Cùng
Việt Bào Phạm Văn Bản
Không có nhận xét nào