Header Ads

  • Breaking News

    Trump đang làm gì?

    Ts. Phạm Đình Bá 

    03/3/2025

    Trên VNTB, Thái Hóa Lộc cho rằng một tháng cầm quyền của Tổng thống Trump là tháng mang tính “cách mạng” nhất của bất kỳ nhiệm kỳ tổng thống hiện đại nào. Điều này vượt xa tốc độ 100 ngày đầu tiên làm việc nổi tiếng của TT Franklin Delano Roosevelt. TT Trump đã chiêu mộ một nội các đặc biệt, có tinh thần khởi nghiệp gồm những người thông minh, thành đạt…Thắng lợi hay thất bại của Tổng thống Trump không thể kết luận quá sớm nhất là sau một tháng cầm quyền!

    Trên báo Tiếng Dân, Phúc Lai cho rằng “Trump không chỉ tự lột truồng mình, mà lột truồng luôn cả đồng minh Putin!”. Theo đó, người Ukraine sẽ không đổi bất cứ cái gì lấy hòa bình viển vông. Họ sẽ đánh quân bài của mình, đi nước cờ của mình. Và điều đáng sợ cho quân ngu ngốc Trump, là trói buộc số phận của mình vào Putin. 

    Cũng trên TD, Nguyễn Thành dịch bài của Thượng Nghị sĩ Dân chủ Mỹ Cory Booker với nội dung là Trump hành xử giống Putin của Nga hơn là Tổng thống Mỹ. Y không thể hiện lòng nhân từ, không có sự rộng lượng, cũng chẳng có chút tài ngoại giao nào. Y chỉ là kẻ bắt nạt nhỏ mọn mang đại danh, và y đã phản bội lịch sử cũng như di sản của quốc gia mà y lãnh đạo.

    Trước đây, nhà hoạt động Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã gặp phải phản ứng tiêu cực mạnh mẽ khi chỉ trích Tổng thống Trump sau khi cô định cư ở Mỹ. Cô bị chỉ trích dữ dội từ cộng đồng mạng sau khi đăng các bài viết chỉ trích ông Trump. Nhiều người đồng nhất việc ủng hộ Trump với lòng yêu nước Mỹ. 

    Ca sĩ Mai Khôi đã có hành động phản đối mạnh mẽ khi Tổng thống Trump đến Hà Nội. Năm 2017, khi Trump lần đầu tiên đến Việt Nam, Mai Khôi đã một mình cầm biểu ngữ phản đối ông trên đường phố Hà Nội. Mai Khôi cho biết cô đã phản đối Trump vì cho rằng ông là "kẻ khinh rẻ phụ nữ" và vì ông đã không đặt câu hỏi về các vụ vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.

    Tại sao có nhiều quan điểm trái chiều về Trump? Thế thì y đang làm gì?

    Cách tiếp cận của Trump đối với Nga và Ukraine rất khác với các tiếp cận của những người tiền nhiệm của y. Chính quyền Trump được xem là có thể theo đuổi một thỏa thuận nguy hiểm, thiên vị với Nga, gióng lên hồi chuông cảnh báo khẩn cấp về mối nguy hiểm đối với Ukraine, các nước thuộc Liên Xô cũ và các nước châu Âu khác. 

    Có những lo ngại rằng Trump xem các đồng minh là gánh nặng và có thể không hoàn toàn nắm bắt được giá trị của hệ thống liên minh của Mỹ. Những phát biểu trong cuộc họp giữa Trump và Tổng thống Zelensky gần đây cho thấy Trump và ê kíp của y tin rằng Ukraine chắc chắn sẽ thua. Điều này có thể làm suy yếu vị thế đàm phán của Mỹ với Putin. Đây là một chiến lược tiếp cận đàm phán với Nga như một loạt các giao dịch, rõ ràng là làm mất đi vai trò lãnh đạo thông thường của Hoa Kỳ. 

    Những phân tích của Trump về cuộc xâm lăng vào Ukraine của Nga có vẻ thô sơ. Mặc dù Ukraine phải đối mặt với nhiều thách thức, lợi thế về nhân lực và hỏa lực của Nga không phải lúc nào cũng dẫn đến chiến thắng quyết định. 

    Bài học từ cuộc chiến tranh Việt Nam và Hoa Kỳ chỉ ra rằng chiến tranh không diễn ra theo kiểu một chiều, hễ có nhiều súng nhiều quân là bảo đảm chiến thắng. Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine có thể là phức tạp hơn tầm nhìn thô thiển của Trump. Kết quả cuối cùng phụ thuộc vào các yếu tố như sự gắn kết chính trị, sức mạnh kinh tế và thỏa ước xã hội trong cả hai nước Ukraine và Nga, nhất là Ukraine. Nên nhớ rằng Nga vẫn đang chịu tổn thất đáng kể, ước tính khoảng 1.200-1.300 người bị giết và bị thương mỗi ngày.

     “Chính sách” đối ngoại của Trump có khó hiểu. Ví dụ như Năm Mắt (Five Eyes) là một liên minh tình báo bao gồm Úc, Canada, New Zealand, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Các quốc gia đối tác này chia sẻ nhiều thông tin tình báo với nhau theo những thỏa thuận đa phương thống nhất. Gần đây, có những lo ngại về những thay đổi tiềm ẩn đối với các thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo, chẳng hạn như báo cáo về việc xem xét loại bỏ Canada khỏi hiệp ước Five Eyes. Tại sao?

    Có vài báo bên Mỹ so sánh cách tiếp cận của Trump với một "Cách mạng Văn hóa của Mao" hơn là cách quản lý liên minh truyền thống. Cách làm việc nầy chú tâm vào bạo lực và hỗn loạn, với hậu quả ra sao sẽ dần dần hé lộ trong tương lai gần.   

    Khi một tổng thống mới của Mỹ nhậm chức, nhiệm vụ đầu tiên của ông thường là trấn an các đồng minh của Mỹ và cảnh báo kẻ thù của mình. Tuy nhiên, Trump đang làm mọi việc khác đi. Có vẻ như mục tiêu của y không phải là gieo rắc nỗi sợ hãi vào lòng những đối thủ của nước Mỹ mà là vào những người bạn của Mỹ.

    Các tổng thống Mỹ có truyền thống coi mạng lưới đồng minh của đất nước như một “nhân lực” - thứ giúp khuếch đại sức mạnh của Mỹ và áp dụng sức mạnh ấy một cách hiệu quả hơn. Một loạt các đồng minh có nghĩa là đối tác thương mại, căn cứ quân sự và hỗ trợ ngoại giao trong các tổ chức quốc tế. 

    Theo dòng lý luận này, việc bảo vệ và hỗ trợ các đồng minh của mình là vì lợi ích của chính Mỹ – lợi ích lớn hơn chi phí. Trump và nhóm chính sách đối ngoại của y làm ngược những cách làm nầy, đặc biệt là còn cực đoan hơn so với nhóm chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump.

    Kết quả là một thế giới trong đó các đồng minh của Mỹ không còn có thể dựa vào Mỹ để trở thành đối tác đáng tin cậy nữa. Họ có thể ngày càng phải tự bảo vệ mình trước không chỉ những kẻ thù truyền thống như Nga mà còn cả một Hoa Thịnh Đốn đang tìm cách săn mồi những đồng minh trước đây của Mỹ.


    Không có nhận xét nào