Dương Hoàng Mai/ Munich
Mỗi năm, khi tháng Tư quay về, tại hải ngoại, nhiều hội đoàn tổ chức các buổi lễ tưởng niệm ngày 30.04.1975—ngày lịch sử bước vào những tháng năm điêu linh của dân tộc Việt.
Gần đây, xuất hiện những bài viết kêu gọi “hòa giải, hòa hợp,” “xóa bỏ hận thù,” v.v…
Từ đó, có ý kiến cho rằng không nên gọi ngày 30.04.1975 là Ngày Quốc Hận mà nên đổi qua tên gọi khác?
Đầu tiên, chúng ta thấy cụm từ “xóa bỏ hận thù” đã bị sử dụng theo kiểu đánh tráo khái niệm.
Khi một đám cướp hung tợn, gian ác đến cướp của, bắt người đày đọa, đẩy nhiều gia đình vào cảnh tan nát, bi thương…
Sau vài năm, bỗng dưng những nạn nhân của quân bạo cuồng lại bị trùm cho mấy chữ “mang lòng thù hận”?!
Lại nữa, những kẻ gây tội ác chưa hề dừng tay hay có bất kỳ hành động chuộc tội nào, thậm chí chưa thốt nên được một lời xin lỗi. Như thế, việc áp đặt cụm từ “xóa bỏ hận thù” lên chính các nạn nhân có phải là quá đáng không?
Thực tế, đại đa số người Việt di tản đều lớn lên trong một xã hội được xây dựng trên tình thương và đạo đức.
Qua các đạo giáo, họ thấm nhuần tinh thần từ bi, bác ái—khác với những người sống trong một xã hội vô thần.
Do đó, lời kêu gọi tình thương, bác ái và tình đồng bào sau năm 1975 phần lớn lại đến từ những người di tản xa xứ.
Nhưng cần phải thấy rõ: việc xây dựng một xã hội có tình thương, có đạo đức chỉ có thể thực hiện khi không dung túng cho tội ác.
Một xã hội an vui, thịnh vượng phải là một xã hội có công bằng, có lẽ phải.
Việc đưa tội ác ra ánh sáng công lý, buộc những kẻ tội phạm phải chịu trách nhiệm, giúp thế hệ sau nhận thức rõ tội ác gây ra từ lòng cuồng tín, từ chủ nghĩa giáo điều—tất cả đều là những hành động cần thiết để đất nước từ từ không còn tội ác, để công lý và lẽ phải được thiết lập.
Những kẻ đã đánh tráo khái niệm “xóa bỏ hận thù” với “xóa bỏ tội ác” có lẽ vì trong lòng họ đã bị hai chữ “hận thù” xâm chiếm, không còn nhìn rõ đâu là “tội ác”—thứ không thể che giấu hay xóa nhòa.
Hành động cực kỳ gian xảo khi biến nạn nhân thành “kẻ mang lòng thù hận” không chỉ là một hành động chạy tội mà còn là hành động gieo rắc chia rẽ và hận thù.
Những kẻ gieo rắc hận thù vẫn lớn tiếng đòi “xóa bỏ hận thù” nhưng lại tiếp tục gieo rắc hận thù.
Như thế có hợp lý không?
Cuộc chiến Việt Nam kéo dài 20 năm đã khiến gần 2 triệu người Việt bỏ mạng.
Những tưởng sau năm 1975, toàn dân sẽ được hưởng cảnh thái bình, thịnh vượng.
Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam, với chính sách chia rẽ dân tộc, gây bất công qua sự phân biệt “ngụy – ta,” lý lịch “con ông cháu cha,” học tập cải tạo, cải tạo công thương nghiệp, cải tạo tư sản, v.v… khiến thêm 1 triệu người bỏ mạng nơi chốn tù đày hoặc dưới đáy đại dương trên đường tìm tự do.
Và ngày nay, ở Việt Nam, tội ác từ các chính sách của chế độ đương thời vẫn còn tràn ngập.
Như thế, ngày 30.04.1975—ngày cả nước phải chịu ách thống trị của một chế độ tàn bạo và bất công nhất trong lịch sử Việt Nam, với con số nạn nhân tạm tổng kết đã lên đến hàng triệu—có đáng được gọi là Ngày Quốc Hận?
Việt Nam đang dần đi vào con đường lệ thuộc Trung Quốc, không chỉ về chính trị, kinh tế mà cả về văn hóa, dẫn đến nguy cơ bị đồng hóa, trở thành một tỉnh nhỏ của Trung Quốc.
Ngày mở đầu cho giai đoạn này có phải là Ngày Quốc Hận cho cả dân tộc?
Việc Hồ Chí Minh có thực sự là một người Trung Quốc hay không vẫn còn tranh cãi, nhưng mối “hận” mất nước đã cận kề khi biển đảo và tài nguyên quốc gia đang dần dần bị bán cho Trung Quốc.
Như thế, còn cách gọi nào xứng đáng hơn hai chữ “Quốc Hận” để ghi nhớ mối hận của cả dân tộc Việt?
Các đấng nam nhi xứ Việt, những người vẫn đang kêu gọi “xóa bỏ hận thù,” nghĩ gì khi đọc đến câu thơ “Thương nữ bất tri vong quốc hận” của Đỗ Mục trong bài Bạc Tần Hoài?
Xin hãy hiểu hai chữ “Quốc Hận” theo nghĩa của chữ “hận” trong câu thơ vừa nêu.
Ở Đức, mỗi năm đều có ngày kỷ niệm Volkstrauertag—Ngày Quốc Tang— ngày tưởng niệm tất cả nạn nhân của chiến tranh và bạo lực, đặc biệt là các nạn nhân của Chủ nghĩa Phát xít.
Cho đến nay, những phiên tòa và các cuộc điều tra về tội phạm chiến tranh và diệt chủng vẫn đang được tiến hành tại Đức và các nước dân chủ trên thế giới.
Với con số nạn nhân gần 5 triệu người, tội ác của Đảng Cộng sản Việt Nam không còn dừng ở mức quốc gia mà đã trở thành tội ác diệt chủng, cần được đưa ra trước tòa án quốc tế.
Việc này không xuất phát từ “nuôi lòng thù hận” mà là để lấy lại công bằng, lẽ phải và để toàn thế giới cảnh giác trước tội ác.
Im lặng, che giấu hay tiếp tay xóa nhòa tội ác đều là đồng lõa với tội ác.
Như thế, cần phân biệt rõ những tư tưởng và hành động gieo hận thù, trả thù cá nhân với chính sách nhân đạo nhằm giúp nạn nhân lấy lại công bằng theo tinh thần nhân đạo và nhân quyền.
Khi nào toàn dân Việt Nam xem ngày 30.04 là Ngày Quốc Hận— ngày để mỗi năm những người nắm quyền điều hành quốc gia, các đảng phái, tôn giáo, thanh niên, học sinh, sinh viên có dịp đọc lại, thấy lại qua sách báo, phim ảnh những tội ác do Đảng Cộng sản Việt Nam gây ra—
thì đó sẽ là lúc cả nước nhận thức rõ đâu là tội ác, đâu là lệ thuộc Tàu Cộng.
Cùng cảnh giác.
Cùng lên tiếng phản đối tội ác.
Cùng lên án kẻ bán nước.
Đó là cơ sở thiết yếu để Việt Nam có được tương lai thanh bình, no ấm và độc lập.
Dương Hoàng Mai
Không có nhận xét nào