Header Ads

  • Breaking News

    2019-nCo: VN khuyến cáo ở mức cao một bậc với dịch viêm phổi cấp?


    Việt Nam đã ghi nhận 2 bệnh nhân và một số trường hợp nghi ngờ đang chờ xét nghiệm dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona mới - nCoV - gây ra.
    Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Nhân viên y tế trao đổi với bệnh nhân đã cho kết quả dương tính với virus corona tại phòng cách ly ở Bệnh viện Chợ Ray, TP HCM, hôm 23/1

    Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp giữa Bộ Y tế Việt Nam và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào trưa 30 Tết (24/1) theo Tuổi trẻ.

    Nguy cơ hai ca dương tính lây ra cộng đồng ở mức nào?

    Bộ Y tế Việt Nam trước đó xác nhận 2 trường hợp dương tính với virus nCoV đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy ở TP HCM.

    Hai bệnh nhân này là hai cha con người Trung Quốc, nhập viện trong tình trạng sốt.

    Trước đó, người bố nhập cảnh vào Hà Nội vào ngày 13/1, qua Sân bay Quốc tế Nội Bài, sau đó bay Nha Trang.

    Người con đã ở Long An từ 4 tháng trước, đi ra Nha Trang gặp cha. Họ gặp nhau 4 ngày ở Nha Trang.

    Sau đó, ngày 20/1, cả hai về Long An.

    Ngày 17/1, người cha bắt đầu sốt, ba ngày sau (20/1) đến lượt người con có triệu chứng tương tự. Hai cha con nhập viện Chợ Rẫy tối 22/1.

    Hiện sức khỏe của hai cha con người Trung Quốc này đã ổn định.

    Tờ Vietnamplus dẫn lời Viện trưởng Viện Pasteur Phan Trọng Lân cho biết tại cuộc họp nói trên rằng, kết quả lấy mẫu xét nghiệm hai bệnh nhân cho kết quả ban đầu dương tính với chủng mới virus corona. Hiện viện đang phối hợp với các viện và các chuyên gia của WHO nghiên cứu tiếp, trong thời gian sớm nhất có kết quả chính xác.

    Theo VnExpress, điều tra dịch tễ hành trình của hai bệnh nhân nói trên cho thấy, họ đã đi tàu SE5 từ Nha Trang về TP HCM trên toa số 11. Bởi vậy, những người đi tàu đã tiếp xúc với 2 bệnh nhân này được ông Lân khuyến cáo là "cần tự cách ly trong vòng 14 ngày để theo dõi. Sau 14 ngày không có dấu hiệu bệnh hô hấp thì có thể hoạt động bình thường".

    Một trong hai bệnh nhân cũng từng làm việc ở địa chỉ số 10 Tông Đản, Nha Trang, ngày 17/1, nên đại diện Viện Pasteur cũng yêu cầu những người đã tiếp xúc với bệnh nhân ở địa chỉ này cũng phải tự cách ly.

    Bộ Y tế cũng đang thống kê danh sách những người đã tiếp xúc trực tiếp với hai bệnh nhân và yêu cầu các địa phương giám sát, cách ly.

    Tuy nhiên, về khả năng hai ca bệnh này lây nhiễm ra cộng đồng, tờ Vietnamplus trích dẫn lời Phó giáo sư Phan Trọng Lân cho rằng, nguy cơ này rất thấp. Ý kiến này nói rằng, hiện nay, ngành y tế đã triển khai các biện pháp cách ly nghiêm ngặt trường hợp bệnh nhân trên, cách ly tuyệt đối với cộng đồng các trường hợp nói trên nên người dân có thể yên tâm.

    Với hai bệnh nhân nghi ngờ viêm phổi đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, VnExpress dẫn lời ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết hiện chưa có kết quả xét nghiệm.

    Cao hơn một mức?

    Ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Việt Nam, được truyền thông nước này dẫn lời phát biểu tại cuộc họp nói trên rằng, Việt Nam có đường biên giới với Trung Quốc, lượng người Trung Quốc sang Việt Nam rất đông, nên Việt Nam "đưa ra khuyến cáo ở mức lây nhiễm" chứ không phải là "lây nhiễm hạn chế" như thông thường.

    Trước đó, một bài báo trên tờ Tin tức của TTXVN cũng đánh giá, "Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai các hoạt động đáp ứng cao hơn một mức so với thực tế tình hình dịch".

    Tuy nhiên, tác giả Lưu Nhi Dũ trong một bài viết "NÓI THẲNG: Nên sẵn sàng đóng cửa biên giới với Trung Quốc" trên báo Người lao động cho rằng, "Việt Nam có 7 tỉnh giáp với biên giới Trung Quốc, với hàng trăm cửa khẩu giao thương. Dịch bệnh viêm phổi cấp đang diễn ra phức tạp trong thời điểm cả hai quốc gia Việt - Trung đều đang nghỉ Tết, nên việc đi lại của người dân, đặc biệt du khách Trung Quốc du lịch Việt Nam rất nhiều. Nên chăng, cơ quan chức năng cân nhắc việc đóng cửa tạm thời biên giới giữa hai nước để phòng dịch?".

    Trên mạng xã hội, cũng có nhiều ý kiến cho rằng đây là việc làm cần thiết vào lúc này.

    Tại cuộc họp nói trên, ông Đam yêu cầu cơ quan chức năng thực hiện ngay bước khai báo y tế tại tất cả các cửa khẩu, thực hiện nghiêm ngặt theo dõi người có biểu hiện sốt, tiếp xúc với người nghi ngờ.

    Đồng thời, yêu cầu ngành y tế phải tuân thủ thực hiện 12 văn bản đã có để chống dịch, trong đó có bảo vệ bác sĩ và nhân viên y tế, tuyệt đối không để lây nhiễm.

    Từ ngày 23/1, Việt Nam đã ngưng tiếp nhận các chuyến bay đi/đến từ Vũ Hán và Hoàng Cương.

    Theo ông Đam, "Nếu Trung Quốc công bố thêm thành phố nào có dịch viêm phổi do chủng virus corona mới, những chuyến bay tới thành phố đó cũng bị dừng".

    Không đưa khách đến các khu vực có nguy cơ

    Trước đó, ngày 23/1, Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng có công văn yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đón khách du lịch vào Việt Nam tuân thủ nghiêm các quy định, khuyến cáo của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng về việc đảm bảo phòng chống lây nhiễm virus corona.

    Các doanh nghiệp này phải kịp thời báo cáo và tuân thủ chỉ đạo của các cơ quan chức năng địa phương nếu phát hiện trường hợp khách du lịch có biểu hiện ốm sốt, nhất là khách du lịch đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ đã có bệnh nhân nhiễm virus corona.

    Với doanh nghiệp lữ hành quốc tế đưa khách đi du lịch nước ngoài, không tổ chức tour du lịch cho khách đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm virus corona cao theo khuyến cáo của WHO và Bộ Y tế.



    BBC News

    Không có nhận xét nào