Hệ thống công quyền Việt Nam vừa minh
định quan điểm về cách hành xử trong biến cố Đồng Tâm: Ông Nguyễn Phú
Trọng (Tổng bí thư đảng CSVN kiêm Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ
nghĩa Việt Nam) đã quyết định trao “Huân chương Chiến công hạng Nhất”
cho “ba cán bộ, chiến sĩ hy sinh” trong cuộc tấn công vào thôn Hoành, xã
Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.
Hình minh hoạ. Một cảnh sát cơ động bị bắt làm con tin ở Đồng Tâm hồi tháng 4/2017 được thả đã chắp tay cảm ơn người dân Đồng Tâm |
Ông
Nguyễn Xuân Phúc (Thủ tướng) thì đến “kiểm tra công tác của lực lượng
Cảnh vệ Công an nhân dân” và “biểu dương tinh thần xả thân hy sinh vì sự
nghiệp bảo vệ an ninh trật tự” của “ba cán bộ, chiến sĩ hy sinh”, đồng
thời cho biết đã đồng ý với đề xuất của Bộ trưởng Công an, “công nhận
‘liệt sĩ’ và phong quân hàm trước thời hạn cho cả ba”. Ông Phúc còn yêu
cầu “xử lý nghiêm khắc vụ việc xảy ra tại Đồng Tâm” (1).
Nói
cách khác, phản ứng của công chúng, những thắc mắc, kiến nghị của nhiều
người, nhiều giới, kể cả của một số tôn giáo, tổ chức bảo vệ nhân quyền
quốc tế về cuộc tấn công vào thôn Hoành, xã Mỹ Đức, huyện Đồng Tâm,
thành phố Hà Nội vào rạng sáng 9 tháng 1 đã được đảng, nhà nước, chính
phủ vứt vào sọt rác. Hy vọng quốc hội thành lập một Ủy ban Điều tra độc
lập, tất nhiên là… ảo vọng.
Thêm
một lần nữa, đảng, nhà nước, chính phủ khẳng định, hệ thống chính trị,
hệ thống công quyền Việt Nam đích thị là kẻ thù của nhân tâm, dân ý,
chưa bao giờ và chắc chắn sẽ không bao giờ ngần ngại trong việc sử dụng
bạo lực để đập nát các thắc mắc về quyền hợp pháp, lợi ích chính đáng và
sẵn sàng gạt bỏ không hề do dự những nguyện vọng của công chúng về việc
vận hành quốc gia sao cho thật sự công bằng, dân chủ, văn minh!
Bao
vây, tấn công thôn Hoành, xã Mỹ Đức, huyện Đồng Tâm, thành phố Hà Nội
không chỉ phô bày sự tàn bạo, mà còn phơi ra sự trâng tráo khi vu cáo
các nạn nhân “giết người”, “tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép” và
“chống người thi hành công vụ”. Bao nhiêu người tin một cụ ông 84 tuổi,
đi lại khó khăn do từng bị đánh gãy xương đùi “đền tội” do “chống đối”
trong ngôi nhà của cụ(2)?
Có
một điểm… “đáng tiếc” mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt
Nam không đủ… tinh tế khi phác họa diện mạo “kẻ xấu chống lại đường lối
của đảng và nhà nước”: Tại sao “đường lối của đảng và nhà nước” lại dồn
ép một người có “60 tuổi đảng” – chưa bao giờ từ bỏ hay lên án đảng -
như cụ Kình, đến chết vẫn không buông “lựu đạn” để lực lượng “thi hành
công vụ” thu giữ như “bằng chứng” (3)?
Tại
sao chỉ kiên trì vận động mọi người yêu cầu hệ thống chính trị, hệ
thống công quyền từ địa phương đến trung ương xem xét kỹ lưỡng về nguồn
gốc đất ở đồng Sênh mà lại bị xem là “kẻ cầm đầu bọn xấu”? Suốt hai năm
vừa qua, Đồng Tâm luôn đỏ quốc kỳ và những biểu ngữ xác định dân vẫn còn
tin vào đảng, nhà nước nên mới xin đảng, nhà nước minh xét, tại sao
đảng, nhà nước lại bao vây và tấn công?
Số
phận của cụ Kình minh họa, đảng mà cụ là một đảng viên suốt 60 năm,
thậm chí từng đảm nhận vai trò Bí thư đảng ủy của cả một xã, không như
cụ nghĩ. Nhà nước, chính phủ mà cụ từng phục vụ ở vị trí Trưởng Công an
xã, Chủ tịch xã thật ra không “của cụ, do cụ và vì cụ” hay “của, do, vì”
con cháu, dân trong xã của cụ. Đảng đó, nhà nước đó, chính phủ đó của
những kẻ nắm giữ thực quyền và vận hành theo ý muốn, lợi ích của chúng.
Cụ
Kình không phải là ví dụ đầu tiên. Trước cụ và sau cụ đã từng và ắt sẽ
còn có vô số minh họa như thế. Chẳng hạn trường hợp Trần Độ - một “lão
thành cách mạng”, từng là Ủy viên nhiều khóa của BCH TƯ đảng CSVN, Phó
Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Nhà nước, Trung tướng quân đội,… Chỉ
vì đưa ra hàng loạt đề nghị đảng thay đổi đường lối, chính sách mà Trần
Độ trở thành “kẻ xấu”.
Khi
Trần Độ giã biệt cuộc đời, đảng, nhà nước vẫn chưa chịu tha! Bao vây,
ngăn cản đồng đội, đồng chí, trí thức, văn nghệ sĩ bày tỏ sự thương tiếc
ông. Ngay cả vòng hoa mà tướng Võ Nguyên Giáp gửi đến viếng Trần Độ
cũng bị chặn lại, buộc lột bỏ hàng chữ “Vô cùng thương tiếc”. Tuy tranh
cãi nảy lửa với đại diện của đảng, nhà nước nhưng cuối cùng, tùy viên
của tướng Giáp chỉ giữ được hai chữ “thương tiếc” trên vòng hoa (4)!
***
Vài
tháng gần đây, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam tổ chức
và giới thiệu về hàng loạt cuộc diễn tập “chống khủng bố, bạo loạn, gây
rối” khiến công chúng bỡn cợt: Làm sao phân biệt địch – ta, khi lực
lượng vũ trang trấn áp đám đông giương cao quốc kỳ và những biểu ngữ mà
nội dung thể hiện những đòi hỏi hết sức chính đáng, chẳng hạn: Đề nghị
xử lý nghiêm các sai phạm (5)!
Đối
chiếu cuộc tấn công vào thôn Hoành, xã Mỹ Đức, huyện Đồng Tâm, thành
phố Hà Nội với các cuộc diễn tập “chống khủng bố, bạo loạn, gây rối” vừa
kể, có thể thấy, về mặt nhận thức, rõ ràng, giới lãnh đạo hệ thống
chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đã và đang xem tất cả các thắc
mắc, khiếu nại, dẫu hợp pháp, hợp lý như “xử lý nghiêm các sai phạm”,…
cũng đều cần phải trừng trị thẳng tay.
Rất
nhiều người thắc mắc, tại sao lực lượng vũ trang, trang bị đến tận
răng, chưa kể được hỗ trợ bởi vô số thiết bị chuyên dùng trấn áp hiện
đại lại mất tới “ba cán bộ, chiến sĩ công an”? Theo một số người sử dụng
mạng xã hội, trước khi “hy sinh”, cả “ba cán bộ, chiến sĩ công an” này
đang đứng trên mái một ngôi nhà gần nhà cụ Kình, cùng quan sát và thảo
luận về cách thức đột nhập và do giật mình vì một vật mà họ tưởng là
“lựu đạn”, cả ba té từ trên mái nhà xuống khoảng trống giữa hai căn nhà
liền kề nên “hy sinh”!
Chưa
rõ thông tin vừa kể có chính xác hay không nhưng chắc chắn hàng ngàn
“cán bộ, chiến sĩ” tham gia cuộc tấn công Đồng Tâm đã biết nhân tâm, dân
ý về cuộc tấn công mà họ tham gia thế nào. “Huân chương Chiến công hạng
Nhất” trao cho Thượng tá Nguyễn Đức Thịnh (Trung đoàn phó Trung đoàn
CSCĐ 22), Thiếu úy Dương Đức Hoàng Quân (Tiều đoàn 1, Trung đoàn CSCĐ
22), Trung uý Phạm Công Huy (Đội PCCC Khu vực 3), thăng quân hàm trước
thời hạn có thể bù đắp những mất mát của gia đình họ?
Loại
huân chương, kiểu động viên nào đủ để giúp “cán bộ, chiến sĩ” lực lượng
vũ trang bớt hoang mang trước nhân tâm, dân ý và che kín những bất toàn
của hiện trạng kinh tế, xã hội mà dù muốn hay không, cán bộ, chiến sĩ
lực lượng vũ trang cũng vẫn là nạn nhân trực tiếp hoặc gián tiếp? Cuối
tháng 5 năm ngoái, Thiếu úy – nay là Trung úy, Liệt sĩ Dương Đức Hoàng
Quân chụp tin nhắn mà MBBank (Ngân hàng Quân đội) gửi, thông báo vừa
chuyển lương vào tài khoản và chia sẻ trên facebook: “Đm. Lương t6/2019”
(6).
Sở
dĩ Thiếu úy Quân “Đm” vì số tiền chỉ có… 1.000 đồng Việt Nam! Lực lượng
vũ trang Việt Nam có vô số những thiếu úy, trung úy, thượng tá mà gia
cảnh như Quân (7), như Huy (8), như Thịnh (9). Chẳng lẽ cả họ lẫn thân
nhân cùng mù, cùng bại não để tiếp tục nghe đảng, nhà nước khuyến dụ “xả
thân vì sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự” giúp một nhúm người hưởng lạc
trên mồ hôi, nước mắt, sinh mạng của chính họ lẫn đồng bào?
Đồng Phụng Việt
-----------------------
Chú thích
(4) https://vi.wikipedia.org/wiki/Trần_Độ
(RFA)
Không có nhận xét nào