Header Ads

  • Breaking News

    Tổng thống Trump muốn gửi 1.000 USD cho mỗi người Mỹ

    Tổng thống Trump trong một cuộc họp báo hôm 16/3/2020 trong Phòng họp báo của Nhà Trắng (ảnh chính thức của Nhà Trắng chụp bởi Shealah Craighead).

    Tổng thống Trump muốn gửi 1.000 USD cho mỗi người Mỹ
    Tổng thống Trump đang xem xét kế hoạch gửi chi phiếu 1.000 USD cho mỗi công dân Mỹ, trừ người có thu nhập cao, để hỗ trợ cuộc chiến chống virus Vũ Hán.

    Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang theo đuổi gói kích cầu kinh tế trị giá 1.000 tỷ USD, trong đó bao gồm khoản chi 1.000 USD cho mỗi người dân Mỹ nhằm hỗ trợ họ vượt qua khó khăn do virus Vũ Hán. Trong buổi họp báo tại Nhà Trắng hôm 17/3, Tổng thống cho biết kế hoạch có thể diễn ra trong vòng hai tuần tới và các chi tiết đang được hoàn thiện.

    Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết những người có thu nhập cao sẽ không được nhận hỗ trợ. Gói cứu trợ 1.000 tỷ USD sẽ bao gồm 50 tỷ USD cho các hãng hàng không chịu ảnh hưởng của đại dịch, cùng 250 tỷ USD hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, theo Reuters.

    Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cho biết cơ quan này sẽ duyệt chi gói ngân sách khẩn cấp trị giá nhiều tỷ USD được Hạ viện Mỹ thông qua hồi tuần trước, khẳng định Thượng viện Mỹ sẽ không nghỉ cho tới khi phê duyệt các khoản tiền giải cứu nền kinh tế.

    Ngân sách khẩn cấp giúp chi trả tiền nghỉ ốm có lương cho người lao động, mở rộng khoản trợ cấp thất nghiệp và cung cấp gần một tỷ USD để bảo đảm lương thực cho trẻ em, người cao tuổi và nhiều nhóm dân cư trong quá trình ngăn chặn virus Vũ Hán.

    “Chúng ta sẽ thắng [dịch bệnh], tôi nghĩ chúng ta sẽ thắng nhanh hơn người ta nghĩ, tôi hy vọng vậy”, Tổng thống Trump cho biết, theo VOA

    Mỹ phản đối Trung Quốc hạn chế truyền thông quốc tế

    Hãng tin Fox News cho biết, chính quyền Tổng thống Trump hôm thứ Ba (17/3) đã phản đối mạnh mẽ việc Bắc Kinh hạn chế hoạt động của 3 tập đoàn truyền thông lớn của Mỹ tại Trung Quốc, nói rằng hành động này của Bắc Kinh đã tước đi cơ hội tiếp cận với sự thât của người dân Trung Quốc và thế giới.

    “Quyết định của chính quyền Trung Quốc về việc trục xuất các nhà báo [quốc tế] khỏi Trung Quốc và Hồng Kông là một bước đi nữa để ngăn cản người dân Trung Quốc và thế giới tiếp cận thông tin chân thực về Trung Quốc”, Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ viết trên Twitter. “Hoa Kỳ kêu gọi các nhà lãnh đạo Trung Quốc thu hồi quyết định trục xuất các nhà báo và dừng việc truyền bá thông tin sai sự thật về virus Vũ Hán”.

    Trước đó chính quyền Trung Quốc trong một tuyên bố nói rằng họ hạn chế hoạt động của 3 hãng truyền thông của Mỹ, bao gồm The New York Times, The Washington Post và The Wall Street Journal, tại Đại Lục và Hồng Kông. Đây được xem là hành động trả đũa của Bắc Kinh đối với việc Washington chế tài hoạt động của 5 hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc tại Mỹ, và sau khi Hoa Kỳ gay gắt phản đối việc Trung Quốc “vu” cho họ phát tán virus nCoV, cũng như việc Tổng thống Trump gọi virus SARS-CoV-2 là “virus Trung Quốc”.

    Tướng Mỹ nói về lực lượng tên lửa Triều Tiên trong đại dịch

    Hoa Kỳ đã không phát hiện thấy hoạt động bất thường nào bên trong lực lượng tên lửa của Triều Tiên kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc cho biết hôm thứ Ba (17/3), theo Yonhap.

    Trong một cuộc họp báo qua điện thoại với các phóng viên, tướng Mỹ Charles Richard đã nhận được câu hỏi về lực lượng tên lửa của Triều Tiên và tác động của virus đối với lực lượng này.

    “Xem xét từng mối đe dọa đối với quốc gia chúng ta. Đó là điều mà chúng tôi quan sát mỗi ngày”, ông trả lời. “Tới nay, chúng tôi chưa thấy bất kể điều gì bất thường ngoài những gì mà tôi cho là các hoạt động bình thường hàng ngày của bất kể lực lượng nào”.

    Hiện Triều Tiên vẫn chưa thông báo có ca nhiễm nCoV nào. Tuy nhiên, quốc gia bí ẩn này có nguy cơ cao khi nằm giữa Trung Quốc, nơi khởi phát đại dịch, và Hàn Quốc, một trong những tâm dịch COVID-19 của Thế giới.

    Truyền thông Iran cảnh báo người dân về thảm họa COVID-19

    Truyền thông nhà nước Iran hôm thứ Ba (17/3) cảnh báo rằng dịch COVID-19 có thể giết chết hàng triệu người nếu người dân tiếp tục phớt lờ lời khuyên về sức khỏe và an toàn, theo Fox News.

    Phóng viên truyền hình nhà nước, và cũng là một bác sĩ y khoa, bà Afruz Eslamik, đã đưa ra cảnh báo nặng nề này ngay sau khi những người biểu tình Shiite tập trung ở sân của hai ngôi đền lớn đã bị đóng cửa vì đại dịch COVID-19.

    Bà Afruz Eslami nói rằng nếu người dân không tuân theo các hướng dẫn phòng chống dịch, thì có thể làm sập hệ thống y tế vốn đã rất khó khăn của Iran. Nếu chúng ta “không có đủ các cơ sở y tế phục vụ [đại dịch], sẽ có 4 triệu ca nhiễm và 3,5 triệu người sẽ chết”, bà Eslami nói.

    Iran hiện là quốc gia có số người nhiễm và tử vong vì nCoV cao thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Ý. Theo Worldometers, tính tới sáng ngày 18/3, Iran có 16.169 người nhiễm bệnh (tăng 1.178) và 988 người chết (tăng 135).

    Sinh viên ngành y ở Ý sẽ tham gia chống dịch COVID-19

    Ý sẽ đưa 10.000 sinh viên ngành y sắp tốt nghiệp tham gia chống dịch COVID-19 nhằm giảm bớt khó khăn cho các nhân viên y tế của nước này, theo Reuters.

    Bộ trưởng Bộ Đại học Ý, Gaetano Manfredi, cho biết, chính phủ cho phép sinh viên sắp tốt nghiệp ngành y bắt đầu công việc của mình sớm hơn tám hoặc chín tháng so với dự kiến và họ sẽ không phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp bắt buộc như mọi năm.

    Cuộc khủng hoảng COVID-19 ở Ý đã đẩy các bệnh viện đến chỗ quá tải. Các cơ sở ý tế ở nước này đang tìm mọi cách để củng cố hệ thống của mình, kể cả phải tranh giành nguồn lực với các cơ sở y tế khác, trong bối cảnh số người nhiễm bệnh trên toàn quốc tăng nhanh chóng.

    Số người chết vì COVID-19 ở Ý đã tăng lên 2.503 trong 24 giờ qua, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý cho biết, trong khi tổng số trường hợp được xác nhận dương tính với nCoV tăng lên 31.506 so với con số 27.980 một ngày trước.

    Brazil bắt tù nhân trốn thoát trước lệnh phong tỏa chống COVID-19

    Brazil đã bắt trở lại gần 600 tù nhân trốn khỏi 4 nhà tù trước khi phong tỏa tất cả các cơ sở giam giữ tội phạm để chống dịch COVID-19, trong khi đó, vẫn còn khoảng 800 tù nhân đang lẩn trốn, chính quyền nhà tù bang Sao Paulo cho biết trong một thông báo hôm thứ Ba (17/3), theo Reuters.

    Vào thứ Hai (16/3), có tổng cộng 1.389 người đã trốn thoát khỏi bốn nhà tù ở bang Sao Paulo sau khi họ rời nơi giam giữ để đi lao động hoặc học tập.

    Để tránh sự lây lan của nCoV, chính quyền bang Sao Paulo có kế hoạch dừng các hoạt động lao động và học tập của tù nhân ở bên ngoài khuôn viên nhà tù. Theo một quan chức nhà tù, việc phong tỏa chống dịch COVID-19 như vậy sẽ mang lại lợi ích cho 34.000 ngàn tù nhân và các quản giáo cũng như nhân viên phục vụ trong các nhà tù.

    Tổng thống Trump đang cho soạn thảo sắc lệnh đưa các chuỗi cung ứng y tế của Hoa Kỳ về nước

    Một vị quan chức Hoa Kỳ cho biết ông đang soạn thảo một sắc lệnh cho Tổng thống Donald Trump nhằm di dời các chuỗi cung ứng y tế của Hoa Kỳ ở nước ngoài về Mỹ.

    Vào ngày 16/3, trong một cuộc phỏng vấn với kênh CNBC, ông Peter Navarro, Cố vấn thương mại Nhà Trắng, nói rằng Hoa Kỳ hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu, không chỉ là thuốc mà còn cả vật tư y tế và thiết bị y tế.

    “Nội dung của sắc lệnh… là phải mang tất cả chuỗi cung ứng về nhà để chúng ta không phải lo lắng về sự phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài nữa”, ông nói và cho biết thêm rằng 70% các thành phần được sử dụng trong dược phẩm cao cấp tại Mỹ hiện nay là “đến từ nước ngoài”.

    Ông Navarro không cho biết cụ thể Hoa Kỳ hiện đang phụ thuộc vào nước nào, nhưng các chuyên gia từ lâu đã chỉ ra sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào Trung Quốc.

    Bà Rosemary Gibson, một cố vấn cấp cao tại Trung tâm Hastings, một viện nghiên cứu đạo đức sinh học, và đồng tác giả của cuốn sách “Trung Quốc Rx: Phơi bày những rủi ro phụ thuộc của Mỹ đối với Trung Quốc về dược phẩm”, đã nói với tờ The Epoch Times rằng đó là “một rủi ro đối với an ninh quốc gia của chúng ta”.

    “Đối với các loại thuốc theo toa, 90% các thành phần cốt lõi, hóa chất và các thành phần khác đều phụ thuộc vào Trung Quốc”, bà Gibson nói với The Epoch Times.

    Bên cạnh đó, theo tờ The Hill, Tổng thống Donald Trump trong nhiều năm luôn khẳng định rằng, nước Mỹ đã quá phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, và cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu hiện nay đã chứng minh điều đó.

    Giờ đây, với sự bùng phát dịch COVID-19 trên toàn thế giới, có thể khiến quá trình chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc được đẩy nhanh hơn nữa, khi các công ty bắt đầu nhận ra những nguy cơ đến từ quốc gia độc tài có quá nhiều quyền lực đối với chuỗi cung ứng của họ. Sau khi Bắc Kinh đặt hàng trăm triệu công dân của mình dưới sự cách ly, đóng cửa phần lớn nền kinh tế trong nhiều tuần, nhu cầu đa dạng hóa các địa điểm sản xuất đã trở nên rõ ràng đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn thế giới.

    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào