Header Ads

  • Breaking News

    Đại dịch COVID-19 trong năm 2021 và những năm tiếp theo (Kỳ 1)

     Đại dịch sẽ ở lại với chúng ta!

    Trân trọng giới thiệu bài nghiên cứu công phu và chi tiết của tác giả Megan Scudellari , đăng trên Nature vào ngày 05/8/2020.

    Người dịch: Nguyễn Hồng Duyên - Nguyễn Thị Hồng Trâm - Hà Xuân Nam (Nhóm Y học Cộng đồng)

    24/08/2020  

    Đại dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài đến bao lâu? Virus có biến mất vĩnh viễn hay sẽ trở thành một căn bệnh mới giống như cúm mùa? Vaccine có bảo vệ được con người an toàn trước virus này hay không?

    Lời giới thiệu: Xuất hiện từ cuối năm 2019, đến nay đại dịch COVID-19 đã tiếp diễn suốt tám tháng ròng rã, gây nên cái chết của gần 800.000 người trên toàn thế giới và sự suy thoái kinh tế mà người ta vẫn chưa thể ước lượng nổi.

    Đại dịch này sẽ còn kéo dài đến bao lâu? Virus có biến mất vĩnh viễn hay sẽ trở thành một căn bệnh mới giống như cúm mùa hàng năm? Vaccine có bảo vệ được con người an toàn trước virus này hay không?

    Trân trọng giới thiệu bài nghiên cứu công phu và chi tiết của tác giả Megan Scudellari , đăng trên Nature vào ngày 05/8/2020.

    Người dịch: Nguyễn Hồng Duyên (Khoa Y), Nguyễn Thị Hồng Trâm (Khoa Y tế công cộng), Hà Xuân Nam (Đại học Y Dược Huế).

    Hiệu đính: DS. Phạm Trần Thu Trang (Dược sĩ lâm sàng tại Toronto, Canada), TS. BS Nguyễn Hữu Châu Đức (ĐH Y Dược Huế).

    Đại dịch virus corona này sẽ còn tiếp diễn trong một thời gian dài, và sau đây là những dự báo của các nhà khoa học cho nhiều năm tháng sắp tới.

    Đến tháng 6/2021, đại dịch trên thế giới đã kéo dài một năm rưỡi. Virus tiếp tục lây lan nhưng với tốc độ chậm hơn. Trong trạng thái bình thường mới, lệnh phong tỏa ngắt quãng sẽ là một phần của tình trạng đó. Một loại vaccine đã được phê duyệt mang lại khả năng bảo vệ trong 6 tháng, nhưng các thỏa thuận quốc tế khiến cho việc phân phối vaccine bị chậm. Ước tính có khoảng 250 triệu người nhiễm bệnh trên toàn thế giới và 1,75 triệu người chết vì đại dịch.

    Đây là viễn cảnh chúng ta đang hình dung về cách đại dịch COVID-19 xảy ra.

    Nhiều người nghĩ rằng dịch đang đi đến hồi kết. Điều đó không đúng!

    Trên khắp thế giới, các nhà dịch tễ học đang tiến hành những dự báo ngắn hạn lẫn dài hạn, nhằm chuẩn bị và giảm thiểu sự lây lan cũng như mức độ ảnh hưởng của SARS-CoV-2. Mặc dù các dự báo và mốc thời gian đều khác nhau, nhưng các tác giả của mô hình dự đoán đều đồng ý về hai điều sau:

    1.COVID-19 sẽ tồn tại cùng với chúng ta.

    2. Tương lai phụ thuộc rất nhiều vào những điều mà chúng ta còn chưa biết, bao gồm cả việc con người có phát triển khả năng miễn dịch lâu dài với virus hay không, các mùa trong năm ảnh hưởng thế nào đến khả năng lây lan của bệnh. Trong đó quan trọng nhất, có lẽ là cách lựa chọn của chính quyền và người dân.

    Người xem phim ở Hàng Châu, Trung Quốc, tuân theo các tiêu chuẩn mới về giãn cách xã hội và đeo khẩu trang. Nguồn: AFP / Getty

    "Rất nhiều nơi đang mở cửa trở lại, trong khi các nơi khác thì không. Chúng tôi thật sự chưa biết điều gì sẽ xảy ra". Rosalind Eggo, nhà dự đoán mô hình dịch tễ tại Trường Y học nhiệt đới và vệ sinh London (LSHTM) cho biết.

    Joseph Wu, nhà dự đoán mô hình dịch tễ tại Đại học Hồng Kông cho biết: "Tương lai phụ thuộc rất nhiều vào mức độ tương tác xã hội đến đâu và các biện pháp dự phòng được thực hiện".

    Các mô hình và các bằng chứng gần đây từ sự thành công của việc phong toả các thành phố và quốc gia gợi ý rằng các thay đổi hành vi có thể làm giảm sự lây truyền của COVID-19 nếu phần lớn mọi người đều tuân thủ.

    Tuần này, số ca nhiễm COVID-19 đã đạt đến con số hơn 23 triệu người trên toàn cầu, với khoảng 812.104 ca tử vong (cập nhật đến sáng 24/8).

    Yonatan Grad, một nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan ở Boston, (Massachusetts, Mỹ) cho biết, lệnh phong toả đang được nới lỏng ở nhiều quốc gia, khiến một số người nghĩ rằng đại dịch đang đi đến hồi kết. "Nhưng điều đó không đúng, chúng ta còn cả chặng đường dài."

    Chẳng hạn, nếu khả năng miễn dịch với virus chỉ tồn tại dưới một năm (tương tự với các chủng virus corona khác đang lưu hành ở người), thì hàng năm có thể sẽ có các đợt cao điểm nhiễm COVID-19 cho đến năm 2025 và xa hơn.

    Trong bài viết này, tạp chí Nature đã tập hợp những điều mà khoa học dự đoán về những năm tháng sắp tới.

    Điều gì sẽ xảy ra trong tương lai gần?

    Đại dịch xảy ra ở mỗi nơi mỗi khác. Các nước như Trung Quốc, New Zealand và Rwanda đều có tỉ lệ ca nhiễm giảm xuống thấp sau khi ban hành các lệnh phong tỏa với thời gian kéo dài khác nhau. Hiện tại các nơi này đang nới lỏng các biện pháp hạn chế trong khi vẫn giám sát các đợt bùng phát.

    Ở những nơi khác, chẳng hạn Hoa Kỳ và Brazil - những nơi chưa bao giờ phong toả trên toàn quốc hoặc đang/đã gỡ bỏ lệnh phong tỏa, số ca nhiễm đang tăng nhanh.

    Nhóm "chưa bao giờ phong tỏa trên toàn quốc" khiến các chuyên gia về mô hình dự đoán đang rất lo lắng. Tại Nam Phi - quốc gia hiện đứng thứ 5 trên thế giới về tổng số ca nhiễm COVID-19, một nhóm các nhà chuyên môn ước tính dịch sẽ đạt đỉnh vào tháng Tám hoặc tháng Chín với khoảng 1 triệu ca đang nhiễm. Vào đầu tháng 11, tổng cộng có 13 triệu ca có triệu chứng.

    Juliet Pulliam, giám đốc Trung tâm mô hình và phân tích dịch tễ Nam Phi tại Đại học Stellenbosch tiết lộ về tình trạng nguồn lực của bệnh viện như sau: "Chúng tôi bây giờ cũng đã bị quá tải ở một số khu vực, vì vậy tôi nghĩ ngay cả với dự đoán tích cực nhất thì cũng không tốt đẹp gì".

    Tuy nhiên, cũng có tín hiệu tích cực khi nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Các bằng chứng ban đầu cho thấy những thay đổi hành vi cá nhân, như rửa tay và đeo khẩu trang, vẫn đang được tiếp tục duy trì kể cả khi không còn phong toả nghiêm ngặt và đã giúp ngăn chặn làn sóng lây nhiễm.

    Trong một báo cáo vào tháng 6, một nhóm tại Trung tâm phân tích bệnh truyền nhiễm toàn cầu MRC tại Trường Đại học Hoàng gia London đã phát hiện ra trong số 53 quốc gia bắt đầu mở cửa trở lại, sự gia tăng số ca mắc không lớn như các dự đoán trước đó. "Họ đã đánh giá thấp mức độ thay đổi hành vi của con người về việc đeo khẩu trang, rửa tay và giãn cách xã hội.

    Hoàn toàn không còn giống như trước đây", Samir Bhatt, một nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hoàng gia London và là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.

    Sự giãn cách xã hội có thể được yêu cầu liên tục trong nhiều năm để ngăn chặn đỉnh COVID-19. Nguồn: John Edelson / AFP / Getty

    Các nhà nghiên cứu tại các tâm dịch đang tiếp tục tìm hiểu sự hữu ích của các hành vi trên. Tại Đại học Anhembi Morumbi ở São Paulo, Brazil, nhà sinh học máy tính Osmar Pinto Neto và các đồng nghiệp đã chạy thử hơn 250.000 mô hình toán học về các chiến lược giãn cách xã hội được phân theo 3 mức độ: liên tục, ngắt quãng hoặc "giảm dần"- mức độ nghiêm ngặt được giảm dần trong các giai đoạn - cùng với các cán thiệp về hành vi như đeo khẩu trang và rửa tay.

    Nhóm nghiên cứu kết luận nếu 50-65% người dân thận trọng khi ở nơi công cộng thì việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội giảm dần sau mỗi 80 ngày có thể giúp ngăn ngừa các đỉnh dịch tiếp theo trong 2 năm tới.

    Theo Neto, "chúng ta cần phải thay đổi văn hóa về cách tương tác với người khác". Nhìn chung, tin tốt là ngay cả khi không xét nghiệm hoặc không tiêm vaccine, thì các hành vi của con người cũng có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể trong việc lây truyền bệnh.

    Nếu 70% dân số Mexico rửa tay và đeo khẩu trang thì dịch sẽ giảm

    Jorge Velasco-Hernández, nhà dự đoán mô hình dịch tễ tại Đại học Tự trị Quốc gia Mexico ở Juriquilla và các đồng nghiệp cũng đã kiểm tra sự cân bằng giữa việc phong tỏa và bảo hộ cá nhân.

    Họ phát hiện ra nếu 70% dân số của Mexico cam kết đảm bảo thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân như rửa tay và đeo khẩu trang sau khi phong tỏa tự nguyện vào cuối tháng 3, thì đợt bùng dịch ở quốc gia này sẽ giảm xuống sau khi đạt đỉnh vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Tuy nhiên, chính phủ đã dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa vào ngày 1/6, làm cho con số tử vong hàng tuần đáng lẽ giảm xuống, lại tiếp tục không đổi.

    Nhóm của Velasco-Hernández cho rằng hai ngày nghỉ lễ toàn quốc được coi là các sự kiện siêu lây nhiễm, tạo ra tỷ lệ mắc bệnh cao ngay trước khi chính phủ gỡ bỏ các biện pháp hạn chế.

    Những bãi biển ken kín người ở Mexico trong mùa nghỉ xuân và hè. Nguồn: Mexiconewsdaily.

    Ở những vùng mà dịch bệnh dường như đang lắng xuống, các nhà nghiên cứu nói rằng cách tiếp cận tốt nhất là giám sát cẩn thận bằng việc xét nghiệm, cách ly các trường hợp mắc mới và truy vết những người đã tiếp xúc với họ.

    Hồng Kông là một ví dụ cho điều này. Wu nói "chúng tôi đang thử nghiệm, tiến hành quan sát và điều chỉnh từ từ". Ông hi vọng rằng chiến lược này sẽ ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trở lại với quy mô lớn - trừ phi do sự gia tăng giao thông đường hàng không sẽ mang lại số lượng đáng kể các ca nhiễm bệnh nhập cảnh.

    Nhưng chính xác thì cần truy vết tiếp xúc và cách ly tới mức độ nào để ngăn chặn ổ dịch một cách có hiệu quả? Một phân tích của Trung tâm mô hình toán học về các bệnh truyền nhiễm của nhóm COVID-19 tại LSHTM đã mô phỏng các đợt bùng phát mới với khả năng lây lan khác nhau, bắt đầu với năm, 20 hoặc 40 người khởi phát bệnh đầu tiên.

    Nhóm nghiên cứu kết luận rằng việc truy vết phải được thực hiện nhanh chóng và rộng rãi - truy vết 80% những người có tiếp xúc trong vòng vài ngày - để kiểm soát sự bùng phát. Đồng tác giả Eggo cho biết, nhóm đang đánh giá hiệu quả của việc truy vết tiếp xúc kỹ thuật số và thời gian khả thi để cách ly những người bị phơi nhiễm. "Đạt được sự cân bằng giữa chiến lược được người dân chấp nhận và chiến lược có hiệu quả để ngăn chặn sự bùng phát là điều rất quan trọng".

    Việc truy tìm 80% số người tiếp xúc gần như không thể đạt được ở những khu vực đang vật lộn với hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi tuần. Tệ hơn nữa, ngay cả số ca bệnh cao nhất cũng có thể bị ước tính thấp đi.

    Thực tế số ca bệnh cao gấp 12 lần và số tử vong cao hơn 50% so với các báo cáo chính thức?

    Một báo cáo chưa được bình duyệt vào tháng 6 từ một nhóm của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ở Cambridge phân tích dữ liệu xét nghiệm COVID-19 từ 84 quốc gia cho thấy rằng số ca bệnh trên toàn cầu cao hơn 12 lần và số ca tử vong cao hơn 50% so với các báo cáo chính thức (Xem phần "Dự đoán số ca mắc và tử vong").

     Theo John Sterman, đồng tác giả của nghiên cứu và là giám đốc của MIT System Dynamics Group, "thực tế có nhiều trường hợp hơn những gì số liệu đã chỉ ra. Do đó, nguy cơ lây nhiễm có thể cao hơn những gì chúng ta tin".

    Các nhà nghiên cứu đã thiết lập mô hình về cách mà COVID-19 xảy ra ở 86 quốc gia và họ đã phát hiện ra các con số chính thức không đúng với thực tế về tình trạng lây nhiễm và tử vong cho đến lúc này. Nhóm cũng đã đưa ra dự đoán, đến tháng 3/2021, các quốc gia đó sẽ có gần 300 triệu số ca mắc bệnh và hơn 2 triệu ca tử vong. Nguồn: Data from ref. 1, updated with authors’ estimates until 10 July 2020

    Bhatt cho biết thêm, hiện tại, các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh, chẳng hạn như giãn cách xã hội, cần được tiếp tục duy trì càng lâu càng tốt để ngăn chặn đợt bùng phát lớn thứ hai. "Cho đến những tháng mùa đông, mọi thứ sẽ trở nên nguy hiểm hơn một chút."

    Đó là những gì các nhà khoa học dự báo cho đến lúc này. Còn một vấn đề quan trọng nữa: Liệu virus Corona có mạnh lên khi mùa đông sắp tới? Mời độc giả đón đọc ở kỳ sau.

    Theo Nature

    https://soha.vn/nghien-cuu-bat-ngo-dang-tren-tap-chi-nature-the-gioi-that-ra-da-co-108-trieu-nguoi-mac-covid-19-

    Không có nhận xét nào