Header Ads

  • Breaking News

    GiôngTố Phía Trước – Sự Quay Trở Lại Của Chiến Tranh Giữa Các Cường Quốc


    Coming Storms: The Return of Great-Power War

    Christopher Layne Foreign Affairs November 2, 2020

    Biên dịch: Trần Thành Đạt | Hiệu đính: Nguyễn Trịnh Đôn

    Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, các nhà hoạch định chính sách, học giả, giới nghiên cứu quan hệ quốc tế và các nhà phân tích chính trị tại Mỹ cho rằng cuộc chiến giữa các cường quốc chỉ còn là tàn tích của một thời đại đã qua. Năm 1986, nhà sử học John Lewis Gaddis gọi thời kỳ hậu Chiến tranh Thế giới II là một thời kỳ “Hòa bình Lâu dài” vì Liên Xô và Mỹ đã không thực sự tiến hành chiến tranh với nhau. Vài năm sau, nhà khoa học chính trị John Mueller cho rằng những thay đổi trong quy phạm hành xử đã khiến cuộc chiến giữa các cường quốc trở nên lỗi thời. Đến năm 2011, nhà tâm lý học Steven Pinker cho rằng thời kỳ Hòa bình Lâu dài đã chuyển thành một “Nền hòa bình Mới”, được đánh dấu bằng việc bạo lực trong quan hệ giữa người với người nhìn chung là giảm đi. 

    Tất nhiên, bạo lực vũ trang có tổ chức giữa các quốc gia nhỏ hơn vẫn còn nhiều, có thể kể tên một vài trong số đó như các cuộc xung đột đang diễn ra tại Afghanistan, Libya, Sudan, Syria, Ukraine, và Yemen. Dẫu sao, sự thiếu vắng cuộc chiến giữa các cường quốc kể từ năm 1945 vẫn là điều đáng ngạc nhiên, nhất là khi xét đến những diễn biến đẫm máu trong lịch sử chính trị kể từ khi bắt đầu hình thành hệ thống quan hệ quốc tế hiện đại từ thế kỷ XVI. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các hình thức xung đột như vậy không được tính đến. Trên thực tế, bất chấp nỗ lực của các học giả và các chính trị gia muốn coi cuộc chiến giữa các cường quốc là một mối đe dọa không có thật, những điều kiện cho một cuộc chiến như vậy vẫn đang hiện hữu. Những căng thẳng giữa các cường quốc hiện nay – trên nhất là Mỹ và Trung Quốc – và tại nhiều điểm nóng khác có thể châm ngòi cho cuộc chiến giữa các thế lực này. Hai cường quốc nói trên đang đối đầu do tác động từ quá trình chuyển dịch quyền lực cũng như sự cạnh tranh về vị trí và thanh thế với nhau, và cuộc chiến giữa hai cường quốc này trong vài thập kỷ tới không chỉ có khả năng xảy ra mà còn là có lẽ sẽ xảy ra nếu không có thay đổi chiều hướng. 

    Sự lạc quan nhầm chỗ

    Ngay cả khi cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng hơn, hầu hết người Mỹ quan tâm nghiêm túc đến chính sách đối ngoại và đại chiến lược đều không muốn tin rằng cuộc chiến giữa hai nước có khả năng xảy ra. Sự lạc quan này có nguồn gốc chủ yếu từ một số lý thuyết đang thịnh hành về hành vi của các quốc gia. Đầu tiên là mức độ phụ thuộc lẫn nhau cao về mặt kinh tế giữa hai nước sẽ giảm bớt nguy cơ xung đột vũ trang. Nhưng lịch sử lại cho thấy nhiều ví dụ đi ngược lại giả thuyết này. Các quốc gia châu Âu chưa bao giờ phụ thuộc lẫn nhau – cả về kinh tế và văn hóa – hơn giai đoạn trước khi Chiến tranh Thế giới I nổ ra, và nền kinh tế của hai quốc gia đầu tàu ở hai phe, Anh và Đức, cũng có mối liên hệ rất chặt chẽ. Và ngay cả khi sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc có thể, về mặt lý thuyết, giảm thiểu nguy cơ chiến tranh giữa hai nước, thì liên kết kinh tế giữa hai bên bắt đầu nới lỏng trong vài năm gần đây, khi đôi bên đều bắt đầu tách rời nền kinh tế của mình khỏi bên còn lại. 

    Lo ngại về viễn cảnh một cuộc chiến giữa các cường quốc còn xuất phát từ niềm tin vào sức mạnh răn đe hạt nhân. Rủi ro về sự hủy diệt chắc chắn với cả đôi bên trong một cuộc chiến tranh hạt nhân đã đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa Chiến tranh Lạnh trở thành chiến tranh nóng. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ qua, những tiến bộ công nghệ đã làm suy yếu vai trò của sự răn đe này. Sự kết hợp giữa các đầu đạn hạt nhân thu nhỏ với đương lượng nổ thấp và các hệ thống mang phóng với độ chính xác cao đã biến điều từng một thời không thể nghĩ đến trở thành khả năng trong tầm tay: một cuộc chiến tranh hạt nhân “giới hạn” mà không huỷ diệt cả thế giới. 

    Cuối cùng, các nhà nghiên cứu cho rằng cái gọi là trật tự quốc tế tự do sẽ giúp gìn giữ hòa bình. Theo quan điểm này, sự lãnh đạo của Mỹ – thông qua các định chế đa phương như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế – và sự phổ biến của các nguyên tắc hợp tác hòa bình sẽ giúp các hành động trong quan hệ quốc tế trở nên ổn định và dễ dự đoán hơn. Một vài học giả, ví dụ như nhà khoa học chính trị G. John Ikenberry, dự đoán một cách lạc quan rằng trật tự này có thể kéo dài thêm nhiều thập niên nữa, bất chấp việc Trung Quốc trỗi dậy và vai trò thống trị của Mỹ sẽ dần chấm dứt. Tuy nhiên, giả định này có nhiều vấn đề. Trật tự này đang bị thách thức không chỉ bởi những động lực quốc tế mà còn bởi những thay đổi chính trị tại chính các quốc gia vẫn bảo vệ nó từ trước đến nay. Tại Mỹ và châu Âu, sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy và dân chủ phi tự do là một đòn đánh ngược vào trật tự này và giới tinh hoa cổ vũ và hưởng lợi từ nó. Khi sự ủng hộ trong nước cho trật tự này giảm xuống và cán cân quyền lực dịch chuyển về các quốc gia khác, điều không thể tránh khỏi là trật tự này sẽ trở nên kém hiệu quả trong việc điều hòa xung đột. Các quốc gia đang nổi lên cũng coi đây là một cơ hội để xem xét lại toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế hiện nay, đây là điều làm gia tăng nguy cơ chiến tranh. 

    Những bài học lịch sử

    Trên thực tế, lịch sử lại thường chứng minh rằng những yếu tố ngăn cản cuộc chiến giữa các cường quốc thường kém tác dụng hơn so với biểu hiện bên ngoài của chúng. Cụ thể, sự thù địch giữa Anh và Đức mà đỉnh điểm là cuộc chiến năm 1914 cho thấy hai cường quốc không thể cưỡng lại việc bị kéo vào một cuộc xung đột mà trước đó nhiều khả năng sẽ không xảy ra – thậm chí cho đến ngay trước khi nó bắt đầu. Và những điều kiện tương tự trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung hiện nay là vô cùng rõ ràng. 

    Trong những năm đầu thế kỷ XX, sự phát triển nhanh chóng về sức mạnh kinh tế, kỹ thuật và hải quân của nước Đức đế quốc đã thách thức trật tự quốc tế do Anh lãnh đạo. Bất chấp quan hệ thương mại song phương chặt chẽ, giới tinh hoa Anh bắt đầu coi sức mạnh kinh tế đang lên của Đức là một mối đe dọa. Hơn nữa, họ coi những thành tựu kinh tế mà Đức có được là kết quả của các chính sách thương mại và công nghiệp thiếu công bằng: chúng đến từ sự can thiệp của nhà nước chứ không phải từ chính sách kinh tế tự do, không can thiệp đang thống trị kinh tế chính trị tại Anh. Giới tinh hoa Anh cũng có ác cảm sâu sắc với Đức vì họ coi văn hóa chính trị tại Đức – ưu tiên quân đội và các giá trị của nó – là sự tương phản cơ bản với các giá trị tự do. Nói một cách ngắn gọn, họ tin rằng Đức chắc chắn là một đối tác không thể nào đáng tin cậy. Do đó, không khó hiểu khi chiến tranh nổ ra, người Anh nhanh chóng hiểu rằng cuộc chiến là một cuộc thập tự chinh tư tưởng giữa một bên là chủ nghĩa tự do với một bên là chế độ chuyên chế và chủ nghĩa quân phiệt Phổ.

    Mỹ và Trung Quốc trên con đường đụng độ

    Người Anh và người Đức đối đầu cả vì thanh thế và quyền lực. Chiến lược Weltpolitik của nước Đức – xây dựng một lực lượng hải quân lớn mạnh và tìm kiếm thuộc địa – đã khiêu khích nước Anh, vốn là một quốc gia thương mại với một đế chế trải rộng toàn cầu nên không thể bỏ qua sự trỗi dậy của một cường quốc hải quân đối địch ở ngay bên kia bờ Biển Bắc. Tuy nhiên, trên thực tế, chương trình đóng tàu chiến của Đức được thúc đẩy bởi mong muốn được thừa nhận về vị thế hơn là những tính toán về kinh tế hay quân sự. Mục tiêu của Đức không hẳn là thách thức nước Anh mà là được thừa nhận như một cường quốc ngang hàng với nước này. 

    Bất chấp những lý do xung đột tiềm tàng này, sự bùng nổ cuộc chiến giữa hai quốc gia tháng 8/1914 không phải là không thể tránh được. Như hai nhà sử học Zara Steiner và Keith Neilson đã chỉ ra “không có xung đột trực tiếp về lãnh thổ, ngai vàng hay biên giới” giữa hai nước. Trên thực tế, có không ít yếu tố quan trọng có thể giúp duy trì hòa bình, có thể kể tên một vài trong số đó: thương mại song phương, những ràng buộc về văn hóa, và những mối liên hệ qua lại giữa các thành viên trong giới tinh hoa và hoàng tộc. 

    Vậy tại sao hai nước lại tiến hành chiến tranh với nhau? Câu trả lời của nhà sử học Margaret MacMillan là cuộc chiến là “kết quả của sự đối đầu giữa một quyền lực đang thống trị toàn cầu cảm thấy ưu thế của mình giảm sút và một đối thủ đang trỗi dậy”.

    Những sự chuyển dịch như vậy hiếm khi diễn ra trong hòa bình. Cường quốc hiện tại thường quá ngạo mạn, muốn dạy dỗ phần còn lại của thế giới về việc phải hành xử ra sao và thường không đánh giá đúng những lo ngại và mối quan tâm của các cường quốc yếu hơn. Một cường quốc như thế, nước Anh trước đây và nước Mỹ ngày nay, tất yếu phải cự tuyệt những dấu hiệu suy tàn của chính mình, còn cường quốc đang trỗi dậy lại không thể kiên nhẫn chờ đợi trong khi cố giành được phần tương xứng cho mình, cho dù đó là thuộc địa, quan hệ thương mại, các nguồn tài nguyên hay tầm ảnh hưởng. 

    Những điểm tương đồng trong sự đối đầu Anh-Đức giai đoạn trước năm 1914 và quan hệ Mỹ-Trung hiện nay vừa đáng kinh ngạc, vừa có giá trị cảnh báo. Mỹ nhận ra mình đang ở vị trí của Anh, một quốc gia ở địa vị bá chủ thế giới với quyền lực tương đối đang dần giảm sút. Washington, cũng giống như London trước đây, khó chịu trước sự trỗi dậy của đối thủ, được cho là có được nhờ các chính sách kinh tế và thương mại thiếu công bằng và coi đối thủ của mình là một đối tác không đáng tin cậy với những giá trị đi ngược lại chủ nghĩa tự do. Ở chiều ngược lại, tương tự như Đức giai đoạn trước Chiến tranh Thế giới I, một Trung Quốc đang trỗi dậy nhanh chóng muốn được thừa nhận là cường quốc ngang hàng trên trường quốc tế và muốn xây dựng bá quyền trong khu vực của mình. Việc nước Anh không thể thích nghi một cách hòa bình với sự trỗi dậy của Đức đã dẫn tới Chiến tranh Thế giới I. Việc Mỹ liệu có đi theo tiền lệ của người Anh hay không sẽ quyết định liệu cạnh tranh Mỹ-Trung có dẫn tới chiến tranh hay không.

    Một cuộc chiến vì ý thức hệ?

    Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, lịch sử của chính Trung Quốc là lời cảnh tỉnh cho việc điều gì sẽ xảy ra cho một quốc gia lớn nhưng không thể chuyển mình trở thành một cường quốc. Như giới nghiên cứu đã chỉ ra, sự thất bại của Trung Quốc trước Anh và Pháp trong hai cuộc Chiến tranh Nha phiến giữa thế kỷ XIX xuất phát từ việc nước này không thể thích ứng với những thay đổi mà cuộc Cách mạng Công nghiệp mang tới. Các lãnh đạo Trung Quốc chỉ phản ứng một cách yếu ớt nên các nước đế quốc hùng mạnh hơn đã cai trị nước này; người Trung Quốc gọi quãng thời gian sau đó, khi các cường quốc Phương Tây và Nhật Bản đè nén Trung Quốc, là “bách niên quốc sỉ” – một thế kỷ bị sỉ nhục. 

     Sự trỗi dậy hiện nay của Trung Quốc được thúc đẩy bởi mong muốn đáp trả sự sỉ nhục mà nước này đã phải chịu đựng và khôi phục vị thế giai đoạn trước thế kỷ XIX là cường quốc thống trị khu vực Đông Á. Chính sách “cải cách và mở cửa” của Đặng Tiểu Bình là bước đầu tiên của tiến trình này. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa, Trung Quốc hội nhập với trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo. Như chính bản thân Đặng phát biểu năm 1992, “Những kẻ tụt hậu sẽ phải lĩnh hậu quả.” Mục tiêu dài hạn của Bắc Kinh không đơn giản là trở nên giàu có. Nước này muốn trở nên đủ thịnh vượng để sở hữu năng lực quân sự và công nghệ cần thiết nhằm đoạt địa vị bá chủ khu vực Đông Á khỏi tay Mỹ. Trung Quốc hội nhập với trật tự thế giới không phải để duy trì nó mà là để thách thức nó ngay từ bên trong. 

     Chiến lược đó đã thành công. Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp Mỹ trên mọi khía cạnh đo lường sức mạnh quan trọng. Năm 2004, Quỹ Tiền tệ Quốc tế thông báo, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới xét trên góc độ sức mua tương đương. Nếu tính theo tỷ giá hối đoái trên thị trường, GDP của Trung Quốc hiện nay bằng khoảng 70% GDP của Mỹ. Và khi Trung Quốc đang hồi phục nhanh chóng từ suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra, nhiều khả năng nước này sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới xét trên bất cứ góc độ nào vào cuối thập kỷ này. Về mặt quân sự, mọi chuyện cũng diễn ra tương tự. Năm 2015, một nghiên cứu do RAND Corporation tiến hành, có tên gọi Bảng chấm điểm quân sự Mỹ-Trung, cho biết khoảng cách về năng lực quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc ở Đông Á đang thu hẹp một cách nhanh chóng. Hạm đội và các căn cứ của Mỹ trong khu vực bị đe dọa bởi năng lực quân sự đang được nâng cao của Trung Quốc. Các tác giả của nghiên cứu thể hiện sự ngạc nhiên trước quá trình dịch chuyển này. “Ngay cả với nhiều người tham gia đóng góp vào báo cáo này, những người theo dõi diễn biến trong cán cân quân sự châu Á một cách thường xuyên, tốc độ của sự thay đổi…vẫn là đáng kinh ngạc,” các tác giả viết. 

     Các nhà hoạch định chính sách Mỹ ngày càng coi đối đầu Mỹ-Trung không chỉ là một cuộc cạnh tranh quyền lực truyền thống giữa các cường quốc mà còn là cuộc đối đầu giữa dân chủ và chủ nghĩa cộng sản. Tháng 7/2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có bài phát biểu với mục tiêu chính là mô tả căng thẳng Mỹ-Trung dưới góc độ ý thức hệ. “Chúng ta cần phải nhớ rằng chế độ đó [Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ] là một chế độ Marx-Lenin,” ông nói. 

    Tổng Bí thư Tập Cận Bình là người thực sự tin vào một ý thức hệ toàn trị đã phá sản… vốn làm nền tảng cho ước muốn hàng thập kỷ của mình về địa vị bá chủ toàn cầu của chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc. Nước Mỹ sẽ không tiếp tục bỏ qua những sự khác biệt ý thức hệ và chính trị cơ bản giữa hai quốc gia, giống như ĐCSTQ chưa bao giờ bỏ qua chúng vậy. 

    Những lời lẽ đó nhằm tạo cơ sở cho một giai đoạn căng thẳng hơn trong đối đầu Mỹ-Trung bằng việc lặp lại những mô tả thời Chiến tranh Lạnh nhằm vào Liên Xô như một “đế quốc gian ác,” hủy hoại uy tín của chính phủ Trung Quốc trong mắt công chúng Mỹ và dựng lên hình ảnh Trung Quốc như một đối tác thiếu tin cậy trong các vấn đề chính trị quốc tế. 

    Không chỉ có các nhân vật diều hâu như Pompeo mới đánh giá Trung Quốc qua lăng kính ý thức hệ. Một loạt các nhân vật có tiếng tăm ở Washington bắt đầu tin rằng mối đe dọa thực sự đối với Mỹ không phải là sức mạnh kinh tế và quân sự đang lên của Trung Quốc mà là sự thách thức của Bắc Kinh đối với mô hình phát triển kinh tế và chính trị của Mỹ. Năm 2019, Kurt Campbell và Jake Sullivan đã viết trên tạp chí này, “Trung Quốc cuối cùng có thể là một thách thức ý thức hệ thậm chí còn lớn hơn Liên Xô”; khả năng của nó trong việc “trỗi dậy hướng tới vị thế siêu cường sẽ là một cú hích cho chế độ chuyên chế.”

    Sự chuyển đổi sang hướng ý thức hệ trong chính sách đối với Trung Quốc của Mỹ là thiếu khôn ngoan. Nó tạo ra một tâm lý hiếu chiến ở Washington và làm tăng khả năng xảy ra chiến tranh. Nước Mỹ cần đưa ý thức hệ ra khỏi những tính toán và điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc như sự đối đầu thường thấy giữa các cường quốc, trong đó các hoạt động ngoại giao có mục tiêu điều hoà cạnh tranh thông qua nhượng bộ, thỏa hiệp và tìm kiếm đồng thuận chung. Mặt khác, cạnh tranh ý thức hệ là cuộc chơi nếu bên này được thì bên kia phải thua xét về bản chất. Nếu đối thủ của bạn là quỷ dữ, thì nhượng bộ – và trên thực tế là ngay cả bản thân việc đàm phán – sẽ trở thành sự thỏa hiệp vô nguyên tắc. 

    Hiểm họa phía trước

    Hiện nay, quan hệ Mỹ-Trung đang trong trạng thái rơi tự do. Quan hệ kinh tế đang gặp vô số khó khăn vì cuộc chiến thương mại của chính quyền ông Trump và chính sách công nghệ của Mỹ nhằm buộc các công ty Trung Quốc như Huawei phải rời khỏi cuộc chơi. Rất dễ thấy rằng bất cứ điểm nóng nào cũng có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh trong thời gian tới. Các sự kiện trên bán đảo Triều Tiên có thể kéo Mỹ và Trung Quốc vào cuộc, và các hoạt động quân sự của cả hai bên đã làm gia tăng căng thẳng ở khu vực Biển Đông và eo biển Đài Loan. Washington cũng đang thách thức cách nhìn nhận lâu nay về quy chế của Đài Loan bằng việc tiệm tiến gần hơn đến việc công nhận nền độc lập của hòn đảo này và công khai thừa nhận cam kết bảo vệ Đài Loan bằng vũ lực của Mỹ. Mỹ cũng phản ứng mạnh mẽ với việc Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ thiểu số theo đạo Hồi tại Trung Quốc và việc nước này áp đặt luật an ninh khắc nghiệt mới lên vùng lãnh thổ Hong Kong. Trong cả hai trường hợp, các quan chức Mỹ thuộc cả hai đảng đều lên tiếng chỉ trích Trung Quốc và cả Quốc hội lẫn chính quyền Trump đều đã áp đặt những lệnh trừng phạt trả đũa các hành động này.

    Tuy nhiên, bất chấp những phản ứng đó, Trung Quốc có vẻ sẽ không từ bỏ mục tiêu trở thành bá quyền khu vực ở Đông Á. Bắc Kinh cũng sẽ tiếp tục gây áp lực buộc Mỹ phải thừa nhận vị thế cường quốc ngang hàng của nước này. Việc cố gắng tránh khỏi chiến tranh bằng cách đáp ứng các yêu cầu của Trung Quốc sẽ buộc Mỹ phải thu hẹp đảm bảo an ninh cho Đài Loan và thừa nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với hòn đảo này. Washington cũng sẽ cần chấp nhận thực tế rằng các giá trị tự do của mình không phải là phổ quát và do đó, cần dừng việc can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc như lên án các chính sách ở Hong Kong và Tân Cương hay đưa ra những lời kêu gọi khá thẳng thắng nhằm thay đổi chế độ ở nước này.

     Có rất ít khả năng Mỹ sẽ thực hiện những hành động này. Làm như vậy có nghĩa là thừa nhận sự kết thúc của kỷ nguyên thống trị của Mỹ. Điều đó sẽ làm cho viễn cảnh của một cuộc chiến tranh thực sự trở nên rõ ràng hơn. Không giống như trong thời Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ và Liên Xô nhìn chung đều chấp nhận vùng ảnh hưởng của nhau tại châu Âu, hiện nay, Washington và Bắc Kinh có quan điểm hoàn toàn khác nhau về việc nước nào sẽ đóng vai trò quyết định tại Đông Á, Biển Đông và Đài Loan. 

    Nếu Washington không nhường lại sự thống trị ở khu vực Đông Á thì nước này đang trên đường chuẩn bị cho chiến tranh.

    Quan điểm của công chúng Mỹ cũng sẽ không đóng vai trò ghìm cương gì lớn trên con đường có khả năng dẫn đến chiến tranh này. Xét về mặt lịch sử, giới hoạch định chính sách ngoại giao Mỹ không quá quan tâm đến quan điểm của công chúng, và nhiều cử tri Mỹ chỉ biết rất ít về những hành động quân sự của Mỹ ở nước ngoài và tác động của chúng. Trong trường hợp Trung Quốc tấn công, đặc biệt là nhằm vào Đài Loan, hiệu ứng “tập hợp xung quanh ngọn cờ” và khả năng thao túng dư luận của chính phủ Mỹ sẽ vô hiệu hóa sự phản đối từ công chúng đối với chiến tranh. Các nhà lãnh đạo Mỹ sẽ có thể lên án Bắc Kinh là chế độ độc tài cộng sản tàn bạo, hung hăng và bành trướng muốn đàn áp những người yêu tự do ở một vùng lãnh thổ dân chủ. Công chúng Mỹ sẽ được nghe rằng chiến tranh là cần thiết để giữ gìn những giá trị phổ quát của nước Mỹ. Tất nhiên, tương tự như với trường hợp Chiến tranh Thế giới I, Chiến tranh Việt Nam và Chiến tranh Iraq, sự thất vọng của công chúng Mỹ có thể xuất hiện khi cuộc chiến diễn ra theo chiều hướng xấu. Tuy nhiên, tới lúc đó, mọi thứ đã là quá muộn.

    Trong vài năm qua, nhiều nhà quan sát – bao gồm các nhà phân tích hàng đầu về Trung Quốc tại Mỹ, như Robert Kagan and Evan Osnos – đã cho rằng Mỹ và Trung Quốc, tương tự như Anh và Đức năm 1914, có thể “mộng du” tiến vào cuộc chiến. Mặc dù xu hướng chuẩn bị cho đối đầu vẫn tiếp diễn, nhưng tất cả đều đang quan sát một cách cẩn trọng. Vấn đề là ở chỗ, mặc dù những người ủng hộ cho sự gia tăng đối đầu đang thúc đẩy điều này một cách rõ ràng và công khai, thì những người phản đối điều đó trong giới hoạch định chính sách đối ngoại lại im lặng một cách đáng ngạc nhiên. Một trong những lý do của việc này là nhiều người ủng hộ cho chính sách tự tuân thủ và kiềm chế chiến lược trong chính sách ngoại giao của Mỹ đã trở nên diều hâu hơn nhiều trong vấn đề Trung Quốc. Trong số những nhà nghiên cứu và phân tích ủng hộ việc Mỹ nên rút lui khỏi Trung Đông (và, theo một số người, kể cả châu Âu), chỉ có một số ít ủng hộ sự điều chỉnh tương tự tại khu vực Đông Á. Ngược lại, một vài người trong số này – đáng chú ý là nhà nghiên cứu theo chủ nghĩa duy thực nổi tiếng John Mearsheimer – hiện cho rằng Mỹ cần phải chống lại hành động của Trung Quốc theo đuổi bá quyền khu vực. Nhưng lập luận này dựa trên cơn ác mộng địa chính trị đã ám ảnh chiến lược gia người Anh Sir Halford Mackinder đầu thế kỷ XX: nếu một cường quốc duy nhất kiểm soát được trung tâm đại lục Âu-Á, cường quốc đó sẽ trở thành bá quyền toàn cầu. Lập luận của Mackinder có rất nhiều lỗ hổng. Nó là sản phẩm của một thời đại mà trong đó sức mạnh quân sự được tính toán dựa trên quy mô dân số cùng với sản lượng thép và than đá. Mối đe dọa từ đại lục Âu-Á đã được thổi phồng trong thời đại của Mackinder và cho đến tận ngày nay vẫn thế. Địa vị bá quyền khu vực của Trung Quốc không phải là điều đáng phải ra tay ngăn chặn bằng chiến tranh. 

    Liệu Mỹ có thể, hoặc sẽ, nhường lại một cách hòa bình sự thống trị tại khu vực Đông Á và thừa nhận vị thế của Trung Quốc là một cường quốc ngang hàng hay không vẫn là một câu hỏi để ngỏ. Tuy nhiên, nếu Washington không làm như vậy, thì nghĩa là Mỹ đang trên con đường tiến nhanh đến chiến tranh – một cuộc chiến mà khi đem so sánh thì có thể làm mờ nhạt hết các thảm họa quân sự trước đây ở Việt Nam, Afghanistan và Iraq. 

    Christopher Layne là Giáo sư Cao cấp về Nghiên cứu Quốc tế, mang chức danh học giả Robert M. Gates về An ninh Quốc gia tại Đại học Texas A&M và là tác giả của một số đầu sách sắp xuất bản, bao gồm: Phía sau sự sụp đổ: Chính trị quốc tế; Đại chiến lược của Mỹ và Sự kết thúc của Hòa bình kiểu Mỹ.

    Trần Thành Đạt và Nguyễn Trịnh Đôn lần lượt là cộng tác viên và thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

    https://dskbd.org/2020/11/10/

    Không có nhận xét nào