Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ sáu 20 tháng 11 năm 2020



    Quá trình chuyển giao tổng thống ở Mỹ vẫn chưa được tiến hành

    Donald Trump chưa bao giờ là người chịu lùi bước. Bằng cách từ chối chuyển giao ghế tổng thống cho Joe Biden, ông đang đạp lên các chuẩn mực dân chủ. Các tuyên bố của ông về gian lận bầu cử hầu như là vô căn cứ. Trong khi đó, ông Biden bị từ chối tiếp cận các cuộc họp mật cũng như hệ thống thông tin liên lạc bảo mật của chính phủ. Cuộc thay máu công chức vốn thường diễn ra trong giai đoạn chuyển giao tổng thống (khoảng 4.000 người là quan chức được bổ nhiệm chính trị) chưa thể được tiến hành.

    Mặc dù chỉ một số ít đảng viên Cộng hòa công nhận chiến thắng của ông Biden, nhưng đến lúc nào đó họ cũng sẽ phải chấp nhận thực tế. Cử tri đoàn sẽ chính thức bỏ phiếu vào ngày 14 tháng 12 để đưa ông Biden trở thành tổng thống tiếp theo. Nhưng ngay cả khi ông Trump không thể lật ngược kết quả, sự hiếu chiến của ông vẫn có ảnh hưởng lâu dài lên chính trường Mỹ. Theo cuộc thăm dò mới nhất của The Economist từ YouGov, 88% những người bỏ phiếu cho ông Trump cho rằng kết quả bầu cử là bất hợp pháp. Câu chuyện tưởng tượng về cuộc bầu cử bị đánh cắp sẽ tạo ra căng thẳng nguy hiểm cho một nước Mỹ vốn đã phân mảnh.

    Một thử nghiệm để đưa ngành du lịch qua khó khăn

    Trong số tất cả các ngành công nghiệp bị Covid-19 đe dọa, du lịch có thể là lĩnh vực tổn hại nặng nhất. Sự sụp đổ của ngành du lịch sẽ tước đi 4,7 nghìn tỷ đô la của kinh tế toàn cầu trong năm nay và làm mất đi 174 triệu việc làm. Vì vậy các chính phủ rất mong muốn mở lại du lịch quốc tế. Cuối tuần này, Hồng Kông và Singapore sẽ ra mắt bong bóng đi lại hàng không toàn diện nhất thế giới, cho phép du khách bay qua lại giữa hai thành phố mà không phải kiểm dịch và không bị hạn chế về những gì họ có thể làm khi đến nơi.

    Cả hai đầu đưòng bay đều kiểm soát được virus và tin tưởng vào các mô hình xét nghiệm của nhau. Tuy nhiên, du khách phải xét nghiệm covid-19 hai lần, một lần trước khi bay và lần còn lại khi hạ cánh. Số hành khách ban đầu sẽ bị hạn chế và chương trình sẽ bị đình chỉ nếu một trong hai thành phố ghi nhận hơn năm ca nhiễm không thể truy vết trong một ngày. Việc nới lỏng các giới hạn biên giới ở châu Âu đã thất bại vì tỷ lệ nhiễm virus quá cao trong khi hệ thống xét nghiệm và truy dấu tiếp xúc quá lỏng lẻo — và có thể đã tạo ra làn sóng thứ hai của lục địa này. Vì vậy thế giới sẽ dõi theo nỗ lực mới nhất này với hy vọng.

    G20 họp thượng đỉnh trực tuyến

    Bất chấp vẻ tráng lệ, hội nghị thượng đỉnh G20 của các nhà lãnh đạo từ các nền kinh tế lớn nhất thế giới không khác gì một triển lãm thương mại ở Dubuque, Iowa. Barack Obama đã nói như vậy trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Atlantic. Nó có “những món hàng nhỏ và sự kém chất lượng”, còn những chiếc bút thì “đáng thất vọng”. Khi Ả Rập Saudi đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên của G20 vào tháng 12, họ hy vọng hội nghị thượng đỉnh cuối tuần này sẽ giúp khôi phục hình ảnh quốc tế của đất nước sau vụ sát hại khủng khiếp Jamal Khashoggi, một nhà báo nổi tiếng, trong lãnh sự quán ở Istanbul vào năm 2018.

    Nhưng đại dịch covid-19 đã khiến sự kiện phải họp online. Thành tựu đáng chú ý nhất của quốc gia này có thể là hậu thuẫn một “khuôn khổ chung” để điều phối phản ứng của G20 về các yêu cầu xóa nợ từ 73 quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Họ nợ các chính phủ G20 hơn 160 tỷ đô la vào cuối năm 2019. Và đại dịch đã làm gia tăng áp lực phải gạch bỏ một vài số không trong dãy số đó.

    Tổng thống Brazil phản đối vắc xin Sinovac


    Lô hàng 46 triệu liều vắc-xin covid-19 của Sinovac Trung Quốc tới bang đông dân nhất Brazil, São Paulo, sẽ không làm hài lòng Tổng thống Jair Bolsonaro. 120.000 liều đầu tiên đã đến hôm qua, mặc dù vắc-xin vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Thống đốc São Paulo, João Doria, hứa sẽ không sử dụng lô thuốc cho đến khi cơ quan quản lý của Brazil chấp thuận chúng. Vắc-xin này đã dẫn đến một cuộc đối đầu giữa ông Doria, người đang xây dựng một cơ sở để sản xuất thêm 100 triệu liều mỗi năm, và ông Bolsonaro, người hoài nghi về độ an toàn của vắc-xin.

    Ông Bolsonaro, một người hay chỉ trích Trung Quốc, đã tuyên bố “chiến thắng” trên Facebook vào tuần trước khi cuộc thử nghiệm bị đình chỉ vì một người tham gia tự tử (mặc dù điều này được xác định không liên quan đến vắc xin). Chính phủ liên bang đang đàm phán với các công ty dược phẩm khác, bao gồm cả Pfizer. Brazil cần tất cả các loại thuốc có thể. Họ có số ca mắc cao thứ ba thế giới và số người chết cao thứ hai.

    Bosnia và Herzegovina 25 năm kể từ Hòa ước Dayton

    25 năm trước vào ngày mai, các nhà lãnh đạo Bosnia, Croatia và Serbia đã đạt thỏa thuận tại một căn cứ không quân ở Dayton, Ohio để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 3 năm rưỡi. Thỏa thuận đã giúp giữ cho Bosnia và Herzegovina là một quốc gia. Kể từ đó, những người bi quan luôn định kỳ cảnh báo nước này đang trên bờ vực chiến tranh. Mặc dù không có xung đột nào nổ ra, nhưng Bosnia là một quốc gia không hạnh phúc. Sẽ không có lễ kỷ niệm nào vào ngày mai.

    Đây là một nước nghèo, với nửa số người trẻ muốn rời đi trong khi thủ lĩnh Serbia chính của họ liên tục đe dọa ly khai. Dù vậy, bất chấp hệ thống hành chính phức tạp dựa trên sắc tộc được đặt ra tại Dayton, nền chính trị của họ lại có thể hòa hợp một cách đáng ngạc nhiên. Một người Serbia vừa được bầu làm thị trưởng của trung tâm Sarajevo, nơi từng bị người Serbia bao vây trong chiến tranh. Và người Bosnia đã bỏ phiếu một cách đáng tin cậy để bầu đại diện Croatia vào nhiệm kỳ tổng thống ba người của đất nước. Thay vì than thở vì thiếu các lễ hội, nhiều người Bosnia sẽ thấy nhẹ nhõm khi đến dịp kỉ niệm này.

    Thủ tướng Thái Lan dọa tận dụng hết sức mạnh của luật pháp chống lại người biểu tình


    Thủ Tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha hôm 19/11 dọa sẽ tận dụng hết sức mạnh của luật pháp chống lại những người biểu tình, giữa lúc biểu tình leo thang, kêu gọi lật đổ Thủ tướng và cải cách để hạn chế quyền hạn của Vua Maha Vajiralongkorn.

    Các nhà hoạt động bày tỏ quan ngại rằng lời đe dọa đó có nghĩa là chính quyền Thái Lan sẽ tiếp tục truy tố các trường hợp vi phạm đạo luật cấm xúc phạm hoàng gia Thái Lan, một trong những đạo luật khắt khe nhất cấm báng bổ hoàng gia trên thế giới.

    “Ông Prayuth đã tuyên chiến chống lại nhân dân,” luật sư nhân quyền và cũng là lãnh đạo biểu tình, Arnon Nampa, nói.

    “Đối với các vị công bộc không về phe nào, quý vị phải quyết định liệu quý vị muốn sống trong quá khứ, hay muốn cùng chúng tôi xây dựng tương lai.”

    Các cuộc biểu tình khởi sự từ tháng 7 đã trở thành thách thức lớn nhất đối với chính quyền Thái Lan trong nhiều năm nay, đồng thời phá vỡ điều cấm kỵ từ lâu đời khi phê bình chế độ quân chủ, vốn là một tội hình sự đi kèm với bản án tù lên tới 15 năm.

    Thủ Tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đưa ra loan báo một ngày sau khi hàng ngàn người biểu tình ném sơn vào trụ sở cảnh sát để phản ứng trước việc cảnh sát sử dụng vòi rồng và hơi cay, gây tổn thương cho hàng chục người hôm thứ Ba 17/11, ngày bạo động nhất kể từ khi biều tình khởi sự vào tháng Bảy.

    Ông Prayuth tuyên bố:


    “Chính phủ sẽ ra tay hành động và thi hành luật pháp, tận dụng tất cả mọi điều khoản luật pháp để chống lại những kẻ vi phạm luật pháp.”

    Thượng Nghị sĩ Mỹ Marsha Blackburn: Big Tech kiểm duyệt và can thiệp bầu cử


    Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marsha Blackburn thuộc tiểu bang Tennessee nói với Breitbart News rằng sự kiểm duyệt chính trị của Big Tech (các hãng công nghệ lớn) đã dẫn đến sự can thiệp bầu cử, theo Breitbart ngày 17/11.

    Trong cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình Alex Marlow của kênh Breitbart News Daily, bà Blackburn nói rằng: “Tôi nghĩ rằng họ [Big Tech] đã can thiệp vào các cuộc bầu cử,” và “Tất nhiên là họ đã làm vậy.”

    Bà Blackburn đã đề cập đến việc phương tiện truyền thông xã hội bị kiểm duyệt đối với những thông tin đã được tiết lộ liên quan đến con trai thứ hai của ông Joe Biden là Hunter Biden.

    Bà Blackburn cho rằng: “Tất cả họ đều thuộc đội của Joe Biden…”

    Đồng thời, bà Blackburn cho rằng luật chống độc quyền là nỗi sợ lớn
    nhất của Big Tech.

    Bà Blackburn cho hay, phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Thượng viện hôm thứ Ba với Giám đốc điều hành Twitter Jack Dorsey và Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg là một phần của chiến lược để lập điều lệ cho một “tiêu chuẩn quyền riêng tư của liên bang” cho dữ liệu người dùng kỹ thuật số.

    Bà Blackburn cho biết: “Đây là điều chúng tôi cần làm. Một bộ quy tắc cho toàn bộ hệ sinh thái Internet với một cơ quan quản lý, và cung cấp cho người dùng trực tuyến khả năng chọn thông tin mà họ muốn chia sẻ, thay vì nền tảng truyền thông xã hội chỉ khai thác từng từ khóa mà bạn nhấp vào và sau đó bán cho các nhà quảng cáo.”

    Bà Blackburn đã đồng đề xuất Đạo luật Tự do và Đa dạng quan điểm Trực tuyến (Online Freedom and Viewpoint Diversity Act), một đề xuất lập pháp nhằm thu hẹp phạm vi hoạt động của các công ty công nghệ liên quan đến kiểm duyệt chính trị bằng cách tu chính Mục 230 của Đạo luật Khuôn phép trong Giao tiếp (Communications Decency Act – CDA).

    Bà Blackburn cho biết, luật mà bà đề xuất “xác định những gì họ có thể và không thể kiểm duyệt.”

    Thêm một bước, Hạ viện Hoa Kỳ đề xuất cấm quan chức Trung Quốc nhập cảnh chứ không chỉ nhập cư


    Đại diện Đảng Cộng hòa của Arizona tại Hạ viện Hoa Kỳ, bà Debbie Lesko đã đệ trình một dự luật vào hôm thứ Ba (17/11) nhằm ngăn chặn Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cướp đoạt quyền sở hữu trí tuệ và bí mật thương mại của người Mỹ bằng cách cấm các quan chức cấp cao của ĐCSTQ và con cái họ nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

    Tên của dự luật này là “Đạo luật Dừng Trộm cắp Sở hữu trí tuệ của Trung Quốc” (Stop China’s IP Theft Act). Dự luật cấm cấp thị thực Hoa Kỳ cho các quan chức cấp cao của ĐCSTQ. Theo đó có 25 quan chức cấp cao nhất của ĐCSTQ trong Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, bao gồm ông Tập Cận Bình và 7 ủy viên Ban Thường vụ cùng hàng trăm quan chức ĐCSTQ trong Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, các “đại biểu” của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, cũng như gia đình và con cái của họ.

    Dự luật cũng cấm các thành viên trong Nội các Chính phủ Trung ương của ĐCSTQ và các quân nhân đang hoạt động trong quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

    Nhóm chuyển tiếp Biden muốn thắt chặt nghiên cứu khoa học với Trung Quốc

    Cuộc bầu cử năm nay vẫn chưa ngã ngũ, liệu Joe Biden có thể bước chân vào Nhà Trắng trước các cáo buộc gian lận hay không vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, ông Biden đang rất nóng lòng muốn thành lập một nhóm chuyển tiếp quyền lực tổng thống, ông còn nói rằng sẽ hợp tác chặt chẽ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), theo Sound of Hope.

    Mahlet Mesfin, thành viên thẩm tra nhóm chuyển tiếp của ông Biden, gần đây đã kêu gọi tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, bao gồm trong lĩnh vực “chỉnh sửa gen”, nhằm đối phó với virus viêm phổi Vũ Hán.

    Mahlet Mesfin, từng làm việc tại Phòng an ninh quốc gia và các Vấn đề Quốc tế trực thuộc Văn phòng Chính sách Khoa học & Công nghệ dưới thời chính quyền Obama. Mesfin hiện đang tham gia nhóm chuyển tiếp của Joe Biden, dẫn đầu một nhóm thẩm tra của Cục Nghệ thuật Nhân văn. Đồng thời, Mesfin cũng là một giáo viên thỉnh giảng tại Trung tâm Ngoại giao Toàn cầu Biden tại Đại học Pennsylvania.

    Ngày 18/10, Mahlet Mesfin đã có bài đăng trên trang The Hill với tựa đề “Giải Nobel cho thấy vì sao Trung Quốc và Hoa Kỳ cần hợp tác trong lĩnh vực chỉnh sửa gen”. Trong bài luận, bà ủng hộ mạnh mẽ việc thiết lập mối quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học chặt chẽ hơn giữa Trung Quốc và Mỹ. Bài báo này trọng điểm tập trung vào phản ứng của giới khoa học đối với Covid-19, đặc biệt là giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào