Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ tư 24 tháng 11 năm 2020

     Covid-19 : Mỹ chuẩn bị sẵn sàng tiêm chủng 6 triệu người trong tuần đầu tiên

    Nước Mỹ đã sẵn sàng trong khâu hậu cần để phân phối hàng triệu liều vac-xin Pfizer/BioNTech ngừa Covid-19. REUTERS

    Toàn bộ công tác hậu cần cho việc phân phối hàng triệu liều vac-xin Pfizer/BioNTech đầu tiên đã sẵn sàng, theo phát biểu của nhiều quan chức Mỹ ngày 24/11/2020. Tuy nhiên, cơ quan y tế Mỹ cảnh báo người dân đừng vội từ bỏ khẩu trang vì vac-xin ngừa Covid-19 không giúp Mỹ thoát khỏi khủng hoảng dịch tễ ngay lập tức.

    Khoảng 6,4 triệu liều vac-xin sẽ được phân phối trong ba tuần nữa và « 40 triệu liều vào trước cuối năm », gồm cả vac-xin do Moderna bào chế và có thể được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) bật đèn xanh vào tháng 12. Tướng Gus Perna, chỉ huy chiến dịch phân phối, khẳng định quân đội « có thể giao vac-xin đến bất kỳ nơi nào ở Hoa Kỳ ». Đối tượng được ưu tiên trong đợt tiêm chủng đầu là người cao tuổi ở nhà dưỡng lão, nhân viên y tế … Từ quý II năm 2021, vac-xin sẽ được tiêm đại trà cho bất kỳ người dân nào muốn.

    Carrie Lam đọc phát biểu chính sách hàng năm

    Điều thú vị là ngay khi còn chưa đọc bài phát biểu chính sách hàng năm vào hôm nay, Carrie Lam đã phải bác bỏ những tin đồn rằng bài phát biểu của bà được Bắc Kinh viết sẵn. Trưởng đặc khu Hồng Kông phản đối quá nhiều. Và mọi người đều biết ai mới thực sự là sếp. Dưới sự “giám sát” toàn diện của văn phòng liên lạc Hồng Kông ở đại lục, được trang bị luật an ninh quốc gia mới, những tiếng nói bất đồng chính kiến ​​chống chính phủ — và chống Đảng Cộng sản — đã bị loại bỏ.

    Mười nghìn nhà hoạt động đã bị bắt. Các cuộc bầu cử bị hoãn lại và các chính trị gia ủng hộ dân chủ bị loại khỏi cơ quan lập pháp hoặc đã từ chức. Bài phát biểu của bà Lam có thể kêu gọi hội nhập mạnh mẽ hơn với đại lục để hồi sinh nền kinh tế đang khó khăn của Hồng Kông. Bà có thể sẽ thúc đẩy kế hoạch của Tập Cận Bình nhằm biến Khu vực Vịnh Lớn thành một trung tâm tài chính và công nghệ. Nhưng các biện pháp cho phép đi lại không kiểm soát từ Trung Quốc – điều cần thiết để phục hồi – ít có khả năng xảy ra. Thành phố đang phải chiến đấu với một làn sóng covid-19 mới.

    Biden chọn Jannet Yellen làm bộ trưởng tài chính

    Trong loạt tiểu thuyết “Harry Potter”, nhân vật chính tình cờ gặp Gương Ảo ảnh. Bất cứ ai nhìn vào gương đều thấy “ước muốn sâu sắc nhất, tuyệt vọng nhất” của trái tim mình phản chiếu lại. Dường như có một chút “Gương Ảo ảnh” trong quyết định của Tổng thống đắc cử Joe Biden đề cử Janet Yellen làm bộ trưởng tài chính tiếp theo của Hoa Kỳ, được thông báo hôm thứ Hai. Bà là một lựa chọn đầy cảm hứng. Bà được tôn trọng bởi cả các đảng viên Dân chủ trung dung và cánh tả.

    Bà là chủ tịch có năng lực cao của Cục Dự trữ Liên bang từ năm 2014 đến năm 2018, đồng thời là một nhà kinh tế và chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ, tổ chức uyên bác nổi tiếng của lĩnh vực này. Không nhiều người được đánh giá cao hơn bà cho vị trí này. Tuy nhiên, yếu tố quyết định có thể là không như Elizabeth Warren, người bị coi là phản đối thị trường tự do và không tin tưởng ngành tài chính, bà Yellen có thể đạt được đủ phiếu ủng hộ để được bổ nhiệm ngay cả khi đảng Cộng hòa giành được Thượng viện.

    Kế hoạch chi tiêu công của Anh

    Bộ trưởng tài chính Anh Rishi Sunak sẽ công bố kế hoạch chi tiêu công vào hôm nay. Ông sẽ thiết lập ngân sách của nhiều cơ quan chính phủ cho năm 2021, mặc dù hầu hết các quyết định ngân sách cho Dịch vụ Y tế Quốc gia và trường học đã được đưa ra trước đó. Nếu không tính chăm sóc y tế, chi tiêu của Anh cho các dịch vụ công theo giá thực giảm 1/4 mỗi người trong thập niên tính đến năm tài chính 2019-20, theo Viện Nghiên cứu Tài khóa, một tổ chức nghiên cứu.

    Ông Sunak có thể giảm hơn nữa, có lẽ bằng cách đóng băng lương công chức, nhằm lấp lỗ hổng ngân sách mà các nhà dự báo nói do đại dịch coronavirus để lại. Tuy nhiên, thủ tướng Boris Johnson đã hứa sẽ không quay về thắt lưng buộc bụng. Và sự không chắc chắn vẫn còn đó xoay quanh tốc độ phục hồi kinh tế một khi vắc-xin giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng. Đầu tháng này, chính phủ đã công bố kế hoạch chi tiêu lớn cho quốc phòng. Sẽ có những thông điệp hỗn loạn.

    Cuộc đấu với covid-19 của Đức có dấu hiệu lung lay


    Việc kiềm chế covid-19 của Đức có xu hướng tuân theo một mô hình. Lo lắng khi số ca nhiễm ngày càng tăng, Thủ tướng Angela Merkel kêu gọi phong tỏa chặt chẽ hơn. 16 thủ hiến bang, những người chịu trách nhiệm thực hiện các quy tắc, phản đối đề xuất này và sẽ chỉ nghe theo thủ tướng nếu đồ thị không đi ngang. Sau khi từ chối những lời đề nghị mới nhất của bà Merkel vào tuần trước, hôm nay các lãnh đạo bang sẽ đồng ý kéo dài thời gian “phong tỏa nhẹ” của Đức — các quán bar, phòng tập thể dục, nhà hàng và địa điểm văn hóa đóng cửa, còn trường học và cửa hàng mở cửa — đến tháng 12.

    Các quy định về đeo khẩu trang, giới hạn tiếp xúc cá nhân và các hạn chế khác sẽ được thắt chặt hơn nữa. Những người Đức có kế hoạch gặp gỡ vào dịp Giáng sinh, khi một số quy tắc có thể được tạm thời nới lỏng, được yêu cầu tự cách ly trước. Cách xử lý khủng hoảng tương đối ổn định của Đức đã bắt đầu lung lay một chút. Bundestag (quốc hội Đức) đã có tranh cãi, trong khi những người theo thuyết âm mưu và những kẻ cực hữu thường xuyên tổ chức biểu tình phản đối, một vài trong số đó thậm chí đã trở nên bạo lực.

    Công ty Mỹ cáo buộc sợi xuất khẩu từ Việt Nam phá giá hơn 54%

    Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đang tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với sợi dún polyester (PTY) nhập khẩu từ 4 quốc gia trong đó có Việt Nam, trong đó biên độ bán phá giá cáo buộc đối với sản phẩm từ Việt Nam bị cáo buộc lên tới 54,13%.

    Xơ sợi staple nhân tạo (Viscose Spun Yarn) xuất khẩu của Việt Nam vừa bị Bộ thương mại và Công nghiệp Ấn Độ khởi xướng điều tra chống bán phá giá vào hồi tháng 1/2020. (Ảnh minh họa: Byvalet/Shutterstock)

    Theo thông báo đăng ngày 18/11, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết bắt đầu các cuộc điều tra chống bán phá giá để xác định xem liệu sợi có kết cấu polyester từ Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam có bị bán phá giá tại thị trường Mỹ với giá thấp hơn giá trị hợp lý hay không.

    Sản phẩm sợi dún polyester (PTY) được sử dụng chủ yếu trong dệt kim và dệt thoi để tạo ra vải làm quần áo, đồ trang trí nội thất, bao ghế ngồi, túi và nhiều ứng dụng khác.

    Đơn kiện do Nan Ya Plastics Corporation, Mỹ (Lake City, SC) và Unifi Manufacturing, Inc. (Greensboro, NC) đệ trình.

    Giai đoạn điều tra được công bố từ ngày 1/4/2020-30/9/2020. Biên độ phá giá bị cáo buộc như sau:

    26,07% đối với sản phẩm xuất khẩu từ Indonesia

    75,13% đối với sản phẩm xuất khẩu từ Malaysia

    56,80% đối với sản phẩm xuất khẩu từ Thái Lan

    54,13% đối với sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam

    Theo thông báo của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, nếu cuộc điều tra kết luận khẳng định các sản phẩm trên có bị bán phá giá và nếu Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) xác định rằng sợi dún polyester bán phá giá từ Indonesia, Malaysia, Thái Lan và / hoặc Việt Nam gây thương tích nghiêm trọng hoặc đe dọa thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp Mỹ, Bộ Thương mại sẽ áp thuế đối với những mặt hàng nhập khẩu đó với số lượng được phát hiện là có bán phá giá.

    Hàng loạt doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc vỡ nợ


    Gần đây, hoàng loạt các trái phiếu xếp hạng AAA của nhiều doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã vỡ nợ, kích hoạt tình trạng hỗn loạn trên thị trường trái phiếu nước này, theo Sound of Hope.

    Giới đầu tư ngờ rằng các doanh nghiệp nhà nước này có ý định “trốn nợ”, và vụ việc đã kinh động đến các quan chức cấp cao. Vài ngày trước, Phó Thủ tướng phụ trách tài chính của ĐCSTQ, Lưu Hạc, nói rằng ông ta sẽ áp dụng thái độ “không khoan nhượng” đối với các vụ việc tài chính bất thường. Một số nhà phân tích môi giới chỉ ra rằng Ủy ban Tài chính ĐCSTQ tuyên bố rằng nó có thể tránh được rủi ro tín dụng lan rộng hơn nữa trong ngắn hạn. Tuy nhiên, rủi ro vỡ nợ tín dụng có giảm được hay không còn tùy thuộc vào mức độ cải thiện kinh tế và cải thiện xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp.

    Trái phiếu doanh nghiệp nhà nước đối mặt giông bão liên miên, Lưu Hạc bày tỏ ý kiến

    Ngày 21/11, Phó Thủ tướng phụ trách tài chính ĐCSTQ Lưu Hạc, đã tuyên bố tại một cuộc họp của Ủy ban Tài chính rằng sự gia tăng gần đây các vụ vỡ nợ của doanh nghiệp nhà nước là kết quả tổng hợp nhiều yếu tố như chu kỳ kinh tế, hệ thống kinh tế của ĐCSTQ và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ông cho rằng cần duy trì chính sách “không khoan nhượng”, điều tra nghiêm ngặt việc chuyển giao tài sản có mục đích xấu và các loại hành vi “trốn nợ” khác nhau, để tránh phát sinh nguy cơ rủi ro đối với toàn hệ thống.

    Tuần trước, Tập đoàn Điện lực và Than Vĩnh Thành (Vĩnh Doanh) thuộc sở hữu nhà nước ở tỉnh Hà Nam đã phải đối mặt khả năng vỡ nợ trái phiếu trị giá 26,5 tỷ nhân dân tệ (4 tỷ USD). Tuần trước, khoản nợ 1 tỷ Nhân dân tệ của tập đoàn này không được thanh toán đúng tiến độ, cấu thành việc vi phạm hợp đồng. Vĩnh Thành sẽ có nhiều trái phiếu đáo hạn hơn, và thị trường lo ngại những trái phiếu này có thể vỡ nợ.

    Hôm thứ Hai (23/11), Vĩnh Thành đã thông báo rằng hai trái phiếu siêu ngắn hạn, “20 Vĩnh Thành SCP004” và “20 Vĩnh Thành SCP007”, với số tiền phát hành là 1 tỷ nhân dân tệ mỗi trái phiếu kèm thời gian đáo hạn lần lượt là 270 và 210 ngày, sẽ đến hạn chi trả vào ngày 22/11 và ngày 23/11. Do tính thanh khoản của doanh nghiệp không đủ, các khoản hoàn trả cho số trái phiếu siêu ngắn hạn hai giai đoạn đã không được chuyển cho tổ chức giám sát một cách đúng hạn và đầy đủ. Hiện tại, việc hoàn trả lãi và gốc của hai trái phiếu vẫn chưa chắc chắn.

    Kinh tế Trung Quốc đi xuống, chính phủ không giúp được các doanh nghiệp nhà nước


    Sau khi trái phiếu của hai doanh nghiệp nhà nước Liêu Ninh Brilliance Group và Hà Nam Vĩnh Doanh bị vỡ nợ, thị trường trái phiếu tín dụng sơ cấp đã phải đối mặt với sự trì trệ. Thị trường trái phiếu liên ngân hàng đã hủy bỏ hoặc trì hoãn các thông báo phát hành ở khắp nơi, với quy mô được mở rộng đáng kể so với giai đoạn trước. Tại thị trường thứ cấp, các trái phiếu “rủi ro cao” như Tập đoàn Than Vĩnh Doanh, Năng lượng và Hóa chất Hà Nam, Thanh Hoa và Chí Quang đã gia tăng rõ rệt, với những đợt sụt giá mạnh theo thời gian.

    Phó Thủ tướng Lưu Hạc bày tỏ hy vọng sẽ xua tan nỗi lo của thị trường về vấn nạn “trốn nợ”, cho biết ông sẽ giữ thái độ “không khoan nhượng” đối với các vụ vỡ nợ tài chính, nhưng không nêu ra chính sách hỗ trợ tài chính cụ thể nào đi kèm. Nhiều nhà phân tích bày tỏ hoài nghi về việc liệu cuối cùng có thể ngăn chặn được sự bùng phát rủi ro nợ tín dụng hay không.

    Ủy ban Tài chính Trung Quốc nhìn nhận rằng có ba yếu tố gây ra các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp nhà nước gần đây, yếu tố đầu tiên là chu kỳ kinh tế. Nền kinh tế Trung Quốc đang theo một chu kỳ đi xuống, và tài chính của ĐCSTQ cũng không khá hơn trước đây, do đó không thể chi tiền giúp đỡ các doanh nghiệp dưới quyền. Hồi tháng trước Sở Tài chính Hà Nam đã tuyên bố rằng chi tiêu tài khóa của chính phủ vượt quá nguồn thu, và ĐCSTQ đang phải đối mặt với một “tình huống nghiêm trọng”.

    Gỗ lậu từ rừng nguyên sinh bị tàn phá ’chạy’ vào nhà… tổ trưởng bảo vệ rừng


    Hạt Kiểm lâm Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) đã điều tra phát hiện 23 phách gỗ bạch tùng với khối lượng 1,555 m3 bị lâm tặc khai thác trái phép từ rừng nguyên sinh nằm trong vườn nhà của Tổ trưởng Tổ quản lý bảo vệ rừng.

    Tại lô b2, khoảnh 2, tiểu khu 249 thuộc xã Đạ Đờn (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) vừa xảy ra vụ phá rừng nghiêm trọng.

    Ông Đồng Văn Tuyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lâm Hà cho biết đây là lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý.

    Theo báo cáo nhanh của Hạt Kiểm lâm Lâm Hà, có 11 cây gỗ hàng trăm năm tuổi bị cưa hạ, với tổng khối lượng lâm sản thiệt hại là hơn 20m3, trong đó có 7 cây bạch tùng, với khối lượng gỗ thiệt hại hơn 14m3; còn lại là 4 cây Dẻ, với khối lượng gỗ là hơn 6,3m3.

    Quá trình điều tra, hôm 20/11, cơ quan chức năng phát hiện có 23 phách gỗ bạch tùng với tổng khối lượng 1,555 m3 nằm trong vườn cà phê của ông Nguyễn Văn Tuyến (54 tuổi, sống ở thôn R’Hang Trụ, xã Phúc Thọ, Lâm Hà). Những phách gỗ này có cùng chủng loại và chiều dài với những lóng gỗ bị cắt khúc tại hiện trường vụ phá rừng.

    Đáng lưu ý, ông Tuyến là Tổ trưởng Tổ nhận khoán bảo vệ rừng ở tiểu khu 249. Ông Tuyến cho biết ông đã mua số gỗ trên của Bùi Minh Chí (SN 1982, sống cùng thôn).

    Thái Lan dùng luật khi quân truy tố 12 lãnh đạo ủng hộ dân chủ

    Thái tử Maha Vajiralongkorn lên ngôi Quốc vương Thái Lan ở tuổi 64. REUTERS/Chaiwat Subprasom

    Sau khi bị cảnh sát triệu tập ngày 25/11/2020, 12 nhà tổ chức phong trào ủng hộ dân chủ tại Thái Lan bị truy tố vì tội khi quân. Một cuộc tuần hành mới dự kiến diễn ra cùng ngày ở Bangkok để lên án hoàng gia mập mờ về tài chính.

    Theo Hội luật sư Thái Lan bảo vệ nhân quyền, « 12 người bị triệu tập theo điều 112 của Luật Hình Sự ». Luật khi quân của Thái Lan là một trong những đạo luật hà khắc nhất trên thế giới, trừng phạt đến 15 tù về tội xúc phạm, phỉ báng, chỉ trích quốc vương hoặc thành viên hoàng tộc. Lần đầu tiên kể từ năm 2018, điều khoản này được sử dụng để bắt giữ 12 nhà đấu tranh ủng hộ dân chủ.

    Trả lời AFP, Parit Chiwarak, một trong 12 người bị bắt, cho rằng « thái độ như vậy sẽ còn thu hút đông đảo người xuống đường hơn ». Phong trào ủng hộ dân chủ dự kiến tuần hành vào ngày hôm nay 25/11. Mục tiêu ban đầu là Cục Quản lý Tài sản Hoàng gia (Crown proprety bureau, CPB). Tuy nhiên, để tránh đối đầu với phe bảo hoàng, họ quyết định tập hợp trước trụ sở của Siam Commercial Bank, một trong những ngân hàng lớn ở Thái Lan. Quốc vương Maha Vajiralongkorn là một trong những cổ đông chính của ngân hàng này.

    Người biểu tình yêu cầu cải tổ sâu rộng thể chế và kiểm soát khối tài sản khổng lồ của hoàng tộc. Trước đó, quốc vương Vajiralongkorn đã cho thông qua một đạo luật trao cho quốc vương toàn quyền kiểm soát Cục Quản lý Tài sản Hoàng gia (CPB), thay cho bộ Tài Chính Thái Lan, đại diện cho chính phủ.

     
    Võ Thái Hà tóm lược
     

    Không có nhận xét nào