Header Ads

  • Breaking News

    Lầu Năm Góc đổi lãnh đạo khiến Bắc Kinh "lo ngay ngáy"

    Việc Tổng thống Donald Trump bất ngờ sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper khiến giới hoạch định chính sách ở Bắc Kinh lo ngại rủi ro bùng phát xung đột ngoài dự tính.


    Tổng thống Donald Trump sa thải ông Mark Esper không phải là điều quá bất ngờ. Trong thời gian qua, người đứng đầu Lầu Năm Góc đã có nhiều bất đồng với tổng thống, đơn cử là việc phản đối dùng quân đội đối phó người biểu tình ở nhiều thành phố.

    Tuy nhiên, trả lời South China Morning Post, một số nhà phân tích quân sự đánh giá việc ông Mark Esper mất chức đang khiến Bắc Kinh thêm lo ngại về rủi ro xung đột ngoài dự tính. Bên cạnh đó, đây có thể là khởi đầu cho những động thái cứng rắn hơn từ Lầu Năm Góc.

    Sự thay thế gây lo ngại

    Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper được Bắc Kinh đánh giá là nhân vật hiếm hoi trong chính phủ ông Trump sẵn sàng đối thoại với các đối tác Trung Quốc. Ông Esper mất chức đồng nghĩa rằng Bắc Kinh mất thêm một cánh cửa đối thoại với Washington.

    Người tạm thời kế nhiệm ông Esper là Christopher Miller. Bản thân nhân vật này cũng khiến giới hoạch định của Trung Quốc không yên tâm.

    Ông Miller là dân "nhà binh" đúng nghĩa. Quyền bộ trưởng 55 tuổi từng được đào tạo ở Đại học Hải chiến Mỹ và Đại học Lục quân Mỹ. Ông phục vụ trong quân đội từ năm 1983 đến năm 2014.

    Ông từng tham chiến ở Afghanistan vào năm 2001. Khi chiến tranh Iraq nổ ra vào năm 2003, ông cũng được điều đến chiến trường này, theo lý lịch được đăng tải trên Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia. Thời gian qua, ông Miller giữ chức Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về Hành quân đặc biệt và Tác chiến chống khủng bố.

    The Hill tiết lộ đích thân Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien đã đề cử ông Miller cho Tổng thống Donald Trump.

    "Lý lịch của Miller đậm dấu ấn của lực lượng đặc biệt. Ông từng là biệt kích và từng chỉ huy các lực lượng đặc biệt, chuyên về đột kích và những chiến dịch mang tính phiêu lưu cao", Zhou Chenming, chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, lưu ý.

    Theo ông Zhou, Trung Quốc lo ngại về "khả năng phiêu lưu quân sự" vì Mỹ đã ngày một siết chặt quan hệ an ninh với đồng minh và đối tác trong khu vực.

    Zhou nhận định ông Esper là một nhân vật "ổn định" và phía Bắc Kinh có thể đối thoại. Trong khi đó, xét về kinh nghiệm của ông Miller trong lực lượng đặc biệt, ông Zhou lo ngại quyền bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ sẵn sàng cho những động thái quyết liệt hơn đối với Trung Quốc.

    Giai đoạn căng thẳng

    Quyết định sa thải ông Esper xảy ra trong giai đoạn đặc biệt nhạy cảm giữa Mỹ và Trung Quốc. Quan hệ hai nước, dưới thời Tổng thống Donald Trump, đã leo thang căng thẳng trên hàng loạt lĩnh vực, trong đó có những điểm nóng địa chính trị ở Tây Thái Bình Dương.

    Cuối tháng 10, chỉ vài ngày trước bầu cử Mỹ, quan chức quốc phòng hai nước đồng ý đẩy nhanh đối thoại quản lý khủng hoảng, thể hiện mong muốn tránh viễn cảnh bùng phát xung đột. Trong vòng đối thoại đầu tiên của Nhóm Công tác Liên lạc Khủng hoảng, Lầu Năm Góc chủ động phủ nhận những tin đồn về ý tưởng xung đột.

    Ngày ông Esper nhận thông tin sa thải, binh chủng lính thủy đánh bộ cũng vừa khởi động chương trình huấn luyện dài 4 tuần cho lực lượng của Đài Loan. Phía Đài Bắc mô tả đây là "trao đổi quân sự thường kỳ" giữa quân đội Mỹ với hòn đảo.

    Đơn vị của Mỹ phải cách ly khoảng 2 tuần trước khi tham gia đợt huấn luyện. Điều này cho thấy chuỗi hoạt động đã được lên kế hoạch từ trước kỳ bầu cử lẫn quyết định sa thải ông Mark Esper.

    Tuy nhiên, trả lời South China Morning Post, một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc xem đợt huấn luyện này là "thách thức nhắm vào giới hạn của Trung Quốc". Theo nguồn tin này, giới lãnh đạo quân đội Trung Quốc đang nghiên cứu khả năng phía Mỹ hành động mạo hiểm và xảy ra xung đột ngoài dự tính sau vụ sa thải Esper.

    Trong khi đó, Drew Thompson, cựu Trưởng phòng Trung Quốc, Đài Loan và Mông Cổ - thuộc Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ (giai đoạn 2011-2018), lại đưa ra dự báo lạc quan hơn. Ông cho rằng rủi ro Mỹ - Trung xảy ra xung đột sẽ không gia tăng trong 9 tuần tới, từ giờ đến khi Tổng thống tân cử Joe Biden nhậm chức vào ngày 20/1.

    "Tôi không nghĩ ông Miller có ảnh hưởng gì đáng kể trong 2 tháng này. Di sản lớn nhất của ông ấy sẽ là đảm bảo một giai đoạn chuyển giao suôn sẻ, phục vụ lợi ích quốc gia bằng duy trì tính liên tục và chuẩn bị cho người kế nhiệm ông ấy đạt được thành công", Thompson đánh giá.

    Quan điểm này cũng được chuyên gia Song Zhongping của Trung Quốc đồng tình. Ông cho rằng chính phủ Tổng thống Trump sẽ dành sự quan tâm nhiều hơn cho những vấn đề trong nước.

    "Ông Trump không mấy vui vẻ sau thất bại. Ông ấy sẽ không muốn phí thời gian cho những vấn đề ngoại giao Mỹ - Trung và sẽ để cho quân đội Mỹ tiếp tục những hoạt động, huấn luyện thường kỳ tại Thái Bình Dương", Song nhận định.

    https://www.vietbf.com/

    Không có nhận xét nào