Header Ads

  • Breaking News

    Gs. Nguyễn Mạnh Bích - Tản mạn chuyện ‘ăn’ ngày Tết


    Trung Tâm Văn Hóa Nguyễn Trường Tộ (ttntt.free.fr)

    Năm 1993, JC Pomonti có viết một bài báo tựa là “Quand les Saigonnais mangent le Têt – Khi người Sài Gòn ăn Tết”. Khi dùng cụm từ “manger le Têt”, dù đã có dạy học ở Việt Nam (trường JJR và Đại Học Văn Khoa) và lấy vợ Việt, hình như ông cựu giáo sư đại học, phóng viên của tờ báo Le Monde này muốn tỏ sự hiểu biết sâu sắc về Việt Nam bằng cách viết một bài nói về lối đón mừng năm mới của dân ta. Trong bài báo, ông ấy nêu lên những nét đặc thù của sự “ăn Tết” của ta như sau:

    – Người Việt Nam ăn Tết có nghĩa là cỗ bàn linh đình, ai nấy đều mời nhau ăn uống (les Vietnamiens mangent le Têt, ce qui veut dire banquets et tables familiales ouvertes… tout le monde invite tout le monde)

    – Người ta chăm lo việc ăn uống cho cả ông bà tổ tiên, thần thánh (on nourrit également ancêtres, dieux et génies)

    – Tết mà không xài tiền (đánh bạc, mua sắm) thì không phải Tết (Le Têt n’est pas le Têt quand on ne gaspille pas son argent)

    – Ngày đầu năm, trẻ con đứng vòng tay nói lời chúc tụng (như con vẹt) cha mẹ và các bậc trưởng thượng để được thưởng tiền bằng những đồng bạc mới (lì xì) (Le Jour de l’An, debout et les bras croisés, les enfants récitent leurs souhaits aux parents et ainés, en échange de quoi ils reçoivent des billets de banque neufs…)

    Cái “ăn Tết” của ông ấy nói đến là lối ăn Tết của những người Miền Nam Việt Nam ở Sài Gòn tân thời trong những thập niên gần đây… Cách “ăn Tết” với mấy đặc điểm trên kia rất khác xa với tục ăn Tết cổ truyền của ta. Cho nên Pomonti không hiểu được người Việt Nam chính thống, thuần túy ăn Tết trong tinh thần Đón Mừng Năm Mới, tống cựu nghinh tân, như thế nào và cái sự “ăn Tết” của người Việt Nam có những cái đặc biệt gì.

    Phải hiểu rõ những cái đặc biệt ấy mới hiểu tại sao người Việt nói là “ăn Tết”.


    Với bài này của tôi không có dụng ý châm biếm một người trí thức không cùng văn hóa nhưng tôi muốn bàn đến cái ưu việt của văn hóa Việt Nam. Tại sao người Việt Nam ta nói là “ăn Tết”. Trong ngôn ngữ của ta, ăn là cái gì và Tết là cái gì mà mình “ăn” được? Xin thưa ngay, chúng ta nói phải nói là “ăn Tết” thì chúng ta mới nói lên được tất cả cái hay, cái đẹp, cái lý thú, cái cao siêu của những ngày lễ hội đầu năm ấy. Vâng, sự “ăn Tết” của ta bao gồm cả một trời triết lý tuy huyền nhiệm nhưng rất “dễ thương”. Xin bàn rõ hơn:

    1- Trước hết là vấn đề ăn: Theo Socrate thì con-người muốn sống cho “ra người” phải dùng phương châm: “Ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn”. Mấy ông Tây xưa này nói chuyện triết lý nghe kỳ cục quá. Làm như vậy thì hóa ra người cũng nên “làm” giống như mọi sinh vật khác; trâu, bò chó, ngựa, voi, khỉ, vượn, hươu, nai… ăn cỏ, cây trái “để sống”; beo, cọp, sư tử, chó sói, diều hâu, cá mập v.v. ăn thịt tươi sống cũng “ăn để sống”. Còn nói rằng “ăn cho ra người”, thì theo tôi, phải ngược lại: người ăn thì phải có cái ý muốn cao siêu, đặc biệt là “thực tri kỳ vị”. “Ăn cho ra người” là ăn cho có ý nghĩa, là phải biết ngon dở, phải biết mùi vị, tốt xấu, là phải ăn cho có… nghệ thuật (nghệ thuật là nhân tính). Nói cách khác: người muốn sống cho ra người thì phải tìm cái thú, cái hay trong “sự ăn”; nói rộng ra “biết sống là phải biết ăn” hay nói cho gọn, cho tiện: “sống để mà ăn”. Sự sống và sự ăn liên kết với nhau trong cuộc sống, tuy hai mà một không như sự sống và sự chết liên kết với nhau như bóng với hình.

    Tôi không nói hàm hồ đâu. Cách ăn uống là thước đo trình độ văn minh của mỗi dân tộc. Nhân loại thời ở lỗ, ở hang mới “ăn lông” còn khi đã tìm ra lửa, trồng được ngũ cốc thì không “ăn lông” nữa. Về sau, tùy trình độ văn minh tiến bộ, dân tộc nào cũng tìm ra một lối ăn, một nghệ thuật ăn hợp với lối sống của mình. Có dân tộc ăn bốc, có dân tộc dùng đũa, có dân tộc dùng muỗng, nĩa, dao, kéo, v.v.. Có dân tộc ăn bò bo, có dân tộc ăn khoai mì (sắn), có dân tộc ăn lúa mì, có dân tộc ăn gạo, v.v..

    Các dân tộc khác thì tôi không biết rõ chứ người Pháp cổ, đối với nghệ thuật ăn uống, họ cũng suy nghĩ kỹ càng lắm. Từ thế kỷ thứ 16, trong tinh thần hâm mộ nét cao siêu về sự ăn của dân Gaulois vào thời kỳ xa xưa, ông Rabelais, đã “chế tạo” ra những nhân vật Gargantua, Pantagruel để nhiệt thành quảng cáo cho sự “sống để mà ăn, ăn cho ra người”. Ông ấy đưa ra những câu phương châm rất xác đáng (đối với một dân tộc trân trọng sự ăn) để khuyến dụ sự tôn vinh việc ăn:

    – Càng ăn nhiều càng khoái nhiều, càng uống nhiều càng sướng nhiều – l’appétit vient en mangeant… la soif s’en va en buvant

    – Thượng Đế tạo hành tinh (còn) con-người (thì) chế thức ăn ngon – le Grand Dieu fit les planètes, Nous faisons les plats nets

    Nhờ tinh thần “tham ăn” ấy mà triết lý Pháp tìm ra được lẽ uyên nguyên của thuyết nhân bản. Và nước Pháp mới đoạt được cái tước hiệu huy hoàng “xứ sở của sự ăn ngon mặc đẹp” mà các dân tộc Âu Mỹ khác thường sùng thượng hoặc… ganh tị. Người Pháp chính thống phải biết biết thưởng thức mùi vị tuyệt diệu của mỗi món phó-mát (mùi càng nồng nặc vị càng đậm đà) khi ăn kèm với một loại rượu thượng thặng, vừa nhắp nhẹ khỏi môi, thấm vào đầu lưỡi đã thấy tâm thần đê mê ngây ngất. Muốn chính lý hóa sự “điệu nghệ” ấy người Pháp có hệ thống định hướng thẩm vị Michelin để xếp hạng những nhà hàng ăn theo giá trị của những món ăn ngon và “không khí” ăn ngon. Người sành ăn (chơi) phải tìm đến những nhà hàng bốn, năm sao để thưởng thức mùi vị và tài nghệ nấu ăn của Đại Pháp.

    Nhưng “sự ăn” được người Pháp chú trọng về phương diện nghệ thuật chứ không hẳn về ý nghĩa, về tinh thần ăn. Đấy là vấn đề của những nước có một nền văn minh vật chất, khoa học kỹ thuật cấp tiến. Người Á Đông thì không “làm” như vậy. “Sự ăn” của Tàu, của Nhật, của Đại Hàn không giống như vậy. Ăn đối với người Á Đông trước hết và căn bản là một hành động để sinh tồn, để tiếp dẫn sự có mặt của mình trong vũ trụ. Mà đã nói đến sinh tồn thì phải có ý nghĩa của nó, phải hợp với lẽ sinh tồn của con-người nói riêng, của vạn vật nói chung. Cho nên “ăn” đối với người Á Đông không phải là một nghệ thuật mà thôi, ăn cho khoái khẩu, ăn cho đã thèm, đã no; ăn đối với người Á Đông là đặt vấn đề thụ ân thiên địa.

    Do đấy, riêng đối với người Việt, sự ăn phải được thể hiện theo “đạo Trời”. Khi ăn, không những người ăn phải nhớ đến công lao của người nông phu (kiểu suy nghĩ của Sully Prudhomme trong bài Le semeur); người ăn phải biết trân trọng cái “hột ngọc” của Trời ban cho. Khi nói đến việc “ăn”, người Việt Nam luôn nhắc đến chữ “cơm” như ăn cơm tiệm (dù sẽ ăn phở, ăn không có cơm), ăn cơm tây (với bánh mì), ăn cơm tàu (với những món tầu ăn kèm với mì sợi làm bằng bột mì) vì món ăn chính của ta là cơm, nấu bằng gạo. Miếng cơm thơm ngon dẻo ngọt mà ta ăn ấy trước kia là luá, là gạo được tạo thành bằng mồ hôi bằng công sức của người nông phu:

    Dưới đầm cạn, trong đầm sâu
    Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa.

    Và của Ông Trời đã làm cho mưa thuận gió hòa, thể theo lời

    Lạy Trời mưa xuống
    Lấy nước tôi uống
    Lấy ruộng tôi cày
    Lấy đầy bát cơm.
    Lấy rơm đun bếp…

    Từ tinh thần tôn thờ Trời ấy, từ tính cảm nhiệm sự có-mặt (immanence) của Trời trong mọi “sự” (phénomènes) và “vật” (choses, êtres) ấy, con-người Việt xem “sự ăn” là một vấn đề tinh thần và chữ “ăn” được ghép vào mọi hành vi của mình. Cho nên, ngôn ngữ Việt Nam có gần một trăm cách nói có dùng chữ “ăn”.

    Trong sự sống của loài người, Việt Nam ta hay ai ai cũng vậy, chỉ có mấy vấn đề sau đây là quan trọng, liên quan đến sự điều động cuộc sống bình thường:

    – Ăn uống: ngay về mặt thực tế “ăn để mà sống”, không ăn thì chết (đói) cũng đã có vấn đề “tinh thần ăn” rồi: đói mới ăn, khát thì uống, nhưng phải có chừng mực, giờ giấc, điều độ. “Tham thực cực thân” là một phương châm trở thành tính chân lý rồi, ai cũng biết. Nhà Nho nói “thực vô cầu bảo”, đấy là phương châm của những bậc đại nhân quân tử trên đường “minh minh đức” còn người dân-thường nói dễ hiểu hơn: ăn uống phải từ tốn không nên ăn tham, ăn như mỏ khoét, uống ừng ực như trâu bò; khi ngồi vào ăn phải nhớ ăn trông nồi, ngồi trông hướng, v.v..

    – Ăn nằm: bên cạnh “sự ăn” để sống, để bảo vệ sự trường tồn của giống người, có chuyện “ăn nằm” mà người Việt Nam xem là quan trọng bậc nhất. “Ăn nằm” là chuyện nam nữ, chuyện vợ chồng, chuyện kết hợp giữa hai giống người, biểu tượng cho sự hòa hợp âm dương trong Trời, Đất. Do đấy, từ ngàn xưa, luân lý, luật pháp của người Việt ta, từ thời nhà Lý đã chuẩn định trên nguyên tắc đạo đức, hợp với “đạo Trời”. Ăn nằm phải có đạo đức.

    Ngoài ra, trong cuộc sống xã hội, muốn cho có sự thuận hòa trong sự liên hệ của “ta” với “người”, ngôn ngữ của ta có nói đến ba vấn đề “ăn” khác. Ba vấn đề ấy phải được xem là căn bản của tâm thức Việt Nam; đó là:

    – Ăn ở: vào trường hợp này, chữ “ăn” được ghép vào chữ “ở” không phải để chỉ riêng mặt cụ thể của hai vấn đề: ăn cho no bụng và nhà cửa, nơi ăn chốn ở; trái lại, đấy là một cụm từ mang một ý nghĩa rộng rãi, bao bọc cả cuộc sống “xã hội” của con-người. Nó xác định được cái “bào hao” của từng con-người. “Ăn ở” có nghĩa là cách cư xử. Lối ăn, nếp ở là phong cách của một con-người trong xã hội, là sự đối đãi của một cá nhân này với cá nhân khác, là nề nếp của một xã hội lấy “đạo Trời” làm gốc.

    Câu thơ:

    Ở sao cho vừa lòng người
    Ở rộng người cười, ở hẹp người chê

    và câu tục ngữ

    Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài

    xác định rõ ràng, khéo léo vấn đề cách đối xử với nhau của con-người; nó cần bao gồm tất cả ý nghĩa sâu sắc của triết thuyết trung hòa trong nguyên lý tam tài: trời, đất, người nên ta phải nói là “ăn ở”.

    – Ăn nói: không phải nhờ đến ảnh hưởng Nho học người dân Việt mới đặt tiêu chuẩn cho cái đẹp tinh thần của cái chuyện “lời ăn tiếng nói” này. Trong số “Mười thương” xác định vẻ đáng quí, đáng yêu của người phụ nữ Việt Nam, “ăn nói” được xếp vào hàng nhì:

    Một thương tóc bỏ đuôi gà,
    Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.

    Thật vậy, để bảo vệ sự “hạp nhãn”, sự thu hút người nam đến với người nữ thì mái tóc là vóc con-người. Còn trong cuộc sống chung đậm đà, êm đẹp, lời ăn tiếng nói “mặn mà” làm đẹp tình người đã đành (gừng cay muối mặn, xin đùng bỏ nhau), lối “ăn nói” dịu dàng, từ tốn, khôn khéo là nền móng của sự “nên duyên”.

    Do đấy, đạo lý Việt Nam chấp nhận dễ dàng khuôn phép trau dồi đức hạnh cho con-người bằng ngũ thường, bằng tứ đức của Khổng Mạnh. “Trai thời trung hiếu làm đầu” là phương châm của nam tử trong xã hội, còn cái thước đo giá trị của con-người ứng viên làm quân tử nằm trong khuôn khổ của năm hạnh: nhân, nghĩa, lễ trí, tín. Mà trong năm hạnh này, đã có ba cái liên quan trực tiếp đến cách “ăn nói” rồi; nó tóm gọn tất cả ba hạnh: lễ (ăn nói đứng đắn, có phép tắc), trí (ăn nói khôn ngoan), tín (nói không sai lời, nói và làm phải giống nhau).

    Đối với phân nửa kia của nhân loại, tôi thiết tưởng, muốn đóng trọn vai trò “nội tướng” theo Nho phong, người phụ nữ cũng phải chú trọng đức “ngôn”. Lê Quí Đôn dùng lời mẹ “khuyên con lúc về nhà chồng” cốt để tôn vinh cái đẹp tinh thần của “lời ăn tiếng nói”.

    – Ăn chơi: liên quan đến sinh thú ở đời. Có lẽ đây là vấn đề hay đẹp nhất trong tâm thức của người Việt Nam. Ăn để mà sống, nhưng sống mà không chơi, không có lúc nghỉ xả hơi, không có cách làm cho sự sống được thoải mái thì không hợp lý. Huống nữa, dân Việt Nam vốn sống với nghề nông, đầu tắt mặt tối, chân lấm tay bùn, mà không có lúc chơi thì… không được. Đã có “ăn” thì phải có “chơi”. Cho nên, người Việt Nam rất trọng sự “ăn chơi”, nghĩa là xem sự tìm kiếm thú vui (sinh thú) là một điều không thể bỏ qua được. Trong dân gian, có những hội hè, đình đám với những cuộc vui tưng bừng, những cách chơi nhộn nhịp như: đua thuyền, đấu vật, thổi cơm, hát quan họ, đánh bài chòi, v.v.. Giới thượng lưu trưởng giả bày ra cầm, kỳ, thi, họa. Chung chung, người Việt Nam rất thích ăn chơi: đường ăn chơi mỗi vẻ mỗi hay.

    Đến đây, chúng ta có thể thấy rõ tại sao trong ngôn ngữ của ta, để nói đến bất cứ sinh hoạt, hành động nào, cũng có “sự ăn” đi kèm. Ví dụ: để nói lên sự hòa hợp rõ ràng, ta thường dùng những chữ: ăn ý, ăn khớp, ăn ảnh, ăn bẩn, ăn gian hoặc đối với những vấn đề tế nhị, bí hiểm hơn, ta nói: ăn thề, ăn sương, ăn xôi. Sự ăn, ý niệm ăn, trong ngôn ngữ của ta, được dùng để nói lên cái ý muốn phải sống hợp với đạo Trời, nghĩa là sự sống phải xây dựng, tạo lập bằng tinh thần hòa hợp với Trời Đất, Người (thiên thời, địa lợi, nhân hòa).

    Đến đây, chúng ta có thể bàn đến vấn đề khúc mắc: “Ăn Tết”. Nó gồm có hai khía cạnh: Tết là gì và Ăn trong dịp Tết.

    2- Ý nghĩa chữ Tết: Ai cũng có nghe nói đến cái định nghĩa (có thể không đúng): chữ Tết là cách nói trại của chữ Tiết, có nghĩa là đốt tre, khớp xương, nói rộng ra là giai đoạn, thời kỳ. Người Tàu thường phân biệt những tiết lập xuân (5 tháng 2 đến 6 tháng 5), lập hạ (7 tháng 5 đến 8 tháng 8); lập thu (9 tháng 8 đến 8 tháng 11) lập đông (9 tháng 11 đến 4 tháng 2). Đến ngày đông chí 22 tháng 12, ngày ngắn nhất trong năm, Ông Táo sửa soạn sẵn (có người phàm trần phụ một tay bằng cách làm Sớ sẵn) để hôm sau về Trời gặp Ngọc Hoàng Thượng đế, tấu trình sự việc ở nhân gian.

    Đối với Việt Nam vốn là nước nông nghiệp, sự sống (và chết), cuộc sống được điều động theo nhịp độ thời tiết mưa nắng, bốn mùa. Việc trồng trọt phải thuận theo từng mùa:

    Tháng Chạp là tháng trồng khoai
    Tháng Giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà.
    Tháng Ba cày vỡ ruộng ra,
    Tháng Tư làm mạ mưa sa đầy đồng…

    Cuộc sống theo một nhịp điệu riêng phù hợp với sự tuần hoàn trong Trời Đất:

    Tháng Giêng ăn Tết ở nhà,
    Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè

    vì:

    Tháng Giêng là tiết mưa xuân,
    Tháng Hai mưa bụi dần dần mưa ra.

    Đến “tháng ba cày vỡ ruộng ra” sau đấy là “tháng tư làm mạ” và trong khi chờ đợi “tháng năm gặt hái” thì:

    Tháng Tư đong đậu nấu chè
    Ăn Tết đoan ngọ trở về tháng Năm.

    Cuộc đời cứ như vậy mà sống một cách êm đềm theo nhịp điệu “mưa thuận gió hòa” cho đến “tháng một, tháng chạp nên công hoàn thành”. Và tiện lợi thay, tháng chạp, trời lạnh, vào mùa khô, việc đồng áng tạm ngưng, người nông phu nghỉ ngơi ăn Tết, mừng đón mùa màng sắp đến.

    Cái niềm vui “nên công hoàn thành” ấy do Trời Đất ban cho, cho nên lời ca dao “nhờ trời một mẫu năm nong thóc đầy” mang nặng lòng nhớ ơn; nó giục giã người nông phu, người dân tổ chức Lễ Hội mừng Năm Mới thật tưng bừng, trang trọng. Những ngày lễ hội tưng bừng náo nhiệt “mừng đất, nhớ trời” của ta được gọi là Tết Nguyên Đán gọi tắt là Tết.

    3- Ý nghĩa chuyện “ăn Tết”

    Trong tinh thần “nhớ ơn Trời đất” ấy, người Việt Nam tổ chức ngày lễ hội đầu năm – nghĩa là ăn Tết – với những tập tục khá riêng biệt:

    – Thờ cúng Trời Đất: Trong khi Vua và Triều đình lo Tế Trời Đất ở đàn Nam giao (kinh đô Huế), người dân, sau khi làm lễ tiễn đưa Ông Táo về Trời, tổ chức ngày Lễ Hội Đầu Năm bằng những buổi lễ Giao thừa, dựng nêu, lễ Tổ Tiên, lễ đi hái lộc (xuất hành).

    Trong những buổi lễ, trên bàn thờ phải có bánh chưng, bánh dầy và những trái cây đặc biệt Việt Nam: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài.

    Theo tục lệ cổ truyền có sẵn từ đời Hùng Vương, người Việt phải dùng loại thực vật địa phương để làm bánh cúng: bánh chưng (bánh tét) gói bằng lá dong, với gạo nếp, đậu, hành, thịt heo và gia vị hành, tiêu, muối. Bánh chưng hình vuông tượng trưng cho Đất, thuộc Âm; bánh dầy là một khối đơn thuần, chắc, dẻo, màu trắng tinh của nếp. Bánh dầy hình tròn, mặt trên tròn, mặt dưới phẳng, tượng trưng bầu trời, thuộc Dương. Nhìn cái bánh chưng, bánh dầy, ăn một miếng bánh chưng, cắn một miếng bánh dày, người Việt tưởng nhớ đến nguồn gốc của mình, của ông bà tổ tiên, để tự nhắc nhở rằng mình phải sống thuận hợp với Trời Đất. Đấy là theo đúng đạo trời, theo đúng lẽ âm dương, hiểu được cái lý uyên nguyên: vạn vật đồng nhất thể, mọi vật đều có cha có mẹ.

    Ngoài ra còn có những thứ hoa quả, bánh mứt được chọn lựa cho ngày Lễ Hội Mừng Đón Năm Mới này nữa như ngũ quả: cầu, sung, dừa, đủ, xoài (cầu xin vừa đủ xài?) các món ăn gồm có ngũ vị, ngũ sắc.

    – Tôn kính tổ tiên: Đạo Trời đặt nền tảng trên lòng biết ơn Trời Đất, buộc con-người Việt Nam phải “ăn ở” thuận thảo với những bậc cha mẹ (sinh thành nói chung, kể cả Trời Đất). Cho nên khi nói đến đạo Trời, mặc nhiên ta nghĩ đến đạo Hiếu (gồm có bộ lão trên chữ tử) với nghĩa từ nguyên: tỏ lòng biết ơn người trên (bậc sinh thành) bằng lòng tôn kính, sự tôn thờ. Đạo lý Việt Nam đặt nền tảng trên tục thờ cúng tổ tiên, mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Ngày Tết mà không có được một ít hương hoa cúng bái tổ tiên là một sự thiếu sót xem như bất hiếu. Việc mừng tuổi cũng giống như cuộc lễ tổ tiên phải được tổ chức trang trọng để cho những trẻ em biết tôn kính ông bà, cha mẹ và tiền nhân.

    – Sum họp gia đình, về quê ăn Tết: Người Việt Nam luôn luôn đặt tình cảm gia đình (tổ tiên, cha mẹ, anh em, bà con thân thuộc) lên trên mọi liên hệ khác. Cách ngôn của ta nói: Bà con xa hơn láng giềng gần để trân trọng, tôn quí trước hết là tình máu mủ, sau đó là tình lối xóm, làng nước, đồng bào. Giữa sự tụ họp với bạn bè để ăn mừng, để vui chơi và sự sum họp gia đình, trở về sống cái không khí đầm ấm thiết tha với những người cùng máu mủ, giòng họ, người Việt Nam thường chọn niềm vui thứ nhì. Ăn Tết tha hương không có tình thuơng yêu của những người thân trong gia đình, thiếu tình thân thiết của họ hàng, làng nước, hoặc những buổi thăm viếng nhau, dù cho có “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ”, có những lời chúc tụng nhau, có những cuộc lễ chùa, hái lộc cũng không thể nào là một dịp Mừng Đón Vận Hội Mới được. Bạn bè thân quí chưa phải là gia đình của ta, ngôi nhà, căn phố ở xứ người không phải là đất trời của ta!!

    Tóm lại, ăn Tết là sự trở về với Trời Đất, ông bà, tổ tiên. Ăn Tết phải có thờ cúng, cỗ bàn, sum họp. Ăn Tết phải có ý nghĩa “Tôn quí Trời”.

    Kết luận: Ăn Tết ngày nay

    Chuyện ông Pomonti xẩy ra đã hơn mười năm nhưng chưa mất tính thời gian. Không phải chỉ ông ấy mới có cái nhìn “bề ngoài” về sự “ăn Tết” của Việt Nam ta, ngay cả người Việt Nam trong và ngoài nước hiện nay cũng “ăn Tết” khác xưa rất nhiều. Vì “ăn Tết”, như trên đã giải bày, không như xưa nữa mà trở thành một dịp vui mừng “vô tư”, một dịp hội họp để ăn uống, bài bạc xô bồ. Ngày xưa, Tết kéo dài hằng mấy tháng để người dân có dịp sum họp với bà con thân thích trong gia đình, với bạn bè quen thuộc trong xóm làng. Sự tụ hội này mang ý nghĩa của sự “trở về” với gia đình, với quê nhà, đồng thời trở về với “đất trời” bằng những cuộc lễ trang trọng dưới mái nhà từ-đường hay giữa lòng đất nước, quê hương. Ngày xưa, những tục lệ ngày Tết không ai xem là dị đoan để bài bác, xóa bỏ. Ngày nay, nếu Tết không bị quên lãng thì cũng chỉ còn là một ý niệm mơ hồ, một vấn đề không đáng quan tâm; đối với một số người khá đông, Tết đem lại nỗi luyến tiếc không được sống lại cái không khí vừa thân mật vừa thiêng liêng, vừa trang trọng vừa náo nhiệt của những ngày đón xuân trên đất nước quê hương…

    Belleville, Paris tiết Mạnh Đông

    http://saigonnho.info/2021/02/02/tan-man-chuyen-an-ngay-tet/

    Không có nhận xét nào