Header Ads

  • Breaking News

    Tàu hút cát TQ "quần thảo" vào eo biển Đài Loan: Chiến lược từng bước kiểm soát Đài Loan?

    Trong một buổi chiều, "chúng tôi có thể thấy có tới 300 hay 400 tàu nạo vét cát", Lin Mei-hao, chủ một khu nhà nghỉ trên đảo nói.

    Tàu hút cát TQ "quần thảo" vào eo biển Đài Loan: Chiến lược từng bước kiểm soát Đài Loan?

    Các tàu nạo vét Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều trên khu vực biển Đài Loan diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc cũng đẩy mạnh sự hiện diện trên Biển Đông.

    Tàu hút cát Trung Quốc "quần thảo" eo biển Đài Loan

    Trong bóng tối, những con tàu Trung Quốc tiến gần tới quần đảo Matsu, phía bắc eo biển Đài Loan. Đó không phải là tàu vũ trang mà là các tàu nạo cát hút hàng tấn cát từ dưới lòng đại dương.

    Những ánh đèn từ các con tàu này sáng đến nỗi khiến nhiều người liên tưởng tới hoạt động giao thông tấp nập trên các con đường cao tốc, cùng với đó là tiếng động cơ ồn ào vang vọng xung quanh hòn đảo.

    Hàng chục và có thời điểm lên tới hàng trăm các con tàu với trọng lượng 2.000 tấn đã liên tục xuất hiện quanh nhóm đảo Matsu. Người dân trên đảo nói rằng các tàu nạo vét cát của Trung Quốc đã làm phiền, gây tác động tiêu cực tới khu vực bãi biển và hệ sinh thái.

    Quần đảo Matsu ở một vị trí khá nhạy cảm khi chỉ cách bờ duyên hải Trung Quốc 25 phút đi tàu, gần hơn là việc phải bay tới 1 tiếng hay đi phà gần 10 tiếng từ vùng đất liền của Đài Loan.

    Trong một buổi chiều, "chúng tôi có thể thấy có tới 300 hay 400 tàu nạo vét cát", Lin Mei-hao, chủ một khu nhà nghỉ trên đảo nói. "Những ngọn đèn trên tàu chiếu sáng cả buổi đêm. Bất cứ khi nào thấy ánh sáng, thì lúc đó các con tàu đang hoạt động".

    Sinh ra và lớn lên trên đảo Matsu, Lin cho rằng chiến tranh không bao giờ rời xa suy nghĩ của những người dân trên đảo, và đặc biệt là vào lúc này. Những con tàu nạo vét đã làm dấy lên lo sợ khi số lượng ngày càng tăng, báo hiệu một tương lai khó đoán định.

    "Điều chúng tôi lo ngại nhất là việc nạo vét cát chỉ là một hành động bề ngoài. Liệu thực chất đó có phải là các con tàu vũ trang hay không, và họ có tiếp cận đảo hay không", Lin nói. "Có thể bề ngoài trông họ giống với tàu dân sự nhưng liệu có binh sĩ trên tàu không? Đó là điều mà chúng tôi lo lắng".

    Lii Wen, thành viên Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) ở Matsu đã liên tục đưa ra các cảnh báo về hoạt động của tàu nạo vét cát Trung Quốc.

    "Trung Quốc đang trở nên khôn ngoan và sáng tạo hơn trong cách thức gây áp lực," Lii nói. "Nếu Đài Loan không phản ứng, chúng ta sẽ vô hình tiếp tay cho hành vi phá huỷ môi trường và cơ sở hạ tầng của chính mình. Nhưng nếu phản ứng bằng cách đưa lực lượng vũ trang đối phó với các tàu nạo vét dân sự, điều này sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng".

    Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần của lãnh thổ, và luôn để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực để kiểm soát. Khi mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc xấu đi, Washington dưới thời cựu Tổng thống Trump và hiện là Joe Biden, đã liên tiếp thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với Đài Loan, bao gồm các chuyến thăm cấp cao, điều khiến Bắc Kinh khó chịu.

    Chiến lược kiểm soát từng bước

    Trong hơn hai thập kỉ, quần đảo Matsu nằm ở tuyến đầu trong những đợt pháo kích giữa quân đội Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông và phía bên kia giới tuyến là lực lượng của Tưởng Giới Thạch. Hiện tại, nhiều người cho rằng khu vực này một lần nữa trở thành tâm điểm trong chiến lược "vùng xám" của Trung Quốc.

    Trung Quốc đã bác bỏ việc họ cho phép tàu nạo vét cát hoạt động trái phép gần Matsu, nhưng các quan chức Đài Loan và người dân trên đảo lo sợ những con tàu trên đang thực hiện chỉ đạo của Bắc Kinh, nhằm mục tiêu tương lai sẽ có thể giành quyền kiểm soát Đài Loan. Theo đó, số lượng tàu nạo vét đã tăng mạnh ở thời điểm căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc lên mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

    Trong những tháng đầu năm nay, lực lượng bảo vệ bờ biển dân sự của đảo Matsu cho biết đã ngăn cản và đuổi 94 tàu nạo vét Trung Quốc khỏi vùng biển quanh đảo. Con số này tương đương với tổng số tàu của cả năm 2019.

    Tuy nhiên, dù bị đuổi, các tàu này vẫn tiếp tục quay trở lại, Nhiều tàu nạo vét giờ đang tập hợp ở khu vực cách đảo Matsu 6.000m.

    Việc các tàu nạo vét Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều trên khu vực biển Đài Loan diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc cũng đẩy mạnh sự hiện diện trên Biển Đông.

    Vào tháng 1, Trung Quốc đã thông qua đạo luật cho phép lực lượng hải cảnh nước này được nổ súng vào tàu nước ngoài nếu các tàu này xâm phạm lãnh hải. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng liên tiếp xây các đảo nhân tạo quanh khu vực mà họ coi là chủ quyền, cũng như các cơ sở quân sự và đường băng cho các máy bay chiến đấu.

    Bên cạnh đó, việc sử dụng số lượng lớn tàu cá bên cạnh các tàu kiểm soát biển được coi như cách để Trung Quốc thể hiện sự hiện diện tại các khu vực tranh chấp chủ quyền.

    "Nhiều người nhìn vào việc các tàu nạo vét bao quanh quần đảo Matsu. Nó cũng tương tự như tình hình ở Philippines", Wang Ting-yu, một chính trị gia Đài Loan nói.

    Về bề ngoài, những tàu này "chỉ là các tàu thực hiện hoạt động bất hợp pháp. Nhưng thực chất, một khi có điều gì xảy ra, phía sau sẽ là các tàu cảnh sát biển, và sau nữa là lực lượng hải quân. Chiến lược vùng xám là khá phức tạp và khó để xử lý", Wang nói.

    "Trung Quốc đang sử dụng các tàu cá và nạo vét cát để bao vây lực lượng biển của các nước và cho rằng các nước phương tây sẽ không dám sử dụng quân đội đối với các tàu này", Wang nói thêm.

    Trước việc Trung Quốc đang ngày càng gia tăng sức ép lên Đài Loan, Mỹ đã đưa ra những cảnh báo về sự bất ổn trong tương lai. Phát biểu trước các Thượng nghị sĩ vào tháng 3, Đô đốc Philip Davidson, tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho rằng Trung Quốc đang "tăng cường sự hiện diện quân sự quanh Đài Loan", "bao gồm các máy bay chiến đấu tiến vào khu vực nhận dạng phòng không của Đài Loan ở mức cao nhất trong gần 25 năm". "Họ đã xây dựng một hệ thống và khả năng cho thấy họ mong muốn thực hiện các hành vi vũ lực".

    "Tôi cho rằng mối đe doạ này sẽ biến thành hành động trong thập kỉ này, và thực tế là trong 6 năm tới", Davidson nói. Theo đó, sự cân bằng về quân sự ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đang trở nên "không thuận lợi" cho Mỹ khi Trung Quốc hiện đại hoá quân đội.

    Hiện các tàu chiến của Trung Quốc đã nhiều hơn số lượng của hải quân Mỹ, cho dù Mỹ có nhiều tàu chiến lớn hơn. Nếu Trung Quốc thành công trong việc kiểm soát Đài Loan, điều này sẽ ảnh hưởng tới chiến lược của Mỹ trong việc giành ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

    Nếu Mỹ không thể hỗ trợ Đài Loan trong trường hợp hòn đảo này bị tấn công, Washington sẽ mất đi uy tín đối với các đồng minh khu vực và đối tác.

    Để đối phó với hoạt động nạo vét cát của tàu Trung Quốc, chính quyền Đài Loan đã phản ứng bằng một loạt biện pháp như tăng cường hoạt động tuần tra biển, gia tăng các biện pháp trừng phạt hành vi nạo vét trái phép. Lực lượng bảo vệ biển của Matsu với các tàu 100 tấn được bổ sung thêm các tàu bảo vệ biển với trọng lượng từ 1.000-2.000 tấn được trang bị vòi rồng từ chính quyền Đài Loan.

    Ngoài ra, Đài Loan cũng kí biên bản ghi nhớ với Mỹ về việc thiết lập cơ chế hợp tác và chia sẻ thông tin về tuần tra biển. Thoả thuận này là văn bản đầu tiên giữa Mỹ và Đài Loan được kí kết kể từ khi Biden trở thành Tổng thống vào tháng 1.

    "Đây là bước đi nhằm trực tiếp đối phó với chiến lược vùng xám của Trung Quốc", Wang nói.

    Không có nhận xét nào