Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ hai 21 tháng 6 năm 2021

    Covid : Ấn Độ bắt đầu tiêm chủng miễn phí cho tất cả cư dân trên 18 tuổi

    Truyền thông Ấn Độ loan tin, toàn bộ cư dân trên 18 tuổi tại Ấn Độ kể từ ngày 21/06/2021 có thể đến tiêm chủng miễn phí tại bất cứ cơ sở chích ngừa nào, không cần phải đăng ký trước. Thủ tướng Narendra Modi thông báo chính quyền trung ương sẽ chịu trách nhiệm mua 75% lượng vac-xin từ các nhà sản xuất để cung cấp miễn phí cho các bang.

    Các bệnh viện tư đảm nhiệm 25% lượng vac-xin còn lại, với giá được Nhà nước hoàn bù với chi trả tối đa là 150 rupee/liều (tương đương khoảng 2,3 đô la Mỹ).

    Theo thủ tướng Ấn Độ, không có chính quyền bang nào phải bỏ tiền mua vac-xin, và tất cả mọi người bất kể giàu nghèo « đều nhận được vac-xin miễn phí ».

    Cho đến nay, Ấn Độ mới tiêm khoảng 275 triệu liều vac-xin, và mới chỉ có 4% dân cư là được tiêm chủng đủ liều. Mục tiêu là chích ngừa cho toàn bộ 1,1 tỉ cư dân trưởng thành từ nay đến cuối năm. Trước đợt tiêm chủng toàn dân kể từ hôm nay, kể từ ngày 01/05, Ấn Độ tập trung tiêm cho nhóm cư dân trên 45 tuổi.

    Theo báo Ấn Độ India Today, trong lúc thành viên đảng cầm quyền BJP ca ngợi chính sách mới của thủ tướng Modi, thì nhiều người và nhiều phương tiện truyền thông khẳng định việc chính quyền của thủ tướng Modi phải thay đổi chiến lược tiêm chủng diễn ra sau can thiệp của Tòa Án Tối Cao, và đặc biệt là của thẩm phán Dhananjaya Y. Chandrachud, một thành viên Tòa Án Tối Cao. Việc tiêm chủng tại Ân Độ bị chậm lại trong những tháng gần đây một phần chủ yếu là do thiếu vac-xin.

    Chính quyền Modi cũng bị nhiều lên án, chỉ trích đã lơi lỏng kiểm soát và thậm chí còn khuyến khích các cuộc tụ hợp đông người, khiến đợt dịch thứ hai bùng lên từ tháng Ba, với các đợt hội lễ, hành hương mùa xuân và nhiều vận động tranh cử. Tổng cộng ít nhất gần 400 nghìn người chết do Covid từ đầu đại dịch đến nay, và từ một tuần nay, trung bình mỗi ngày có thêm khoảng 2.000 người chết do Covid. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh nói chung cũng đã có chiều hướng giảm mạnh do việc siết chặt các biện pháp phòng dịch. Vòa lúc cao điểm của đợt dịch thứ hai, theo số liệu chính thức, mỗi ngày có khoảng 4.000 người qua đời vì Covid.

    Chính quyền Modi chọn mở đầu đợt tiêm chủng vào Ngày Yoga Quốc tế


    Ngày được chọn để bắt đầu đợt tiêm chủng lớn này trùng với Ngày Yoga Quốc tế. Quyết định này của thủ tướng Modi nhằm quảng bá cho sức mạnh kỳ diệu của yoga. Ngày Yoga Quốc tế được Liên Hiệp Quốc công nhận từ năm 2014, theo đề xuất của chính phủ.

    Kể từ đầu đại dịch, cổ vũ cho sức mạnh chữa bệnh của yoga cũng là chủ trương của thủ tướng Modi. Tuy nhiên, từ đầu tháng đến nay, theo AFP, nhiều bác sĩ Ấn Độ đã lên tiếng cực lực chống lại những lạm dụng trong lĩnh vực này, đặc biệt lên án đạo sư Baba Ramdev, thân cận với chính quyền Modi, người đã khẳng định là yoga có thể chăm sóc và giúp chữa khỏi mọi chứng bệnh Covid-19.

    Covid có phần hạ nhiệt ở Ấn Độ


    Làn sóng covid-19 thứ hai vốn làm rung chuyển Ấn Độ trong tháng 4 và tháng 5 đã hạ nhiệt, và cũng đột ngột như khi nó xuất hiện. Hôm qua nước này ghi nhận ít hơn 60.000 ca mắc mới và 1.500 ca tử vong, thấp nhất trong hai tháng qua.

    Tuần này, tổng số ca nhiễm sẽ vượt 30 triệu. Con số tử vong chính thức là 387.000 người, nhưng các nhà dịch tễ học tính toán số người chết thực tế kể từ khi đại dịch bắt đầu cao hơn tới sáu lần con số đó. Biến thể “delta” của làn sóng thứ hai đã lan ra toàn cầu – trong đó chiếm tới 99% các ca mới ở Anh. Một loạt các hạn chế đi lại dai dẳng mà người Ấn Độ đang đối mặt tiếp tục nhắc nhở mọi người về xuất xứ của biến thể.

    Với chỉ 3,8% trong số 1,4 tỷ người Ấn Độ được tiêm chủng đầy đủ, các bác sĩ đang chuẩn bị tinh thần cho đợt thứ ba. Hầu hết mọi người dự đoán nó sẽ đến vào tháng 10. Nhưng một số chuyên gia cảnh báo nó có thể xuất hiện ngay sau tháng 8.

    Tân đặc sứ Mỹ về Triều Tiên mong nhận được ‘phản ứng tích cực’ về đối thoại


    Đặc phái viên mới hàng đầu của Hoa Kỳ về Triều hôm 18/6 nói tại Seoul rằng ông mong sớm nhận được “phản ứng tích cực” về vấn đề đối thoại từ phía Triều Tiên, theo Reuters.

    Đặc sứ Mỹ về Triều Tiên Sung Kim đang ở Hàn Quốc trong chuyến thăm kéo dài 5 ngày, trong bối cảnh việc đàm phán phi hạt nhân hóa với Bình Nhưỡng đang rơi vào bế tắc, khi không có bất kỳ nỗ lực nào được lên kế hoạch trong việc liên lạc với Triều Tiên.

    “Chúng tôi tiếp tục hy vọng rằng CHDCND Triều Tiên sẽ phản hồi tích cực đối với sự tiếp cận của chúng tôi và đề nghị gặp nhau ở mọi nơi, mọi lúc mà không cần điều kiện tiên quyết”, Reuters dẫn lời ông Kim nói.

    Ông Kim đến Seoul hôm thứ Bảy, một ngày sau khi truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin rằng nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã thúc giục chuẩn bị cho cả đối thoại và đối đầu với Hoa Kỳ, mà phần lớn là đối đầu với Hoa Kỳ.

    “Chúng tôi sẽ chuẩn bị cho cả hai, bởi vì như bạn biết đấy, chúng tôi vẫn đang chờ phản hồi từ Bình Nhưỡng về một cuộc họp”, ông Sung Kim nói. “Hy vọng rằng đối thoại cho thấy chúng tôi sẽ sớm nhận được phản hồi tích cực”.

    Đặc phái viên Mỹ cho biết trong thời gian chờ đợi, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên về chương trình vũ khí hạt nhân của nước này và thúc giục các nước khác làm tương tự.

    Ông Kim hiện còn đảm nhiệm vai trò đại sứ Mỹ tại Indonesia. Ông đã có các cuộc họp liên tiếp với đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc, Noh Kyu-duk, cũng như phiên họp ba bên có sự tham gia của người đồng cấp Nhật Bản Takehiro Funakoshi.

    Ông Noh cho biết ông và ông Kim đã thảo luận về các cách thức hợp tác và tạo điều kiện cho việc nối lại đối thoại với Triều Tiên “nhanh chóng”.

    Ông Noh và ông Funakoshi dự kiến cũng sẽ có cuộc gặp song phương để thảo luận về Triều Tiên.

    Việc bổ nhiệm Kim được đưa ra sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tiến hành xem xét chính sách Triều Tiên và kết luận rằng Mỹ sẽ tìm cách “hiệu chỉnh và thực tế” chính sách này để khiến Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.

    Hôm Chủ nhật, Hoa Kỳ cho biết họ coi bình luận của ông Kim là một “tín hiệu thú vị”, nhưng nói thêm rằng Washington vẫn chờ đợi liên lạc trực tiếp từ Bình Nhưỡng để bắt đầu bất kỳ cuộc đàm phán nào liên quan đến phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

    Trung Quốc là đồng minh lớn duy nhất của Triều Tiên và được coi là nhân tố chính trong bất kỳ nỗ lực nào nhằm giải quyết căng thẳng về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

    Trong một bài báo hiếm hoi được đăng trên tờ báo nhà nước chính của Triều Tiên hôm thứ Hai, đặc phái viên hàng đầu của Trung Quốc tại Bình Nhưỡng, Đại sứ Li Jinjun nhấn mạnh mối quan hệ lâu đời giữa hai nước.

    Ông Li viết: “Với mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên ở một điểm khởi đầu mới, họ sẽ tăng cường giao tiếp ở mọi cấp độ và thúc đẩy hợp tác để ‘đóng góp vào hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của khu vực’”.

    Ethiopia tổ chức bầu cử


    Khi Abiy Ahmed trở thành thủ tướng ba năm trước, ông đã tự gọi mình là nhà lãnh đạo quá độ. Ông hứa đưa Ethiopia ra khỏi chủ nghĩa chuyên chế và đưa Ethiopia tiến tới bầu cử tự do và công bằng. Hôm nay, sau hai lần trì hoãn, cuối cùng hàng triệu người cũng được đi bầu quốc hội.

    Mặc dù có một số ghế bị cạnh tranh, Đảng Thịnh vượng cầm quyền của Abiy chắc chắn thắng áp đảo, trong bối cảnh phe đối lập yếu ớt và rời rạc. Một số thậm chí đang tẩy chay bầu cử, với lý do các thành viên và lãnh đạo của họ bị đàn áp.

    Lá phiếu cũng có những vấn đề khác. Khoảng 1/5 số khu vực bầu cử sẽ không tham gia vì các tranh chấp pháp lý, rắc rối hậu cần hay xung đột sắc tộc — hoặc cả ba. Đáng chú ý nhất là việc loại bỏ hoàn toàn khu vực Tigray miền bắc, trong bối cảnh một cuộc nội chiến tàn khốc và nguy cơ nạn đói. Cuộc bầu cử hôm nay có thể chỉ làm phức tạp thêm các vấn đề của Ethiopia hơn là giải quyết chúng.

    Biến thể Delta làm hỏng kế hoạch gỡ phong tỏa của Anh


    Anh có một trong những chiến dịch tiêm chủng covid-19 thành công nhất trên thế giới. Nhưng giờ đây sự hiệu quả của nó sẽ bị thử thách bởi biến thể “delta” – được ghi nhận lần đầu ở Ấn Độ và đang lây lan nhanh ở Anh. Làn sóng thứ ba “chắc chắn sẽ xảy ra” ở Anh, theo cố vấn khoa học của chính phủ, Adam Finn. Do đó, các kế hoạch chấm dứt hạn chế phong tỏa hôm nay đã bị trì hoãn cho đến ngày 19 tháng 7.

    Đáng lo ngại là biến thể delta dường như dễ lây lan hơn các biến thể khác. Nó cũng có thể gây nguy hiểm tính mạng hơn. Ngay cả những người từng nhiễm bệnh cũng có thể tái nhiễm.

    Rất may là vắc xin Pfizer lẫn AstraZeneca, hai loại vắc-xin chính ở Anh, vẫn có hiệu quả 80% sau hai liều. Song hiệu quả là thấp hơn đáng kể nếu chỉ tiêm một liều duy nhất. Nước Anh hiện đang gấp rút tiêm cho 22% người lớn mới tiêm một mũi và 19% chưa có mũi nào. Nếu nỗ lực đó bị đình trệ thì còn lâu mới dỡ bỏ được phong tỏa.

    Giá hàng hóa giảm sau khi đã bùng nổ vài tháng qua


    Các ngân hàng trung ương đang bắt đầu lo lạm phát quay trở lại. Ví dụ, giá tiêu dùng ở Mỹ đã tăng 5% theo năm tính đến tháng 5. Chính sách tiền tệ nới lỏng, một cuộc bùng nổ mua sắm sau đại dịch và một “siêu chu kỳ” giá hàng hóa cơ bản mới đều là những nguyên nhân gây lo ngại.

    Trong đó giá hàng hóa cơ bản xem ra đã qua đỉnh. Trong những tuần gần đây, giá của một số loại hàng hóa đã mất hết mức tăng trong năm 2021. Chỉ số giá hàng hóa cơ bản của Economist đã không tăng kể từ tháng 5. Giá hợp đồng tương lai gỗ của Mỹ, vốn tăng giá nhờ bùng nổ xây dựng sau đại dịch, đã giảm 40% so với mức đỉnh của tháng trước. Điều này có thể là do ngành gỗ đã tăng mạnh sản lượng để đáp ứng nhu cầu, từ đó khiến các dự báo bị sai. Tương tự là các mặt hàng nông nghiệp khác như đậu nành, đường và lúa mì.

    Có một ngoại lệ là dầu. Một số nhà phân tích đang nhận thấy giá bán sẽ lên tới 100 đô la/thùng, tăng từ khoảng 70 đô la hiện nay, nhờ sụt giảm chi tiêu đầu tư cho sản xuất mới. Không phải thuyền nào cũng lên theo sóng – nhưng một số có lên.

    Macron và Le Pen đều thiếu phiếu trong bầu cử địa phương ở Pháp


    Kết quả sơ khởi cho thấy cả Tổng thống Emmanuel Macron và đối thủ của ông, Marine Le Pen, đều không đạt được sự ủng hộ mà họ kỳ vọng trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử khu vực ở Pháp.

    Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy đảng của ông Macron có nguy cơ thiếu 10% số phiếu cần đạt được có để tham gia vòng hai vào cuối tuần tới.

    Một trong những nghị sĩ của ông, Aurore Bergé, nói đó là một "cái tát vào mặt".

    Đảng National Rally cực hữu của bà Le Pen có vẻ sẽ đứng thứ hai.

    Đảng của bà kỳ vọng đứng đầu vòng bỏ phiếu đầu tiên hôm Chủ nhật và giành chiến thắng lần đầu tiên tại ít nhất một khu vực. Bà Le Pen không tham gia tranh cử nhưng đã lãnh đạo chiến dịch.

    Bà Le Pen mô tả tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp kỷ lục - dự kiến 66% phiếu trắng - là một "thảm họa dân sự".

    Bà đổ lỗi kết quả là do chính phủ không có khả năng khơi dậy niềm tin vào các thể chế chính trị. "Hãy đối mặt với thực tại, kết quả được đánh dấu bằng tỷ lệ bỏ phiếu trắng lịch sử và từ khước tham dự của gần 70% vì không tin tưởng vào hệ thống bầu cử, khiến cử tri có cảm giác rằng không gì có thể thay đổi, rằng mọi thứ [quyền] đã bị tịch thu", bà nói.

    Cử tri Pháp đang chọn các hội đồng mới cho 13 khu vực đại lục của Pháp, cộng với một hội đồng ở nước ngoài, cũng như 96 cơ quan. Có hơn 15.700 ứng cử viên dành 4.100 ghế.

    Cuộc bầu cử này được theo dõi đặc biệt chặt chẽ, vì cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo chỉ còn chưa đầy một năm nữa. Bầu cử khu vực đang được dùng để tìm hiểu tâm trạng của cử tri.

    Kết quả ban đầu của Ipsos cho thấy những người chiến thắng chính có vẻ là các đảng trung hữu khác nhau, gồm phe đối lập chính, Les Républicains, với 27,2% số phiếu, dẫn trước đảng National Rally với 19,3%, tiếp theo là đảng Xanh, Đảng Xã hội và La République En Marche (LREM) của ông Macron với 11,2%.

    Đây là lần đầu tiên đảng của Tổng thống Macron tham gia bầu cử khu vực - La République en Marche chưa hiện hữu trong lần bầu cử gần nhất được tổ chức vào năm 2015.

    Đảng của ông Macron được cho là sẽ không thành công đặc biệt trong cuộc bầu cử này. Tháng trước, một bộ trưởng nói với hãng tin AFP: "Những cuộc bầu cử thế này không bao giờ tốt cho đảng cầm quyền.''

    Tuy nhiên, LREM đạt mức ủng hộ còn tệ hơn dự kiến, sẽ hoàn toàn không giành được chiến thắng ở bất kỳ khu vực nào, do không nhận được đủ sự ủng hộ ở các khu vực địa phương, nhưng LREM vẫn nhận được số phiếu vừa đủ để đi tiếp vào vòng tiếp theo.

    Ông Macron chắc chắn sẽ phải đối mặt với một thách thức trước cuộc bỏ phiếu tổng thống vào tháng 4 năm 2022.

    Cuộc bầu cử khu vực đã bị trì hoãn ba tháng vì đại dịch. Sẽ có lần bầu cử thứ hai vào ngày 27/6.

    Luật chống trừng phạt của Trung Quốc lép vế trước luật Mỹ


    Trung Quốc vào ngày 10/6 thông qua Đạo luật chống trừng phạt, theo đó cung cấp sự hỗ trợ pháp lý để chống lại bất kỳ cá nhân, gia đình và tổ chức nào chịu trách nhiệm thực thi các lệnh trừng phạt của nước ngoài.

    Quyết định diễn ra sau hai ngày Thượng viện Mỹ thông qua Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới nhằm tăng cường sức mạnh công nghệ Mỹ, và xác định Trung Quốc là đối thủ chính trong lĩnh vực công nghệ.

    Luật của Trung Quốc, có hiệu lực ngay lập tức, là phản ứng pháp lý mạnh nhất của nước này cho đến nay đối với các lệnh trừng phạt của nước ngoài.

    Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng luật mới của Trung Quốc không dễ gì buộc Mỹ phải đảo ngược các lệnh trừng phạt đối với các hãng công nghệ lớn của Trung Quốc, thay vào đó nó có thể buộc các công ty nước ngoài phải suy nghĩ lại về chiến lược thị trường Trung Quốc của họ, trang SCMP cho hay.

    Theo luật chống trừng phạt, những người được cho là giúp thực thi các biện pháp trừng phạt chống lại Trung Quốc có thể phải đối mặt với những hậu quả pháp lý, bao gồm bị tịch thu tài sản, đơn xin thị thực bị từ chối hoặc bị trục xuất. Các công ty Trung Quốc ngoài việc bị cấm giúp các nước khác thực hiện các biện pháp trừng phạt chống lại Trung Quốc, còn phải giúp Bắc Kinh thực hiện các biện pháp trả đũa.

    Đây là sự leo thang mới nhất trong cuộc chiến công nghệ ngày càng căng thẳng giữa Mỹ – Trung.

    Luật của Mỹ, bao gồm khoảng 250 tỷ USD chi tiêu cho một loạt các biện pháp nhằm chống Trung Quốc. Khoảng 2 tỷ USD trong đó được dành để khuyến khích sản xuất chip ngay trong nước Mỹ khi Mỹ tìm cách giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy đặt tại châu Á.

    Nếu được Hạ viện thông qua và được Tổng thống Joe Biden ký thành luật, luật này sẽ bổ sung một thành phần khác vào chiến lược của Mỹ nhằm đối đầu với sự trỗi dậy của các công ty công nghệ Trung Quốc. Cho đến nay, Mỹ chủ yếu dựa vào các lệnh trừng phạt do cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra. Những lệnh trừng phạt đó đã tác động mạnh đến một số nhà vô địch công nghệ của Trung Quốc.

     

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Không có nhận xét nào