Header Ads

  • Breaking News

    Gs. Nguyễn Văn Tuấn - Tình người trong mùa dịch

    Con người đúng là một động vật selfish (dùng chữ của ông Richard Dawkins), và cái tánh selfish đó lộ rất rõ trong đại dịch này. Ích kỉ. Nghi kị. Ganh tị. Unprofessional. Tất cả đều hiện rõ trong mùa dịch, ngay cả ở người có học.

    Hôm qua, nghe bà Thủ hiến tiểu bang New South Wales nói chuyện mà ngao ngán. Bằng một ngôn ngữ đầy đe doạ và báo động, bà cho biết rằng lây nhiễm chủ yếu xảy ra ở nhà (điều này đúng), nhưng rồi bà phóng đại một câu rằng đừng ghé thăm ông bà nội ngoại hay dì cô các bạn để cho thức ăn hay nói lời hello, bởi vì điều đó có thể là bản án tử hình cho họ. Trời! Một người lãnh đạo chánh trị mà ăn nói cứ như là ‘cretin’.

    Bà này còn khuyên láng giềng nên dòm ngó nhau, xem họ có vi phạm qui định trong thời gian lockdown hay không. Bốn chục năm sống ở phương Tây, đây là lần đầu tiên tôi nghe đến một phát biểu mang màu sắc Orwellian kinh hoàng như vậy.

    Một số báo chí Úc dậy sóng với lời tuyên bố đó, và có người nói thẳng là bà này đang biến Sydney thành nước Nga thời xa xưa (ý nói chế độ công an trị). Tôi e ngại cho bà này quá, vì chắc chắn lần bầu cử tới bà sẽ gặp trở ngại và có thể không còn ngồi ghế lãnh đạo nữa. Nếu điều đó xảy ra (mất chức lãnh đạo) thì bà ấy cũng rất xứng đáng vậy.

    Gen ích kỉ

    Ai trong chúng ta đã biết rồi, nhưng tưởng cần nhắc lại cho đúng bối cảnh: cơ thể chúng ta được hình thành từ gen, và gen có nhiệm vụ duy trì sự tồn tại và tiếp nối của 'chúng'. Chúng bảo chúng ta phải làm gì. Nhà sinh vật học lừng danh Richard Dawkins, trong cuốn sách 'The Selfish Gene' (Gen Ích Kỉ) viết về khả năng sống sót phi thường của gen ngay cả trong nghịch cảnh bị đe doạ. Gen tồn tại tức là chúng ta cũng tồn tại.

    Đại dịch này dạy cho chúng ta về bản năng sanh tồn, ích kỉ và lòng vị tha như thế nào. Trước hiểm nguy, chúng ta (con người) phải tìm cách tồn tại bằng những hành động như phong toả ở cấp tập thể.

    Còn ở cấp cá nhân, con người đối xử với tha nhân -- và có khi ngay cả người trong gia đình -- với sự nghi kị. Những người bị nhiễm có khi bị đối xử như là những kẻ gây hoạ và bị ruồng bỏ. Câu nói của bà Thủ hiến NSW là một ví dụ tiêu biểu của ý tưởng đó. Bà ấy rao giảng cái ý tưởng Cái Tôi là trên hết, Tôi là ưu tiên, Tôi là quan trọng.

    Trong thời gian phong toả (lockdown) gần như ai cũng bị ảnh hưởng. Nhưng hình thái của ảnh hưởng thì chẳng ai giống ai. Người thì bị ảnh hưởng bởi bệnh lí, kẻ thì bị chi phối bởi tâm lí, lại có người bị cả hai.

    Có lần đi xe lửa, một hành khách có lẽ quên cái khẩu trang ở nhà, và thế là bị hành khách khác chất vấn, hạch hỏi cứ như là cảnh sát! Áp lực nặng nề đến nỗi 'nạn nhân' phải bỏ chuyến xe. Nhìn cảnh đó tôi thấy thật ngao ngán cho tình người.

    Hình như những kẻ hạch sách nạn nhân không hiểu rằng cái khẩu trang đó chẳng giúp ngăn chận lây nhiễm bao nhiêu, và ở người khoẻ mạnh như nạn nhân đó thì khẩu trang chỉ là hình thức. Tuyệt đại đa số người đeo khẩu trang sai, kể bà Thủ hiến NSW cũng đeo sai cách. Nhưng bất kể kiến thức ra sao, người ta cứ nghĩ -- à không -- ảo tưởng về sự bảo vệ của cái khẩu trang!

    Vấn đề tính chuyên nghiệp

    Nói chuyện khoa học làm tôi liên tưởng đến câu chuyện một bác sĩ bị vài đồng nghiệp chỉ trích theo kiểu 'xâu xé.' Cái 'tội' của anh bác sĩ là sự nhiệt tình đem y cụ đến cứu một bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao.

    Chuyện kể rằng trong thời gian thành phố bị phong toả, anh ấy nhận tin về một phụ nữ 70 tuổi trong cơn thoi thóp, nhưng xe cấp cứu không tới được, anh bèn đem bình oxy đến hi vọng làm cái gì đó giúp đỡ.

    Chi tiết mà anh ấy bị 'xâu xé' là đo SpO2 đầu ngón tay chỉ còn 1%. (Xin nói thêm là SpO2 là do lường lượng hemoglobin trong máu, và hemoglobin là những protein chuyên chở oxygen). Ở người bình thường giá trị của SpO2 dao động trong khoảng 95 - 100%; còn nếu dưới 75% thì được xem là thiếu oxygen hay hypoxemia. Y văn ghi nhận một ca thú vị với SpO2 <75% nhưng không có triệu chứng: https://www.karger.com/Article/Pdf/451030, cho thấy cách đo này cũng thỉnh thoảng có vấn đề.

    Nhưng đối với bệnh nhân trong câu chuyện thì chỉ 1%, tức là một giá trị không thể.

    Khi một giá trị đo lường ở mức quá thấp hay quá cao như vậy (hay gọi là 'outlier' hay giá trị ngoại vi), tôi thường hay nghĩ đến kĩ thuật đo lường. Ai làm đo lường đều biết thỉnh thoảng gặp những giá trị 'khùng'. Ví dụ như có khi DXA đo mật độ xương của một cá nhân cao gấp 5 lần giá trị bình thường, thì con số đó không còn ý nghĩa nữa, mà có thể người đó bị chứng Van Buchem chẳng hạn. Khi số đo lường quá cao hay quá thấp tôi có thói quen nghĩ ngay đến sai sót trong kĩ thuật đo lường.

    Thành ra, tôi hỏi một anh bác sĩ ICU ở Sydney rằng SpO2 có thể 1% không? Anh ấy liệt kê một danh sách dài những yếu tố có thể ảnh hưởng đến oximeter, mà tôi không hiểu hết. Từ các yếu tố như huyếp áp, đến yếu tố liên quan đến cái probe dùng trên đầu ngón tay, đến cấu trúc móng tay, độ dày của da tay, v.v. Nghe phát choáng. Rồi anh ta giải thích rằng có thể khi SpO2 quá thấp (dưới một ngưỡng nào đó), thì cái oximeter nó cho ra giá trị outlier, và lúc đó con số không còn ý nghĩa là một 'measured value' nữa, mà nó phản ảnh tình trạng nguy hiểm của bệnh nhân.

    Thế nhưng có một số (không phải tất cả) đồng nghiệp của anh bác sĩ chỉ trích anh ta một cách vô cùng thậm tệ. Họ không quan tâm đến câu chuyện, mà chỉ nhặt lấy con số 1% (giống như 'cherry picking') mà tấn công cá nhân kiểu 'straw man fallacy'. Thật khó viết ra những lời thô tục và hạ cấp họ đã dùng để tấn công anh bác sĩ đó (mà tôi quen biết đã hơn 20 năm). Họ thậm chí nói anh ấy là giả mạo bác sĩ!

    Xin nhắc lại rằng 'họ' ở đây cũng là bác sĩ, tức đồng nghiệp anh ấy. Không nói đến những người nặc danh vốn không đáng bàn, chỉ nói những người có vẻ có tên tuổi và nghề nghiệp bác sĩ rõ ràng. Hình như những lời thề Hippocrates mà trong đó có câu "My colleagues are my sisters and brothers" (Đồng nghiệp của tôi là anh, chị, em của tôi) đã nhạt nhoà cùng năm tháng?

    Vấn đề còn phản ảnh tính chuyên nghiệp (professionalism). Một đặc điểm của tính chuyên nghiệp là người chuyên môn lúc nào cũng phải tỏ ra tôn trọng đồng nghiệp và những người xung quanh, bất kể họ giữ địa vị gì trong xã hội. Tôn trọng đồng nghiệp cũng có nghĩa là chỉ bàn về vấn đề, tuyệt đối không nói xấu, không công kích cá nhân và tuyệt đối không xúc phạm đồng nghiệp. Ấy vậy mà thay vì tìm cách làm sáng tỏ con số 1% để mọi người học và hiểu, có người lại quay sang nói anh bác sĩ là dốt, nói dóc, nổ! Có người anh ấy muốn quảng cáo bán máy oxy!

    Khôi nguyên Nobel Y học Peter Doherty khuyên rằng nếu không có gì tốt để nói về đồng nghiệp thì nên im lặng. Người có học mà hành xử với đồng nghiệp thiếu chuyên nghiệp như vậy, thì vai trò lãnh đạo trong cộng đồng của họ sẽ được công chúng đánh giá sao đây?

    Nhưng câu chuyện đang có một đoạn kết có hậu: bệnh nhân đã được cứu sống. Ít ai chú ý đến cái 'outcome' tuyệt vời đó.

    Câu chuyện này làm tôi nhớ đến chuyện liên quan đến một bác sĩ ICU ở Sài Gòn. Chuyện kể rằng anh ấy có người hàng xóm đã 'chết' đang chờ liệm. Anh làm phòng mạch ở nhà xong, rồi sang thăm và thắp một nén nhang cho người láng giềng. Nhưng như là một thói quen nghề nghiệp, anh ta lại bắt mạch người sắp nhập quan tài, và ngạc nhiên thay là ... còn mạch dù rất yếu. Anh bác sĩ lập tức đề nghị thân nhân cho vào bệnh viện anh làm việc để 'còn nước còn tát'.

    Thân nhân đồng ý, và bệnh nhân được đưa vào bệnh viện, và đích thân anh bác sĩ hì hục chữa trị. Và, như là một phép lạ, bệnh nhân dần dần có sanh khí và bình phục. Câu chuyện còn có một chi tiết vui vui là trong khi anh bác sĩ đang cứu bệnh nhân, thì ông chủ trại hòm hỏi 'Chừng nào xong bác sĩ? Phải liệm đúng giờ mới được'. Nhưng bệnh nhân sống sót và ông chủ trại hòm tạm thời không bán được cái quan tài.

    Chuyện đã 2-3 năm, và ông láng giềng vẫn còn sống cho đến nay. Nhưng nếu người có thành kiến thì chắc sẽ nói là 'không thể' hay anh bác sĩ xạo. Tuy nhiên, câu chuyện này chỉ là một trong nhiều nhiều chuyện về sự bất định và 'phép lạ' rất khó tin nhưng kết thúc có hậu -- happy ending.

    Vấn đề bất định trong covid-19

    Dịch Covid-19 đặt ra rất nhiều vấn đề về khoa học và nhân văn. Về khoa học, chúng ta chẳng biết gì nhiều về con virus và cơ chế của nó, và tất cả những phát biểu của chúng ta đều có thể sai. Không sai hôm nay thì có thể sẽ sai ngày mai.

    Thật ra, đa số kiến thức về con virus này thay đổi theo thời gian. Không ai dám nói chắc chắn là mình biết rõ. Ngay cả cái khoảng cách 1.5 m cũng không có khoa học nào nói vậy. Lockdown có hiệu quả hay không thì tranh cãi nhiều lắm, vì mô hình dịch tễ học quá phức tạp mà khó có bác sĩ hay nhà khoa học nào hiểu hết (ngay cả người xây dựng mô hình cũng không hiểu hết).

    Và, tình trạng này rất đúng với câu của ông khoa trưởng y khoa Yale (hay Harvard?) bên Mĩ nói với tân sinh viên rằng "50% những gì các bạn được dạy trong 5 năm tới sẽ sai, nhưng chúng tôi không biết 50% nào là đúng" (“50% of what we teach you over the next five years will be wrong, or inaccurate. Sadly, we don’t know which 50%”) [1]. Với bản chất bất định như vậy, chúng ta không nên quá khắt khe một cách vô cớ với đồng nghiệp.

    Nói cho cùng thì cái khắt khe hay những hành vi kém chuyên nghiệp cũng chỉ là một phần của hiện tượng 'selfish' của con người trong mùa dịch. Họ muốn nâng cao Cái Tôi: Tôi giỏi; Tôi Đúng; Tôi Quan Trọng hơn anh. Nhưng đó là chỉ là ảo tưởng.

    Chúng ta dễ dàng đổ thừa cho gen, nhưng gen không thể nào thay thế sự phán xét vốn là một phạm trù của đạo đức. Và, đạo đức mách bảo chúng ta rằng nên đối xử tử tế với nhau trong lúc khó khăn.

    ____

    [1] Có nhiều phiên bản của câu này. Một phiên bản khác được cho là do Khoa trưởng Khoa Y ĐH Harvard Charles Sidney Burwell (1935 - 1949) phát biểu rằng "Half of what we are going to teach you is wrong, and half of it is right. Our problem is that we don't know which half is which." Câu này hay được trích dẫn trong y học thực chứng để nhắc nhở rằng những gì chúng ta hiểu biết là rất dễ sai.

    https://www.facebook.com/t.nguyen.2016

    Không có nhận xét nào