Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ tư 13 tháng 10 năm 2021

    Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Nhật Bản hôm thứ Ba (ngày 12/10) đã công bố tuyên ngôn bầu cử cho cuộc bầu cử Hạ viện vào ngày 31/10. Trọng tâm là chấm dứt đại dịch COVID-19, hứa hẹn xây dựng lại tầng lớp trung lưu và chính sách đối phó với Trung Quốc ngày càng cứng rắn.

    Tin tức thế giới ngày Thứ tư 13 tháng 10 năm 2021

    Các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ ủng hộ của lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do và Thủ tướng Fumio Kishida khá tốt sau một tuần, cho thấy mục tiêu của Đảng Dân chủ Tự do và Liên minh cầm quyền Komeito là duy trì đa số ghế trong Hạ viện có thể đạt được.

    Các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bao gồm cung cấp thuốc kháng vi-rút đường uống trong năm nay. Tuyên bố của Đảng Dân chủ Tự do nêu rõ sẽ mở rộng hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và cung cấp trợ cấp cho các doanh nghiệp bước vào các ngành công nghiệp mới.

    Tầm nhìn của ông Kishida về hiện thực hóa “chủ nghĩa tư bản mới”, tập trung vào tăng trưởng kinh tế và tái phân phối của cải.

    Về vấn đề an ninh, trước việc Trung Quốc mở rộng các hoạt động quân sự gần eo biển Đài Loan và các đảo tranh chấp của Trung Quốc và Nhật Bản ở Tây Thái Bình Dương, Đảng Dân chủ Tự do cho biết họ sẽ “xem xét lại” phản ứng.

    Đảng Dân chủ Tự do tuyên bố rằng chính phủ sẽ làm việc để tăng ngân sách quốc phòng, “nhằm đạt hoặc vượt quá 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).”

    Trong những thập kỷ gần đây, chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản vẫn ở mức khoảng 1% GDP.

    Mỹ mở lại biên giới đường bộ với Canada, Mexico cho người đã tiêm ngừa


    Hoa Kỳ sẽ dỡ bỏ các hạn chế qua lại biên giới trên bộ với Canada và Mexico đối với người nước ngoài đã được tiêm chủng đầy đủ vào đầu tháng 11.

    Hoa Kỳ sẽ dỡ bỏ các hạn chế qua lại biên giới trên bộ với Canada và Mexico đối với người nước ngoài đã được tiêm chủng đầy đủ vào đầu tháng 11, chấm dứt các biện pháp hạn chế đối với du khách không thiết yếu kể từ tháng 3/2020, theo Reuters.

    Bộ trưởng An ninh Nội địa Hoa Kỳ Alejandro Mayorkas cho biết trong một tuyên bố rằng chính quyền vào tháng tới “sẽ bắt đầu cho phép du khách từ Mexico và Canada đã được tiêm chủng COVID-19 đầy đủ vào Hoa Kỳ với những mục đích không thiết yếu như thăm thân nhân, bạn bè hoặc du lịch, qua biên giới đường bộ và bằng phà.”

    Các quy định mới này cũng tương tự nhưng không giống hoàn toàn với các quy định được công bố vào tháng trước đối với du khách hàng không quốc tế, các quan chức Mỹ cho biết trong một cuộc họp báo trước đó.

    Các nhà lập pháp ở các bang biên giới của Hoa Kỳ ca ngợi động thái dỡ bỏ các hạn chế vốn gây tổn hại cho nền kinh tế của các cộng đồng địa phương và không cho phép đi lại thăm thân nhân, bạn bè suốt 19 tháng qua.

    “Kể từ khi bắt đầu đại dịch, người dân ở các cộng đồng dọc theo biên giới của chúng ta đã cảm thấy nỗi thống khổ và khó khăn kinh tế của việc đóng cửa biên giới trên bộ. Nỗi đau đó sắp kết thúc”, lãnh đạo khối Dân chủ Thượng viện Chuck Schumer cho biết trong một tuyên bố.

    Những du khách chưa được tiêm ngừa từ Canada hoặc Mexico sẽ vẫn bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ qua đường biên giới trên bộ.

    Bộ An ninh Nội địa cho biết chính quyền đang thiết lập “các quy định thức nhất quán, nghiêm ngặt cho tất cả các công dân nước ngoài đến Hoa Kỳ - cho dù bằng đường hàng không, đường bộ hay phà.”

    Canada vào ngày 9/8 đã bắt đầu cho phép du khách Mỹ đã tiêm phòng đầy đủ nhập cảnh với những mục đích du hành không thiết yếu.

    Tổng thống Pháp Emanuel Macron đã công bố kế hoạch đầu tư trị giá 30 tỷ euro


    Tổng thống Pháp Emanuel Macron đã công bố kế hoạch đầu tư trị giá 30 tỷ euro (35 tỷ đô la) nhằm phi carbon hóa nền kinh tế đất nước, đồng thời thúc đẩy đổi mới và nghiên cứu trong các lĩnh vực chính. Ông Macron nói Pháp sẽ xây dựng một mẫu máy bay carbon thấp, một lò phản ứng mô-đun nhỏ và hai nhà máy sản xuất hydro xanh. Các chính trị gia đối lập nói đây chỉ là chiêu trò trước thềm bầu cử sáu tháng tới.

    OPEC sắp công bố báo cáo tháng về tình hình sản xuất dầu

    OPEC sẽ công bố báo cáo hàng tháng của mình vào thứ Tư, với thiếu hụt năng lượng toàn cầu là chủ đề trung tâm. Trong tháng qua giá dầu WTI đã tăng 14%. Và nó phần nào phản ánh quyết định không tăng sản lượng đưa ra vào đầu tháng 10 của OPEC và các đồng minh, vốn kiểm soát một nửa sản lượng dầu của thế giới.

    Quyết định này đã làm nghiêm trọng thêm tình trạng thiếu hụt năng lượng đang diễn ra trên khắp thế giới. Gián đoạn nguồn cung và thiếu đầu tư là một số lý do đằng sau giá khí đốt tự nhiên tăng vọt ở châu Âu và tình trạng thiếu than ở Trung Quốc và Ấn Độ. Dầu rẻ hơn có thể giúp giảm bớt phần nào thiếu hụt khí — vì một số nhà máy điện có thể chạy bằng các sản phẩm phái sinh từ dầu thay cho khí đốt tự nhiên. Song giới quan sát không cho rằng sẽ có thể giải quyết được thiếu hụt năng lượng trong vài tháng tới. Do đó nó sẽ còn xuất hiện nhiều trong các báo cáo của OPEC.

    Ngành hàng không Mỹ sắp công bố kết quả quý ba

    Ngành hàng không Mỹ vừa trải qua một quý đầy biến động. Họ có một mùa hè tốt đẹp với các chuyến bay chật kín người và giá vé cao hơn. Để rồi số ca nhiễm covid-19 tăng trong tháng 8 làm mọi thứ đi chệch hướng. Hôm nay các hãng sẽ bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý ba, bắt đầu với Delta.

    CEO Delta Ed Bastian cho rằng điều tồi tệ nhất đã qua. Doanh số bán vé chạm đáy vào tháng 8 và đầu tháng 9, trong khi những tin tốt gần đây giúp công ty đến gần hơn với dự báo quý ba. Giới phân tích dự đoán doanh thu tăng hơn 170% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 8,4 tỷ đô la. Thu nhập trên mỗi cổ phiếu sẽ lần đầu tiên có lời trong bảy quý, một thay đổi ngoạn mục từ mức thấp của năm 2020. Song các hãng hàng không — và nhà đầu tư — sẽ theo dõi sát sao mọi gián đoạn liên quan đến covid trước thềm kỳ du lịch mùa đông.

    Anh và EU tiếp tục tranh cãi về giao thức Bắc Ireland

    Anh có thể đã rời khỏi EU, nhưng đàm phán còn lâu mới kết thúc. Hôm thứ Tư EU đã công bố các đề xuất giảm kiểm tra biên giới và hải quan giữa Vương quốc Anh và Bắc Ireland.

    Kiểm tra biên giới, còn được gọi là giao thức Bắc Ireland, là một phần của hiệp ước Brexit. Theo các điều khoản của mình, Anh hiện đã rời thị trường chung và liên minh thuế quan của EU, nhưng đối với thương mại hàng hóa, Bắc Ireland vẫn là một phần của cả thị trường chung lẫn liên minh nếu không sẽ có biên giới cứng với cộng hòa Ireland. Lord Frost, nhà đàm phán Brexit của chính phủ, cũng như giới lãnh đạo Belfast (Bắc Ireland) khẳng định giao thức phải được sửa đổi để loại trừ bất kỳ vai trò nào của Tòa án Công lý Châu Âu trong việc giám sát Bắc Ireland. EU từ chối viết lại một hiệp ước đã mất 5 năm để thống nhất, vì vậy bế tắc sẽ còn tiếp diễn. Nó thậm chí có thể gây ra một cuộc chiến thương mại mà người tiêu dùng, đặc biệt là ở Bắc Ireland, không muốn chứng kiến.

    Nga bị loại khỏi cuộc họp 30 quốc gia về chống tống tiền và tội phạm mạng


    Cùng với Mỹ, 4 quốc gia gồm Ấn Độ, Australia, Đức và Anh sẽ dẫn đầu các cuộc thảo luận về các chủ đề như gây gián đoạn, tiền ảo và ngoại giao.

    Một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ cho biết Nga đã không được mời tham dự cuộc họp trực tuyến của 30 quốc gia do Hoa Kỳ dẫn đầu để bàn việc chống các mối đe dọa ngày càng tăng của phần mềm tống tiền và tội phạm mạng, theo Reuters.

    Các chuyên gia an ninh mạng khu vực tư nhân cho biết có nhiều băng đảng tống tiền hoạt động từ Ukraine và Nga. Một số quan chức và nhà phân tích Mỹ cho biết các băng đảng tống tiền của Nga hoạt động với sự chấp thuận ngầm của Điện Kremlin, nhưng không chính phủ Nga không kiểm soát trực tiếp.

    Giới chức Hoa Kỳ cho biết cuộc họp sẽ được tổ chức trong hai ngày, bao gồm sáu phiên với các chủ đề như ngăn chặn việc lạm dụng tiền ảo để rửa tiền chuộc, truy tố tội phạm tống tiền, sử dụng biện pháp ngoại giao để chống tống tiền và tăng cường khả năng cho các quốc gia chống các cuộc tấn công như vậy.

    Cùng với Mỹ, 4 quốc gia gồm Ấn Độ, Australia, Đức và Anh sẽ dẫn đầu các cuộc thảo luận về các chủ đề như gây gián đoạn, tiền ảo và ngoại giao. Những nước khác tham gia cuộc họp bao gồm Canada, Pháp, Vương quốc Anh, Brazil, Mexico, Nhật, Ukraine, Ireland, Israel, Nam Phi, Liên hiệp châu Âu.

    “Chúng tôi đang có các cuộc thảo luận tích cực với phía Nga, nhưng trong diễn đàn cụ thể này, họ không được mời tham gia,” quan chức chính quyền cấp cao cho biết, đồng thời nói thêm rằng điều này không ngăn cản Nga tham gia các sự kiện trong tương lai.

    Quan chức này cho biết Hoa Kỳ làm việc trực tiếp với Nga về vấn đề phần mềm tống tiền qua kênh Nhóm chuyên gia Hoa Kỳ-Điện Kremlin, do Nhà Trắng đứng đầu và được thành lập bởi Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

    Quan chức này cho biết các cuộc thảo luận với Nga đang diễn ra, Mỹ đã chia sẻ thông tin về các đối tượng tội phạm cụ thể bên trong Nga và nước này đã thực hiện các bước ban đầu để giải quyết các vấn đề đang được nêu ra.

    Tổng thống Joe Biden nêu phản ứng đối với vấn đề an ninh mạng lên các cấp cao nhất của chính quyền sau một loạt các cuộc tấn công trong năm nay đe dọa làm mất ổn định nguồn cung cấp năng lượng và thực phẩm của Hoa Kỳ.

    Tin tặc đã gây ra sự cố gián đoạn cung ứng nhiên liệu ở miền đông Hoa Kỳ vào tháng 5 khi chúng nhắm mục tiêu vào một đường ống dầu khí do công ty Colonial Pipeline điều hành.

    Đảng cầm quyền Nhật Bản hứa tăng chi tiêu quốc phòng chưa từng có


    Một cam kết trong cương lĩnh bầu cử chưa từng có của đảng cầm quyền Nhật Bản nhắm tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng, nhấn mạnh sự cấp bách cần phải trang bị tên lửa, máy bay chiến đấu tàng hình, máy bay không người lái và các loại khí tài khác để răn đe quân sự đối với Trung Quốc trong tranh chấp trên Biển Hoa Đông, theo Reuters.

    Đảng Dân chủ Tự do (LDP) lần đầu tiên đặt mục tiêu chi 2% GDP - khoảng 100 tỷ đôla - hoặc hơn cho quốc phòng trong cương lĩnh chính sách của mình trước cuộc bầu cử quốc gia vào tháng này.

    Các chuyên gia không kỳ vọng tân Thủ tướng Fumio Kishida sẽ sớm tăng gấp đôi mức chi tiêu quốc phòng, xét trong bối cảnh tình hình tài chính công nợ và nền kinh tế đang trải qua đại dịch hiện nay. Nhưng đó là một dấu hiệu cho thấy quốc gia theo chủ nghĩa hòa bình này dần dần có thể phá vỡ cam kết giữ ngân sách quân sự trong phạm vi 1% GDP.

    Ông Yoichiro Sato, giáo sư quan hệ quốc tế thuộc Đại học Châu Á Thái Bình Dương Ritsumeikan, nói với Reuters: “Các nhà lãnh đạo bảo thủ của đảng LDP muốn đảng từ bỏ giới hạn này”, nói về giới hạn chi tiêu trên thực tế, mà ông gọi là “bất khả xâm phạm đối với những người theo chủ nghĩa tự do Nhật”.

    “Họ đang thiết lập hướng đi, đó là những gì những người bảo thủ muốn làm,” ông nói thêm.

    Hoa Kỳ đã và đang thúc đẩy các đồng minh chủ chốt chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng; và việc tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP sẽ đưa Nhật lên ngang với cam kết mức chi tiêu quốc phòng của các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

    Cương lĩnh mang tính diều hâu này được đưa ra khi tâm lý công chúng Nhật chuyển từ lo ngại về việc tái vũ trang cho quân đội sang cảnh báo ngày càng tăng về sự quyết đoán của Trung Quốc ở châu Á, đặc biệt là sự quyết đóan của Bắc Kinh đối với Đài Loan.

    Trong một cuộc khảo sát với 1.696 người do nhật báo Nikkei thực hiện vào cuối năm ngoái, có 86% người được hỏi cho biết rằng Trung Quốc là mối đe dọa đối với Nhật, cao hơn mức 82% bày tỏ lo ngại về việc Triều Tiên trang bị vũ khí hạt nhân.

    Chiến lược quân sự của Nhật tập trung vào việc bảo vệ lãnh thổ dọc theo rìa Biển Hoa Đông, nơi Tokyo đang bị mắc kẹt trong tranh chấp với Bắc Kinh về một nhóm các đảo không có người ở.

    Với thêm 50 tỷ đôla mỗi năm, Nhật có thể mua thêm thiết bị của Mỹ, bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình F-35, máy bay cánh quạt nghiêng Osprey và máy bay không người lái, cũng như các thiết bị sản xuất trong nước như tàu đổ bộ, tàu chiến nhỏ gọn, tàu sân bay, tàu ngầm, vệ tinh và thiết bị liên lạc để chống lại một cuộc chiến tranh kéo dài.

    Liên Hiệp Châu Âu trợ giúp "người dân Afghanistan" một tỷ euro


    Đúng vào lúc các đại diện của tân chính quyền Taliban lần đầu tiên tiếp xúc với phái bộ Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ tại Doha hôm 12/10/2021, Liên Âu thông báo dành một tỷ euro cho chương trình trợ giúp « người dân Afghanistan » và các nước láng giềng, với mục tiêu trước hết là để tránh xảy ra khủng hoảng nhân đạo.

    Tuyên bố được đưa ra trong khuôn khổ hội nghị trực tuyến của khối G20, do Ý tổ chức. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu nhấn mạnh: « Chúng ta phải làm tất cả trong khả năng để tránh một khủng hoảng về nhân đạo và khủng hoảng kinh tế-xã hội lớn tại Afghanistan ». Ngoài trợ giúp nhân đạo, khoản viện trợ nói trên cũng được dành cho tiêm chủng, y tế, hỗ trợ về nhà ở, nhân quyền. Liên Âu nhấn mạnh, đây là trợ giúp cho người dân Afghanistan chứ không phải cho chế độ Taliban.

    Thông tín viên Pierre Bénazet từ Bruxelles cho biết cụ thể :

    « Thông báo của châu Âu là rất rõ ràng, cứu trợ là dành cho người dân Afghanistan, chứ không phải cho chính quyền Afghanistan. Khác biệt là rất rõ ràng. Các nước châu Âu nhắm mục tiêu kép. Trước hết làm sao để cho những nỗi đau khổ của người dân Afghanistan không tăng thêm, và đây là những trợ giúp nhân đạo mang tính thiết yếu. Thứ hai là để duy trì phần nào các thành quả của 20 năm vừa qua, ví dụ như việc trẻ em gái được đi học.

    Hiện tại, các nước châu Âu chưa mở lại các cơ sở tại Kabul, nhưng trong mọi trường hợp, các trợ giúp tại Afghanistan sẽ được phân phối trực tiếp qua các tổ chức phi chính phủ và các định chế quốc tế.

    Các khoản tài trợ sẽ không được sử dụng toàn bộ tại Afghanistan mà còn cho nhiều nơi khác. Kế hoạch phân bổ ngân sách hiện chưa được công bố, nhưng một phần đáng kể sẽ là dành cho các nước láng giềng tiếp nhận người tị nạn Afghanistan. Tiền sẽ được dành cho cứu trợ nhân đạo, nhưng đồng thời cũng để chi phí cho việc quản lý nhập cư, ngăn ngừa khủng bố, chống tội phạm có tổ chức và nạn buôn người.

    Tạo điều kiện cho các trợ giúp nhân đạo là một trong năm tiêu chí mà các nước châu Âu đặt ra như một điều kiện, không phải để công nhận chế độ Taliban, mà để cho một ‘‘sự phối hợp hành động’’ với Taliban ».

    Cũng ngày hôm qua, ông Amir Khan Muttaqi - ngoại trưởng của chính quyền Taliban - ra thông cáo, báo động về nguy cơ làn sóng tị nạn người Afghanistan sẽ gia tăng, nếu « chính quyền Taliban suy yếu » và cấm vận quốc tế với Afghanistan vẫn được duy trì.

    Quan điểm của Hoa Kỳ và Liên Âu sẵn sàng hậu thuẫn các sáng kiến nhân đạo tại Afghanistan, nhưng từ chối hỗ trợ trực tiếp chính quyền Taliban, chừng nào Taliban chưa bảo đảm là tôn trọng nhân quyền, và đặc biệt là các quyền của phụ nữ.

    Đại học Harvard chuyển chương trình dạy tiếng Hoa từ Trung Quốc sang Đài Loan


    Đại học Harvard đã quyết định chuyển chương trình hè tiếng Hoa từ Trung Quốc sang Đài Loan vào mùa hè năm 2022, trang SCMP cho hay.

    Theo đó, Chương trình du học hè của Học viện Harvard Bắc Kinh sẽ được chuyển đến Đại học Quốc lập Đài Loan ở Đài Bắc và được đổi tên thành Học viện Harvard Đài Loan .

    Giám đốc chương trình Jennifer L. Liu cho biết quyết định này là do “nhận thức thiếu thân thiện” từ trường Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh (BLCU).

    Trao đổi với nhật báo sinh viên “Harvard Crimson” của Đại học Harvard, bà Jennifer Liu cho biết, vấn đề nằm ở chỗ chương trình đã liên tục gặp khó khăn từ đối tác trong việc tiếp cận phòng học và ký túc, làm giảm chất lượng chỗ ngủ nghỉ cho sinh viên. Không chỉ vậy, bắt đầu từ năm 2019 , Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh đã cấm giáo viên và sinh viên người Mỹ từ Đại học Harvard Bắc Kinh tổ chức lễ kỷ niệm quốc khánh Mỹ và cấm họ hát quốc ca Mỹ.

    Trong khi đó, Đại học Quốc lập Đài Loan nói với Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan rằng, dự kiến ​​sẽ có 60 sinh viên Harvard sang Đài Loan tham gia khóa học tiếng Trung kéo dài 8 tuần vào mùa hè năm sau.

    Các khóa học và giáo viên phụ trách cụ thể vẫn đang được lên kế hoạch, và họ sẽ cân nhắc sắp xếp các chuyến thăm quan tới các điểm du lịch nổi tiếng ở Đài Bắc như thị trấn Cửu Phần, thị trấn vàng Jinguashi, Bảo tàng Cố cung Quốc gia, Chợ đêm Sĩ Lâm, Công viên Quốc gia Dương Minh Sơn và các điểm tham quan khác, hoặc trải nghiệm các hoạt động văn hóa như thư pháp, cờ vua, cắt giấy và làm bánh bao. Đại học quốc lập Đài Loan hy vọng sẽ đặt nền tảng tiếng Trung vững chắc cho sinh viên Harvard trong bầu không khí học thuật tự do của trường.

    Không có nhận xét nào