Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ tư 01 tháng 12 năm 2021

    Bộ trưởng Không quân Mỹ, Frank Kendall.

    Bộ trưởng Không quân Mỹ, Frank Kendall. 

    Hoa Kỳ và Trung Quốc đang trong cuộc đua võ trang phát triển võ khí siêu thanh sát thương nhất, Bộ trưởng Không quân Mỹ tuyên bố ngày 30/11 trong lúc Bắc Kinh và Washington ngày càng chế tạo và thử nghiệm võ khí tốc độ cao thế hệ mới.

    “Có cuộc đua võ trang, không nhất thiết là tăng cường số lượng mà về chất lượng,” Bộ trưởng Frank Kendall nói với Reuters. “Cuộc đua võ trang này đã diễn ra lâu nay. Trung Quốc tham gia rất hăng.”

    Hồi tháng 10, Tướng Mark Milley của Mỹ xác nhận một cuộc thử nghiệm võ khí siêu thanh của Trung Quốc.

    Trong năm nay, Ngũ Giác Đài cũng tiến hành một số cuộc thử nghiệm võ khí siêu thanh. 

    Trong lúc Ngũ Giác Đài bước vào chu kỳ ngân sách 2023, Bộ trưởng Kendall hy vọng sẽ tăng nguồn quỹ dành cho các hệ thống võ khí mới bao gồm các chương trình phát triển võ khí siêu thanh.

    Các nhà thầu quốc phòng hy vọng ăn nên làm ra trong quá trình chuyển đổi sang võ khí siêu thanh, không chỉ ở khâu thiết kế mà còn trong khâu phát triển các cơ chế mới phát hiện và đánh bật võ khí siêu thanh.

    CEO Moderna cảnh báo vaccine COVID-19 sẽ kém hiệu quả hơn đối với biến chủng Omicron 

    Reuters 

    Ông Stephane Bancel, CEO của Moderna.

    Ông Stephane Bancel, CEO của Moderna. 

    Tổng Giám đốc điều hành của công ty dược Moderna hôm 30/11 gióng lên hồi chuông cảnh báo mới trên thị trường tài chính sau khi ông phát biểu rằng có nhiều khả năng là các loại vaccine COVID-19 sẽ kém hiệu quả đối với biến chủng Omicron so với các biến chủng trước, theo Reuters.

    Phát biểu của ông Stéphane Bancel làm dấy lên lo ngại rằng việc kháng vaccine có thể dẫn đến có thêm nhiều ca mắc bệnh, nhiều người nhập viện hơn, và đại dịch còn kéo dài.

    “Tôi nghĩ rằng sẽ không có cùng mức độ (hiệu quả) như đối với biến chủng Delta”, Tổng Giám đốc điều hành Moderna Bancel nói với trang Financial Times trong một cuộc phỏng vấn.

    “Tôi nghĩ đó sẽ là một sự sụt giảm về chất. Tôi không biết là sụt giảm bao nhiêu vì chúng ta cần phải chờ dữ liệu. Nhưng tất cả các nhà khoa học mà tôi đã nói chuyện ... đều cho rằng ‘điều này sẽ không tốt’”, ông Bancel nói.

    Ông Bancel trước đó nói trên đài CNBC rằng trong khoảng hai tuần nữa mới có thể biết rõ hơn về hiệu quả của vaccine COVID-19 chống lại Omicron và có thể mất vài tháng để bắt đầu xuất xưởng một loại vaccine có tác dụng chống lại biến chủng mới này.

    Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến chủng Omicron có nguy cơ gia tăng lây nhiễm “rất cao”.

    WHO và các nhà khoa học cũng cho biết có thể mất vài ngày đến vài tuần để hiểu được mức độ nghiêm trọng của biến chủng Omicron.

    Ông John Wherry, Giám đốc Viện Miễn dịch học Penn ở Philadelphia cho biết: “Việc tiêm phòng vẫn có thể giúp bạn không phải đến bệnh viện”.

    Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden kêu gọi thực hiện tiêm chủng trên diện rộng hơn nữa, trong khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) kêu gọi tất cả mọi người từ 18 tuổi trở lên đi tiêm mũi tăng cường. Anh quốc cũng đã mở rộng chương trình tăng cường tiêm vaccine COVID-19 trong bối cảnh dân chúng lo ngại vì biến chủng Omicron.

    Được ghi nhận lần đầu tiên vào ngày 24/11 từ Nam Phi, biến chủng Omicron kể từ đó đã lan rộng ra hơn một chục quốc gia. Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, vừa xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm Omicron.

    Nga buộc đại sứ quán Mỹ giảm nhân viên, căng thẳng ngoại giao gia tăng 

    Reuters 

    Tòa đại sứ Mỹ ở Moscow, Nga, 11/5/2021.

    Tòa đại sứ Mỹ ở Moscow, Nga, 11/5/2021. 

    Hôm thứ Tư 1/12, Nga cho biết họ ra lệnh cho những nhân viên đại sứ quán Mỹ đã ở Moscow hơn 3 năm phải bay về Mỹ trước ngày 31/1/2022. Động thái này trả đũa cho sự việc mà Moscow gọi là Mỹ có quyết định hạn chế hoạt động của các nhà ngoại giao Nga.

    Đây là diễn biến mới nhất trong khi căng thẳng ngoại giao leo thang giữa hai nước. Bước đi này xảy ra sau khi đại sứ Nga tại Mỹ vào tuần trước cho biết 27 nhà ngoại giao Nga và gia đình của họ đã bị trục xuất khỏi Mỹ và sẽ rời đi vào ngày 30/1/2021.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói trong một cuộc họp báo: "Chúng tôi ... dự định sẽ đáp trả theo cách tương ứng. Các nhân viên đại sứ quán Mỹ đã ở Moscow hơn 3 năm phải rời Nga trước ngày 31/1".

    Hãng thông tấn RIA trích dẫn lời bà nói rằng các quy định mới của Hoa Kỳ có nghĩa là các nhà ngoại giao Nga bị buộc rời khỏi Hoa Kỳ cũng bị cấm làm việc với tư cách là nhà ngoại giao ở Hoa Kỳ trong ba năm.

    Bà nói: “Trước ngày 1/7 năm sau, nếu Washington không bãi bỏ quy định về 3 năm và nếu họ không thỏa hiệp, sẽ có thêm nhiều nhân viên (Mỹ ở Nga) phải ra đi với số lượng tương xứng với số người Nga mà Bộ Ngoại giao Mỹ công bố”.

    Không có bình luận gì ngay từ phía đại sứ quán Hoa Kỳ ở Moscow.

    Việc cắt giảm thêm nhân viên đại sứ quán Mỹ ở Moscow sẽ gây áp lực lên sự vận hành của đại sứ quán mà Washington đã mô tả là gần như chỉ ở mức "hiện diện để duy trì sự tồn tại" trong bối cảnh hai bên trục xuất nhân viên của nhau và áp đặt các hạn chế khác theo kiểu ăn miếng trả miếng.

    Tòa đại sứ là cơ quan đại diện cuối cùng của Hoa Kỳ còn hoạt động ở Nga sau khi các lãnh sự quán Mỹ ở Vladivostok và Yekaterinburg bị đóng cửa, bản thân tòa đại sứ đã phải giảm số nhân viên xuống còn 120 người từ khoảng 1.200 người hồi đầu năm 2017, Washington cho biết.

    Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết vẫn còn chưa quá muộn để Washington tránh bị Moscow thực hiện các lệnh trục xuất mới nếu Mỹ từ bỏ kế hoạch trục xuất các nhà ngoại giao Nga.

    Mối quan hệ giữa Washington và Moscow đã xuống mức thấp trong nhiều năm nay sau thời Chiến tranh Lạnh, giờ đây mối quan hệ này đang bị ảnh hưởng nặng nề do việc Nga tăng cường lực lượng quân đội gần Ukraine.

    Việt Nam ngừng thử nghiệm vaccine Covid-19 tự chế vì thiếu tình nguyện viên 

    Nhóm nghiên cứu vaccine Covivac cho biết hiện rất khó tìm được địa phương có vài ngàn người chưa tiêm vaccine Covid-19 và đủ tiêu chuẩn tham gia thử nghiệm lâm sàng.

    Nhóm nghiên cứu vaccine Covivac cho biết hiện rất khó tìm được địa phương có vài ngàn người chưa tiêm vaccine Covid-19 và đủ tiêu chuẩn tham gia thử nghiệm lâm sàng. 

    Vaccine Covivac, một trong những loại vaccine Covid-19 do Việt Nam tự nghiên cứu và phát triển, vừa được tạm ngừng thử nghiệm giai đoạn ba vì không tìm được đủ số tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng, truyền thông Việt Nam dẫn thông tin từ nhóm nghiên cứu vaccine Covivac cho biết hôm 30/11.

    Vaccine Covivac do Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC, Bộ Y tế) nghiên cứu và phát triển từ tháng 5/2020. Sau khi được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt, Covivac được thử nghiệm trên người từ cuối tháng 1, với giai đoạn 1 trên 120 tình nguyện viên. Giai đoạn 2 bắt đầu từ giữa tháng 6 với 375 tình nguyện viên.

    Giai đoạn 3 dự kiến sẽ được thực hiện vào cuối năm nay với yêu cầu phải có khoảng 4.000 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm. Tuy nhiên, VnExpress dẫn lời đại diện nhóm nghiên cứu cho biết hôm 30/11 rằng hiện nay rất khó tìm được địa phương có vài ngàn người chưa tiêm vaccine Covid-19 và đủ tiêu chuẩn tham gia thử nghiệm lâm sàng. Vì vậy, nhóm phải tạm ngừng thử nghiệm giai đoạn 3 để tìm phương án khác.

    Vaccine Covivac được bào chế theo công nghệ truyền thống, sử dụng virus bất hoạt để kích hoạt phản ứng miễn dịch trong cơ thể người.

    Vào đầu tháng 8, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia của Việt Nam đánh giá Covivac an toàn và sinh miễn dịch, nên chấp thuận cho chuyển sang nghiên cứu giai đoạn hai.

    Ngoài Covivac, Việt Nam còn 4 công ty đang thử nghiệm và chuyển giao công nghệ vaccine Covid-19. Trong đó, ứng cử viên sáng giá nhất của Việt Nam là vaccine Nanocovax do Công ty Nanogen nghiên cứu.

    Vào thời điểm Việt Nam rơi vào đợt bùng phát Covid-19 thứ 4 hồi đầu năm nay, Việt Nam cho biết Nanocovax dự kiến sẽ có mặt trên thị trường vào quý IV năm nay và đưa vào sử dụng vào năm 2022. Tuy nhiên cho đến nay, Nanocovax vẫn đang được nghiên cứu lâm sàng giai đoạn ba.

    Ngoài các vaccine tự bào chế, hiện Việt Nam cũng đang tiếp nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine Covid-19 từ các nước, trong đó có Vaccine ARCT-154 do tập đoàn Vingroup tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ Mỹ, vaccine của Công ty Shionogi Nhật Bản đang được thử nghiệm; vaccine Sputnik V của Nga do Vabiotech tiếp nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất với quy mô khoảng 5 triệu liều một tháng.

    Cathay Pacific tiếp tục khó khăn

    Sau một khoảng thời gian khó khăn, vào năm 2019 Cathay Pacific đã công bố một khẩu hiệu lạc quan, “Di chuyển vươn xa.” Song mọi thứ đã đi lùi kể từ đó: giống như mọi hãng khác, hãng hàng không Hồng Kông đã phải để máy bay của mình nằm nhà do Covid-19. Nhưng không như nhiều hãng khác, công ty này phụ thuộc vào các chuyến bay đường dài và không có thị trường nội địa. Vào thứ Tư họ có thể sẽ công bố một khoản lỗ cả năm nữa (dù có thể thấp hơn mức 2,8 tỷ đô la của năm 2020).

    Hồng Kông có một số hạn chế đi lại khắc nghiệt nhất trên thế giới. Hồi tháng trước, hàng trăm phi công và nhân viên của hãng đã phải vào trại cách ly sau khi một số người nhiễm covid-19 ở Đức. Cathay có thể sẽ phải chuyển phi hành đoàn ra nước ngoài để lách các quy tắc kiểm dịch nghiêm ngặt đó. Vị thế trạm trung chuyển của thành phố – giúp Cathay có lợi thế – cũng đang bị đe dọa. Số lượng hành khách trong tháng 10 giảm tới 97% so với cùng kỳ 2019. Tất cả điều này đồng nghĩa hãng phải cắt giảm lịch trình trong tháng 12, thời điểm sinh viên bay đến Hồng Kông và người nước ngoài bay đi nơi khác để nghỉ Giáng sinh.

    Tình hình giá cả tại một số thành phố lớn

    Chỉ số Chi phí Sinh hoạt Toàn cầu hàng năm của Economist Intelligence Unit ghi nhận ​​mức tăng lớn nhất 5 năm qua, vì đại dịch, thay đổi tỷ giá hối đoái và các vấn đề chuỗi cung ứng đẩy chi phí sinh hoạt ở các thành phố lớn trên thế giới lên cao. Dữ liệu cho cuộc khảo sát, bao gồm khoảng 200 loại hàng hóa và dịch vụ ở 173 thành phố, được thu thập vào tháng 8 và tháng 9 năm 2021. Tính trung bình, giá cả trong chỉ số này tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, với chi phí nhiên liệu và vận tải tăng mạnh.

    Vì chỉ số được tính bằng cách so sánh mọi thành phố với giá ở New York, nên những thay đổi trong tỷ giá hối đoái đô la Mỹ sẽ ảnh hưởng đến xếp hạng. Tel Aviv lần đầu tiên dẫn đầu chỉ số, khi tiến trình triển khai vắc-xin nhanh chóng của Israel làm tăng giá trị của đồng shekel. Tehran, thủ đô của Iran, tăng mạnh nhất trên bảng xếp hạng, nhảy từ vị trí thứ 79 lên vị trí thứ 29; nguyên nhân là do các lệnh trừng phạt của Mỹ gây ra tình trạng thiếu hụt và giá cả leo thang. Damascus, thủ đô Syria, tiếp tục là thành phố rẻ nhất; điểm số của nó lại giảm do cuộc nội chiến 10 năm qua làm suy yếu đồng tiền Syria.

    Twitter thay CEO

    Mười lăm năm sau khi thành lập công ty, vào thứ Hai Jack Dorsey đã tuyên bố sẽ rời Twitter. Thay thế vị trí giám đốc điều hành của ông là Parag Agrawal, trước đây là giám đốc công nghệ. Ông Agrawal có vẻ khắc kỷ hơn so với người tiền nhiệm của mình. Người đàn ông 37 tuổi này là một kỹ sư có bằng tiến sĩ khoa học máy tính từ đại học Stanford. Việc bổ nhiệm ông đến đúng vào thời điểm có nhiều thay đổi: Twitter tung ra nhiều tính năng hơn trong hai năm qua so với bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử công ty, bao gồm một dịch vụ đăng ký thuê bao mới và các phương thức giúp người dùng kiếm tiền.

    Song ông Dorsey không cắt đứt hoàn toàn với Twitter. Hai người đã làm việc chặt chẽ với nhau về các thay đổi gần đây của công ty và cùng chia sẻ hai mục tiêu cho tương lai. Một là biến công ty thành một hãng tiền điện tử (có thể bằng cách trả tiền cho các tác giả tweet bằng tiền tip TwitterCoin). Hai là tạo ra một nền tảng truyền thông xã hội phi tập trung mà một số công ty có thể cùng nhau vận hành. Ông Agrawal sẽ rất bận rộn.

    Tòa án Tối cao Hoa Kỳ xem xét một vụ kiện chống luật phá thai quan trọng

    Vào thứ Tư, Tòa án Tối cao sẽ xem xét có nên từ bỏ quyền được phá thai theo hiến pháp hay không. Vụ kiện Dobbs v Jackson Women’s Organization liên quan đến lệnh cấm của Mississippi đối với hầu hết các trường hợp phá thai sau khi thai được 15 tuần tuổi . Nó bao gồm câu hỏi liệu hiến pháp có cho phép các bang cấm phá thai trước khi thai nhi thành hình hay không – tức khoảng 24 tuần sau thai nghén.

    Kết quả sẽ tác động đến phán quyết Roe v Wade, tiền lệ án năm 1973 coi phá thai như một quyền hiến định. Mississippi nói Roe và vụ kiện 1992 phần lớn tái khẳng định Roe v Wade, Planned Parenthood v Casey, là các “sai lầm nghiêm trọng” và cần được bác bỏ. Phòng khám phá thai duy nhất còn lại trong bang phản bác rằng “thay đổi triệt để luật” như vậy sẽ làm suy yếu “bình đẳng giới” và ảnh hưởng đến “gần một trên bốn phụ nữ quyết định kết thúc thai kỳ trong suốt cuộc đời họ.” 5 năm trước, Donald Trump nói các lựa chọn thẩm phán cho Tòa Tối cao của ông sẽ “tự động” lật ngược lại phán quyết Roe. Với ba người được ông bổ nhiệm tạo thành thế đa số bảo thủ 6-3, cơ hội bỏ luật phá thai đã tồn tại nửa thế kỷ này đã đến.



    Không có nhận xét nào