Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ sáu 04 tháng 3 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Nga - Ukraina thỏa thuận lập « hành lang nhân đạo » để sơ tán thường dân

    Di dân Ukraina tại ga tàu hỏa ở Przemysl, Ba Lan, ngày 03/03/2022. REUTERS - YARA NARDI 

    Hôm qua, 03/03/2022, đại diện Nga và Ukraina đã gặp nhau lần thứ hai tại Belovejskaïa Pouchtcha, Belarus, gần biên giới với Ba Lan và Ukraina. Hai bên đã thỏa thuận lập các « hành lang nhân đạo » để sơ tán thường dân ra khỏi các vùng chiến sự. 

    Vòng đàm phán thứ hai được xem như là bước đầu tiên để bảo vệ thường dân trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraina, dù không có tiến triển trong đàm phán về lệnh ngừng bắn.

    Trong một tuyên bố được AFP trích dẫn, cố vấn của tổng thống Volodymyr Zelensky, một thành viên của phái đoàn Ukraina, ông Mikhailo Podoliak cho biết Matxcơva và Kiev sẽ thiết lập hành lang nhân đạo để sơ tán thường dân, cũng như vận chuyển thuốc men và thực phẩm đến những vùng xảy ra giao tranh dữ dội. Ông cho biết thêm biện pháp này bao gồm khả năng ngừng bắn tạm thời tại các khu vực sơ tán.

    Về phần mình, trưởng phái đoàn Nga, ông Vladimir Medinsky cho biết cuộc đàm phán đã bàn về các vấn đề nhân đạo, quân sự, cũng như về « giải pháp chính trị tương lai cho cuộc xung đột ». Một thành viên của phái đoàn Nga, ông Léonid Sloutski cho biết « trong tương lai không xa, hai bên sẽ thực hiện những biện pháp cụ thể để người dân có thể an toàn rời khỏi vùng chiến sự ». 

    Vòng đàm phán thứ ba sẽ diễn ra vào tuần tới và theo phía Nga, hai bên sẽ thảo luận về một lệnh ngừng bắn.

    Trong cuộc họp báo hôm qua, tổng thống Ukraina Zelensky cho biết ông muốn đối thoại trực tiếp với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin về mọi vấn đề. Theo ông, đây là cách duy nhất để chấm dứt chiến tranh giữa Kiev và Matxcơva. Zelensky cũng chế nhạo lãnh đạo Nga về cách thức đối thoại của Putin : ngồi đối diện ở hai đầu chiếc bàn cực dài. Ông nói : « Hãy ngồi xuống thương lượng với tôi, đừng ngồi cách xa 30 mét, tôi không cắn người đâu, ông lo sợ gì ?

    Về phần mình, tổng thống Nga có vẻ như không sẵn sàng xuống thang. Trong cuộc họp với Hội đồng An ninh Quốc gia, được phát trên truyền hình Nga, ông Putin khẳng định « chiến dịch quân sự đặc biệt » của ông tại Ukraina, hiện đã bước vào tuần thứ hai, vẫn tiếp diễn mà « không gặp bất cứ trở ngại nào ».

    Gruzia và Moldova chính thức xin gia nhập Liên Hiệp Châu Âu

    Người dân Gruzia tụ tập trước tòa nhà Quốc hội vào mỗi buổi tối ở Tbilisi, Gruzia, để đòi nước này gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. AP - Shakh Aivazov 

    Gruzia và Moldova đã chính thức đệ đơn xin gia nhập Liên Hiệp Châu Âu hôm qua, 03/03/2022. Cuộc xâm lược Ukraina của Nga từ một tuần nay là một mối lo ngại đối với hai quốc gia đều thuộc Liên Xô cũ, mà Nga vẫn coi là nằm trong vùng ảnh hưởng của mình. 

    Trong một thông cáo, được AFP trích dẫn, thủ tướng Gruzia cho biết gia nhập Liên Hiệp Châu Âu là một “mục tiêu chiến lược”. Chiến tranh Ukraina khiến quốc gia 3,7 triệu dân này lo ngại trở thành mục tiêu tiếp theo của Matxcơva. Vào năm 2008, Nga đã tấn công Gruzia với những lý do gần như tương tự đối với Ukraina. Từ thủ đô Tbilissi của Gruzia, thông tín viên RFI Régis Genté tường trình :

    “Các hình ảnh về việc Nga xâm lược Ukraina xuất hiện càng nhiều trên truyền hình thì người Gruzia lại càng thêm lo lắng và mơ về châu Âu. Mỗi khi tối đến, đám đông tụ tập trước tòa nhà Quốc Hội ở Tbilisi ngày càng đông đảo để ủng hộ “những người anh em Ukraina”. Cảnh đường phố Gruzia hiện giờ là minh chứng cho các cuộc thăm dò được thực hiện từ 20 năm qua, theo đó, ba phần tư người Gruzia ủng hộ việc xích gần lại châu Âu và NATO. 

    Chính phủ dưới quyền nhà tài phiệt Bidzina Ivanishvili lâm vào tình trạng khó xử. Có lẽ vì sợ Matxcơva trả đũa. Trong vòng nhiều ngày, ông đã làm hết sức để ngăn chặn hơn 150 tình nguyện viên Gruzia lên đường đi Ukraina chiến đấu. Thế nhưng, dưới sức ép của công luận và bản kiến nghị với chữ ký của hàng chục nghìn người Gruzia, thủ tướng Irakli Garbibachvili đã ký một đơn chính thức xin gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, tương tự với đơn mà tổng thống thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã ký trước đó.”

    Cũng như Gruzia, Moldova, một quốc gia khác thuộc Liên Xô cũ, đã nộp đơn chính thức xin gia nhập khối 27 nước châu Âu trong cùng ngày. Với khoảng 2,6 triệu dân, Moldova là một trong những nước nghèo nhất châu Âu và phải đối phó với nạn di cư ồ ạt do tình trạng thất nghiệp ở nước này.

    AFP cho biết, gia nhập Liên Âu là một quá trình lâu dài, đòi hỏi các đàm phán phức tạp liên quan đến các tiêu chí khó có thể đáp ứng, nhất là đối với quốc gia đang có chiến tranh, ví dụ như các tiêu chí liên quan đến ổn định chính trị và nền kinh tế thị trường vững chắc.

    Quân đội Ukraine đang tấn công đoàn xe bị đình trệ của Nga

    Jack Phillips

    https://etviet.com/wp-content/uploads/2022/03/maxar-picture-700x420-1.jpg

    Bức ảnh vệ tinh do Maxar Technologies cung cấp này cho thấy một đoàn xe quân sự gần Invankiv, Ukraine hôm 28/02/2022. (Ảnh: Hình ảnh vệ tinh ©2022 của Maxar Technologies/AP) 

    “Chúng tôi đang tấn công các đoàn xe của quân địch,” Chuẩn tướng Kyrylo Budanov nói với Military Times. “Chúng tôi thiêu rụi nhiều đoàn xe của quân địch.” Ông không nói rõ có bao nhiêu phương tiện bị phá hủy hoặc bao nhiêu binh sĩ Nga có thể đã thiệt mạng.

    Hôm thứ Tư (02/03), ông Budanov cho biết trong một cuộc phỏng vấn, quân đội Ukraine đang sử dụng các chiến đấu cơ Su-24 và Su-25, pháo binh, và hỏa tiễn để tấn công các đoàn xe này. Ông cho biết thêm, các sĩ quan và nhân viên tình báo của ông đang “lãnh đạo và chỉ huy các cuộc tấn công” này.

    Các quan chức Nga chưa đưa ra bất kỳ nhận xét công khai nào về lý do tại sao đoàn xe này không di chuyển.

    Trung tá Thủy quân Lục chiến Anton Semelroth, một phát ngôn viên của Ngũ Giác Đài, nói với Military Times rằng ông “sẽ không nói chuyện về các đánh giá tình báo” sau tuyên bố của ông Budanov. The Epoch Times đã liên lạc với Bộ Quốc phòng để yêu cầu bình luận.

    Hôm thứ Tư (02/03), phát ngôn viên Bộ Quốc phòng John Kirby cho biết quân đội Nga chưa đạt được tiến triển “đáng kể” nào về phía thủ đô này trong “hai đến ba ngày.”

    “Về lần cuối cùng chúng tôi thấy họ đạt được [bước tiến] đáng kể, có lẽ hai đến ba ngày trước là lần cuối cùng chúng tôi nghĩ rằng họ đã tiến thêm được bất kỳ khoảng cách địa lý lớn nào về phía Kyiv,” ông Kirby cho biết thêm rằng đoàn xe này vẫn còn cách Kyiv khoảng 15 dặm (24 km).

    Các quan chức Ngũ Giác Đài “tin rằng người Nga đang cố ý tập hợp lại quân đội của mình, và đánh giá lại những tiến triển mà họ chưa đạt được cũng như cách thức để bù đắp thời gian đã mất,” ông Kirby nói với các phóng viên, nhưng ông cũng cho biết thêm rằng quân đội Nga “có kinh nghiệm về mặt hậu cần và những thách thức lâu dài, những thách thức mà chúng tôi không cho là họ đã lường trước được hết.”

    Ông Kirby lưu ý rằng quân đội Nga thành công nhiều hơn ở khu vực phía nam và phía đông của Ukraine. Một số nhà phân tích cho rằng các lực lượng Nga đã có thể liên kết Bán đảo Crimea với khu vực ly khai Donbas ở miền đông Ukraine.

    “Họ đã phát động những cuộc tấn công này ở phía nam ngoài Crimea, nơi họ đã chiếm đóng trong tám năm qua. Vì vậy, họ có cơ sở hạ tầng ở đó. Họ đã có sự hiện diện của một lực lượng không hề nhỏ ở Crimea, cũng như cơ sở hạ tầng và khả năng duy trì ở đó,” ông Kirby nói. “Họ đã được tinh chỉnh hơn so với kiểu duy trì quân viễn chinh mà họ phải áp dụng ở phương bắc.”

    Ukraine và Nga đã giao tranh trong hơn một tuần kể từ hôm thứ Năm (24/02). Nga tuyên bố đã kiểm soát một thành phố lớn là Kherson, mặc dù các quan chức Ukraine phản bác tuyên bố này.

    Kể từ đầu tuần này (28/02-06/03), các lực lượng Nga đã leo thang bắn phá Kharkiv, nằm gần biên giới Ukraine-Nga.

    Trong bài diễn văn hôm thứ Năm (03/03), Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết cuộc xâm lược này đang diễn ra theo đúng lịch trình.

    Ông Putin cho biết, “Tôi muốn nói rằng chiến dịch quân sự đặc biệt này đang được tiến hành nghiêm ngặt theo đúng kế hoạch và lịch trình. Tất cả các mục tiêu đề ra đang được giải quyết hoặc đạt được một cách thành công.”

    Trong khi đó, các cuộc đàm phán giữa các phái đoàn Ukraine và Nga về một lệnh ngừng bắn hoặc hiệp ước hòa bình đã diễn ra mà không có kết quả nào vào thứ Năm (03/03). Một cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết hai bên đã đồng ý tạo các hành lang nhân đạo và di tản.

    Ông Jack Phillips là một phóng viên thời sự của The Epoch Times tại New York.

    Thanh Tâm biên dịch

    Nga hướng sang ngân hàng Trung Quốc để lách trừng phạt của phương Tây

    Ảnh minh họa : Biểu tượng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. © VCG via Getty Images - VCG 

    Ngày 03/03/2022, cơ quan thẩm định tài chính Fitch và Moody’s đã hạ điểm Nga, xếp nước này vào nhóm các nước rủi ro không có khả năng thanh toán nợ. Cơn bão tài chính tiếp tục hoành hành tại Nga với việc thị trường chứng khoán của nước này vẫn đóng cửa hôm 02/03/2022, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài tìm mọi cách tháo vốn khỏi Nga, đồng rúp vẫn liên tục mất giá. 

    Để lách các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất của phương Tây kể từ Thế Chiến II, Nga tìm cách thông qua hệ thống ngân hàng Trung Quốc và giao dịch bằng nhân dân tệ.

    Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh giải thích :

    Tám mươi tỉ đô la của Ngân hàng Trung ương Nga, 60 tỉ đô la của Quỹ Đầu tư Tài chính Quốc gia Nga, tổng số tiền của hai định chế này chiếm khoảng 1/4 lượng tài sản nước ngoài dưới dạng trái phiếu Trung Quốc, theo các nhà phân tích của văn phòng ANZ Research. Rõ ràng là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang ở thế tốt nhất để có thể giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt nhắm vào pháo đài tài chính Nga.

    Nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Việc phong tỏa dữ trữ ngoại hối bằng đô la của Ngân hàng Nga đã kéo theo làn sóng đổ xô đến quầy giao dịch của các ngân hàng Trung Quốc. Các doanh nghiệp Nga tìm cách mở tài khoản tại các ngân hàng của nền kinh tế thứ hai thế giới để thực hiện giao dịch trực tiếp bằng nhân dân tệ. Những trao đổi theo kiểu này đã bắt đầu từ năm 2014 sau khi Nga bị trừng phạt vì vụ sáp nhập bán đảo Crimée và kể từ giờ sẽ tăng tốc.

    Trung Quốc phản đối các biện pháp trừng phạt mà họ coi là « đơn phương ». Dù Nga xâm chiếm một quốc gia có chủ quyền, Bắc Kinh vẫn muốn tiếp tục trao đổi thương mại « bình thường » với nước Nga láng giềng. Việc này có thể được thực hiện qua hệ thống thanh toán liên ngân hàng Trung Quốc CIPS, được thiết lập để chống hệ thống Swift của phương Tây mà Nga bị loại từ khi xâm chiếm Ukraina. Nhưng việc này cũng cần thời gian.

    Theo Reuters, trong 9 tháng đầu năm 2021, 8,7% trao đổi  mâu dịch giữa Nga và Trung Quốc là bằng đồng rúp và hơn 7% là bằng các loại tiền tệ khác, trong đó có nhân dân tệ. Nhưng 36,6% trao đổi thương mại Nga-Trung vẫn được giao dịch bằng đô la Mỹ và 47,6% bằng euro.

    Doanh nghiệp phương Tây tiếp tục rút khỏi Nga

    Danh sách các doanh nghiệp phương Tây rút khỏi Nga ngày càng dài. Ngày 03/03, tập đoàn nội thất nổi tiếng thế giới Ikea của Thụy Điển thông báo ngừng mọi hoạt động tại Nga và Belarus, khoảng 15.000 nhân viên bị thất nghiệp.

    Theo Reuters, thương hiệu giầy thể thao Nike, cũng như hai nhà sản xuất ô tô Toyota (Nhật Bản) và Volkswagen (Đức), đình chỉ hoạt động ở Nga. Trang web khai thác nhà ở du lịch Airbnb cũng thông báo ngừng mọi hoạt động ở Nga và Belarus.

    Địa chính trị toàn cầu căng thẳng do chiến tranh Ukraine

    Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đang vẽ lại địa chính trị toàn cầu. Mỹ và các đồng minh Á-Âu đặt ra nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn. EU – một câu lạc bộ kinh tế – thậm chí còn chi tiền để gửi vũ khí đến Ukraine. Nga xích lại gần Trung Quốc và sẽ ngày càng phụ thuộc vào nước này. Đối với Tổng thống Joe Biden, đây là cuộc đấu toàn cầu giữa nền dân chủ với chế độ chuyên chế.

    Các nền dân chủ muốn chia rẽ những người khổng lồ Á-Âu, như Richard Nixon từng làm vào năm 1972. Nhưng đó là một nhiệm vụ không tưởng khi Tập Cận Bình và Vladimir Putin có mối quan hệ rất thân thiết. Một lựa chọn khác là đưa về phe mình nhiều nước bao quanh Á- Âu. Nhưng nhiều nước – bao gồm cả Ấn Độ, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ – đang cân nhắc vì có quan hệ chính trị hoặc kinh tế với Nga.

    Rủi ro ngày càng cao. Chỉ trong ba tuần qua Nga đã đem thanh kiếm hạt nhân ra dọa đến ba lần, trong khi Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng kho đầu đạn. Trong một thế giới ngày càng khó đoán, việc tránh tái phổ biến vũ khí hạt nhân có thể trở nên khó khăn hơn.

    Những con số ấn tượng của thị trường lao động Mỹ 

    Trong tháng 1, các nhà tuyển dụng Mỹ đã nhận thêm 467.000 nhân viên mới, ngay cả khi số ca nhiễm covid-19 tăng mạnh do Omicron. Đến nay số ca nhiễm đã giảm bớt, nhưng nhu cầu tuyển dụng lao động thì không. Các nhà kinh tế dự đoán một con số tương tự trong dữ liệu tháng 2, được dự kiến công bố vào thứ Sáu này. Tỷ lệ thất nghiệp có lẽ đã giảm 0,1 điểm phần trăm xuống còn 3,9%. Với tốc độ như thế, đến cuối năm Mỹ sẽ lấy lại hoàn toàn 2,9 triệu việc làm bị mất vì đại dịch.

    Các ngân hàng trung ương thường lo về lạm phát hơn là thất nghiệp. Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã khiến giá dầu tăng vọt, qua đó có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang phải tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến. Chủ tịch Fed Jerome Powell đã hứa sẽ “nhanh chóng” bất chấp những hậu quả kinh tế “rất bất định” của cuộc xâm lược cũng như phản ứng của phương Tây. Hiện dự đoán của thị trường là Fed sẽ tăng lãi suất năm lần trong năm 2022, mỗi lần 0,25%. Đợt đầu tiên sẽ đến trong tháng này.

    Kinh tế Brazil gặp nhiều khó khăn

    Khi bị Covid-19 tấn công vào năm 2020, nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ đã suy thoái 3,9%, chưa từng có trong lịch sử. Số liệu năm 2021, được công bố vào thứ Sáu, dự kiến sẽ cho thấy GDP của Brazil tăng 4,5%, qua đó đưa nó trở lại mức của năm 2019. Song những tháng vừa qua là rất khó khăn. Lạm phát lên tới 10,6%; ngân hàng trung ương tăng lãi suất tám lần chỉ trong 2021, lên mức 10,75% của hôm nay. Còn GDP được cho là chỉ tăng 0,2% trong quý tư.

    Tổng thống theo chủ nghĩa dân túy của Brazil, Jair Bolsonaro, sẽ tái tranh cử vào tháng 10. Cơ hội của ông sẽ nhỏ đi nếu cử tri đổ lỗi cho ông về những khó khăn kinh tế. Nhưng trong bối cảnh nóng lên toàn cầu, các nhà lãnh đạo tương lai sẽ còn thấy những con số tệ hơn. Theo một báo cáo mới của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu, GDP của Brazil hiện thấp hơn 13,5% so với khi không có nóng lên toàn cầu. Đến năm 2100, khác biệt có thể lên tới 83%.

    Rác không gian rơi xuống Mặt Trăng

    Vào lúc 12 giờ 26 phút thứ Sáu theo giờ GMT, một tên lửa – chính xác hơn là một tảng kim loại nặng 3.600kg – sẽ va xuống mặt xa của Mặt trăng với tốc độ 2,58 km/giây. Nó được cho là khoang đẩy rời của một tên lửa do Trung Quốc phóng vào năm 2014. Sự việc này không gây ra mối đe dọa nào đối với con người. Nhưng nó khơi dậy các cuộc tranh luận về rác ngoài trái đất.

    Ước tính có khoảng 36.500 vật thể có bề ngang rộng hơn 10cm đang quay quanh Trái đất, cùng với hơn 100 triệu mảnh vụn nhỏ hơn. Một số người lo ngại rác không gian sẽ làm thay đổi môi trường mặt trăng, trong khi những người khác nói chúng sẽ gây ra tai nạn. Còn nhớ hồi năm 2021, các mảnh vỡ từ một vệ tinh đã gần như va chạm với Trạm Vũ trụ Quốc tế. Nhưng NASA cho biết tác động của sự việc hôm thứ Sáu này là một “cơ hội nghiên cứu rất thú vị.” Sau khi đã cố tình đâm nhiều vật thể xuống Mặt trăng, NASA có thể dành hàng tháng trời để tìm kiếm hố va chạm mà vật thể lần này để lại.

    Nga bắn pháo kích nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine, châu Âu lo lắng và lên án

    Cháy tại nhà máy điện hạt nhân trong ít nhất bốn giờ trước khi được dập tắt lúc 06:20 giờ địa phương, Thứ Sáu 4/3

    Chụp lại hình ảnh, 

    Cháy tại nhà máy điện hạt nhân trong ít nhất bốn giờ trước khi được dập tắt lúc 06:20 giờ địa phương, thứ Sáu 4/3

    Nga đã giành quyền kiểm soát một nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine sau khi bị pháo kích.

    Một đám cháy đã bùng lên tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia - nhà máy lớn nhất ở châu Âu - và Ukraine cho biết nhà máy này đã bị nã pháo bởi quân đội Nga.

    Giới chức cho biết cơ sở này hiện vẫn an toàn và mức phóng xạ ở mức bình thường.

    Các nhà lãnh đạo thế giới đã cáo buộc Nga gây nguy hiểm cho sự an toàn của cả một lục địa, và Tổng thống Ukraine cáo buộc Nga là "khủng bố hạt nhân".

    Tổng thống Mỹ Joe Biden hối thúc Moscow ngừng các hoạt động quân sự xung quanh địa điểm này, trong khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói "các cuộc tấn công kinh hoàng" từ Nga "phải chấm dứt ngay lập tức".

    Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết cuộc tấn công "liều lĩnh" có thể "đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của cả châu Âu". Cả ba nhà lãnh đạo đã nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky qua điện thoại.

    Trong khi đó, ông Zelensky nói rằng Nga muốn lặp lại vụ Chernobyl, nươi xảy ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới năm 1986.

    "Nếu có một vụ nổ xảy ra, đó là sự kết thúc của mọi thứ. Dấu chấm hết của châu Âu," ông nói.

    Bộ Quốc phòng Nga đổ lỗi vụ tấn công là do những kẻ phá hoại Ukraine, gọi đây là một "hành động khiêu khích tàn ác" mà không đưa ra bằng chứng.

    Dữ liệu video từ nhà máy điện hạt nhân cho thấy các vụ nổ thắp sáng bầu trời đêm và nhiều khói bốc lên.

    Các tòa nhà xung quanh một trong sáu tổ máy điện của nhà máy đã bị hư hại mà không ảnh hưởng đến sự an toàn của nó, theo cơ quan thanh tra hạt nhân của Ukraine.

    Công nhân tại nhà máy cho biết ngọn lửa - đã được dập tắt - bùng lên tại một tòa nhà đào tạo bên ngoài vành đai của nhà máy, và chỉ có một trong sáu lò phản ứng của nhà máy hoạt động.

    Một người dân sống gần đó cho biết ông đã nhìn thấy quân đội Nga tấn công địa điểm này. "Đó chỉ là chủ nghĩa khủng bố... Đó là điều đáng lo ngại không chỉ cho khu vực của chúng tôi, mà cho Ukraine và cho thế giới", Kirill Dovzhik nói với BBC.

    Cơ quan giám sát hạt nhân của LHQ, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cho biết vụ cháy không ảnh hưởng đến các thiết bị "thiết yếu" của nhà máy và không có sự gia tăng mức độ bức xạ.

    Nhưng IAEA cho biết họ ở "chế độ phản ứng 24/7" do "tình hình nghiêm trọng" tại nhà máy điện hạt nhân.

    Các dịch vụ khẩn cấp của Ukraine cho biết ban đầu họ đã bị chặn không cho đến hiện trường vụ hỏa hoạn, khiến Tổng thống Biden phải công khai kêu gọi Nga cho phép lực lượng cứu hỏa vào khu vực này.

    Boris Johnson cho biết ông sẽ yêu cầu một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ vào hôm nay (04/3) về vụ tấn công.

    Bản đồ các nhà mày điện hạt nhân nằm trên khắp lãnh thổ Ukraine

    Chụp lại hình ảnh, 

    Bản đồ các nhà mày điện hạt nhân nằm trên khắp lãnh thổ Ukraine

    Các chuyên gia cho biết việc tấn công một nhà máy điện hạt nhân là chưa từng có, và tình hình vẫn rất nguy hiểm.

    Tiến sĩ Graham Allison, chuyên gia an ninh hạt nhân tại Đại học Harvard, cho biết "trường hợp xấu nhất" sẽ xảy ra nếu hỏa hoạn tại nhà máy gây ra sự cố và dẫn đến giải phóng chất phóng xạ làm ô nhiễm khu vực xung quanh trong nhiều năm.

    Nhưng ông cũng cho biết nhiều khả năng các lực lượng Nga đang cố gắng "đóng cửa việc cung cấp điện cho khu vực xung quanh", thay vì tấn công nhà máy.

    Nhà máy nằm cách thủ đô Kyiv khoảng 550 km (342 dặm) về phía đông nam, sản xuất gần một phần tư tổng lượng điện ở Ukraine. 

    Quân đội Nga cũng đã giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, nơi xảy ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử.

    Nga đã giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl hôm 25/2

    Nguồn hình ảnh, Russian Defence Ministry

    Chụp lại hình ảnh, 

    Nga đã giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl hôm 25/2

    Hơn một triệu người đã chạy khỏi Ukraine kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào tuần trước.

    Bất chấp các lệnh trừng phạt của quốc tế, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết cuộc tấn công của ông đang diễn ra "đúng tiến độ, theo kế hoạch".


    Không có nhận xét nào