Header Ads

  • Breaking News

    Thái độ lạnh lùng và hiếu chiến của ĐCSTQ khiến việc tuyển sinh vào các học viện quân sự trở nên khó khăn


    Khi tình hình căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan và sự đối đầu ngày càng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, việc tuyển sinh vào các học viện quân sự của ĐCSTQ đã trở nên khó khăn, mặc dù điểm xét tuyển đã được hạ xuống hàng năm.

    Năm 2022, hàng chục học viện quân sự của ĐCSTQ có kế hoạch tuyển sinh 15.000 sinh viên, tăng 2.000 sinh viên so với năm ngoái. Dù được mở rộng đối tượng tuyển sinh nhưng vẫn bị thí sinh lạnh nhạt trong đợt tuyển sinh đầu năm (Học viện quân sự là trường đặc biệt, được quyền ưu tiên tuyển sinh), tuy mức điểm xét tuyển đã giảm qua từng năm kể từ năm 2019 nhưng vẫn khó có thể hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm.

    Trong đó, Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc phòng, trường quân sự hàng đầu của ĐCSTQ, điểm xét tuyển đầu vào năm 2019 là 665, năm 2020 giảm xuống 652; năm 2021 giảm xuống còn 646. Điểm xét tuyển cuối cùng của năm nay vẫn chưa được xác định, nhưng mức điểm tối thiểu ở một số khu vực đã thấp hơn năm ngoái (điểm xét tuyển thay đổi theo khu vực).


    Vấn đề khó khăn trong việc tuyển sinh của các học viện quân sự kể từ sau năm 2019, liên quan đến chính sách cứng rắn hơn của chính phủ Trung Quốc đối với Đài Loan và khả năng ngày càng tăng của các cuộc xung đột quân sự quy mô lớn ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

    Tại lễ kỷ niệm 40 năm công bố “Thư gửi đồng bào Đài Loan” được tổ chức vào đầu tháng 1 năm 2019, các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ đã có bài phát biểu mạnh mẽ về vấn đề Đài Loan, tuyên bố rằng việc thống nhất Đài Loan là trọng tâm của chính quyền ĐCSTQ trong tương lai.

    Ngoài ra, ĐCSTQ đã nói với người dân Đài Loan với thái độ đe dọa rằng họ nên “trân trọng hòa bình nhiều như trân trọng đôi mắt của chính mình” và rằng “độc lập là tuyệt lộ”. Nói cách khác, nếu người dân Đài Loan từ chối cái gọi là “thống nhất hòa bình” của ĐCSTQ, điều chờ đợi họ sẽ là chiến tranh.

    Ngay sau đó, ĐCSTQ nhấn mạnh tại hội nghị công tác của Quân ủy Trung ương diễn ra hai ngày sau đó rằng ĐCSTQ đang ở trong thời kỳ thời cơ chiến lược quan trọng. Vào lúc này, cần phải tăng cường nhận thức về chiến tranh trong quân đội, tích cực chuẩn bị cho chiến tranh, và làm sâu sắc thêm kế hoạch tác chiến và hoạt động để bảo đảm rằng trong trường hợp có chiến tranh, có thể phản ứng nhanh chóng và hiệu quả.

    Kể từ thời điểm đó, bóng đen của chiến tranh ngày càng đến gần với những người lính trẻ của ĐCSTQ, và năm 2019 cũng trở thành một năm bước ngoặt cho tình hình tuyển sinh của các học viện quân sự ĐCSTQ .


    Ông Cao Phong (Gao Feng), một nhà bình luận chính trị, nói với Epoch Times: “Khó khăn trong việc tuyển sinh đầu vào các trường quân sự và quân đội có liên quan đến việc ĐCSTQ hô hào chiến tranh và căng thẳng trong quan hệ eo biển Đài Loan trong những năm gần đây, cộng với chiến tranh Nga-Ukraine đã bùng phát vào đầu năm nay, người dân Trung Quốc biết rằng con cái của họ sẽ phải đối mặt với chiến tranh và chết chóc nếu đi lính”.

    Kể từ năm 2019, tình hình ở eo biển Đài Loan ngày càng trở nên căng thẳng hơn. Chỉ vài ngày trước, ngày 21/6, 29 máy bay quân sự Trung Quốc đã bay vào vùng nhận dạng phòng không ở tây nam Đài Loan, bao gồm: 17 máy bay chiến đấu, 6 máy bay ném bom, 2 máy bay cảnh báo sớm trên không, 1 máy bay chống ngầm, 1 máy bay trinh sát điện tử, 1 máy bay gây nhiễu điện tử và 1 máy bay tiếp nhiên liệu trên không. Quân đội Đài Loan đã điều động khẩn cấp chiến đấu cơ xua đuổi, đồng thời thực hiện các biện pháp như theo dõi, giám sát tên lửa phòng không để ứng phó. Lần này, 29 máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã gây rối không phận Đài Loan, lập kỷ lục nhiều thứ ba từ trước đến nay trong năm nay. Lần nhiều nhất xảy ra vào ngày 23/1, khi 39 máy bay quân sự Trung Quốc quấy rối Đài Loan và lần thứ hai xảy ra vào ngày 30/5 với 30 máy bay.

    Trước đó, ngày 13/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc ông Uông Văn Bân tuyên bố tại một cuộc họp báo rằng Trung Quốc có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với eo biển Đài Loan. Ông Uông Văn Bân cũng ám chỉ rằng việc chính phủ Hoa Kỳ định nghĩa eo biển Đài Loan là vùng biển quốc tế là sự can thiệp vào công việc nội bộ của ĐCSTQ.

    Vào ngày 12/6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoà (Wei Fenghe) cũng đã tuyên bố tại Đối thoại Shangri-La rằng nếu Đài Loan tiến tới độc lập, ĐCSTQ sẽ gây chiến bằng bất cứ giá nào.

    Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin trả lời rằng sự ép buộc của ĐCSTQ đối với Đài Loan đang ngày càng gia tăng và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Đài Loan trong việc tăng cường khả năng tự vệ và duy trì khả năng của Hoa Kỳ. Chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan không thay đổi, mà là ĐCSTQ đang thay đổi.


    Vào ngày 12/6, ĐCSTQ đã công bố “Đề cương về các hành động quân sự phi chiến tranh (thử nghiệm)”, cung cấp cơ sở pháp lý cho quân đội ĐCSTQ tiến hành các hoạt động quân sự phi chiến tranh ở nước ngoài. Khả năng xảy ra xung đột quân sự ở eo biển Đài Loan đã tăng lên rất nhanh.

    Ông Cao Phong nói với Epoch Times rằng ĐCSTQ ngày càng to tiếng hơn về việc tiến hành chiến tranh, và trong mắt các bậc cha mẹ, chiến tranh đã gần kề hơn với con họ, vì vậy một số thí sinh học giỏi, xuất sắc không muốn nộp đơn vào các học viện quân sự và không muốn đi lính. Thái độ hiếu chiến của ĐCSTQ trong những năm gần đây là nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn trong việc tuyển sinh của các học viện quân sự .

    Không có nhận xét nào