Header Ads

  • Breaking News

    Mỹ đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt về tự do tôn giáo: 16 năm vẫn quanh quẩn


    Ảnh minh họa. Đồ họa: Luật Khoa.

    Ngày 2/12/2022, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken tuyên bố Việt Nam sẽ nằm trong Danh sách Theo dõi Đặc biệt (Special Watch List) của Mỹ về tự do tôn giáo. [1]

    Vì sao việc này là điều đáng quan ngại đối với chính quyền Việt Nam?

    Danh sách Theo dõi Đặc biệt là danh sách mà Mỹ liệt kê các nước đang gây ra hoặc dung túng các vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo. Việt Nam, Algeria, Cộng hòa Trung Phi và Comoros (một quốc đảo ở phía Đông châu Phi) là bốn nước đang nằm trong danh sách này.

    Việc lọt vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt đưa Việt Nam tiến gần hơn đến khả năng bị xếp vào danh sách “Các quốc gia cần Quan tâm Đặc biệt” (Country of Particular Concern – CPC). Khi lọt vào danh sách CPC, Mỹ sẽ tiến hành các biện pháp chính thức về ngoại giao và có thể là trừng phạt kinh tế để buộc Việt Nam phải cải thiện vấn đề tự do tôn giáo.

    Sự thật là Việt Nam đã lọt vào danh sách CPC năm 2004 và nằm trong danh sách này hai năm liên tiếp. Khả năng Việt Nam bị đưa trở lại danh sách CPC một lần nữa đang đến rất gần. Bạn cần biết gì về động thái này của nước Mỹ liên quan đến tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam?

    Cuộc giằng co về tự do tôn giáo

    20 năm trước, vào tháng 11/2002, các quan chức Mỹ đã thông báo cho phía Việt Nam rằng chính phủ Mỹ có thể sẽ đưa Việt Nam vào danh sách CPC nếu không cải thiện các điều kiện để đảm bảo tự do tôn giáo. Đến năm 2003, Mỹ đã hoãn hội nghị Đối thoại Nhân quyền thường niên giữa Mỹ và Việt Nam. [2]

    Đến tháng 9/2004, Đại sứ lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ John Hanford tuyên bố Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách CPC. [3]

    Theo ông John Hanford, các lý do Việt Nam bị liệt vào danh sách CPC là chính quyền Việt Nam giam giữ nhiều tù nhân tôn giáo, đóng cửa các nhà nguyện, cưỡng bức từ bỏ đức tin tôn giáo, đánh đập và giết hại các tín đồ tôn giáo. [4]

    Để tránh bị Mỹ áp đặt các trừng phạt, phía Việt Nam đã đồng ý ký một thỏa thuận ràng buộc với Mỹ vào năm 2005 về cải thiện chính sách tự do tôn giáo tại Việt Nam.

    Theo thỏa thuận này, Việt Nam cam kết sẽ thực hiện một cách đầy đủ các quy định pháp luật mới và bãi bỏ các quy định trái ngược trước đó về tôn giáo; chỉ đạo chính quyền các địa phương thực thi nghiêm ngặt và đầy đủ các quy định pháp luật mới về tự do tôn giáo, tạo thuận lợi cho tiến trình mở các cơ sở thờ tự của các hội đoàn tôn giáo; đặc biệt xem xét đến các tù nhân và những trường hợp tù nhân thuộc mối quan tâm của Mỹ trong suốt quá trình ân xá.

    Có thể thấy, Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2004 cũng thuộc khuôn khổ mà Việt Nam cam kết trong giai đoạn này.Vào năm 2005, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã được phép trở về Việt Nam sau 40 năm lưu vong ở nước ngoài. [5]

    Tuy nhiên, phải đến năm 2006, Việt Nam mới thoát khỏi danh sách CPC sau một thỏa thuận ràng buộc với chính phủ Mỹ. Nội dung của thỏa thuận này chưa bao giờ được công bố. Việc Mỹ đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt cho thấy thỏa thuận này đang bị lung lay.

    Cơ chế của Mỹ đối với tự do tôn giáo ở nước ngoài

    Năm 1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton là người đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Ba năm sau, cũng dưới thời Clinton, một đạo luật cho phép Mỹ ưu tiên thúc đẩy tự do tôn giáo trong các chính sách ngoại giao của mình đã ra đời. Đạo luật này có tên là Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA). [6]

    Danh sách CPC được nêu ra trong đạo luật này nhằm chỉ định các quốc gia được Mỹ cho là đang vi phạm một cách có hệ thống, liên tục và ở mức độ tồi tệ nhất về tự do tôn giáo.

    Những nước nào bị liệt vào danh sách CPC thì trách nhiệm của chính quyền Mỹ là tiến hành các biện pháp từ ngoại giao đến trừng phạt kinh tế để buộc nước đó chấm dứt và loại bỏ dần các vi phạm về tự do tôn giáo.

    Năm 2004, việc Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách CPC góp phần cản trở tiến trình Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hoa Kỳ đã mặc nhiên xem chuyện gia nhập WTO của Việt Nam gắn liền với việc cải thiện tự do tôn giáo. Cho đến năm 2006, khi thỏa thuận ràng buộc với Việt Nam để cải thiện tự do tôn giáo được ký kết, Hoa Kỳ mới trao cho Việt Nam quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (permanent normal trade relation), mở đường cho Việt Nam gia nhập WTO vào đầu năm 2007. [7]

    Vì vậy, việc bị Mỹ đánh giá tồi tệ về tự do tôn giáo sẽ dẫn đến những hậu quả khó có thể lường trước đối với chính quyền Việt Nam, và thậm chí là ảnh hưởng về mặt kinh tế.

    Bên cạnh đó, hai cơ quan được thành lập theo IRFA để giám sát về tự do tôn giáo là Văn phòng Bộ Ngoại Giao Mỹ về Tự do Tôn giáo Quốc tế và Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc Tế Mỹ (USCIRF), tiến hành công bố báo cáo hàng năm về tự do tôn giáo ở các nước, bao gồm Việt Nam. Từ năm 2002, USCIRF đã liên tục đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách CPC. [8]

    Vào tháng 10/2022, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng đã trực tiếp chỉ trích USCIRF là xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, làm tín đồ tôn giáo nghi ngờ về chính sách tự do tôn giáo của nhà nước. [9]

    Việt Nam: Giậm chân tại chỗ về tự do tôn giáo

    Mặc cho việc chính quyền Việt Nam tuyên truyền rằng Việt Nam đang đảm bảo quyền tự do tôn giáo cho người dân, tuy nhiên, báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế của Mỹ về tình hình tự do tôn giáo năm 2021, tại chương về Việt Nam, lại đưa ra một bức tranh rất u ám. [10]

    Theo đó, trong năm 2021, chính quyền Việt Nam đã dùng nhiều thủ đoạn để trấn áp, cản trở việc thực hành quyền tự do tôn giáo.

    Báo cáo này dẫn ra hàng loạt vụ việc về những tín đồ Tin Lành ở khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên đã bị chính quyền ngăn cản sinh hoạt tôn giáo, sách nhiễu, thẩm vấn, bắt giữ tùy tiện và tra tấn. Chính quyền cũng từ chối cung cấp các phúc lợi xã hội cho các tín đồ như một hình thức trừng phạt các hoạt động tôn giáo không được chính quyền đồng ý. Chính quyền vẫn kiên quyết cấm các tôn giáo mới hoạt động bằng cách cản trở họ sinh hoạt, xử phạt vi phạm hành chính. Cả các nhóm có đăng ký cũng bị chính quyền sách nhiễu.

    Mặt khác, chính quyền địa phương vẫn diễn giải và thực thi khác biệt nhau về các quy định trong Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016, họ từ chối cấp phép hoạt động cho hàng loạt các nhóm tôn giáo. Vào tháng 5/2022, một bài viết của một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Tôn giáo cũng khẳng định điều tương tự. Theo đó, chính quyền địa phương ở nhiều nơi, một phần vì sợ trách nhiệm quản lý, đã từ chối cấp phép cho hoạt động tôn giáo. [11]

    Ngoài ra, Công giáo vẫn còn nhiều tranh chấp với chính quyền về đất đai bị thu hồi năm 1954 ở miền Bắc và sau năm 1975 ở miền Nam. Các giáo xứ ở một số tỉnh vẫn xung đột với chính quyền cũng về đất đai hoặc các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường, quyền con người. Một mặt, chính quyền vẫn tuyên bố tạo điều kiện cho các nhóm tôn giáo cung cấp dịch vụ xã hội, nhưng trên thực tế các quy định pháp luật vẫn không rõ ràng, và tồn tại nhiều điều luật gây cản trở.

    Sau 16 năm, kể từ khi thoát khỏi danh sách CPC, Việt Nam tuy chưa được đưa trở lại nhóm các nước đàn áp tôn giáo tồi tệ nhất, nhưng có dấu hiệu cảnh báo điều này sẽ xảy ra sớm muộn. Có nhiều vấn đề tôn giáo mà chính quyền Việt Nam đến nay vẫn chưa giải quyết được, bao gồm chấp nhận các nhóm tôn giáo độc lập, ngừng can thiệp vào nội bộ các tổ chức tôn giáo.

    Sẽ không có cách nào khác để đưa Việt Nam thoát khỏi tầm ngắm của Mỹ ngoài việc cải thiện tình hình tự do tôn giáo. Khi đó, người dân, các tín đồ, các tổ chức tôn giáo sẽ được hưởng quyền thực hành tôn giáo chính đáng của mình. Nếu chính quyền không làm được điều này, câu hỏi nên đặt ra là chính quyền thực sự đang vì quyền lợi của ai?


    Điều đáng quan ngại đối với chính quyền Việt Nam.

    Văn Tâm

    Không có nhận xét nào